Kiên trì đón chờ Chúa lại đến

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN C

Ml 3,19-20a ; 2Tx 3,7-12 ; Lc 21,5-19.

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 21,5-19

(5) Nhân có mấy người nói về Đền thờ được trang hoàng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức Giêsu bảo: (6) “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào”. (7) Họ hỏi Người: “Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra thì có điềm gì báo trước?” (8) Đức Giêsu đáp: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt. Vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: “Chính Ta đây, và thời kỳ đã đến gần”. Anh em chớ có theo họ. (9) Khi anh em nghe có chiến tranh loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước. Nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu”. (10) Rồi Người nói tiếp: “Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. (11) Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém. Sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện”. (12) Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp cho các hội đường và nhà tù, và điệu đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. (13) Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. (14) Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. (15) Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được”. (16) Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. (17) Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. (18) Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. (19) Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.

2. Ý CHÍNH: Bài Tin mừng hôm nay mở đầu “diễn từ chung luận” (x. Lc 21,5-36). Trọng tâm của bài Tin Mừng hôm nay là Đức Giêsu loan báo việc đền thờ Giêrusalem sẽ bị phá hủy và liên kết với việc tàn phá đền thờ, Đức Giêsu đề cập đến ngày tận thế. Trong khi chờ  đợi “Ngày của Chúa” tức là ngày Chúa đến lần thứ hai, các tín hữu sẽ phải trải qua nhiều gian nan thử thách, phải qua một thời kỳ bị bách hại. Nhưng họ đừng sợ, hãy cứ kiên trì vì sự bách hại sẽ là một cơ hội để họ làm chứng cho Tin Mừng. Chính Chúa sẽ giúp họ chiến thắng với điều kiện họ phải luôn kiên trì giữ vững đức tin và trung thành với Chúa đến cùng.

3. CHÚ THÍCH:

– C 5-7: + Có mấy người nói về Đền thờ được trang hoàng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng: Đền thờ nói đây đã được vua Hêrôđê Cả trùng tu vào năm 19 trước Công nguyên và bốn mươi sáu năm sau mới hoàn thành (x. Ga 2,20). Vì Đền thờ vừa được xây xong nên rất đẹp. + “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó, sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào”: Nhiều ngôn sứ đã tiên báo Đền thờ thứ nhất sẽ bị tàn phá (x. Mk, Gr, Ed), tượng trưng cho Giao ước sẽ bị phá hủy, vì dân Do thái đã bất trung với Giao ước ấy. Hôm nay Đức Giêsu lại tiên báo Đền thờ mới này cũng sẽ trở nên hoang tàn vì tội của dân Ít-ra-en đã từ chối Đấng Thiên Sai. Lời tuyên bố này về sau sẽ trở thành lý do khiến Đức Giêsu bị kết án (x. Mt 26,61). Tuy nhiên lời tiên báo này đã được ứng nghiệm vào năm 70 sau Công Nguyên, khi Đền thờ bị quân Rôma đốt cháy và đã sụp đổ bình địa. + “Vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước?”: Nghe Đức Giêsu tiên báo về sự sụp đổ của Đền Thờ, mọi người đều sợ hãi. Họ muốn biết đích xác ngày giờ xảy ra cùng những điềm báo trước để chuẩn bị.

– C 8-9: + Đức Giêsu đáp: Anh em hãy coi chừng…: Đức Giêsu không trả lời trực tiếp câu hỏi về thời gian và dấu chỉ tiên báo Đền Thờ sắp bị phá hủy, nhưng dựa vào đó Người mặc khải về ngày tận thế sẽ xảy ra giống như vậy. + Khi anh em nghe có chiến tranh loạn lạc thì đừng sợ hãi, vì những việc đó xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu: Đức Giêsu cảnh giác các môn đệ là đừng tưởng chiến tranh loạn lạc là dấu chỉ của ngày tận thế. Những điều đó sẽ xảy ra, nhưng chưa phải là dấu tiên báo ngày tận thế đã đến.

– C 10-11: + Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia…: Chiến tranh và những thiên tai như động đất, ôn dịch, đói kém, cùng những điềm lạ trên trời cũng không phải là những dấu chỉ của ngày tận thế, vì nó luôn xảy ra và hầu như thời nào cũng có. Nó chỉ cho thấy vũ trụ này sẽ không tồn tại mãi mãi.

– C 12-15: + Người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em….: Đức Giêsu tiên báo về một thời kỳ lịch sử, trong đó các môn đệ phải chu tòan sứ mệnh làm chứng cho Người giữa những cơn bách hại. Nhưng như Đức Kitô phải chịu khổ hình rồi mới vào vinh quang (x. Lc 24,26), thì các môn đệ cũng phải trải qua thử thách giống như Thầy mình. + Nộp cho các hội đường và nhà tù: Tại mỗi hội đường địa phương đều có nơi dành riêng cho việc xét xử và phạt tù các tội nhân vi phạm các tội thông thường về tôn giáo. Còn các tội nghiêm trọng sẽ được xét xử trước Thượng Hội Đồng tại thủ đô Giêrusalem. + Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy: Trong Tin mừng Luca, việc làm chứng cho Đức Giêsu là sứ mệnh của Nhóm Mười Hai (x. Lc 24,48) và của Phaolô (x. Cv 22,15). Làm chứng là công bố Đức Giêsu đã chết, đã sống lại và được đặt làm “Chúa”. Sau này làm chứng còn có nghĩa là tử vì đạo. + Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan: Đức Giêsu hứa chính Người sẽ trợ giúp các chứng nhân của Người (x. Ga 14,21), và sẽ sai Thánh Thần đến giúp đỡ các ông (Lc 12,11-12).

– C 16-19: + Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em… bắt nộp: Sự thử thách của các tín hữu xảy ra từ gia đình, nơi được coi là an toàn nhất. + Họ sẽ giết một số người trong anh em: Một số tín hữu sẽ bị giết, một số khác sẽ bị bắt bớ (x. Lc 11,49). + Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét: Kiểu nói bị mọi người thù ghét không có ý nói theo nghĩa tuyệt đối là hết mọi người, nhưng chỉ muôn nói là: Những kẻ chối bỏ Thiên Chúa sẽ thù ghét các môn đệ Đức Giêsu. + Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu: Đây là lời động viên các tín hữu hãy can đảm và tín thác mọi sự trong tay Chúa quan phòng. + Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình: Trong bất cứ cơn thử thách nào, nếu biết kiên trì, trung thành với đức tin thì chắc chắn các tín hữu sẽ được vào Nước Thiên Chúa (x. Cv 14,22).

4. CÂU HỎI: 1) Như các ngôn sứ xưa, Đức Giêsu đã tiên báo thế nào về số phận của Đền thờ Giêrusalem? Tai họa của Đền thờ tượng trưng cho điều gì sau này ? 2) Theo Đức Giêsu thì chiến tranh lọan lạc và các điềm lạ cả thể trên trời có phải là dấu hiệu của ngày tận thế đã đến hay chưa? 3) Đức Giêsu tiên báo về số phận của các tín hữu sẽ như thế nào? 4) Người dạy họ phải có thái độ ra sao khi bị bách hại?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình” (Lc 21,19).

2. CÂU CHUYỆN:

1) LỊCH SỬ CỦA ĐỀN THỜ VÀ THÀNH THÁNH GIÊRUSALEM:

Đền thờ Giêrusalem là một công trình nguy nga tráng lệ. Nó được xây dựng kéo dài suốt 46 năm. Đền thờ này là ngôi đền thứ ba được vua Hêrôđê Cả xxay dựng. Đền thờ được trang hoàng bằng những phiến đá tốt và nhiều lễ vật quý giá, với các cột và đồ gỗ chạm khắc, rèm thêu, sơn sơn thiếp vàng.

Việc xây dựng đền thờ trải qua ba thời kỳ: Đền thờ do vua Salomon xây cất đã bị quân Can-đê phá hủy cùng với thành Giêrusalem vào năm 587 trước Công Nguyên. Sau đó được vua Zorobabel khởi công xây lại đền thờ vào năm 525 trước CN, với sự cổ võ của tiên tri Dakaria và Agiê, nhưng lại bị quân Rôma làm hư hại. Rồi vua Herodê cả đã cho sửa lại vào năm 17. Khi Đức Giêsu đi rao giảng Tin Mừng, Đền Thờ thứ ba này đang được trùng tu và hoàn thành vào năm 64 sau Công nguyên. Đến năm 70, khi dân Do thái nổi loạn, viên tướng La mã là Titô đã đem đại quân đến vây hãm thành Giêrusalem. Ông ra lệnh không được đốt phá, nhưng một quân nhân trong lúc say men chiến thắng đã cầm bó đuốc đang cháy ném vào gian thánh Đền thờ, lửa bốc cháy lên màn che gian thánh và cháy lan ra toàn thể ngôi đền. Sau khi đám cháy tàn lụi, Titô ra lệnh phá huỷ toàn thể thành phố và Đền thờ Giêrusalem. Thật như lời Đức Giêsu tiên báo trong Tin Mừng hôm nay: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó, sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào”.

Hiện nay thành Giêrusalem chỉ còn trơ lại một bức tường thành cổ mà dân Do thái thường đến cầu nguyện than khóc, gọi là “bức tường than khóc”.

2) VỀ SỰ KIÊN TRÌ CHỊU ĐỰNG CỦA CON NGƯỜI:

ANNE FRANK là một cô gái người Do Thái tuổi mười ba, sống ở Amsterdam trong những năm đầu của chiến tranh Thế giới II. Khi quân Đức quốc xã săn lùng người Do Thái, cô và gia đình đều phải trốn tránh. Gia đình cô gồm bảy người, đã phải ẩn núp trong một tầng gác sát mái nhà trong thời gian hai năm liền. Ở đó, cô và gia đình đã hồi hộp chờ đợi từng ngày trong nỗi sợ hãi sẽ đến lúc bọn mật vụ Đức khám phá ra. Sau cùng cô và gia đình đã bị bắt đến trại tập trung.

Tại trại tập trung, Anne đã phải chứng kiến biết bao cảnh khổ, cô đã thấy rất nhiều người vì quá khổ mà trở thành mất nhân phẩm, mất lý tưởng, mất đức tin. Chính cô cũng khổ và nhiều lần hoang mang tự hỏi: có công lý thật không, có Thiên Chúa không? Nhưng sau những lúc giao động ấy, cô cương quyết giữ vững niềm tin của mình: cô tin rằng dù biểu hiện bên ngoài của con người có gian ác thế nào đi nữa thì trong thâm tâm con người vẫn tốt; dù hiện tại có xấu xa đến đâu đi nữa nhưng cuối cùng sự thiện sẽ chiến thắng sự ác; dù hiện nay xem ra Thiên Chúa vắng mặt, nhưng chính Thiên Chúa sẽ là người có tiếng nói cuối cùng. Những suy nghĩ ấy được cô ghi lại trong một quyển nhật ký.

Sau chiến tranh thế giới thứ 2, quyển “Nhật ký Anne Frank” đã được xuất bản, được dịch ra rất nhiều thứ tiếng, và nổi tiếng khắp thế giới.

3) VĨNH CỬU SẼ CHIẾN THẮNG THỜI GIAN:

Một hôm vua Ai cập đang đứng chiêm ngưỡng những công trình mà ông cho xây dựng tại thành phố Eliôpôli, bỗng có một cụ già râu tóc bạc phơ không biết từ đâu tới đã có giọng cười ngạo nghễ và lên tiếng thách thức nhà vua:

– Hãy bỏ lại tất cả và cút đi!

Nhà vua giận tím gan, nhưng ông ta đã nén giận và hỏi:

– Hỡi lão già kia, ngươi là ai mà dám ra lệnh cho ta cách hỗn xược như thế? Không lẽ ngươi lại quyền thế hơn cả ta?

Ông lão quả quyết:

– Đúng thế! Vì ta lchính à Thời Gian.

Nghe đến tên Thời Gian, vua Ai cập tái mặt, té nhào khỏi ngai vàng và chết. Cùng với ông, cả đế quốc Ai cập cũng sụp đổ theo.

Lão già Thời Gian cũng rảo qua khắp các đế quốc trên địa cầu. Lão đi đến đâu, các đế quốc đều rơi xuống như sung rụng.

Nhưng đến ngày kia, người ta bỗng thấy xuất hiện, tại đồi Vatican một cụ già khác. Bấy giờ lão già Thời Gian đến trước thành Vatican gầm lớn cùng một giọng điệu vô cùng hách dịch:

– Ta là Thời Gian đây!

Tiếng gầm thét đó làm rung chuyển cả trái đất, nhưng lại không làm cho cụ già trên đồi Vatican mảy may lo sợ. Cụ bình tĩnh đáp:

– Còn ta, ta chính là Vĩnh Cửu! Xuyên qua các thế hệ ta phải đại diện cho lòng chung thủy của Thiên Chúa đối với con người.

4) MỌI SỰ CHÚA ĐỂ XẢY RA ĐỀU HỮU ÍCH CHO PHẦN RỖI CỦA CHÚNG TA:

Một người kia có đức tin luôn tin thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Trong bất cứ hoàn cảnh nào dù may hay rủi, anh ta cũng đều cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa về điều Chúa mới cho xảy ra với con, vì con tin rằng điều đó sẽ hữu ích cho phần rỗi đời đời của con”.

Một hôm, anh ta mua vé tàu sang nước Anh. Sáng hôm ấy vì thức dậy trễ, nên anh vội leo lên tắc-xi yêu cầu tài xế lái thật nhanh đến bến tàu cho kịp giờ tàu chạy. Nhưng khi xe chở anh tới bến cảng thì cũng là lúc con tàu bắt đầu nhổ neo khởi hành. Anh vội chạy ra ngoài bến cảng và hét gọi thật to, vẫy tay ra hiệu cho con tàu mau dừng lại. Nhưng dường như thuyền trưởng không nhìn thấy anh ta và con tàu vẫn từ từ rời khỏi bến cảng tiến ra khơi. Trong lúc chạy theo con tàu, chẳng may anh bị vấp chân vào một mấu sắt trồi lên ở cầu tàu và bị té ngã xuống đường. Chiếc va-li nặng đang cầm trên tay đè lên làm gẫy một chân phải của anh. Mọi người gần đó chạy đến giúp đỡ và chở anh đến bệnh viện gần nhất để cấp cứu. Sau khi hồi tỉnh và được các phóng viên hỏi cảm thấy thế nào khi bị trễ tàu và bị tai nạn gẫy chân, thì anh lại trả lời rằng: “Tôi cảm tạ Chúa vì Người đã ban cho tôi bị trễ chuyến tàu này”. Họ lại hỏi: “Bị trễ tàu và gãy chân như thế mà là ơn lành của Thiên Chúa sao?” Anh ta trả lời: “Tôi không biết lý do tại sao, nhưng tôi tin rằng Chúa quan phòng biết rõ điều đó có ích cho phần rỗi đời đời của tôi. Đối với tôi, như thế đã là đủ lắm rồi!”.

Quả thật, chỉ mấy ngày sau, báo chí đã đồng loạt đăng lên trang nhất tin một con tàu rời bến cảng vào đúng buổi sáng ngày anh bị trễ tàu, và sau đó đã đụng phải đá ngầm ở ngòai khơi bị chìm khiến tất cả hành khách đi trên con tàu ấy đều bị chết chìm ! Bấy giờ anh chàng bị què chân kia lại càng thêm xác tín: chính Chúa quan phòng đã thương gìn giữ anh tránh được một cái chết thê thảm, bằng cách để anh bị trễ tàu và còn để anh bị té gẫy chân nữa.

Qua câu chuyện trên, chúng ta có thể rút ra bài học này là: “Thiên Chúa có thể rút từ sự dữ ra sự lành” cho những ai biết cậy trông tín thác cuộc sống trong tình thương của Ngài.

3. SUY NIỆM:

Tin mừng Chúa Nhật hôm nay ghi lại lời Đức Giêsu tiên báo về sự hủy diệt Đền thờ Giêrusalem. Đây cũng là dịp để chúng ta suy nghĩ về giờ chết của mỗi người chúng ta và về ngày tận thế chung của toàn thể nhân loại. Đồng thời chúng ta biết nên làm gì để chuẩn bị cho ngày ấy chắc chắn sẽ đến.

1) TIÊN BÁO VỀ ĐỀN THỜ BỊ PHÁ HỦY VÀ NHỮNG ĐIỀM BÁO TRƯỚC:

Tin mừng Luca ghi lại lời Đức Giêsu tiên báo về sự hủy diệt của Đền thờ Giêrusalem như sau: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” (Lc 21,6).

Nghe Đức Giêsu tiên báo về sự sụp đổ của Đền Thờ như vậy, mọi người đều kinh hãi và muốn biết rõ hơn về thời gian và dấu chỉ báo trước biến cố ấy. Đức Giêsu đã cho biết một số điềm báo về ngày này, ám chỉ ngày tận thế của nhân loại. Bấy giờ Người sẽ tái lâm trong vinh quang để phán xét chung nhân loại như sau:

-Sẽ có nhiều người mạo danh Người đến nói rằng: “Chính Ta đây, và thời kỳ đã đến gần”.

-Sẽ có chiến tranh loạn lạc: Dân này nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ.

-Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi có ôn dịch và đói kém.

-Sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện.

-Nhưng trước khi các sự ấy xảy ra, các tín hữu sẽ trải qua thời kỳ bị bắt bớ ngược đãi, bị nộp cho các hội đường và nhà tù, bị điệu đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Đức Giêsu.

2) PHẢI ỨNG PHÓ THẾ NÀO ?:

-Kiên trì và đừng nản chí: Đức Giêsu đã khích lệ các môn đệ như sau: ”Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình” (Lc 21,19). Kiên trì là dù gặp phải các gian truân thử thách, cũng không được chùn bước, không nản chí bỏ cuộc, nhưng phải luôn giữ vững đức tin và quyết tâm đi theo con đường của Đức Giêsu là: “Qua đau khổ vào trong vinh quang” (x. Lc 18,32). Cụ thể là “Từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23).

-Làm chứng cho Chúa bằng lòng tín thác cậy trông:

Đối với Đức Giêsu, bách hại và thử thách không đáng sợ, nhưng chính là cơ hội để các môn đệ “làm chứng” cho Chúa, dù phải chịu thử thách đau khổ kể cả sự chết, như thánh Phaolô đã quả quyết như sau: “Tôi tin chắc rằng: Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, chiều cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39).

Đây cũng là thời gian thuận tiện để các tín hữu chúng ta làm chứng đức tin về sự hiện hữu của một thế giới mới đầy ánh sáng và tình thương, trong đó mọi người đều tin thờ một Thiên Chúa là Cha và đối xử với nhau như anh chị em trong đại gia đình của Thiên Chúa. Thế giới ấy bắt đầu từ Hội Thánh hôm nay và sẽ biến thành “Trời Mới Đất Mới” là thiên đàng mai sau (x. Kh 21,1-4).

3) CHUẨN BỊ THẾ NÀO ĐÓN CHÚA ĐẾN TRONG GIỜ CHẾT VÀ NGÀY TẬN THẾ:

– Đừng sợ hãi lo lắng trước cái chết: Đức Giêsu dạy các môn đệ “Đừng sợ !” không có nghĩa không được sợ, nhưng phải biết làm chủ cảm giác sợ ấy và chiến thắng nó như Đức Giêsu trong vườn Cây Dầu: tuy lo sợ đổ mồ hôi máu khi đối diện với cái chết đang tới gần (x. Lc 22,44), nhưng Người đã can đảm thưa với Chúa Cha: “Đừng theo ý con mà xin vâng ý Cha” (Mt 26,38-39).

– Cần chu toàn việc bổn phận: Thời thánh Phaolô có nhiều tín hữu ở Thê-sa-lô-ni-ca tưởng lầm ngày tận thế đã đến gần, nên bỏ bê công việc làm ăn rồi chỉ biết ăn bám vào người khác. Ngài đã cảnh cáo họ như sau: ”Khi còn ở với anh em, chúng tôi đã chỉ thị cho anh em: Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn! Thế mà chúng tôi nghe nói: trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào. Nhân danh Chúa Giêsu Kitô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân“ (2 Ts 3,10-13). Cũng vậy, trong khi chờ đợi giờ Chúa đến, mỗi người chúng ta cần phải chu toàn các việc bổn phận của mình. Phải luôn kiên trì giữ vững đức tin dù gặp phải bất cứ khó khăn ngược đãi nào để được hưởng ơn cứu độ như lời Chúa: ”Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình” (Lc 21,19).

– Dọn mình chết lành: Hiện nay có nhiều người sống như không bao giơ phải chết. Họ không biết mình sống để làm gì và không biết chết rồi sẽ ra sao? Do đó, họ chỉ lo hưởng thụ các đam mê lạc thú bất chính và không làm gì để chuẩn bị cho đời sau. Còn các tín hữu hôm nay cần ý thức về ngày giờ chết của mình để chuẩn bị chết lành, bằng việc thực hiện những việc như sau: Thanh toán nợ nần sòng phẳng, hồi tâm sám hối mỗi tối và năng lãnh bí tích Hòa giải, dọn mình dự lễ rước lễ mỗi ngày. Thực hành các việc bác ái cụ thể như kinh “Thương Người có mười bốn mối” và “Kinh Hòa Bình” (của thánh Phan-xi-cô) đề ra. Ngoài ra còn phải chu toàn công việc bổn phận như: học tập, nội trợ, lao động trí óc chân tay… Làm được như vậy thì khi giờ chết đến gần, chúng ta sẽ  không cảm thấy bồn chồn lo lắng, nhưng sẽ vui mừng chờ đón Chúa đến trong niềm tin tưởng cậy trông sẽ được Người thương đón nhận vào hưởng hạnh phúc Nước Trời đời sau.

4. THẢO LUẬN: 1) Câu chuyện bị trễ tàu và thoát chết cho thấy đức tin của nhân vật chính thế nào ? 2) Đã bao giờ bạn gặp hoàn cảnh “rủi biến thành may” như anh chàng này chưa ? 3) Bạn quyết tâm làm gì để chuẩn bị giờ chết bất ngờ có thể đến với bạn ?

5. NGUYỆN CẦU

LẠY CHÚA GIÊSU. Chính tiền tài, danh vọng, quyền lực và những đam mê lạc thú bất chính làm cho tâm hồn chúng con luôn cảm thấy bất an. Xin cho chúng con biết sáng suốt xác định cùng đích đời mình là Nước Trời đời sau. Xin cho chúng con biết luôn chu toàn các việc bổn phận và sẵn sàng đón Chúa đến bất cứ lúc nào trong giờ chết để xứng đáng nhận được ơn cứu độ của Chúa.

X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH – HHTM

Chia sẻ Bài này:

Related posts