Hành trình đức tin của tổ phụ Abraham là mẫu gương sáng ngời soi chung cho mọi người ở mọi nơi và trong mọi thời. Dòng dõi con cái cháu chắt nhiều đời của ông tổ đã trở nên một dân tộc đông đúc sinh sống ở Ai-cập. Trong chương trình cứu độ, từng bước Thiên Chúa đã hướng dẫn lịch sử của dân đã được chọn này. Thiên Chúa mạc khải cho ông Môisen về ý định cứu dân ra khỏi vùng đất bị làm tôi đòi nô lệ để đi vào miền Đất Hứa. Ông Môisen đã chứng kiến: Thiên sứ của Thiên Chúa hiện ra với ông trong đám lửa từ giữa bụi cây. Ông Mô-sê nhìn thì thấy bụi cây cháy bừng, nhưng bụi cây không bị thiêu rụi (Xh 3,2). Ông Môisen nhìn thấy sự lạ là bụi gai cháy, nhưng không bị thiêu rụi. Đây là dấu hiệu của trời cao loan báo một sứ điệp. Ông đã tiến lại gần để ngắm nhìn và lắng nghe: Thiên Chúa phán: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng (Xh 3, 7). Lời hứa năm xưa với ông Abraham, hơn bốn trăm năm sau, nay mới bắt đầu khai mở.
Thiên Chúa mạc khải chính mình: Thiên Chúa phán với ông Mô-sê: “Ta là Đấng Hiện Hữu.” Người phán: “Ngươi nói với con cái Ít-ra-en thế này: “Đấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em.”(Xh 3, 14). Dân chúng sống tạm nhờ trong miền đất Ai-cập đã qúa lâu, nhiều cháu chắt không còn nhớ đến các tổ phụ cha ông. Trong suốt thời gian lưu lạc ở đất Ai-cập, sách sử không ghi lại những chứng tích biến cố vĩ đại nào. Sau khi tể tướng Giuse, con của ông tổ phụ Giacob qua đời, dân chúng sống trong âm thầm và sinh xôi nẩy nở rất đông. Thiên Chúa luôn ghé mắt đoái nhìn đến đoàn con dân của Người. Khi thời gian đã mãn, Thiên Chúa chọn và gọi ông Môisen thi hành sứ mệnh giải thoát dân. Chúng ta nghe biết câu truyện của Môisen được cứu vớt lên khỏi nước và trở thành thủ lãnh đưa dân ra khỏi nước Ai-cập. Thiên Chúa đã ban cho ông uy quyền biến đổi và thực hiện các sư lạ trước mặt vua quan Ai-cập để minh chứng bàn tay uy quyền Thiên Chúa.
Hành trình đi về đất hứa đầy gian nan và thử thách. Khi gặp những sự khó khăn mà không thỏa mãn nhu cầu vật chất về cái ăn cái uống, dân chúng đã nổi loạn và kêu trách ông Môisen. Chúa phạt rồi Chúa lại tha. Ông Môisen như người trung gian cũng đối diện với khó khăn tư bề. Thiên Chúa hướng dẫn dân đi theo đường chính nẻo ngay, trong khi dân chúng bị ảnh hưởng cuộc sống thế tục và đa thần giáo, nên nhiều lúc họ đã bỏ Chúa chạy theo các thần dân ngoại. Môisen phải cùng phấn đấu với các thử thách để vượt qua những sự yếu đuối của kiếp người. Chúng ta biết ông Môisen cũng chỉ là một con người mỏng dòn và giới hạn mọi điều. Khi dân hối lỗi, Chúa lại tha thứ. Suốt 40 năm lang thang trong hoang địa, Môisen đã dẫn đoàn dân tới bờ miền Đất Hứa. Ông đã chu toàn sứ mệnh thanh luyện niềm tin của Dân vào Thiên Chúa duy nhất.
Mùa sám hối, xin kể câu truyện: Ngày kia một giáo sư già đi chơi qua khu rừng, bên cạnh có cậu học trò cùng đi. Thình lình ông dừng chân chỉ vào bốn cây gần đó. Cây thứ nhất mới ló lên khỏi mặt đất, cây thứ hai khá hơn, cây thứ ba lớn hơn và cây thứ bốn đã khá to rồi. Thầy nói: Trò hãy nhổ cây thứ nhất. Chỉ với hai ngón tay, cậu đã nhổ dễ dàng. Thầy tiếp: Bây giờ con hãy nhổ cây thứ hai. Cậu phải dùng cả hai tay. Nhổ tiếp cây thứ ba, cậu phải dùng hết sức lực hai cánh tay mãi mới nhổ được. Thầy nói: Bây giờ hãy cố gắng nhổ cây thứ tư. Hai cánh tay ôm lấy thân cây, cậu cố sức lay nhưng lá nó cũng chẳng rung rinh. Thầy nhẹ nhàng bảo: Đó con thấy không. Về các tính hư và tật xấu của ta cũng vậy. Khi mới nhiễm thì dễ khử trừ, nhưng nếu để chúng đâm rễ sâu trong tâm khảm và trong thân xác, con sẽ khó mà trừ khử.
Chúng ta biết các thói hư tật xấu giống cỏ dại, nơi đâu cũng có thể mọc lên mà không cần vun tưới. Cỏ dại nơi lòng người cũng cứ tự nhiên phát triển. Điều tốt mình muốn nhưng lại không làm. Bản năng con người có cảm tình với các tật xấu, tội lỗi và hướng chiều về sự dữ. Tội lỗi có một ma lực kéo lôi và quyến rũ. Nếu chúng ta không cẩn thận ngăn ngừa và cắt bứng ngay. Khi hạt giống sự dữ được gieo vào lòng thì lớn lên nhanh. Thói quen xấu lâu ngày trở thành tật bệnh. Sự sám hối là nhận biết chính mình để phục hồi sự tốt lành thánh thiện. Bài phúc âm nhắc nhớ câu truyện của mấy người Galilêa bị ngược đãi, bị ghép tội và bị giết. Chúa Giêsu nhắn nhủ mọi người: Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy (Lc 13, 3). Chưa chắc những người này là những người tội lỗi. Mùa chay, mỗi người chúng ta hãy tự xét chính mình trước mặt Chúa.
Có đôi khi biết thân và biết ý xấu nhưng chúng ta lại tiếc thân ý xấu, không muốn dứt bỏ. Rất tiếc khi bỏ đi những ý tưởng xấu, lời nói hành, bịa truyện gian dối, cờ bạc, rượu chè và gian dâm. Ai nghiện hút thuốc cũng biết, bên ngoài bao thuốc có chữ ‘hút thuốc có hại cho sức khỏe’ hay ‘hút thuốc có thể gây bệnh ung thư phổi’. Biết có hại đó, cám ơn lời nhắc nhở, nhưng lại tiếc thân nghiện và không dám dứt bỏ. Tất cả các thói hư tật xấu mà chúng ta mắc phải cũng đã được nuôi dưỡng từng ngày. Chúng ta biết rằng sự xấu, sự dữ là tội, là sai trái và là sự hư đốn, nhưng lại tiếc như tiếc của, chẳng muốn rời xa. Đôi khi chúng ta bị lún sâu và ngụp lặn trong những cơn mê lầm này. Vì tội kéo theo tội. Nói dối điều này, kéo theo điều khác để biện minh. Chúng ta không thể tưởng tượng rằng đã có nhiều vụ án ghê gớm xảy ra cũng chỉ vì tội nhân dấu diếm một lỗi phạm nhỏ ban đầu. Người ta tìm cách phi tang dấu vết và dùng thủ đoàn để che dấu lỗi lầm, nên đã dẫn đến những hậu qủa khó lường như trả thù đánh đập, gia đình tan vỡ, phá thai hay giết người. Khởi đầu là những nguyên nhân và sự cố rất nhỏ, vì sợ bị phát hiện nên dấu bớt sự thật, dần dần sự dối trá sinh ra nhiều oan trái và báo thù khủng khiếp.
Tại sao nhiều người thích nói dối? Nói dối vì muốn dấu diếm sự thật không tốt và không muốn bị rầy la quở trách. Nói dối loanh quanh sẽ không có điểm dừng, nói dối này kéo theo dối trá khác. Vì nói thật thì mất lòng. Nói thật thì mất lợi lộc. Nói thật có thể bị mất danh hờ. Nói thật thì mất nhiều thứ khoái và nói thật thì bẽ bàng. Chúng ta biết chỉ có sự thật mới giải thoát. Sự thật thì đơn giản và vắn gọn. Sống đạo là sống trong sự thật. Hạt giống đức tin của tình yêu và sự thật cần được vun trồng tưới gội để phát triển. Đừng để niềm tin bị bóp nghẹt giữa đám cỏ dại của sự gian dối. Biết rằng chúng ta không thể tránh được mọi thói hư tật xấu ở đời, nhưng vẫn có thể khắc phục nó bằng cách tu tâm luyện tính mỗi ngày. Xa tránh và dám dứt bỏ các dịp tội và đừng níu kéo nó. Vun xới cho các đức tính tốt có cơ hội phát triển hơn mỗi ngày. Vì nếu sống đời Kitô hữu mà không sinh hoa trái tốt, cuộc sống sẽ trở nên vô dụng. Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây vả để cảnh báo: “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?(Lc 13, 7). Nhân đức không phát triển giống như cây không sinh trái, sẽ bị chặt đi.
Thánh Phaolô trong thơ gởi cho tín hữu thành Corintô nhắc nhớ câu truyện của những người Do-thái ương ngạnh và sống bê tha đã bị phạt trong cuộc lữ hành về Đất Hứa: Nhưng phần đông họ không đẹp lòng Thiên Chúa, bằng chứng là họ đã quỵ ngã trong sa mạc (1Cor 10, 5). Phaolô kêu gọi mọi người hãy xem gương đó mà ăn năn sám hối. Không ai trong chúng ta có thể hãnh diện khoe mình là người đạo đức và thánh thiện. Cuộc lữ hành còn dài, chúng ta còn gặp nhiều chông gai và thử thách. Hãy luôn ý thức thân phận yếu hèn và tội lỗi để cảnh tỉnh và hối cải: Bởi vậy, ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã (1Cor 10, 12).
Lạy Chúa, chúng con đã lãnh nhận muôn hồng ân phúc lộc của Chúa, xin cho chúng con biết dùng thời giờ, của cải và khả năng để sinh lợi cho đời sống thiêng liêng của chúng con và anh chị em. Chúng con dâng lời tạ ơn Chúa tới muôn ngàn đời.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng