Dân Do-thái rất ghét những người thu thuế vì thấy họ hay sách nhiễu dân tình, hối mại quyền thế, tham ô nhũng lạm, và nhất là vì họ làm tay sai cho ngoại bang (thu thuế cho nhà nước bảo hộ Rô-ma). Vì thế, những người thu thuế thường bị coi là hàng ngũ tội lỗi. Ông Da-kêu là một người như thế và còn hơn thế nữa, là một đầu sỏ của nhóm người tội lỗi ấy (“ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có” – Lc 19, 2). Có lẽ chính ông Da-kêu cũng nhận ra điều này. Đàng khác, chắc chắn ông cũng nghe nhiều người kể lại danh tánh một người tên là Giê-su Con Thiên Chúa đã làm nhiều phép lạ chữa bệnh cho nhiều người, và một điều đặc biệt là ông Giê-su ấy chỉ chuyên đến với những người nghèo hèn, tội lỗi, tù rạc, bệnh hoạn. Vì thế, ông muốn tìm cách gặp để xem ông Giê-su là người như thế nào và có thực đúng như những lời đồn đại hay không.
Cơ hội đã tới, khi biết người mình muốn tìm gặp sắp đi ngang qua thành Giê-ri-khô, Da-kêu liền chen vào đám đông thực hiện ý định; chỉ hơi tiếc một điều là dân chúng chen chúc quanh Đức Ki-tô thì quá đông, mà ông lại quá… lùn. Nhưng ông quyết không bỏ lỡ cơ hội, bèn tìm cách leo lên cây cao để nhìn cho rõ, và đó chính là một sáng kiến xuất phát từ lòng khao khát muốn đạt được mục đích. Cũng chính từ lòng khao khát ấy mà ông được toại nguyện còn hơn cả sự mong muốn của mình. Đức Giê-su không chỉ đi ngang qua cho Da-kêu nhìn thấy, mà Người còn gọi đích danh ông và hứa vào tận nhà ông (“Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” – Lc 19, 5). Quả đúng như lời đồn đại về Đức Giê-su, không những thế, Người còn thực hiện đúng những gì Người đã dạy (“Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho” – Mt 7, 7).
Tất cả những sự kiện xảy ra nhãn tiền đã khiến ông Da-kêu, từ một người mới chỉ nghe danh và tò mò muốn biết Đức Ki-tô là ai và là người như thế nào, đã trở thành một người vững tin và quyết tâm sám hối, sửa chữa lỗi lầm của mình (“Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” – Lc 19, 8). Hành động ấy đã khiến Đức Giê-su chạnh lòng và nói về ông Da-kêu thế này: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.” (Lc 19, 9-10). Lời dạy này mang ý nghĩa gì ?
Có 2 điều cần suy gẫm: Thứ nhất, ông Da-kêu là con cháu tổ phụ Ap-ra-ham, mà tổ phụ Ap-ra-ham là con cái Thiên Chúa, nên ông Da-lêu cũng là con cái Thiên Chúa. Đã là con cái Thiên Chúa thì tất cả đều bình đẳng trong ân nghĩa Chúa, hay nói khác hơn, đã là con cái Thiên Chúa thì tất cả đều được cứu độ, dù cho có bị lạc đường vì tội lỗi thế nào mặc lòng (như trường hợp “Con chiên bị mất” – Lc 15, 4-7 ; “Đồng bạc bị mất” – Lc 15, 8-10 ; Đứa con hoang đàng “đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” – Lc 15, 11-32). Tuy nhiên, những con chiên bị lạc đường vì tội lỗi ấy khi được Chúa tìm và vui vẻ vác trên vai trở về, liệu có thực lòng muốn trở về đường ngay nẻo chính hay không? Và đó chính là điểm cần suy gẫm thứ hai: Ông Da-kêu khi được gặp Chúa, được Chúa lại thăm tận nhà, ông đã sáng mắt sáng lòng hiểu ra con người thực của mình chứa đầy tội lỗi nhuốc nhơ, hiểu được Con Người mà ông tò mò muốn biết chính là Thiên Chúa, Đấng cứu độ trần gian, nên ông đã thực lòng ăn năn sám hối và đã được cứu độ.
Nhìn vào hình ảnh Da-kêu, nảy sinh ý nghĩ: Mặc dù là Ki-tô hữu, nhưng có thể tôi, anh – chúng ta – chưa hiểu biết nhiều về Thiên Chúa, về Đức Giê-su. Và cũng rất có thể chúng ta chưa hề gặp gỡ Người một cách thật sự, mặc dù chúng ta vẫn cầu nguyện, dâng lễ, rước lễ hàng ngày. Vì nếu chúng ta đã thực sự được gặp gỡ Người, chắc chắn chúng ta phải được biến đổi một cách sâu xa như Da-kêu đã từng được Chúa biến đổi. Vấn đề đặt ra là chúng ta không có được tâm tình như Da-kêu, hay nói cách khác, trở ngại lớn nhất cản bước chúng ta tìm đến gặp gỡ Chúa chính là “cái tôi” đã định hình trong chúng ta một tính cách vị kỷ. Thật thế, “Tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm… Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm.” (Rm 7, 15.19). Vì thế muốn gặp gỡ Đức Ki-tô để có thể biến đổi, hoán cải cuộc đời mình, thì tiên vàn phải dẹp bỏ cái tôi – tức là phải “từ bỏ chính mình” (Mt 16, 24; Mc 8, 34; Lc 9, 23) – hơn thế nữa còn sẵn sàng “vác thập giá mình” mà theo Chúa.
Như vậy là đã rõ, tình yêu Chúa tuôn đổ tràn đầy, không phân biệt nội ngoại, giàu nghèo, sang hèn. Vấn đề đặt ra là anh có nhận ra và phân biệt được đâu là thật và đâu là giả giữa cõi đời chân giả khôn phân này hay không mà thôi. Và khi đã phân biệt được chân giả, thì biết tìm đến chân lý với tất cả lòng tin, với tất cả thiện chí. Chỉ đến khi đó, Thiên Chúa sẽ “dùng quyền năng mà hoàn thành mọi thiện chí của anh em và mọi công việc anh em làm vì lòng tin” (2Tx 1, 11). Chắc chắn sẽ có một cuộc đổi đời xảy đến với anh cũng như đã xảy đến với ông Da-kêu thủa xưa. Ấy cũng bởi vì “danh của Chúa chúng ta là Đức Giê-su, sẽ được tôn vinh nơi anh em, và anh em được tôn vinh nơi Người, chiếu theo ân sủng của Thiên Chúa chúng ta và của Chúa Giê-su Ki-tô” (2Tx 1, 1). Ước được như vậy. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.