Anh Hướng đã chia sẻ kinh nghiệm anh sống liên quan tới “cửa hẹp” (c.24) trong bài Tin Mừng hôm nay như sau.
Đã 32 năm nay anh vẫn làm cho một công ty. Trong những năm ấy, 5 lần anh được đề cử thăng chức. Nếu nhận, anh sẽ không có đủ thời giờ cho vợ và 4 con trai của anh vì anh sẽ phải làm các ngày cuối tuần nữa. Bù vào đó lương anh sẽ được tăng thêm mười ngàn đô. Nhưng anh Hướng đã khước từ vì tin rằng “tình yêu” mà anh dành cho vợ con quí giá hơn nhiều.
Cách đây hai năm ban điều hành của công ty một lần nữa, đề cử để anh được thăng chức. Lần này anh nhận, lý do vì các con anh đã khôn lớn mà vợ anh lại không thể đi làm được. Không may cho anh là vào đúng thời gian ấy, người chị ruột của anh qua đời khiến anh không chú tâm học hành được nên về cuối khóa anh đã thi rớt. Trở về công ty anh bị ông giám đốc quăng hồ sơ lên bàn rồi giận dữ nói: “Đáng lý tôi không cho anh đi học. Đáng lý ra tôi không nghe lời ai hết. Anh đánh mất cơ hội cuối cùng này của anh rồi, biết chưa!”
Thật là ê chề nhục nhã cho anh Hướng. Anh chia sẻ nguyên văn như sau: “Lòng tôi tan nát. Điều đáng buồn là tôi đã để cho lời lẽ ông giám đốc hủy diệt tôi. Mọi sự đều trở nên vô nghĩa. Ý chí quyết tâm phụng sự Chúa bấy lâu nay bỗng trở nên vô dụng. Tôi thấy tôi không thể nào bước theo Chúa trong tình trạng này. Tôi tự hỏi “Tại sao lại xảy ra việc này?” Có vẻ như tôi không còn có thể yêu thương được nữa. Tệ hơn nữa là tôi cảm thấy như Chúa đã bỏ rơi tôi. Cái chết của người chị làm tôi đau khổ nay lại đưa đến việc ông chủ hạ nhục tôi.”
“Mọi sự như sụp đổ quanh tôi. Tôi thấy tôi không còn đối diện được với việc làm ở sở cũng như với gia đình và cuộc sống. Tôi ngại ra khỏi giường mỗi sáng và chỉ muốn thu mình để tránh né thế giới bên ngoài. Mỗi khi gặp mặt ông giám đốc, tôi càng thấy thêm phẫn uất tức giận. Tôi trở nên cay đắng thù hằn. Suốt đời tôi chưa bao giờ cảm thấy như thế đối với ai cả. Tôi thấy tôi có bổn phận yêu thương nhưng vẫn bướng bỉnh cãi lại.”
Chọn theo một con người bị bỏ rơi
“Ngày kia tôi phải thú thực với vợ tôi: Anh không thể sống nổi mãi thế này. Vợ tôi chú ý lắng nghe và đề nghị cùng nhau cầu nguyện để xin Chúa giúp sức. Chúng tôi cùng nhau cầu nguyện và khi ấy tôi biết mình phải chọn theo Chúa Giêsu, chịu đóng đinh và bị bỏ rơi. Tôi cảm thấy được bình an và mạnh mẽ hơn.”
“Ngày kia khi rời khỏi văn phòng ông giám đốc, tôi cảm thấy có sức thôi thúc tôi quay lại nói với ông: “Tôi xin thưa là không phải tôi muốn lên án ai hoặc xin xỏ điều gì. Sau khóa huấn luyện khi ông nói chuyện với tôi, tôi bị mất tinh thần đối với công ty. Tôi trở nên oán hờn và nhiều lần tôi đã có những thái độ không tốt đối với ông.”
“Ông giám đốc ngắt lời anh Hướng khi nói: “Tôi chẳng bao giờ cố y làm cho anh buồn. Anh biết tôi giận thì la lối rồi sau lại quên ngay.” Khi anh Hướng xin ông giám đốc tha cho anh về cách anh đối xử với ông ta thì người đàn ông thường có vẻ lạnh nhạt ấy đã ứa đầy nước mắt. Ông thinh lặng một lúc rồi cất tiếng: “Tôi xin lỗi ông, tôi thật không ngờ việc tôi làm khiến ông phải buồn phiền.” Rồi ông bắt đầu thăm hỏi về tôi và gia đình tôi một cách thân mật. Tôi thấy chúng tôi đã nối lại được nhịp cầu đã đứt đoạn.”
Điều bất ngờ xảy ra là khi ông giám đốc về hưu, một người đàn ông trẻ hơn nhiều, đứng đầu công ty. Anh chỉ mới có 32 tuồi. Vì thiếu kinh nghiệm, anh gặp khó khăn. Anh đã xin gặp riêng tất cả các nhân viên trong công ty, mỗi lần bốn người. Chỉ có anh Hướng một mình được ông giám đốc mới mời riêng tới văn phòng để gặp. Kết quả là anh đã được gởi đi học một khóa huấn luyện rồi được thăng chức một cách ngon lành.
Câu chuyện kể trên gợi ý để ta suy nghĩ về cửa hẹp trong bài Tin Mừng. Chúa Giêsu khuyến cáo ta “Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào” (c.24). Nhưng lời dạy đó được nêu trong bối cảnh nào? Làm thế nào hiểu và áp dụng lời khuyên đó một cách chính xác? Nhất là ta được Chúa Giêsu khuyến cáo phải chiến đấu để qua cửa hẹp nhằm đạt tới điều gì đáng kể?
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy đây là lần thứ hai tác giả Luca nhắc nhớ ta về cuộc hành trình của Đức Giêsu nhắm tới đích điểm là Giêrusalem (c.27).
Luca cho thấy khó khăn và thử thách
Lần thứ nhất Luca gắn liền Giêrusalem dưới đất với Giêrusalem trên trời, dĩ nhiên ngang qua sự chết và sự sống lại của Đức Giêsu. Đó là lúc Luca trịnh trọng loan báo: “Khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem” (9,51). Ngay ở lần loan báo đầu tiên về cuộc hành trình đi Giêrusalem, Luca đã cho thấy khó khăn và thử thách. Thoạt tiên Đức Giêsu và các môn đệ bị một làng Samari từ khước (cc. 53-54). Kế đến chính Đức Giêsu muốn thách đố những ai muốn bước theo Người. Người thứ nhất xin theo liền được cho biết rằng “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” Người thứ hai xin về chôn táng cha già trước đã, thì đã không được phép vì “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo triều đại Thiên Chúa.” Người thứ ba cũng được yêu cầu phải có thái độ dứt khoát vì “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.” (cc. 57-62).
Bây giờ là lần thứ hai, Luca cho biết Đức Giêsu đang trên đường lên Giêrusalem (c. 22). Vấn đề được nêu trầm trọng hơn lần thứ nhất nhiều với câu hỏi “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” (c.23). Bởi lẽ ơn cứu thoát nói đây là chính sự sống còn của con người, tức là ơn cứu độ, chứ không phải chỉ là vấn đề từ bỏ mọi sự hoặc phải từ bỏ ngay như nói ở trên (Lc 9,56-62).
Chính Đức Giêsu là cửa hẹp
Và để trả lời, Đức Giêsu đòi hỏi một sự chính xác. Người muốn người ta nhắm thẳng bản thân Người theo bề sâu, tức là biết Người. Không có gì có thể thay thế được cái biết nội tâm đó. Cho nên cả những kẻ sống sát bên Người, “ăn uống trước mặt Người, và Người cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố” của họ (c.26), họ cũng vẫn bị loại ra ngoài nếu họ thực sự không biết Người.
Như vậy, chính Đức Giêsu là cửa như Người tuyên bố trong Tin Mừng của Gioan: “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu.” (Ga 10,9). Cửa hẹp trong Luca còn có ý nói về chính bản thân Đức Giêsu chứ không thể là ai khác. Điều này Tin Mừng của Gioan cũng nói rõ với lời tuyên bố của Đức Giêsu là “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Đức Giêsu còn là cửa hẹp theo nghĩa Tân Ước như lời tông đồ Phêrô lớn tiếng công bố trong ngày lễ Ngũ Tuần rằng: “Toàn thể nhà Israen phải biết chắc điều này: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô” (Cv 2,36) và “Dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ danh đó mà được cứu độ.” (4,16).
Biết Đức Giêsu nơi con tim
Nhưng như vậy thì phải cắt nghĩa thế nào về Tin Mừng của Matthêu về cuộc phán xét chung? Nếu biết Đức Giêsu là điều kiện tiên quyết để vào hưởng Nước Thiên Chúa, theo bài Tin Mừng hôm nay, thì phải hiểu như thế nào về tình trạng hết sức sửng sốt của những người công chính chưa hề nhận biết Chúa khi họ thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống, v.v… (Mt 25,37tt)? Thưa, những người công chính ấy đã được biết Đức Giêsu tận gốc do họ được đánh động bởi chính Thần Trí của Đức Giêsu phục sinh là Thần Trí luôn được ban cho họ để giúp họ làm việc lành. Họ không chỉ biết Đức Giêsu theo cái biết hời hợt nông cạn theo ý nghĩ mà thôi, nhưng còn biết Người thâm sâu nơi con tim mình.
Quả thật, cũng chính cái biết nội tâm ấy đã giúp anh Hướng sống tinh thần chiến đấu để vào cửa hẹp. Anh và vợ anh đã cùng nhau cầu nguyện xin Chúa giúp sức để lướt thắng cơn khủng hoảng. Nhờ vậy anh nhận ra mình phải chọn theo Chúa Giêsu chịu đóng đinh và bị bỏ rơi. Đó là lúc anh được bình an và có sức mạnh để giải quyết trực diện vấn đề khó khăn với ông giám đốc nơi sở làm việc của anh.
Một số câu hỏi gợi ý
1. Trong câu chuyện anh Hướng chia sẻ, anh đã chọn dành thì giờ mỗi cuối tuần cho vợ con thay vì nhận làm việc thêm cuối tuần để lương được thêm 10 ngàn đô. Bạn nghĩ chọn lựa như anh Hướng, theo cái nhìn của bạn, có lợi hay có hại? Theo cái nhìn của những người cùng xóm ngõ của bạn thì chọn lựa ấy đúng hay sai?
2. Dưới ánh sáng của bài Tin Mừng hôm nay, bạn thấy anh Hướng đã phấn đấu để sống tinh thần “cửa hẹp” như thế nào?
Lm Augustine S.J
VietCatholic Network