Thưa quý vị,
Khi chúng ta lâm vòng khổ luỵ, không tự cứu vớt được mình, chúng ta thường rơi vào bàn tay những kẻ vô lại mà bề ngoài xem ra là mạnh thường quân. Thế hệ ông nội tôi di cư từ nước Ý Đại Lợi sang Hoa Kỳ đã rơi vào trường hợp tương tự. Họ cập bến Ellis (New York). Các viên chức hải quan và biên phòng đón tiếp họ, niềm nở giúp đỡ và đổi tiền địa phương cho họ tiêu dùng. Các người mới đến còn lạ lẫm với phong thổ và hệ thống pháp lý, nên đưa cho họ hết gia tài nhỏ bé của mình, tin tưởng họ sẽ đổi thành tiền đôla qui giá. Ai ngờ khi vào đất liền, đem đôla ra dùng thì toàn là giấy giả và các đồng xu cọc cạch chẳng ai thèm nhận. Các nạn nhân không dám hé môi, vì sợ bị đuổi về. Hậu quả là các thế hệ con cháu nghi ngờ lòng tốt của hết mọi người, nhất là khách lạ. Biết đâu dưới bộ điệu nhân hậu lại là những tay vô nhân, cướp bóc không biết nương nhẹ. Một tu sĩ kia vừa mất một số tiền chung của nhà Dòng khi rời phòng không quá mười phút, vì bị gọi đi công tác. Trong nhà dòng toàn người thánh thiện cả. Chẳng kiếm ra thủ phạm. Đây không phải là trường hợp duy nhất. Vô số những người già có số vốn ít ỏi để nuôi dưỡng mình những năm tháng còn lại, đều bị phá sản như thế. Những tay vô lại chẳng biết xót thương ai. Các nạn nhân chỉ còn ‘kinh nghiệm’ sự kiện mà nhủ mình rằng : Một lần dại thì dái (sợ) đến già, hoặc một sự bất tín, vạn sự chẳng tin.
Tất cả những điều này đưa chúng ta đến suy niệm bài đọc 1, Isaia hôm nay.
Khi rơi vào tuyệt vọng cần giúp đỡ thì người ta phải chắc chắn rằng sự giúp đỡ đó là có thật và nhân hậu, chứ không giả vờ rồi lừa dối bóc lột. Dân tộc Israel cũng ở trong tình huống đó: Họ bị đế quốc Babylon hà hiếp, không lối thoát, bị đày đi làm tôi đòi ở thế kỷ thứ 6 TCN. Trăm cay ngàn đắng đè nặng trên vai. Họ kêu cầu Đức Chúa và Ngài ra tay giải thoát. Nhưng lấy gì làm bằng chứng? Isaia phải nhân danh Đức Chúa mà tuyên hứa: “Đây là lời Đức Chúa, Đấng đã vạch một con đường giữa đại dương, một lối đi giữa sóng nước oai hùng, Đấng đã cho xuất trận nào chiến mã, binh hùng tướng mạnh – tất cả đã nằm xuống mà không còn trỗi dậy.” Người phán như sau: “Ta sắp làm một việc mới, việc đó đã manh nha rồi, các người không nhận ra sao?” như thế Đấng giải thoát Israel phải đưa ra bằng chứng làm tin. Đấng phải tỏ ra uy tín của mình là đáng tin cậy và chân thật. Nếu dùng ngôn ngữ cờ bạc thì chúng ta nói Isaia đã đặt tất cả bảo chứng của Chúa lên bàn cân để dân tộc Israel xem xét và quyết định. Đấng là Thiên Chúa đã thực hiện những kỳ công vĩ đại cho tuyển dân khi họ ở trong kiếp nô lệ Ai cập. Ngài đã dẫn đưa họ ra khỏi nước đó, xẻ đôi lòng biển để họ đi qua khô chân, phá huỷ đạo binh Ai cập đuổi theo. Như vậy, Lời Chúa là đáng tin cậy, bảo chứng của Ngài là vững chắc. Tuy nhiên Thiên Chúa không phải là của quá khứ, của thời oai hùng đã qua, mà là Thiên Chúa của thời hiện tại, thời của tuyển dân đang chịu đi lưu đày ở đế quốc babylon. Isaia nói thay Thiên Chúa trong ngôi thứ nhất: “Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện thời xưa, chớ quan tâm về những việc đã qua. Này ta sắp làm một việc mới.” Việc xuất hành lần thứ nhất đã là vĩ đại, xuất hành lần thứ hai vĩ đại hơn. Sự việc đã bắt đầu: “Việc đó đã manh nha rồi, các ngươi không nhận ra sao?” lần xuất hành khỏi kiếp nô lệ Ai cập, Thiên Chúa đã chuẩn bị cho tuyển dân con đường trong sa mạc, với manna và nước uống thích hợp cho cuộc ra đi. Trong rừng rậm thú dữ không hề làm hại họ. Nước từ trong mạch đá chảy ra dồi dào cho họ uống thoả thuê.
Như vậy Isaia muốn nói với tuyển dân Dothái: quý vị hãy đánh giá bảo chứng của Thiên Chúa. Khi cha ông chúng ta ở Ai cập, khô héo vì lầm than. Thiên Chúa đã đến cứu giúp và dẫn đưa các ngài qua các nẻo đường trong sa mạc và làm nhiều dấu lạ điềm thiêng để họ có thể trở về quê cha đất tổ ở Canaan. Thì bây giờ xin đừng tuyệt vọng trong hoàn cảnh hiện tại. Thiên Chúa sẽ cứu vớt anh em lần nữa. Tội bất trung của anh em đã dìm sâu anh em vào nô lệ Babylon. Nhưng Thiên Chúa đã lãng quên hết những sự dữ đó. Cái chi đã qua thì cho qua luôn (letting bygones be bygones). Thiên Chúa sẽ tái tạo anh em thành dân tộc mới. Xưa kia anh em không phải là dân Ngài. Thì nay Ngài làm cho anh em thành một dân trung thành và thánh thiện. Khi lời hứa, tôi nói với anh em trở thành hiện thực, thì anh em phải nên dấu chỉ cho thiên hạ, một sự công bố cương quyết về lòng trắc ẩn, tha thứ và ưu ái cho muôn dân và con cháu mai sau: “Phải, Ta sẽ mở con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông, từ vùng đất khô cằn, loài dã thú, chó rừng, đà điểu, đều sẽ tôn vinh ta. Vì Ta cho chúng nước chảy từ giữa sa mạc… Ta đã gây dựng cho Ta dân này. Chúng sẽ lên tiếng ngượi khen ta.” Còn lời nào vững chắc hơn? Khi tuyển dân bất trung bị ném vào kiếp sống nô lệ, nay lại được phục hồi thì chẳng thể gán cho ai công lênh ấy, ngoài Thiên Chúa, Đấng cứu vớt họ và là nguồn mạch tự do của họ. Họ chẳng thể nghi ngờ lòng nhân ái và xót thương của Thiên Chúa. Chẳng thể không ngợi khen Ngài. Tiên tri Isaia tuyên sấm rõ ràng như vậy.
Chúng ta đang trong tiến trình đến gần ngày lễ vượt qua của Đức Kitô. Ngài sẽ cứu thoát chúng ta khỏi kiếp nô lệ tội lỗi bằng cái chết và phục sinh. Khi lãnh nhận Phép rửa tội, chúng ta được Thiên Chúa ban khả năng làm cuộc hành trình với Ngài tiến về Thiên đàng. Chúng ta sẽ vượt qua kiếp nô lệ xác thịt để tới bến bờ tự do của con cái Chúa, thì chúng ta cũng tin rằng Thiên Chúa, qua Đức Kitô, bỏ lại tội lỗi chúng ta đằng sau, mà ban cho đời sống mới: “Các ngươi đừng nghĩ lại chuyện ngày xưa, chớ quan tâm về những việc thời trước”. Những chi chúng ta không tự thân làm được thì Thiên Chúa sẽ làm cho chúng ta trong Đức Kitô, giống hệt như lời hứa của Isaia cho tuyển dân: “Này ta sẽ làm một việc mới!” và bảo chứng của Ngài về lời hứa cũng vững chắc như vậy. Ngài sẽ giải phóng chúng ta khỏi kiếp nô lệ ích kỷ, say sưa, đĩ điếm, vô cảm, tức giận, gian dối, giả hình… Còn chi yên ủi hơn? Chúng ta nên cộng tác với ơn Ngài, trở về cùng Thiên Chúa qua trung gian Đức Kitô, lời hứa đã biến thành xác thịt. Đức Kitô sẽ chỉ cho chúng ta hay Thiên Chúa không phải là của quá khứ, tương lai hay tiểu thuyết hư cấu, mà là của hiện tại, sắp làm một việc mới, không ngừng làm những việc mới nơi chúng ta, nơi cộng đoàn giáo xứ, nơi nhân loại trong suốt mùa chay này.
Người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, được dẫn đến cho Chúa Giêsu. Theo luật Môsê, chị ta sẽ bị ném đá chết. Án phạt đã rõ ràng. Nhưng các thần học gia Dothái và cấp lãnh đạo đền thờ còn muốn sử dụng cô ta làm miếng mồi để gài bẫy Chúa Giêsu. Họ biết rõ anh thợ mộc làng Nazareth bỏ nghề đi lang thang vốn to tiếng hô hào lòng thương xót và công lý của Thiên Chúa. Anh ta còn tuyên bố mình là hiện thân của những thứ đó do Thiên Chúa sai đến. Vậy nếu anh ta tha thứ cho dâm phụ, thì công lý của Thiên Chúa nơi anh ta thất bại. Nếu anh ta truyền ném đá thì lòng thương xót mà anh hằng rêu rao biến đi đâu? Dù Chúa Giêsu trả lời thế nào, thì cũng bị sập bẫy. Mưu mẹo quá hiểm độc.
Nhưng giải pháp của Chúa thật bất ngờ, không ai nghĩ tới, nó chính xác và nhanh nhẹn hơn những phát súng của các cao bồi Texas. Ngài cúi xuống viết trên cát bằng ngón tay cho nên chữ lớn lắm, mọi người đều đọc được cả: “Tại sao lại rắc rối vậy?” rồi ngẩng lên Ngài tuyên bố: “Ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Và lại cúi xuống viết tiếp những tội thầm kín trong lòng người ta. Thấy thế, các thượng tế, luật sĩ, pharisêu dần dần rút lui. Như vậy, Người Con của Thiên Chúa tuần này đã cứu sống một phụ nữ hoang đàng, hoà điệu với người Cha đón nhận đứa con hư hỏng tuần trước. Hai cha con giống nhau y hệt: tìm kiếm và cứu vớt những tội nhân.
Người ta kể rằng các phim trường ở Mỹ ưa khai thác bạo lực. Một người hùng chính hiệu phải có phẩm chất: tự tin, độc lập, không biết sợ hãi. Dĩ nhiên anh ta phải dùng đến bạo lực. Nhưng trong một cuốn phim người yêu của kẻ hùng bị nạn, cần cứu thoát, tuy nhiên cô ta từ chối bạo lực. Làm thế nào anh ta hành động nổi? Đạo diễn cuốn phim đành chịu thua không đưa ra được giải pháp thoả đáng làm hài lòng mọi người.
Nhưng trong Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu chứng tỏ Ngài cứu vớt người yêu mà không cần bạo lực. Ngài đứng đấy một mình với cô ta. Có thể là cô ta nghĩ mình thực sự là người tình giữa nhân loại, dám liều mạng sống vì người yêu. Nhưng sự gì đã xảy ra? Người đàn ông này là ai? Cô ta nhìn thẳng vào mặt Đức Chúa Trời, vào trái tim Ngài và ngộ ra thân phận tội lỗi của mình. Tuy nguy hiểm đã qua, nhưng còn tội lỗi thì sao? Cô ta hết sức ngạc nhiên khi nghe bên tai lời Chúa phán: “Tôi không lên án chị đâu. Cứ đi về bình an và từ nay đừng phạm tội nữa!” Thì ra tấm lòng của Đức Chúa Trời là như vậy. Trái tim cô ta bay bổng trong vui mừng vì cảm nghiệm được Chúa thứ tha và ban hy vọng. Cô thực sự bước vào một thế giới mới của ơn cứu chuộc mà người đàn ông này vừa tuyên bố. Cô ra đi còn mang trong trái tim hình ảnh của người ân nhân, biểu tượng mới của thế giới tình yêu chân thật.
Mùa chay này là thời gian thuận tiện để chúng ta canh tân linh hồn trong Đức Kitô. Câu truyện người đàn bà ngoại tình thật tuyệt vời. Nhiều hay ít, tất cả chúng ta đều mang hình ảnh của cô gái hoang đàng trong nhân cách mình. Và Thiên Chúa cũng nói với mỗi người “Ta không lên án ngươi cứ đi về bình an và từ nay đừng phạm tội nữa”. Giống như người phụ nữ, chúng ta cũng cần nhìn vào mắt Chúa và nhận ra tình yêu thắm thiết của Ngài. Phản ứng của chúng ta cũng là ý thức về các nhơ nhớp của mình: Nhơ nhớp khi không chia sẻ với những người nghèo khổ, nhơ nhớp khi kết án vô cớ, nhơ nhớp khi gian lận giả hình, khi không thứ tha, khi cố ý bảo lưu sai lầm, khi cường điệu, ức hiếp kẻ khác và còn nhiều thứ nhơ nhớp khác nữa.
Chỉ có Đức Kitô mới rửa sạch chúng ta khỏi những nhơ nhớp ấy. Tự bản chất, chúng ta là những kẻ ưa ném đá người khác, như lời nhà văn Nga Dostoyevsky: “No beast could ever be as cruel as man” ( chẳng súc vật nào độc ác như con người). Nên chỉ có Đức Kitô mới khoan dung thương xót như câu truyện hôm nay. Ngài sẽ xây dựng con đường an toàn cho chúng ta trở về cùng Thiên Chúa qua sa mạc khô cằn của cõi lòng con người. Chúng ta chẳng mấy khi tha thứ cho tội nhân, ngược lại, nhất định thanh toán, tẩy sạch cho bằng được. Chúng ta dùng những hình phạt ghê gớm, những thủ đoạn quỷ quyệt, bắt người khác phải khuất phục. Trong khi chúng ta nương nhẹ các lầm lỗi của mình, coi như chuyện nhỏ không đáng để ý. Chúng ta chẳng mấy khi dùng một tiêu chuẩn duy nhất để đo lường lỗi lầm của kẻ khác và của mình. Luôn khắc khe với thiên hạ và dễ dãi với mình. Vậy gương sáng của Chúa hôm nay là một bài học quí giá. Ngài tha thứ và cứu vớt, khác hẳn với thái độ khắc nghiệt của các thần học gia Dothái và thế lực đền thờ. Ném bùn nhơ vào thiên hạ thì tay mình cũng nhuốm bẩn. Cho nên Chúa Giêsu tha bổng cho người thiếu phụ ngoại tình. Chúng ta phải học lấy gương sáng ấy mà đối xử với nhau cho thanh sạch. Một khi đã kinh nghiệm sự tha thứ của Thiên Chúa, chúng ta phải làm chứng nhân cho lòng thương xót của Thượng Đế. Đừng dùng sự phẫn nộ chính đáng tôn giáo mà kết án thiên hạ. Nhưng hãy rao giảng sự khoan hồng, thứ tha của Đức Chúa Trời cho muôn dân. Được như vậy mùa chay này mới mang ý nghĩa và Phúc Âm hôm nay mới thực là bài học. Amen.
LM Jude Siciliano, OP.