(Suy niệm Lời Chúa CN 18 TN C, 2013)
Sách Giảng viên mời gọi mỗi chúng ta có cái nhìn chính xác về những thực tại trần thế, tất cả là phù vân. Cuộc sống con người chóng vánh, ngắn ngủi. Cả đất trời kia uy hùng lộng lẫy cũng có năm, có tuổi, có thời hạn, huống chi thân xác con người, nhà cửa, bạc tiền, danh vọng lại vô hạn, lại tồn tại mãi được sao? Vậy mà của phù vân có sức mạnh kinh khủng đến độ con người ta phải làm nô lệ cho nó cho tới chết.
Nhớ năm 1996, tôi đưa Cha Phanxicô đi xức dầu cho cụ già Tư. Đến nơi, Cụ đang nằm trên giường. Cha giải tội cho cụ. Cụ nghiêng qua xưng tội. Dưới lưng cụ có mấy tờ bạc 500, 1000, 2000 đồng. Giải tội xong, cha cười, hỏi: “Sao lại để tiền dưới lưng nhiều thế?” Ông thản nhiên trả lời: “Cho nó ấm người cha ạ.”
Vâng, biết là phù vân, mà vẫn cứ để lòng lao xao, để bị cuốn hút đến lao đao đeo đuổi cả một đời không dứt. Nhất là, loại phù vân mang tên tình yêu không đích thực, loại tình yêu làm cho con người ta thoả mãn cái tính dục trong con người thì càng có sức cuốn hút hơn. Tình yêu phù vân đích thực ấy lại có sức điều hành cả kẻ dốt nát quê mùa lẫn người trí thức, người có chức có quyền, có danh vọng, địa vị, và đôi khi làm chao đảo cả những con người từng thưa lời tận hiến.
Cảnh phù vân, của phù vân, tình phù vân nào cũng làm cho người ta tưởng như là hạnh phúc. Và khi một thực tế trả lời về sự dại dột của mình thì mới sáng mắt ra nổi. Thực tế ấy là một thất bại trắng tay tiền của, trắng tay quyền lực, trắng tay danh vọng, người tình bắt cá hai ba tay… Nhưng rồi lòng tham vô đáy cứ còn xúi giục con người ta trở lại con đường cũ. Ngay cả cái thực tế phủ phàng nhất là tuổi già và sự chết cũng không lay chuyển được lòng tham thế sự phù vân. Phù vân mà kinh khủng thật!
Hãy tìm kiếm những gì thuộc về thượng giới
Tìm cho được một người thoát ra được vòng giam hãm trong cái ngục thất tham lam sự đời thật không dễ chút nào. Sự đời là phù vân nhưng muôn màu muôn vẻ cuốn hút hấp dẫn. Kẻ luôn khát tình, người luôn khát dục, kẻ khát tiền bạc, nhà cửa, người khát danh vọng, tên tuổi, kẻ khát quyền lực, khát thống trị, người khát an thân, ích kỷ… Tất cả khát khao ấy dẫn con người ta tới chỗ ra công tìm kiếm cho bằng được bất chấp mọi khó khăn, bất chấp mọi thủ đoạn. Tưởng như là hạnh phúc.
Thánh Phaolô viết trong Thư gửi Giáo đoàn Côlôsê (3,1-5.9-11): “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới.”
Khi nói “anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô”, cách nào đó, Thánh Phaolô đã xác nhận kiếp người phù vân, nhưng sẽ không còn phù vân nữa vì đã được Chúa Giêsu Kitô cứu khỏi cái chết muôn đời. Vì đã được cứu, Thánh Phaolô dạy chúng ta hãy “tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa”.
Tìm ở đâu ra những gì thuộc về thượng giới, nếu không tìm nơi chính Đức Giêsu, người từ thượng giới mà xuống, người đã đền tội cho nhân loại vì một lẽ công bằng mạng thế mạng. Sự chết của Ađam đổi sự chết của Ngài, để sự sống của Ngài đổi lấy sự sống cho nhân loại. Chỉ có tình yêu thương mới thôi thúc Ngài thực thi lẽ công bằng với Thiên Chúa Cha vậy.
Có câu chuyện cô M. bán bún thịt nướng kể rằng: có một lần cô thối tiền cho một người lộn tờ 500.000, vì cũng xanh giống tờ 20.000. Người mua hàng là khách lạ. Chỉ nhớ là cậu trai chừng 30 tuổi, thấp nhỏ, da ngăm đen khắc khổ. Hai tuần sau, cô em của cô M. gặp hai vợ chồng cậu ấy đi chợ, chỉ cho cô M. Cô M. thử hỏi: “Có lần ghé nhà chị mua bún thịt nướng mang về phải không em?” Cậu ấy trả lời “có”. “Hình như chị thối lộn tiền cho em không?” Vợ cậu ấy trả lời ngay: “Của chị hả, hôm ấy ảnh đi mua mấy thứ linh tinh hai ba nơi về dư ra tờ tiền 500.000 mà không biết của ai. Em lo quá, nay biết của chị rồi. Em sẽ trả chị.” Hai ngày sau cô vợ ấy đến trả cho cô M. 500.000, toàn tiền lẻ. “Chị thông cảm, tiền em bán nước cho học sinh.” Cô M. nhận tiền và biếu lại cô ấy 100.000. Nhưng cô ấy không nhận.
Hoá ra những gì thuộc về thượng giới không ở đâu xa, ở ngay trong lương tâm công chính thật thà, trong đời sống công bằng, phải lẽ, ở ngay trong tình thương của người dành cho người, nhất là người cùng khốn.
Thuộc về thượng giới là không còn lòng tham lam của cải ở đời, nhưng có lòng khát khao những điều thiện hảo, không tham lam những gì chóng vánh tiêu tan, nhưng khát khao những gì là bền vững, vĩnh cửu.
Điều vĩnh cửu ấy Chúa Giêsu gọi là “làm giàu trước mặt Thiên Chúa”.
Làm giàu trước mặt Thiên Chúa
Dụ ngôn người phú hộ Chúa Giêsu đưa ra mời gọi chúng ta đừng quá lệ thuộc vào của cải, danh vọng, xác thịt, vật chất phù vân, nhưng hãy thuộc về Thiên Chúa ngay trong khi còn sống trên thế gian này. Thuộc về Thiên Chúa là thực thi những gì Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, đã dạy: khiêm nhượng, hiền lành, khó nghèo, yêu thương tha nhân, nhân hậu, tha thứ, chạnh lòng thương, sẻ chia cơm áo, cho đi chút nước lã cầm hơi… tất cả vì Chúa Giêsu Kitô đang hiện thân nơi mỗi anh em đồng loại.
Làm giàu trước mặt Thiên Chúa không cho phép tham lam tích trữ của cải phù vân, không cho phép hưởng thụ của cải đời này cách quá đáng mà quên cõi đời sau, nhưng ngược lại, làm giàu trước mặt Thiên Chúa là ra công xây dựng tình bác ái huynh đệ, xây dựng cuộc sống tràn tin yêu hy vọng vào một ngày hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa trong Nước của Người.
Xin mượn mấy câu thơ trong bài thơ Một Xu của Hương Nam (Thi ca cầu nguyện số 126) để kết đôi dòng suy tư hèn mọn:
Tay con nắm cả phù vân
Hóa ra một mớ bụi trần bay bay
Có gì nắm được trong tay
Nếu không nắm lấy chính Ngài, GiêsuKho tàng châu báu thiên thu
Mỗi ngày bỏ ống một xu hiền lành
Một xu tin tưởng chân thành
Một xu bác ái để dành muôn sau… … …
Một xu yêu mến Giêsu
Sống theo lời dạy thiên thu an bình
Một xu bác ái chân tình
Yêu thương, giúp đỡ, hy sinh cho người.… … …