Khiêm nhường và bác ái

Đọc Tin Mừng, thánh Luca kể chuyện Chúa Giêsu dự tiệc tại nhà một thủ lãnh các biệt phái, và có lời trách cứ từ khách dự tiệc đến chủ nhà, cảm nhận đầu tiên của tôi là, hình như Chúa Giêsu quá đáng. Sao Chúa lại “chơi quê” người khác đến vậy?

Đã là tiệc, luôn có hai đối tượng: chủ nhà và khách được mời dự tiệc. Thấy nhiều người được mời tìm chỗ nhất để ngồi, Chúa Giêsu lên tiếng: “Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: ‘Xin ông nhường chỗ cho người này’. Bấy giờ ngươi phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết…”. Nói như thế, khác gì đuổi khách dự tiệc: “Xuống đi, xuống chỗ chót mà ngồi…”.

Chưa dừng ở đó. Thấy toàn khách sang trọng tới dự, Chúa quay qua chủ nhà, ban cho ông mấy lời như tạt gáo nước lạnh: “Khi ông dọn tiệc, đừng mời bạn bè, anh em, bà con láng giềng giàu có… Hãy mời những người nghèo, mời những người què quặt, đuôi mù vì họ không có gì trả lễ…”.

Chúa Giêsu đúng là người thích gây sự? Với những lời chỉ trích công khai, chắc chắn Chúa sẽ bị không ít người thù ghét. Trong số những người thù ghét đó, chắc chắn có nhiều người nuôi lòng thù hận mãi về sau.

Nếu bạn và tôi đứng trong trường hợp của Chúa Giêsu, không đời nào làm như thế. Chúng ta không dám lên tiếng, không dám day dưa và chuyện người khác, càng không dám làm thầy đời của anh chị em mình. Bởi ta chẳng có tư cách nào để chỉnh đốn ai. Nhưng với Chúa Giêsu, luôn ý thức mình là Thiên Chúa, là Đấng mọi người phải tôn thờ, Người tự biết mình có quyền làm như vậy.

Đó là ý thức của Chúa Giêsu. Về phía chúng ta, nếu nhìn xa hơn và suy nghĩ sâu hơn bản chất của lời Chúa nói, ta sẽ phải đặt lại vấn đề: Có thật Chúa đang “chơi quê” người khác? Người gây sự với họ? Hoàn toàn không đúng như thế.

Nếu tôi gây sự với ai, muốn hạ nhục ai, thì hàm ý trong lời của tôi, chứa đựng sự thù ghét. Chúa Giêsu không nuôi lòng thù ghét để tìm cách vỗ vào mặt người ta, để trả thù và làm cho người ta sượng sùng. Chúa không bao giờ làm điều đó. Trong lời nói của Chúa Giêsu không hề chứa đựng ác ý.

Đúng hơn, Người rút ra từ những câu chuyện đời thường để dạy chúng ta, dạy mỗi người qua từng thời đại một bài học quý giá nào đó.

Bởi rút ra từ thực tế và từ kinh nghiệm cuộc sống, những bài học Chúa Giêsu trao ban đều dễ hiểu, dễ nhớ, cụ thể, phù hợp mọi nơi, mọi lúc. Bài Tin Mừng hôm nay có hai bài học quý giá, rút ra từ những lời phê phán đối với chủ và khách.

Bài học thứ nhất: sự khiêm nhường. Đối với khách dự tiệc, nếu Chúa bảo đừng ăn trên, ngồi trước, thì sau đó có một kết luận: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”.

Bài học này làm ta nhớ lại lời ca tụng Chúa của Đức Maria: “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1, 51-52).

Chúa luôn luôn yêu thương những ai khiêm nhường, những ai mang thân phận nhỏ bé. Từ ngàn xưa, lịch sử đã chứng minh lòng yêu thương đó.

Chẳng hạn, Để lãnh đạo dân Người, Chúa không chọn ai khác, nhưng lại chọn một Môisen ngọng ngệu. Để tiếp tục công cuộc giải phóng dân, Chúa nâng lên địa vị quốc vương một Đavít chỉ là đứa em bé bỏng, sức yếu, lực kém trong số các anh em. Chuẩn bị cho Con Một của mình làm người, Chúa chọn một vị tiền hô là Gioan Tẩy giả, sinh ra từ một người mẹ son sẻ, lớn lên giữa cảnh nghèo hèn chỉ có núi đồi làm bạn, hoang địa làm nhà cư trú

Đến lược Chúa Giêsu, để chuẩn bị cho một dòng tộc cưu mang ơn cứu độ đời đời, Người tuyển chọn cho mình mười hai tông đồ dốt nát, đầy bất toàn, yếu đuối.

Chính Đức Maria là một bằng chứng về lòng Chúa yêu thương những người phận nhỏ. Muốn có một người mẹ để sinh ra làm người, Chúa không chọn bất cứ một phụ nữ trang đài nào, lại chọn Đức Mẹ, vốn là một thiếu nữ nghèo hèn, không tiếng tăm, chìm khuất giữa làng quê Nagiaret bình dị.

Đúng là “Chúa đã nâng cao những người phận nhỏ”, bởi một lẽ rất đơn giản: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.

Còn bài học thứ hai, bài học của lòng bác ái. Nếu Chúa bảo ông chủ nhà hãy mời người nghèo, người thấp bé, ngưới tật nguyền dự tiệc, thì sau đó có một kết luận: “Ông sẽ được trả lễ khi những người công chính sống lại”.

Chúa yêu thương chúng ta. Người đòi chúng ta, một khi đã đón nhận lòng yêu thương, hãy chia sẻ tình yêu ấy cho anh chị em quanh mình, nhất là những người nghèo, người bất hạnh.

Chúng ta đừng quyên rằng, thực hành bác ái, sự trao ban và cho đi chính mình, lòng yêu thương quan tâm đến anh chị em xung quanh là tấm vé để chúng ta vào Nước Trời.

Hai bài học được rút ra từ Tin Mừng hôm nay có một tương quan rất lớn. Bởi lòng yêu thương bao giờ cũng cần khiêm nhường. Không có khiêm nhường thật, không bao giờ có bác ái, yêu thương đúng nghĩa, mà chỉ là khoe khoan, chỉ là sự bố thí nếu có cho ai cái gì.

Mặt khác, một người kênh kiệu, thích ra oai tác oái, làm sao có thể yêu thương người khác. Yêu thương và khiêm nhường là hai bài học của một thái độ sống. Nếu ta xưng mình là con Thiên Chúa, yêu mến Thiên Chúa, chắc chắn thái độ sống của ta sẽ là sự khiêm nhường và bác ái thẳm sâu.

Bạn thân mến, chính vì nêu gương sống yêu thương và khiêm nhường, Chúa Kitô, Thiên Chúa quyền năng nhưng đã hạ mình sống kiếp phàm nhân.

Là Thầy Cả của mọi người, Chúa cúi mình rửa chân cho môn đệ.

Là Đấng bất tử và là chủ của sự sống, Người chấp nhận chết thương đau để cứu độ loài người.

Xứng đáng được tôn vinh trên trời cao thẳm, Người lại chọn cho mình chỗ rốt hết trong nhân loại.

Chúa Kitô chính là bài học sống động về tình yêu và lòng khiêm nhường cho tất cả những ai muốn nên giống Người.

Là Kitô hữu, chúng ta hãy nhìn ngắm bài học sống động là chính cuộc đời Chúa Kitô và nghe theo lời Người dạy mà sống khiêm nhường và bác ái trong cuộc sống của mình. Biết chấp nhận sống như thế, chúng ta mới mong vững niềm hy vọng “sẽ được trả lễ khi những người công chính sống lại” (Lc 14, 14).

Lm. VŨ XUÂN HẠNH

Chia sẻ Bài này:

Related posts