BÀI 1. LÀM CON TRONG GIA ĐÌNH CỦA THIÊN CHÚA
Ngày 14.10.2012, Vietnamnet đưa tin, ông Vương Văn Héo ở Lạng Sơn và con trai lớn của ông phải ra trước vành mống ngựa vì can tội giết con và em trai. Tại sao lại có thảm cảnh này?
Sau khi vợ qua đời, ông Héo cố gắng một mình nuôi các con lớn khôn. Rồi ông đi bước nữa. Thế là từ đó, mâu thuẫn giữa ông, vợ mới của ông và con trai thứ là Vương Văn Duy (26 tuổi) bắt đầu diễn ra.
Đã nhiều lần, Duy đập phá nhà cửa, đòi giết mẹ kế, chửi bới cha, đòi phá bàn thờ mẹ ruột của anh… Ông đã nhẫn nhịn con trai ông quá nhiều, quá lâu…
Cho đến một ngày, đó là mùng hai Tết, sau khi Duy đi chơi về, gây sự với cha và mẹ kế. Thấy vậy, vợ ông Héo (mẹ kế của Duy) gọi điện cho anh ruột của Duy là Vương Văn Cảnh. Cảnh đã tìm lời để khuyên can em.
Tưởng mọi sự đã nguôi. Nào ngờ, sau giờ cơm trưa, Duy lại gây sự. Lần này Duy bắt thang trèo lên bàn thờ để chuẩn bị hạ bàn thờ của mẹ mình, nên Cảnh đã ôm ngang lưng em. Thấy con trai quá hỗn xược, bất hiếu với mẹ, lại ngày Tết, ông Héo lấy ống điếu thuốc lào đánh vào chân Duy.
Duy la hét, chửi bới, đòi giết cả cha và anh. Cảnh vật em xuống nền nhà và ngồi đè lên người em. Ông Héo không giữ nổi bình tỉnh, lấy khúc củi thông đánh vào đầu con mình ba cái. Duy chết ngay tại chỗ…
Hôm nay, qua dụ ngôn Người Cha nhân hậu, Chúa Giêsu cho thấy, Thiên Chúa cũng có một gia đình. Người là Cha, chúng ta là con của Người. Trong gia đình của Thiên Chúa, vẫn có những người con ngỗ nghịch, hoang đàng.
Bởi trong nhân loại này, từng ngày, từng giờ, có biết bao nhiêu kẻ chống Chúa, biết bao nhiêu kẻ xem Thiên Chúa là kẻ thù của mình. Nhiều quốc gia, nhiều chế độ xã hội, nhiều nền chánh trị, không chỉ loại trừ Thiên Chúa, mà còn báng bổ, xúc phạm, tìm cách triệt hạ hình ảnh và ảnh hưởng của Thiên Chúa…
Có khi người con ngỗ nghịch, hoang đàng ấy là chính chúng ta. Bởi biết bao nhiêu lần, chúng ta đi ra khỏi tình yêu của Cha, chống đối Cha, xúc phạm đến Cha bằng bao nhiêu tội lỗi… Nhưng Thiên Chúa vẫn tỏ ra, Người là Cha nhân hậu, yêu thương, tha thứ.
Những người cha trần thế, có khi không chịu nổi sự ngỗ nghịch của con mình, đến nỗi đã dẫn đến kết quả bi thương như gia đình ông Héo, thì Thiên Chúa, Cha của chúng ta, vẫn là Người Cha yêu thương, cần mẫn, chịu đựng và sẵn sàng tha thứ cho chúng ta.
Hãy nhìn vào tình yêu vô bờ của Thiên Chúa mà ăn năn tội. Hãy vì tình yêu của Chúa mà làm lại cuộc đời, mà vươn lên thoát khỏi những ảnh hưởng và cám dỗ của tội lỗi.
Từng người hãy đáp trả tình yêu của Chúa bằng sự nỗ lực liên tục sống trong Chúa, cậy dựa vào Chúa và luôn hăng hái làm việc thiện, tránh xa những gì dẫn chúng ta đến chỗ xa rời Thiên Chúa, cũng là Cha nhân hậu có một không hai của mỗi sinh linh.
Lạy Thiên Chúa, Người là Cha Nhân Hậu của chúng con. Xin ân cần tha thứ và đón nhận chúng con. Dẫu chúng con vẫn còn đó nhiều lỗi lầm, thiếu sót, nhưng xin đừng chấp tội chúng con, mà hãy nhìn đến những cố gắng hằng ngày của chúng con mà tiếp tục yêu thương chúng con. Xin Chúa cũng hãy làm cho những ai, thù nghịch với Chúa, biết trở về quy phục Chúa. Amen.
Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG
BÀI 2. KỲ DIỆU CỦA ƠN ĐƯỢC THA THỨ
CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN. NĂM C
Nơi tòa giải tội, tôi đã từng gặp nhiều hối nhân bỏ xưng tội, bỏ rước lễ lâu năm. Một khi họ quyết tâm trở về, tôi nhận ra, hầu như tất cả họ đều cảm nghiệm tình trạng bất hạnh của mình. Xa Chúa, họ mất bình an hoàn toàn. Họ chới với, cô đơn, tuyệt vọng. Họ hổ thẹn và muốn chạy trốn hết mọi người.
Lẽ ra, khi thấy mình mất mát như thế, hối nhân phải đến tòa giải tội. Nhưng thật trớ trêu, càng xa Chúa, họ càng sợ tòa giải tội, bởi họ dư biết, đến với tòa giải tội cũng đồng nghĩa với việc họ phải đối diện cùng lương tâm của mình. Mà lương tâm có bao giờ tha thứ hay bao che cho ai. Vỉ thế, họ cố tìm cách chạy trốn. Bao nhiêu năm cố gắng chạy trốn lương tâm, phiêu lưu trong tội lỗi, con người chỉ còn lại nơi mình toàn những chán chường, thất vọng.
Ngược lại, do một động lực nào đó, họ lên đường về lại cùng Chúa, họ sẽ bắt gặp một tình yêu đại lượng không gì bằng.
Họ sẽ lấy lại tất cả quyền làm con Thiên Chúa. Tâm hồn sẽ bình an vô cùng. Họ thấy mình như vừa sống lại sau một thời gian chính mình giết chết mình.
Có hối nhân còn nghẹn ngào vì ân hận, pha lẫn niềm sung sướng vì vừa được giải thoát, vừa như trút gánh nặng của lương tâm đè nặng tâm hồn bấy lâu nay, vừa cảm nhận tình yêu tha thứ mà Thiên Chúa không ngừng trao ban. Vì thế, giọt nước mắt trong tiếng nghẹn ngào sẽ là giọt hạnh phúc tuôn trào trên khóe mắt.
Cảm nhận được hạnh phúc khi trở về cùng Chúa, không phải vì chính việc họ trở về cho bằng họ đã chạm tới lòng nhân hậu vô cùng luôn nội tại nơi chính cung lòng Thiên Chúa đã dành cho họ, chờ đợi họ.
Chỉ có tình yêu của Thiên Chúa mới đong đầy hạnh phúc trong lòng người. Tình yêu chờ đợi cách hết sức bền bỉ của Chúa, làm cho lòng cứng cỏi của con người bị thiêu cháy, chỉ còn lại niềm tin tưởng mà thôi.
Hãy nhớ, mỗi một lần ta phạm tội là mỗi một lần ta bứt ra khỏi tình yêu của Chúa. Còn tình yêu của Chúa lại vượt lên trên mọi tính toán, mọi đo lường của ta.
Người con hoang đàng trong Tin Mừng chỉ xin cha anh đối xử với anh như một người làm công. Nhưng cha anh lại hồi phục cho anh mọi giá trị làm con. Anh là con, chứ không phải làm công.
Vậy, chúng ta hãy trở về cùng Chúa. Người đang chờ đợi chúng ta. Chúng ta là đứa con hoang đàng, nhưng không bị bỏ rơi.
Chỉ cần trở về cùng Chúa bằng việc ăn năn tội, xưng thú tội lỗi, là ta lại được Chúa trả lại mọi giá trị làm con của Chúa cho ta.
Hãy nhớ rằng, chỉ có con cái mới bỏ cha mình, còn người làm cha không dễ gì dứt bỏ con cái. Ta không sợ Thiên Chúa từ bỏ, vì Người yêu ta như yêu chính bản thân Người. Chỉ có ta liều lỉnh, đã nhiều lần từ chối tình yêu của Chúa mà thôi.
Lạy Chúa, chúng con thấy mình vẫn rơi vào tội lỗi của người con hoang đàng, bởi biết bao nhiêu lần chúng con đã phạm tội. Chúng con thèm tự do quyết định đời mình, nhưng tự do ấy biến chúng con thành nô lệ, một thứ nô lệ đớn hèn, đó là nô lệ cho tội lỗi.
Xin lôi kéo chúng con về cùng Chúa. Xin tha thứ tội lỗi chúng con. Xin ban sức mạnh để từ nay, chúng con quyết tâm chừa bỏ tội lỗi của mình. Amen.
Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG
BÀI 3. LÀM CON THEO GƯƠNG CHÚA GIÊSU
CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN NĂM C
Đoạn Kinh Thánh hay dụ ngôn về Người cha nhân hậu là đoạn Kinh Thánh hay dụ ngôn mượn hình ảnh người cha để nói đến tấm lòng của Thiên Chúa.
Dụ ngôn gây nhiều cảm động vì cảm nhận tình yêu sâu đậm mà Thiên Chúa dành cho người tội lỗi biết ăn năn, một tình yêu lớn hơn mọi thác ghềnh, vượt trên mọi tội lỗi. Đó là tình yêu mà đất không thể sánh, trời không thể ví. Một tình yêu mà dù núi cao, dù biển rộng không có gì có thể đo lường.
Dụ ngôn mô tả cuộc đời lầm lỗi của đứa con trai vừa phản bội và xúc phạm nặng tình cha, vừa giẫm nát cuộc đời mình, vừa gây đổ vỡ mọi tương quan cùng Thiên Chúa cũng như loài người, vừa gây nên bao nhiêu đớn hèn đối nghịch hẳn với tình yêu của người cha già cao cả, mạnh mẽ đến nỗi dường như chỉ có yêu mà không hề có bất cứ tính toán, đong đo nào.
Chúa Giêsu kể: Anh là đứa con trai thứ trong hai đứa con mà người cha hết lòng yêu mến. Anh ra đi bụi đời sau khi đòi cha chia gia tài cho anh.
Vừa khi nhận phần gia tài, người con thứ đã thể hiện ngay bộ mặt xấu xa của mình: Chẳng những anh không biết ơn cha, không có một lời cảm tạ cha, mà anh còn cho thấy, anh xem gia đình mình như một thứ nhà tù cho bước chân “yêu đời” của anh, là thứ đập nước ngăn cản sức sống đang lên của anh.
Cuối cùng anh quyết định lựa chọn con đường riêng mà không thèm bàn hỏi gì với người cha già chỉ biết có yêu thương và chiều chuộng con.
Điều lạ ở đây là, người cha ngay lập tức đồng ý phân chia gia tài, dù biết rõ tính tình của đứa con. Người cha như phần nào thông cảm “cho đứa con không thể răn bảo được.”
Dụ ngôn cho thấy, dù bất cứ chuyện gì xảy ra, thì người cha vẫn tôn trọng tự do của con ông. Lòng thương tràn bờ của ông không nỡ để con thoát ly khỏi nhà mình, thoát ly khỏi vòng tay của mình với hai bàn tay trắng.
Còn đứa con, một khi quyết tâm ra đi, nó đã dại dột giày xéo dưới chân quyền làm con và từ chối quyền làm cha của cha nó.
Nhưng “cáo chết 3 năm quay đầu về núi”, hay “Lá rụng về cội”, “nước đổ về nguồn”. Đứa con ông mù quáng trong dục vọng, từ địa vị một đứa con gia giáo trở thành đứa chăn heo ở miền ngoại bang.
Tình trạng sa sút của anh quá sâu, sâu đến nỗi anh phải ăn đồ ăn của heo để cầm hơi sự sống. Sự sống của người con thứ, giờ đây được đặt ngang hàng với bầy heo, có khi kém giá hơn, vì heo còn có ăn, còn anh thì “muốn ăn đồ heo ăn, mà chẳng ai cho…”.
Chỉ khi rơi vào cảnh túng khổ tuyệt đối mới làm cho người con tội lỗi suy nghĩ lại. Nghĩa là dù anh có trở về, thì lý do đầu tiên vẫn không hề là nhớ về tình yêu của cha, hình ảnh tội nghiệp của cha đang ngày đêm mong chờ.
Anh chỉ trở về với cha vì bản thân mình, vì cái bụng đói cồn cào của mình, vì sự ích kỷ của bản thân: Anh nghĩ, trong nhà cha hàng ngày của ăn dư dật, ngay cả đầy tớ mà còn được hưởng thụ, còn anh thì đang chết đói, đang khổ sở tứ bề…
Những bước chân nặng nề, với tấm lòng rối bời tội lỗi và mặc cảm… người con phản bội quỳ sụp dưới chân cha mình: “Lạy cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha…”. Đó là lần xưng tội công khai, đó là sự ăn năn muộn màng.
Dù chỉ là sự thú tội, lòng ăn năn của một tâm hồn ích kỷ, người con thứ vẫn nhận được tình yêu bao dung, tình yêu bền vững trước sau như một của cha mình…
Người con trở về, dù là khoác lớp áo nào để trở về đi nữa, thì cuộc trở về ấy vẫn làm cho cả trời và đất vui mừng, gia đình vui mừng, họ hàng tuôn đến chia vui.
Đó là hình bóng đời người chúng ta. Một khi xa Thiên Chúa, con người ngày càng vong thân, mất mọi giá trị làm người, làm con Chúa và làm anh em giữa muôn người.
Một khi nhận ra lầm lỗi, sự yếu đuối, sức bạc nhược của mình mà trở về với Chúa bằng việc trung thành, hiếu thảo và chuyện trò cùng Chúa trong sự siêng năng cầu nguyện, chúng ta sẽ lấy lại nghị lực, tăng cao giá trị làm người và làm con Chúa của mình.
Mỗi người cần rút ra bài học từ Lời Chúa hôm nay mà sống sao, để từng ngày mỗi sát gần sự thánh thiện như Chúa muốn. Hãy là hình ảnh của Người Con mang tên Giêsu với Cha, chớ đừng là hình ảnh của những người con hư hỏng trong dụ ngôn.
Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG