HY VỌNG VÀO THIÊN CHÚA, ĐẤNG ĐANG ĐẾN GIỮA DÂN NGÀI

Chúng ta đang sống trong một thế giới bị ảnh hưởng tiêu cực từ các loại khủng hoảng khác nhau về kinh tế, xã hội, văn hóa. Vẫn còn rất nhiều người rơi vào những hoàn cảnh tưởng chừng như vô vọng. Cá nhân mỗi người cũng có những nỗi niềm băn khoăn, phiền muộn, lo lắng, ưu tư của riêng mình. Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta mở lòng đón nhận năm thương xót 2025, với chủ đề: “Những người hành hương của Hy Vọng”. Sắc chỉ khởi đầu bằng cụm từ “Spes non confundit, Hy vọng không làm thất vọng.” Đó là lời mời gọi mỗi người, dù cuộc sống còn lắm thử thách, vẫn giữ vững niềm tin tưởng và hy vọng. Đức Thánh Cha Phanxicô chọn chủ đề này là để khơi dậy niềm hy vọng trong một thế giới bị xâu xé bởi chia rẽ, chiến tranh, bất bao dung, xung đột, xáo trộn và khủng hoảng, nhất là trong đời sống gia đình.

 

  1. Giữ vững sự tin tưởng và niềm hy vọng của chúng ta.

Trong bối cảnh xã hội đầy bất ổn như vậy, một trong những nguồn quan trọng để Kitô hữu có thể cảm nghiệm và lãnh nhận niềm hy vọng một cách rõ ràng và chân thực nhất là tình thương của Thiên Chúa. Tình thương này làm nảy sinh niềm vui, làm cho tâm hồn chúng ta được mở ra để đón nhận niềm hy vọng về một cuộc sống mới trong Thiên Chúa. Bài đọc thứ nhất hôm nay nhắc chúng ta rằng, như dân Israel xưa, chúng ta cũng đang “bị quân thù áp giải”, phải rời bỏ đền thánh Giêrusalem, nơi Thiên Chúa ngự giữa dân Ngài, “không xe không ngựa” (Barúc 5:6), “bị vua nước Babylon phát lưu” (Barúc 5:9) khắp tứ phương thiên hạ. Vào thế kỷ thứ hai trước Chúa Giáng Sinh, khi ngôn sứ Barúc viết đoạn văn này, sự cám dỗ tuyệt vọng rất lớn: liệu một ngày nào đó tất cả những lời hứa tốt đẹp của Thiên Chúa, vốn được các tiên tri của Ngài lặp lại không mệt mỏi, có được ứng nghiệm không? Ngược lại, “Ngày của Thiên Chúa” theo cách nói nổi tiếng của ngôn sứ Giêrêmia (3: 17-18), thời của Giao ước mới, thời của triều đại Thiên Chúa, “Triều đại Ngài, đua nở hoa công lý và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn” (Tv 72: 7), dường như đang mỗi ngày mỗi xa hơn. Để tiếp thêm sinh lực cho những người cùng thời, ngôn sứ Barúc sử dụng những lời tiên tri hy vọng lớn lao từ sách Isaia. Đây là sự tuyên xưng niềm tin vào sự hữu hiệu và xác thực của những lời hứa, bắt đầu bằng những lời hứa trở về quê hương: để thông báo rằng những người Do Thái bị Nabucôđônôxo đày sang Babylon sẽ sớm được trả tự do, và sẽ lên đường trở về. Sa mạc ngăn cách Giêrusalem với Babylon sẽ trở thành một con đường cao tốc thực sự: “Vì Thiên Chúa đã ra lệnh phải bạt thấp núi cao và gò nổng có tự lâu đời, phải lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu, để Israel tiến bước an toàn dưới ánh vinh quang của Thiên Chúa Thiên Chúa” (Barúc 5: 7). Theo lý thuyết thì trong sa mạc không có cỏ cây. Để loan báo sự trở lại, như một phép lạ của Thiên Chúa, ngôn sứ Barúc nói: “Theo lệnh của Thiên Chúa, rừng xanh và đủ loại quế trầm sẽ toả bóng che rợp Israel, vì Thiên Chúa sẽ dẫn Israel đi trong hoan lạc, dưới ánh sáng vinh quang của Chúa, cùng với lòng từ bi và sự công chính của Ngài” (Barúc 5:8-9). Về vinh quang tương lai của Giêrusalem, Barúc nhắc lại cho những người đương thời với ông: “Hỡi Giêrusalem, hãy cởi bỏ áo tang khổ nhục, và mặc lấy ánh vinh quang vĩnh cửu Thiên Chúa ban cho ngươi; hãy khoác vào mình áo choàng công chính của Thiên Chúa; và đội lên đầu triều thiên vinh quang Đấng Vĩnh Hằng ban tặng. Vì Thiên Chúa sẽ cho khắp cả hoàn cầu thấy hào quang rực rỡ của ngươi” (Barúc 5: 1-4). Chúng ta chính là những người mang ánh hào quang của Thiên Chúa: “Hãy đứng ở nơi cao, và hướng nhìn về phía đông: Kìa xem con cái ngươi từ đông sang tây tụ họp về theo lời Đấng Thánh đã truyền dạy. Được Thiên Chúa nhớ đến, chúng hớn hở mừng vui. Xưa chúng bị quân thù áp giải, phải rời ngươi, không xe không ngựa. Nay Thiên Chúa lại đưa chúng trở về với ngươi, chúng được kiệu đi vinh quang rực rỡ, khác chi một ngai vàng” (Barúc 5: 5-6).

Chúng ta phải dành thời gian để suy ngẫm về những lời nói đáng kinh ngạc này nếu chúng ta thực sự muốn “khoác vào mình áo choàng công chính của Thiên Chúa; và đội lên đầu triều thiên vinh quang Đấng Vĩnh Hằng ban tặng” (Barúc 5:2). Rõ ràng, chúng ta có thể đặt câu hỏi: nếu sách của ngôn sứ Barúc (538 trước Công nguyên) muộn hơn sách của Isaia rất nhiều (742 trước Công nguyên), tại sao vị ngôn sứ lại tiếp tục tất cả những lời hứa này? Cuộc lưu đày sang Babylon đã kết thúc từ lâu rồi, không còn lời hứa nào cho những người bị lưu đày của thế kỷ thứ sáu nữa. Vậy thì vị ngôn sứ lấy những lời của các nhà tiên tri trong quá khứ để phục vụ ai? Trên thực tế, những “người lưu vong” mà vị ngôn sứ nói đến là những người Do Thái còn sinh sống trong những cộng đồng Do Thái khắp thế giới Hy Lạp-La Mã, và những người này cảm thấy như thể họ bị lưu đày khỏi Giêrusalem. Vị ngôn sứ biết rõ rằng, bất chấp những thăng trầm của lịch sử, dự án của Thiên Chúa dành cho Giêrusalem và cho toàn thể nhân loại sẽ được thực hiện. Do đó, giống như Isaia trong thời kỳ chán nản và u ám trước đây, ngôn sứ Barúc công bố những lời hứa cứu độ của Thiên Chúa, rao giảng niềm hy vọng vào “lòng từ bi và sự công chính của Ngài” (Barúc 5:9). Đây là một bài học đẹp về đức tin và hy vọng cho chúng ta: tất cả những bi kịch của thời đại chúng ta, bất kể là gì, không được làm suy yếu sự tin tưởng và niềm hy vọng của chúng ta. Trái lại, cần phải tăng cường niềm tin tưởng và hy vọng ấy nhiều hơn nữa.

  1. Nhân chứng của Hy vọng: Sống và Phục vụcùng Chúa.

Sự táo bạo của những người đang sống trong những thăng trầm của lịch sử là tin tưởng rằng “Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3: 6). Và Thánh Luca đã không hiểu sai điều đó. Khi nghe đoạn Tin Mừng hôm nay của ngài, chúng ta nhận thấy một kiểu đối lập bất thường giữa một người đơn độc và những nhân vật nắm quyền lực: “Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tibêriô, thời Phongxiô Philatô làm tổng trấn miền Giuđê, Hêrôđê làm tiểu vương miền Galilê, người em là Philípphê làm tiểu vương miền Iturê và Trakhônít, Lyxania làm tiểu vương miền Abilên, Khanan và Caipha làm thượng tế, có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Dacaria là ông Gioan trong hoang địa” (Lc 3:1-2). Qua Gioan Tẩy Giả, sự đối lập của “một đoàn dân đang trông ngóng Đấng Cứu Thế – Mêsia” (Lc 3;15) với Đế chế của những người nắm quyền lực trần gian đã bắt đầu. Điều không thể luôn là có thể. Điều không thể tưởng tượng được nay có thể diễn ra khi lắng nghe Lời của Thiên Chúa, một Lời đang đến, như ngôn sứ Isaia kêu gọi mà Thánh Luca trích dẫn: “Hãy dọn sẵn con đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng để Ngài đi” (Lc 3: 4). Một điều gì đó sống động đang đến, đang cần được bắc nhịp cầu. Bởi vì Gioan không ở đó để thực hiện và hoàn thành nhưng để chuẩn bị cho điều đang đến. Gioan Tẩy Giả “liền đi khắp vùng ven sông Giođan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (Lc 3:3). Ông kêu gọi sám hối, làm nảy sinh những hoa trái của sám hối, và đừng chần chờ nữa: “Các anh hãy sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối. Và đừng vội nghĩ bụng rằng: Chúng ta đã có tổ phụ Abraham; vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Abraham. Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Lc 3: 8-9). Một Đấng Khác sẽ thực hiện và hoàn thành điều đang đến. Và chúng ta, những người đang sống hơn 2000 năm sau, biết rằng chính Chúa Giêsu sẽ thực hiện những gì Gioan Tẩy Giả đã chuẩn bị trước: “Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng” (Lc 5:5). Chúa Giêsu sẽ tiếp tục sứ vụ cứu độ của Ngài khi Gioan bị Hêrôđê bắt và bị giết. Chúa Giêsu đã hoàn tất sứ vụ cứu độ của Ngài nơi chính con người của Ngài, nhưng vương quyền cứu độ của Chúa Giêsu chưa trọn vẹn  nơi lịch sử nhân loại và nơi lịch sử của mỗi người chúng ta.

Giờ đây trong thế giới của những nhân vật nắm quyền lực như Trump, Putin, và nhiều kiểu “vua chúa trần gian” khác… Chúa Giêsu đến nói chuyện với chúng ta, ngay trong trái tim “hoang địa” của chúng ta, vốn quá bận bịu và quá dính bén với thế giới mà họ thống trị, không còn bao nhiêu tin tưởng và hy vọng vào Đấng đã đến và còn đang đến mỗi ngày. Chúng ta hiểu mọi núi đồi kiêu hãnh, tham lam mà chúng ta đã lựa chọn khiến cuộc sống của chúng ta trở nên căng thẳng. Vì thế “Mọi núi đồi, phải bạt cho thấp” (Lc 5:5): phải có một cuộc sống giản dị hơn, thức tỉnh hơn, ít tranh giành hơn, ít thể hiện hay phô trương cái tôi hơn. “Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy” (Lc 3:5): phải lấp đầy sự thiếu sót trong tương quan giữa những người láng giềng, giữa những gì chúng ta nói và những gì chúng ta làm. Sự thiếu sót này đôi khi là một vực thẳm. Chúng ta cần xây dựng từng cộng đoàn xã hội khác đi, đoàn kết hơn và biết quan tâm đến nhau nhiều hơn, huynh đệ hơn và chân thật hơn. “Khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng” (Lc 3:5): phải xây dựng một cõi lòng không còn quanh co, gian trá, đầy mưu chước gập ghềnh, nhưng công bằng hơn, ngay thẳng hơn. Đây là những điều chúng ta nghe thấy, nhưng bưng tai và bịt mắt lương tâm, hoặc những điều đã bị dìm chết trong cõi lòng sâu thẳm của chúng ta bởi sự thiếu đức tin, thiếu cách sống chứng nhân Tin Mừng cụ thể.

ĐứcThánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 1995: “Tôi đến trước mặt anh chị em như một chứng nhân: một chứng nhân cho phẩm giá con người, một chứng nhân cho hy vọng, một chứng nhân cho niềm tin rằng vận mệnh của mọi quốc gia nằm trong tay của một Đấng Quan Phòng thương xót.” Đức Thánh Giáo Hoàng nói: “Bây giờ là thời điểm cho niềm hy vọng mới, kêu gọi chúng ta loại bỏ gánh nặng tê liệt của chủ nghĩa hoài nghi khỏi tương lai chính trị và cuộc sống con người… Chúng ta phải học cách không sợ hãi, chúng ta phải tìm lại tinh thần hy vọng và tinh thần tin tưởng. Hy vọng không phải là sự lạc quan trống rỗng xuất phát từ sự tin tưởng ngây thơ rằng tương lai nhất thiết sẽ tốt đẹp hơn quá khứ. Hy vọng và tin tưởng là tiền đề của hoạt động có trách nhiệm và được nuôi dưỡng trong lương tâm con người, nơi “con người ở một mình với Chúa” và do đó nhận ra rằng mình không đơn độc giữa những nhiệm mầu của sự sống, vì con người được bao quanh bởi tình yêu thương xót của Đấng Tạo hóa!”

Nếu Thiên Chúa đang hành động, nếu tình yêu của Ngài đang dần dần tạo nên hình dạng “con người mới” thì thế giới không thể kết thúc trong thất bại, hoang tàn hay bế tắc. Như Thánh Phaolô nói trong bài đọc thứ hai, chúng ta tin chắc rằng: “Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành cho đến ngày Chúa Kitô Giêsu quang lâm” (Philípphê 1: 6).

Phêrô Phạm Văn Trung

Chia sẻ Bài này:

Related posts