Chiều 13.5. 2012, một cô gái chạy xe gắn máy theo hướng từ quận Thủ Đức vào Bình Thạnh (TP.HCM). Đến giữa cầu Bình Triệu, cô dừng xe, cởi áo khoác, bỏ lại đôi dép, leo lên thành cầu nhảy xuống sông Sài Gòn.
Nhiều người đi đường tò mò dừng xe lại khiến cầu nhanh chóng bị ùn ứ, nhưng không ai có phản ứng gì để cứu cô gái. Lúc đó, anh Danh Nghĩa chở một người bạn đi ngang qua, thấy sự việc lập tức dừng xe. Lúc này nước sông Sài Gòn đang chảy rất mạnh và trong tích tắc, cô gái đã bị cuốn trôi về giữa khu vực cầu Bình Triệu 2 và 1.
Thấy cô gái chới với dưới dòng nước, anh Nghĩa vội cởi chiếc áo khoác, nhảy bổ xuống sông cứu người. Trong tích tắc, anh Nghĩa tiếp cận, kéo giữ được cô gái nhưng cả hai bị dòng nước cuốn đi qua khỏi cầu Bình Triệu 1. Dòng nước chảy rất mạnh, nhưng anh Nghĩa nhanh trí bám vào trụ chống va của cây cầu. Nhiều người đi đường kêu gọi những chiếc canô, chiếc tàu đi ngang qua vớt hai người lên. Khoảng 10 phút sau, một chiếc ca nô dừng lại, đưa hai người lên bờ. Lúc này cô gái đã ngất nên nhanh chóng được đưa đi cấp cứu.
Anh Danh Nghĩa sinh năm 1989, quê ở xã Định Hòa, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Nghĩa cho biết lâu nay phụ gia đình làm việc ở quê, vừa rồi theo lời vài người bạn cùng đi lên Tân Uyên, Bình Dương xin việc làm.
“Tụi em mới lên Bình Dương hôm trước (ngày 12.5), hôm 13.5 đi vào quận 7, TP.HCM để lấy đồ, đi ngang cầu Bình Triệu 2 chứng kiến sự việc liền nhảy xuống sông cứu người. Quả thật, giờ nghĩ lại cũng có chút sợ vì không biết được dưới dòng nước có vật gì nguy hiểm. Nhưng lúc đó em thấy cứu người là quan trọng nên không nghĩ đến chuyện này.” Nghĩa nói. (Minh Anh, Dũng cảm nhảy cầu Bình Triệu cứu người, Thanh Niên, 14/05/2012)
Tấm gương can đảm cứu người của chàng Danh Nghĩa mời gọi Kitô hữu chúng ta hướng về bài trích thuật Tin Mừng thánh Luca hôm nay, với chủ đề “Ai là người thân cận của tôi?”
Người thân cận không chỉ là thân bằng quyến thuộc, những người chúng ta quen biết, thân tình, hay họ hàng ruột thịt. Nhưng có thể bất kỳ ai đó, gần gũi hay xa lạ, thân thiết hay thù nghịch, mà chúng ta gặp trên đường lữ hành về Quê Trời. Vậy để có thể yêu mến, thương xót tha nhân, những người xa lạ, hoạn nạn, đau khổ, cần có một trái tim xả kỷ vị tha, nhạy cảm và dâng hiến.
Tâm hồn xả kỷ vị tha
Chàng Danh Nghĩa đã quên mình cứu người. Anh không hề bận tâm lo lắng đến sự an toàn cho mình, đến những hiểm nguy trước mặt, dưới nước có thể chờ đợi. Anh đã xả kỷ vị tha, trong khi biết bao người đến trước, chỉ lạnh lùng, dửng dưng, tò mò, đứng nhìn cô gái tự vẫn.
Xả kỷ vị tha là từ bỏ chính mình, không lo cho bản thân, từ bỏ quyền lợi, dẹp tự ái mà hy sinh, chăm lo người khác. Khi thoát khỏi cái vỏ ốc ích kỷ, vị kỷ, chỉ biết đến mình, thì mới có thể nhìn đến thiên hạ. Đó là cuộc chiến vô tận giữa lòng thương xót và bản thân. Thông thường, bản thân luôn được coi là trung tâm điểm của sinh hoạt gia đình, xã hội. Tiên chủ hậu khách. Ưu tiên số một dành cho mình, rồi mới đến thân bằng quyến thuộc. Vậy nếu không xả kỷ vị tha, không từ bỏ mình, làm sao có thể quan tâm đến tha nhân, đến những người anh chị em xa lạ?
Hơn nữa, xả kỷ vị tha chính là điều kiện tiên quyết đi theo Chúa. ”Nếu ai muốn theo Ta,hãy từ bỏ chính mình” (Lc 16,24).
Trong thư gửi tín hữu Philipphê, Thánh Phaolô đã mạnh dạn xác quyết chính Chúa Giêsu đã làm gương cho loài người:”Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế, Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, trên cây thập tự. (Pl 2, 6-8)
Dụ ngôn của Chúa Giêsu cho biết thầy tư tế và thầy Lêvi còn lấn cấn vị kỷ, lo bi trấn lột, lo sợ ô uế, lo lỗi luật, lo bảo vệ cái bản ngã khỏi ố danh, khỏi trách nhiệm với tha nhân. Làm sao các đấng nghe được tiếng rên rỉ đau đớn, nài van của nạn nhân, đang thừa sống thiếu chết? Bởi lòng dạ họ đã chai đá, vô cảm, vô tâm, vô tình.
Thói vị kỷ, tính vụ lợi đã giết chết lòng nhân từ, lòng thương xót. Chứng Mackeno cũng đang phát triển như vũ bão trong xã hội ngày nay. Làm ơn mắc oán, hay dễ bị lừa đảo khiến chúng ta cũng thường hay ngoảnh mặt làm ngơ tha nhân lâm nạn. Chúng ta đang bưng tai bịt mắt trước nỗi thống khổ của đồng loại. Vẫn đang tiếp tục nhập vai các đấng bất nhân kể trên. “Tất nhiên chỉ có súc vật mới có thể quay lưng lại nổi khổ đau của đồng loại mà chăm lo riêng cho bộ lông của mình.” (Đạo diễn Trần Văn Thủy, Chuyện Tử Tế)
Tâm hồn nhạy cảm
Một khi thoát ra khỏi chứng vị kỷ, người ta mới nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy tha nhân như thế nào. Con tim, khối óc mới có thể nhạy cảm với tiếng kêu cứu, mới xót xa người bị nạn, mới biết thương người, biết lăn xả giúp đỡ cứu người.
Xả kỷ vị tha, chàng Danh Nghĩa mới thấy mạng người thật quý hóa, không mảy may chần chừ, cân nhắc, tính toán, lập tức nhảy xuống sông cứu người, bất chấp những nguy hiểm ẩn giấu dưới lòng sông sâu: “Nhưng lúc đó em thấy cứu người là quan trọng, nên không nghĩ đến chuyện này.
Nhạy cảm, người Samaria mới chạnh lòng xót thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc.
Người Samaria không sợ thiệt thòi, không e ngại bị cướp bóc hành hạ, không lo lắng an toàn, không tính toán hơn thiệt, không bị cái bản ngã che khuất tầm nhìn ra bên ngoài, mới động lòng với tha nhân.”Phúc cho ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”(Mt 5,7).
Tâm hồn hiến dâng
Dòng Cát Minh luôn nhấn mạnh đến Vacare Deo, nghĩa là dốc cạn khỏi mình tất cả mọi sự, mọi ham muốn, mọi đam mê, mọi nhân khí, lẫn tà khí, để đón rước tràn đầy Thần Khí Thiên Chúa. Một khi có Chúa ở cùng, có tràn đầy Thiên Chúa, chúng ta mới có thể nhìn thấy Thiên Chúa nơi tha nhân.
Không còn lấy mình làm trọng tâm, không coi mình quan trọng, chúng ta mới đặt trọng tâm vào tha nhân. Mới có thể quan tâm lắng nghe, thấu hiểu những người thân cận muốn gì, cần gì, để chúng ta có thể lập tức đáp ứng, yêu thương phục vụ.
Đức Giêsu đã toàn tâm toàn ý đến cứu rỗi con người khi nhập thể thi hành Thánh Ý Chúa Cha: “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.”(Mc 10, 45)
Mẹ Têrêsa Calcutta đã định nghĩa những kẻ đi theo chân Đức Giêsu: “Kitô hữu là người trao ban chính bản thân mình”. Trao ban không có nghĩa là mất đi, nhưng đó là phương thức tốt nhất để giữ lại những gì mình đã cho đi, để trở nên chính mình hơn. Những gì mình thực sự sở hữu chính là những cái mình đã cho đi, mà sở hữu lớn lao nhất là chính sự sống mình. Chính Chúa Giêsu đã khẳng định: “Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được” (Mt 10,39).
Biến thế giới của thú vật nên thế giới của con người, biến thế giới của con người nên thế giới của con Chúa. (Đường Hy Vọng, số 801)
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con có tâm hồn xả kỷ vị tha, nhạy cảm và hiến dâng như người Samaria trong Tin Mừng, biết chạnh lòng thương, cúi xuống, ôm lấy chăm sóc tha nhân đang hoạn nạn về cả thể xác lẫn tinh thần.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã tự hạ, khiêm nhường, đón rước Thiên Chúa ngự vào lòng. Mẹ đã nhìn thấy Thiên Chúa trong từng con người bé nhỏ. Mẹ đã thương xót giúp đỡ đôi tân hôn nghèo khó ở Canna. Xin Mẹ đoái thương giúp chúng con mở rộng cõi lòng, xoa dịu những đau thương của tha nhân. Amen....
AM Trần Bình An July 9, 2013