KHIÊM NHƯỜNG VÀ RỘNG LƯỢNG

Trong cuốn sách “Chúa Giêsu mà tôi chưa từng biết”, Philip Yancey khẳng định một điều mà phần đông mọi người thấy chắc chắn là đúng. Yancey lưu ý rằng trong quá nhiều bộ phim đã làm về Chúa Giêsu, diễn viên đóng vai con trai người thợ mộc làng quê Nadarét thường rất buồn tẻ. Hầu hết các lời nói của anh ta đều được chuyển tải bằng một giọng đều đều và phong thái của anh ta thì từ tốn đến mức đờ đẫn. Nhưng dựa trên các sách Tin mừng, Yancey nói rằng Chúa Giêsu hẳn là người trông có vẻ vui tươi hơn thế rất nhiều. Mọi người thực sự thích ở quanh Chúa Giêsu. Ngài là một khách được mời ăn tối có bề ngoài vui vẻ nổi tiếng đến nỗi khi kẻ thù của Ngài muốn nói xấu về Ngài, họ buộc tội Ngài là một kẻ háu ăn và một kẻ nghiện rượu, một “tay ăn nhậu” (Lc 7: 34).

Mọi người bị thu hút bởi Chúa Giêsu bởi vì Ngài toát ra niềm vui. Tuy nhiên, như Luca 14 cho thấy, Chúa Giêsu hẳn là loại khách được mời ăn tối mà rồi ra người ta hy vọng sẽ không bao giờ gặp lại! Trong bữa tiệc tối trong Luca 14, Chúa Giêsu đã đưa ra nhiều nhận xét, và bất cứ nhận xét nào cũng có thể khiến ít nhất một vài vị khách muốn chui xuống gầm bàn! Phải chăng Chúa Giêsu là vị khách thô lỗ và cay độc? Bạn có bao giờ tham dự một bữa tiệc tối, nơi có điều gì đó xảy ra khiến bạn muốn chui xuống gầm bàn, nếu không muốn nói là trốn vào bóng đêm chưa? Có lẽ đã có một cuộc thảo luận chính trị quá “hot” chung quanh bàn ăn tối. Có thể một trong những vị khách đã vô tình công kích và chỉ trích ai đó là một người khốn kiếp như thế nào, nhưng đã quá muộn để phát hiện ra rằng người đó là chị ruột của chủ nhà. Dù nguyên nhân là gì, đôi khi bữa ăn ngon sẽ bị hủy hoại khi một số khách tức giận, đỏ mặt tía tai vì xấu hổ, hoặc cay mắt trước một lời nhận xét tổn thương nào đó. Chúa Giêsu đã làm như vậy trong trình thuật Tin mừng hôm nay! Chúa Giêsu nói: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: “Xin ông nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: “Xin mời ông bạn lên trên cho. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14: 8-11).

KHIÊM NHƯỜNG

Niềm kiêu hãnh và địa vị là những vấn đề xã hội trong bất kỳ nền văn hóa nào, và nền văn hóa Do Thái cổ đại cũng không phải là ngoại lệ. Địa vị mang lại quyền lực, và quyền lực thường sinh ra niềm kiêu hãnh. Chúa Giêsu coi tâm thế này là hủy hoại đời sống tâm linh. Ở đây những người Pharisêu đã đưa ra một ví dụ tiêu cực, ngược lại tâm linh.

Các môn đồ của Chúa Giêsu được ghi dấu bằng sự khiêm nhường. Cả cách chúng ta hoạt động xã hội và người mà chúng ta mời đi ăn tối đều cho thấy chúng ta là người như thế nào. Khiêm tốn có nghĩa là bỏ qua thứ hạng hoặc đẳng cấp. Bạn bè có thể được kết bạn ở bất cứ đâu. Bài học này là một bài học khó, như một số thư trong Tân Ước cho thấy:

  • Nhân lúc đưa ra các chỉ thị này, tôi chẳng khen anh em đâu, vì những buổi họp của anh em không đem lại lợi ích gì, mà chỉ gây hại. Thật thế, trước tiên tôi nghe rằng khi họp cộng đoàn, anh em chia rẽ nhau, và tôi tin là điều ấy có phần nào đúng. Những sự chia rẽ giữa anh em, thế nào cũng có, nhưng nhờ vậy mới rõ ai là người đạo đức chắc chắn. Khi anh em họp nhau, thì không phải là để ăn bữa tối của Chúa. Thật vậy, mỗi người lo ăn bữa riêng của mình trước, và như thế, kẻ thì đói, người lại say. Anh em không có nhà để ăn uống sao? Hay anh em khinh dể Hội Thánh của Thiên Chúa và làm nhục những người không có của? Tôi phải nói gì với anh em? Chẳng lẽ tôi khen anh em sao? Về điểm này, tôi chẳng khen đâu!” (1 Co 11: 17-22),
  • Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình” (Philíp 2: 1-11),
  • Thưa anh em, anh em đã tin vào Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Chúa vinh quang, thì đừng đối xử thiên vị. Quả vậy, giả như có một người bước vào nơi anh em hội họp, tay đeo nhẫn vàng, áo quần lộng lẫy, đồng thời có một người nghèo khó, ăn mặc tồi tàn, cũng bước vào, mà anh em kính cẩn nhìn người ăn mặc lộng lẫy và nói: “Xin mời ông ngồi vào chỗ danh dự này”, còn với người nghèo, anh em lại nói: “Đứng đó! ” hoặc: “Ngồi dưới bệ chân tôi đây! “, thì anh em đã chẳng tỏ ra kỳ thị và trở thành những thẩm phán đầy tà tâm đó sao? Anh em thân mến của tôi, anh em hãy nghe đây: nào Thiên Chúa đã chẳng chọn những kẻ nghèo khó trước mặt người đời, để họ trở nên người giàu đức tin và thừa hưởng vương quốc Ngài đã hứa cho những ai yêu mến Ngài hay sao?” (Gia 2: 1-5),
  • Nhưng ân sủng Ngài ban còn mạnh hơn; vì thế, có lời Kinh Thánh nói: Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường: (Gia 4: 6).

Nhưng dụ ngôn nhiều hình ảnh của Chúa Giêsu cho thấy Chúa Giêsu coi thái độ này là nền tảng cho những ai muốn trở nên môn đệ của Ngài: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời…” (Lc 14: 7-8).

Lời dạy của Chúa Giêsu thực sự là một lời quở trách đối với nhiều người trong bàn ăn. Luca lưu ý rằng Chúa Giêsu nói như thế vì Ngài đã lưu ý đến cách các vị khách chọn những nơi danh dự: “Ngài nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn chỗ nhất mà ngồi” (Lc 14: 7). Trong một bữa ăn lớn cổ xưa, những chiếc ghế này có lẽ là những chiếc ghế gần với chủ nhà nhất. Ghế dài cho một bữa ăn thường được đặt theo hình chữ U, với hai đến bốn khách có thể ngả lưng trên mỗi chiếc ghế dài. Người chủ tiệc sẽ ngồi ở gần cuối chữ U, cùng với những vị khách danh dự nhất ở bên trái và bên phải của ông ta. Quyền lực và uy tín nằm gần nhất với “chiếc ghế” của người chủ tiệc.

Chúa Giêsu lưu ý rằng có nguy hiểm khi theo đuổi các ghế danh dự trong một đám tiệc mà ai đó nhanh chóng giành lấy chiếc ghế cao danh dự. Nhưng sau đó, một người nổi bật hơn bước vào, và người chủ tiệc yêu cầu người đang giành ghế danh dự xuống một chỗ kém hơn. Xấu hổ quá, kẻ tự phụ phải bước đến ghế cuối cùng. Cứ như thể mỗi bước chân đều gây đau đớn.

Sẽ khác biết bao nhiêu nếu ngay lúc đầu vị khách ấy ngồi chỗ cuối cùng. Sau đó người chủ tiệc sẽ bảo người khiêm tốn đó tiến lên chỗ ngồi cao hơn, tôn vinh anh ta trước mọi người. Chúa Giêsu sử dụng thuật ngữ “δόξα – doxa – vinh quang” để mô tả kết quả mà việc tôn vinh mang lại. Trên thực tế, một nguyên tắc được đưa ra ở đây: “Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14: 11) Việc đảo ngược này vào ngày cánh chung có nguồn gốc từ Cựu Ước: “Ta hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp, Ta làm cho cây xanh tươi phải khô héo và cây khô héo được xanh tươi” (Êdêkiel 17:24), “Vì Thiên Chúa các đạo binh đã dành sẵn một ngày

để trị tất cả những gì kiêu căng ngạo nghễ, trị tất cả những gì tự cao tự đại: chúng sẽ bị hạ xuống” (Isaia 2; 12), “Thiên Chúa các đạo binh đã quyết định điều ấy để làm nhục mọi đứa cao sang ngạo mạn” (Isaia 23: 9), “Thiên Chúa phán thế này: Kẻ khôn ngoan, đừng tự hào mình khôn ngoan; kẻ hùng mạnh, đừng tự hào mình hùng mạnh; kẻ giàu có, đừng tự hào mình giàu có” (Giêrêmia 23:9). “Tính tự cao hạ đứa tự cao xuống, người tự hạ sẽ được tôn vinh” (Châm ngôn 29:23), “Chúa tuy thật cao cả, nhưng vẫn nhìn đến kẻ thấp hèn; đứa ngạo mạn ngông nghênh, từ xa Ngài đã biết” (Tv 138: 6). 

Đó cũng là một chủ đề quan trọng của Tin mừng theo Luca: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Ngài nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,

người giàu có, lại đuổi về tay trắng” (1: 52-53), “Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế”   (6:26), “Còn ngươi nữa, hỡi Caphácnaum, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Không, ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ!” (10:15), “Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (18:14).

Quan điểm của Chúa Giêsu không phải là chúng ta nên giả dối để nhận được vinh dự lớn hơn. Đúng hơn, Chúa Giêsu muốn nói rằng danh dự không thể bị chiếm đoạt; nhưng được trao tặng. Chúa Giêsu không chống lại việc trao danh dự cho người xứng đáng, nhưng ngài chống lại việc sử dụng quyền lực và uy tín để tự làm cho bản thân mình “có trọng lượng”. Thiên Chúa tôn vinh kẻ khiêm nhường, và con đường khiêm nhường dẫn đến cổng thiên đàng. Những người thực sự khiêm nhường nhận ra bản thân mình không đáng gì trước mặt Thiên Chúa, chứ không phải có bất cứ uy thế nào khiến Thiên Chúa phải ban phúc lành cho mình.

RỘNG LƯỢNG

Chúa Giêsu mở rộng hình ảnh khiêm nhường bằng cách khuyên những người nghe Ngài nên mời những người khó khăn và những người không thể đền đáp lòng tốt đó vào bàn ăn của họ. Bữa tiệc nên được mở cho tất cả. Vì vậy, dù trong bất cứ bữa ăn nào, sáng hay tối, lòng hiếu khách không nên được thể hiện với những người giàu có và nổi tiếng cũng như các thành viên trong gia đình, mà là đối với những người không thể trả ơn. Trong văn hóa cổ đại, người đứng ra tổ chức một bữa ăn ngày lễ hội sẽ được đưa vào danh sách khách mời trong các bữa ăn tương lai tại nhà của người họ đã mời. Chúa Giêsu cho rằng sự hiếu khách kiểu “nay anh mai tôi” như vậy chẳng có giá trị tâm linh gì. Sự hiếu khách đích thực không chỉ là sự trao đổi theo một kiểu hợp đồng xã hội bất thành văn. Nếu Thiên Chúa đến với tất cả mọi người, thì những ai muốn tôn vinh Ngài cũng nên như vậy: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại” (Lc 14: 12-14).

Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại”. Bữa tiệc hiện tại trở nên ngượng ngùng vì lòng dạ kiêu hãnh, luôn muốn chứng tỏ đẳng cấp, của các khách dự tiệc đang bị bóc trần, vì vậy Chúa Giêsu,vị khách tốt bụng, hướng về điều mà “một trong những kẻ đồng bàn nói với Chúa Giêsu: “Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa!” (Lc 14:15). Đó sẽ là một bữa tiệc hạnh phúc hơn rất nhiều vào một ngày nào đó trong vương quốc của Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu đến trần gian để thiết lập một danh sách những người “kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Ngài” (Lc 7: 16). Danh sách này gồm “người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng” (Lc 7:22). Tất cả những người nghèo khổ này cần được tiếp đãi trong bữa tiệc đích thực của Thiên Chúa, nơi đó không ai có thể tự chọn cho mình chỗ ngồi danh dự. Chúa Giêsu không cho phép lối suy nghĩ phân chia giai cấp. Dựa trên quá trình thi hành sứ vụ của Chúa Giêsu cho đến nay, người ta biết rằng chính Chúa Giêsu, thay mặt Cha trên trời của Ngài, làm cho danh sách khách mời của Ngài ngày càng nhiều hơn. đa dạng và phong phú hơn danh sách khách mời của người Pharisêu có vai vế đó.

Luca không cho chúng ta biết bữa tiệc tối ngày Sabát đó kết thúc như thế nào. Nhưng người ta có cảm giác rằng khi Chúa Giêsu rời đi, người chủ tiệc không mỉm cười và không nói câu người ta thường nói: “Xin mời đến lần nữa!” Thực vậy, trong sách Tin mừng Luca, người ta sẽ không bao giờ đọc thấy rằng Chúa Giêsu lại một lần nữa là khách mời của một người Pharisêu hoặc bất cứ nhà chức trách tôn giáo nào khác. Bữa tiệc tối tiếp theo mà Chúa Giêsu tham dự là vào đầu chương 15 của Luca, nhưng lần này Ngài là khách của “các người thu thuế và các người tội lỗi”.

Chúng ta biết Chúa Giêsu là loại người nào. Câu hỏi mà trình thuật Luca 14: 1, 7-14 hôm nay đặt ra cho chính chúng ta, gia đình, hội đoàn, giáo xứ và Giáo hội của chúng ta là liệu loại người mà Chúa Giêsu mong muốn có phải là loại người mà chúng ta mong muốn trở thành hay không.

 

Phêrô Phạm Văn Trung.

 

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts