Khiêm nhường để khám phá sự thật

Tắc… tắc… tắc… cụp! Đêm đã khuya lắm, những âm thanh nghe khô khốc ấy còn vang. Một chú bé dáng nhỏ nhắn, đi mải miết vào lòng con hẻm nhỏ cùng với những tiếng gõ. Chú bé bước nhanh, nhưng gật gà gật gù, chắc cậu ta buồn ngủ.

– Ê! hủ tíu mì…! Bộ điếc hả?

Sực tỉnh vì tiếng gọi giật giọng từ ban-công một căn lầu, chú bé quay bước tiến tới, hỏi:

– Thưa chú, mấy tô?

– Ba!

– Dạ! Chú bé đáp nhanh và chạy vụt đi.

Một lát sau. Chú bé khệ nệ bưng cái mâm xếp đầy những tô hủ tíu đến trước căn lầu khi nảy. Anh thanh niên gắt gỏng:

– Tưởng mày ngủ luôn ngoài đó rồi.

Chú bé lại cố nở nụ cười để làm dịu lòng người khách khó tính rồi tất tả bưng tiếp những tô mì còn lại đi về cuối hẻm. Vô ý thế nào mà… oạch, chú bé trợt chân vào vũng nước té sóng soài trên mặt sàn si măng. Những sợi hủ tíu trộn lẫn cát bụi, xà lách, giá, thịt nằm vương vãi, tô, đũa lăn lóc khắp nơi. Tiếng cười trong đêm vắng của mấy thanh niên kia lại ré lên, đeo lấy chú bé.

Chắc hẳn thằng bé tủi buồn, mà tôi cũng thấy xót xa trong dạ. Xót xa cho chú bé nghèo, phải vất vả lặn lội, bằng ấy tuổi phải cõng trên vai cuộc đời đã vậy. Càng xót xa hơn cho những người giàu tiền của lại nghèo yêu thương, sao nỡ nhẫn tâm cất tiếng cười không đúng lúc, đến mức quá quắc như thế. Một tràn cười chẳng những không vui cho những ai phải nghe, ngược lại còn khắc trong lòng một sự đánh giá chẳng hay ho gì: khả ố. Ai đó hay chăng: Nụ cười khả ố là nụ cười đánh mất giá trị con người!…

Những tràn cười như thế, chắc không bao giờ xuất hiện nơi những anh chị em lấy đức khiêm nhường làm thước đo cho mọi tương quan sống của mình. Chắc chắn chỉ có những kẻ kiêu ngạo, trong lòng chứa đầy nỗi tự phụ, hóng hách… mới có thể có thái độ khiếm nhã đến thế.

Trong cuộc sống thường ngày của bạn và tôi, chắc không thiếu những tràn cười khả ố tương tự. Thêm một lần nhắc lại những hình ảnh như thế này, để một lần nữa, chúng ta ý thức rằng, mình phải sống đẹp và đừng vô tình, vô cảm trước nỗi bất hạnh của anh chị em. Nhất là hãy loại trừ thái độ kiêu căng, tự phụ để có thể đón nhận và sống Lời Chúa trong cuộc sống thường ngày với anh chị em.

1. GIÊSU TRONG TIN MỪNG.

Đi từ cụ thể của đời thường, ta lại bắt gặp hình ảnh của một Giêsu trong Tin Mừng. Bởi Chúa Giêsu cũng đã từng bị khinh miệt như thế. Đặc biệt, bài Tin Mừng hôm nay, người đồng hương của Chúa đã có thái độ coi thường Chúa. Phải chăng đấy cũng là biểu hiện của lòng kiêu căng, của thái độ tự phụ, hách dịch? Một mặt nghe những lời giảng dạy, họ khen ngợi nhưng liền sau đó, do lý lịch không mấy nổi nan, có khi còn tầm thường, những người đồng hương của Chúa đã vấp phạm.

Từ lời nhận xét thiếu thiện cảm, thiếu tế nhị: “Người này không phải là con ông Giuse sao?”, cho thấy cả một cái nhìn đầy thành kiến, tiêu cực, có cái gì như xoi mói và thiếu chấp nhận nơi những người đồng hương của Chúa Giêsu. Từ đó phản ánh lòng đầy kiêu căng qua thái độ mà họ dành cho một người con của quê hương của họ là chính Chúa Giêsu.

Họ thật đáng trách vì lẽ ra, khi nhận thấy sự khôn ngoan lạ thường của Chúa, họ phải chân thành ghi nhận, đàng này chỉ vì một chút tự phụ, họ đã để ký ức về gia cảnh của Chúa ngự trị trong tim não: Và như thế, họ chỉ thấy một Giêsu hơn 30 năm bình dị đến mức tầm thường. Người có một cuộc sống quá đơn sơ: Một thợ mộc, con của một ông thợ mộc khác. Gốc gác, họ hàng của Giêsu cũng chẳng lạ gì, chẳng hề danh tiếng. Chính lòng kiêu ngạo mà đôi mắt của họ bị che mù.

Cũng chính lòng kiêu ngạo đã biến họ thành những kẻ thiệt thòi không ít. Nếu từ xa xưa, vào thời đói kém, tiên tri Êlia đã không thể làm gì cho quê hương ông; Hay tiên tri Êlisêô cũng đã từng không chữa một người cùi nào ở chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình, thì hôm nay cũng thế, Chúa Giêsu cũng chẳng làm được gì hơn trên chính nơi mà Người đã sinh ra và lớn lên.

Lấy tích xưa để nói chuyện mình, Chúa Giêsu như muốn dạy người đồng hương và cả chúng ta nữa, kinh nghiệm ngu dại của thói kiêu căng. Sự kiêu ngạo làm ta bị đánh mất, bị tước mất tất cả những gì là ân huệ, là tốt đẹp. Và cái mất lớn nhất là mất chính Chúa.

Tưởng chỉ có cha ông mình từ ngàn xưa, vì thiếu hiểu biết mới tự phụ như thế. Nào ngờ bài học của cha ông đã qua bao nhiêu thế hệ, con cháu vẫn chưa thuộc, vì thế bạn và tôi càng đáng trách hơn, trách nhiệm càng nặng hơn. Thật là xót xa và đáng thương làm sao nếu mình thiếu ý thức điều này.

2. GIÊSU TRONG ĐỜI.

Nếu đã có lần Chúa Giêsu khẳng định: Ai cho anh chị em mình, dù chỉ một chén nước lã là làm cho chính Chúa (Mt 10, 40-42), hơn thế, Người đã tự đồng hóa mình với biết bao anh chị em nghèo đói, bất hạnh, bị bỏ rơi… (Mt 25, 40), thì hôm nay, Người vẫn hiện diện với ta, trong ta và nơi mọi người cùng ta đang sống, nhất là nơi những anh chị em khổ nghèo.

Nếu một Giêsu trong Tin Mừng đã từng bị khinh miệt, thì khi Giêsu ấy hiện diện giữa đời, chắc còn bị nhiều khinh miệt hơn. Câu chuyện về em bé bưng hủ tíu mì bên trên là một bằng chứng rất thật trong cuộc đời, xung quanh chúng ta.

Chỉ có khiêm tốn mới có thể yêu thương. Và khi yêu thương, người ta sẽ càng khiêm tốn hơn. Chỉ có khiêm tốn và yêu thương, người ta mới trao cho nhau tâm hồn khả ái, chứ không phải những nụ cười vô tình đến mức vô tâm và khả ố.

Chỉ có khiêm tốn và yêu thương, người ta mới có thể có lòng chân thành tìm kiếm sự thật. Những sự thật ấy có khi như ngọc lẫn trong đá phải bới, phải tìm mới thấy, mới khám phá.

Những người đồng hương của Chúa Giêsu vấp phải khuyết điểm này, nên họ chẳng những bị Chúa chê trách mà còn không nhận được bất cứ điều gì do Chúa ban.

Nguyện xin cho lòng chúng ta luôn khiêm nhường để có thể nhận ra Chúa nơi anh chị em; Hãy khiêm nhường, để nhờ đó, chân thành tìm kiếm những sự thật khác nhau được khoác những màu sắc khác nhau trong cuộc đời.

Có chân nhận như thế, ta mới không lên án, không kỳ thị anh chị em, nhưng luôn sống điều mà trong bài đọc II, thánh Phaolô đã dạy: khoan dung, nhân hậu, tha thứ “không đố kỵ, không khoác lác, không kiêu hãnh, không ích kỷ, không nổi giận, không suy tưởng điều xấu, không vui mừng trước bất công…” (1Cr 13, 4-7).

Chỉ có một đời sống khiêm nhường, ta mới khám phá được điều mà thánh Phaolô đã khám phá. Đó mới là sự  thật mà mỗi Kitô hữu cần phải sống.

Bởi vậy khiêm nhường thật cần thiết để nhận biết Thiên Chúa, nhận biết cuộc đời, và nhận biết anh chị em quanh mình. Nhờ đó sống cho Thiên Chúa, sống vì cuộc đời và bác ái với anh chị em.

Lm. VŨ XUÂN HẠNH

Chia sẻ Bài này:

Related posts