KIÊN TRÌ ĐỂ CÓ SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI

Chúng ta sắp kết thúc năm phụng vụ. Chu kỳ phụng vụ kết thúc với việc cử hành lễ Chúa Kitô Vua vào Chúa nhật tới. Sau đó, một chu kỳ mới bắt đầu với Chúa Nhật đầu tiên của Mùa Vọng. Thật thích hợp, các bài đọc trong Chúa nhật này nhắc nhở chúng ta về thái độ cần có của Kitô hữu đối với ngày tận thế.

Giống như bài đọc thứ nhất nhìn thấy trước sự kết thúc cuối cùng của lịch sử thế giới, nơi điều thiện tách ra khỏi điều ác, nơi người công chính tỏa sáng như mặt trời:

Bấy giờ, các ngươi sẽ lại phân biệt được người công chính với kẻ gian ác, kẻ phụng thờThiên Chúa với kẻ không phụng thờ Người. Vì này Ngày ấy đến, đốt cháy như hoả lò. Mọi kẻ kiêu ngạo và mọi kẻ làm điều gian ác sẽ như rơm rạ. Ngày ấy đến sẽ thiêu rụi chúng – Thiên Chúa các đạo binh phán – không còn chừa lại cho chúng một rễ hay cành nào. Nhưng đối với các ngươi là những kẻ kính sợ Danh Ta, mặt trời công chính sẽ mọc lên, mang theo các tia sáng chữa lành bệnh” (Mal 3: 18-20).

Chúa Giêsu cũng nhìn vào thế giới sau thời đại của Ngài:

Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽcó nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: “Chính ta đây”, và: “Thời kỳ đã đến gần”; anh em chớ có theo họ. Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu”. Rồi Ngài nói tiếp: “Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện” (Lc 21: 8-11).

Tuy nhiên, mặc dù loan báo về ngày tận thế, nhưng Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy nhìn rộng hơn và xa hơn, có lẽ xa hơn những gì mà sức lực của chúng ta có thể tưởng nghĩ ra và phương tiện tự nhiên của chúng ta có thể làm được.

Theo nghĩa này, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng sự sống không nằm trong đất đá vô tri vô giác trong Đền thờ, vốn là một nơi mà các tông đồ của Ngài dường như cho là một chỗ bảo đảm và họ thán phục một cách kinh ngạc: “Có mấy người nói về Đền Thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng” (Lc 21: 5), nhưng Chúa Giêsu làm cho họ kinh ngạc hơn nhiều khi Ngài tuyên bố: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” (Lc 21: 6).

Đền Thờ bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng sẽ không có ý nghĩa gì ngoài một khối vật chất vô cảm nếu không có những con người sống động qui tụ bên trong để tôn thờ Thiên Chúa với lòng yêu mến chân thành: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha ta thành nơi buôn bán” (Ga 2: 16).  Ngày nay các thánh đường hay các nhà thờ hiện đại của chúng ta cũng không có ý nghĩa gì trừ khi chúng ta thờ phượng Thiên Chúa “trong tinh thần và chân lý” như Ngài đã nói với người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacóp: “Nhưng giờ đã đến – và chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Ngài như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Ngài phải thờ phượng trong thần khí và sự thật” (Ga 4: 23-24)  chứ “không phải trên núi này hay tại Giêrusalem” (Ga 4: 21).

Vì vậy, chúng ta đừng hoảng hốt về chuyện thế gian này bị phá hủy hoặc đức tin bị thách thức, khi một cách sống đạo truyền thống nào đó mà chúng ta nghĩ là bảo đảm lại dường như đang bị biến mất: một đời sống đạo chỉ dựa dẫm vào nếp sinh hoạt xứ họ , một đời sống đạo chỉ qui chiếu vào luật lệ, bệnh sáo ngữ, cung cách đoàn lũ, [1] một cách diễn tả đức tin chỉ có trong nhà thờ mà không giúp diễn tả ra bên ngoài trong cuộc sống hàng ngày, không trưởng thành trong cách sống đức tin, như thánh Phaolô trách cứ: “Thưa anh em, về phần tôi, tôi đã không thể nói với anh em như với những con người sống theo Thần Khí, nhưng như với những con người sống theo tính xác thịt, như với những trẻ nhỏ trong Chúa  Kitô. Tôi đã cho anh em uống sữa chứ không cho dùng thức ăn, vì anh em chưa chịu nổi. Nhưng bây giờ anh em cũng vẫn còn không chịu nổi, vì anh em còn là những con người sống theo tính xác thịt. Bao lâu giữa anh em có sự ghen tương và cãi cọ, thì anh em chẳng phải là những con người sống theo tính xác thịt và theo thói người phàm sao?” (1 Cr 3: 1-4).

Đúng là Thiên Chúa hiện diện nơi đền thờ, nhưng không phải trong đất đá, quần áo hay công thức nghi lễ bề ngoài, mà là trong tâm khảm những con người đang tìm kiếm ý nghĩa và diễn tả bằng hành động sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng đang sống trong họ.

Tông đồ Phaolô nhắc nhở chúng ta, cho đến hơi thở cuối cùng, chúng ta mỗi người phải góp phần của mình vào sự thăng tiến của thế giới: “Còn về tình huynh đệ, anh em không cần ai viết cho anh em, vì chính anh em đã được Thiên Chúa dạy phải thương yêu nhau, và anh em cũng đang làm như vậy cho tất cả các anh em trong toàn miền Makêđônia. Nhưng thưa anh em, tôi khuyên nhủ anh em hãy tiến tới nhiều hơn nữa. Hãy gắng giữ hoà khí, ai lo việc nấy và lao động bằng chính bàn tay của mình, như chính tôi đã truyền cho anh em. Như vậy, lối sống của anh em sẽ được người ngoài cảm phục, và anh em sẽ không cần nhờ đến ai” (1 Tx 4, 9-12).  Đó là một cách làm cho thế giới có tình người hơn bằng cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của chúng ta tùy theo ơn gọi của chúng ta như Chúa Kitô đã làm.Với sự hiện diện của Ngài, chúng ta được mời gọi sống cuộc sống hàng ngày của mình, “để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17: 21). Chính ở tầm mức này mà cuộc đời, cái chết và sự sống sau này của chúng ta sẽ nên giống Chúa Kitô trong sự tin tưởng. Làm như thế, chúng ta không làm gì khác hơn là diễn tả lời nói vàng ngọc này của Chúa Kitô qua cách sống của mình: “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình” (Lc 21: 19). Thật vậy, kiên trì là để giữ lấy, để kéo dài, để sử dụng những ngày tháng được ban cho chúng ta, để làm phát sinh sự sống, và cuối cùng sự dũng cảm của chúng ta nhằm phục vụ sự sống sẽ đem lại cho chúng ta Sự sống đích thực là Chúa Giêsu Kitô.

Vậy thì thái độ đúng đắn của Kitô hữu ở giữa những thực tại đang dần qua đi này là gì?

Đó phải là niềm cậy trông bền bỉ, vì biết rằng lòng nhân hậu của Thiên Chúa biểu lộ nơi Chúa Kitô sẽ chiến thắng sự dữ, và đức tin sẽ chiến thắng sự sợ hãi và đau khổ. Gắn bó với Chúa Kitô giúp chúng ta tiến về phía trước. Sống kết hợp với Chúa Kitô trong mọi khoảnh khắc cuộc sống như Thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2: 20) giúp chúng ta vững vàng trước mọi đe dọa của: “những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện” (Lc 21: 11). Người ta hỏi một người đàn ông đang cuốc đất trong khu vườn của mình rằng ông ta sẽ làm gì nếu biết rằng ông ta sẽ chết vào buổi tối hôm ấy. Người đàn ông không hề mất bình tĩnh: “À, thì tôi sẽ tiếp tục làm việc trong khu vườn của tôi, bởi vì Đấng đến cùng tôi trong cái chết cũng chính là Đấng đã cùng tôi làm việc trong khu vườn”. Thật đúng là: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Chúa Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?… Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Chúa Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8: 35, 38-39)

Thực vậy, đối mặt với những bộn bề của cuộc sống dệt nên sự hiện hữu của chúng ta, dù thanh thản hay âu lo, chỉ có sự gắn bó này với Chúa Kitô Giêsu mới làm cho chúng ta tiến về phía trước và đứng vững. Amen!

 

Phêrô Phạm Văn Trung.

[1] http://daminhvn.net/suy-tu-nghien-cuu/nhung-can-benh-tram-kha-trong-doi-song-duc-tin-dao-hieu-kinh-6798.html

 

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts