Phụng vụ Giáo hội ấn định lễ Hiển Linh khép lại mùa Giáng Sinh và lễ Chúa Giê-su chịu Phép Rửa mở đầu cho mùa Thường niên năm Phụng vụ mới (CN I/TN). Cũng bởi vì biến cố Chúa Giê-su chịu Phép Rửa tại sông Gio-đan đánh dấu việc mở ra một giai đoạn mới, giai đoạn xuất hiện công khai khởi đầu cho sứ vụ của Người sau 30 năm sống ẩn dật tại Na-da-ret. Tuy nhiên, truyền thống phụng vụ Đông phương coi biến cố này vẫn là một thành phần trong lễ Hiển Linh, vì cùng mang một ý nghĩa: Thiên Chúa tỏ mình ra cho muôn dân. Đó là chưa kể ngay trong thời gian sống ẩn dật, thêm một bằng chứng thuyết phục là năm Đức Giê-su 12 tuổi bị coi như đi lạc, thì khi tìm lại được, Đức Mẹ và Thánh Cả Giu-se đã chứng kiến Người đang ngồi nghe và đặt những câu hỏi rất thông minh trước các bậc thầy Do-thái trong Đền Thờ (Lc 2, 41-50). Cũng có thể coi biến cố đi lạc như một sự tỏ mình ra cho mọi người. Tuy vậy, chỉ sau khi chịu phép rửa tại sông Gio-đan, Chúa Giê-su mới chính thức thu nhận môn đệ và thực thi sứ vụ của Người.
Trước hết, khi Đức Giê-su chịu phép rửa thì có tiếng nói của Chúa Cha (“Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” – Mt 3, 17) và Chúa Thánh Thần (dưới hình chim bồ câu) đã ngự xuống trên Người. Có đầy đủ cả Ba Ngôi Thiên Chúa, nên nói biến cố này cũng là biến cố Thiên Chúa tỏ mình ra (hiển linh). Còn nói về nhân chứng thì chính người làm phép rửa cho Chúa – Thánh Gio-an Tẩy giả – là một nhân chứng sống động nhất (“Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an. Ông đã đến nhằm việc chứng minh, để ông chứng minh về sự sáng, hầu cho mọi người nhờ ông mà tin. Chính ông không phải là sự sáng, nhưng đến để chứng minh về sự sáng… Ông Gio-an làm chứng về Người, ông tuyên bố: “Đây là Đấng mà tôi đã nói: Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.” ” – Ga .1, 6-8.15). Ngoài ra, còn các môn đệ của Thánh Gio-an Tẩy Giả (mà sau biến cố này đã trở thành môn đệ của Chúa Ki-tô), đó là “Ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, là một trong hai người đã nghe ông Gio-an nói và đi theo Đức Giê-su. Trước hết, ông gặp em mình là ông Si-môn và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a” (nghĩa là Đấng Ki-tô). Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giê-su. Đức Giê-su nhìn ông Si-môn và nói: “Anh là Si-môn, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha” (tức là Phê-rô).” (Ga 1, 40-42).
Phép rửa là phép thanh tẩy con người để trở nên con cái Thiên Chúa, nhưng Đức Giê-su đã là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật sự rồi, tại sao còn chịu phép rửa? Có lẽ Thánh Gio-an Tẩy Giả cũng nghĩ như vậy, nên ngài đã một mực từ chối, không dám làm phép rửa cho Người (“Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” – Mt 3, 14). Tuy nhiên, Đức Giê-su đã trả lời thẳng thắn: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính.” (Mt 3, 15). Vấn đề mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng, vì đây chính là một minh hoạ cụ thể Đức Giê-su đã vâng phục tuyệt đối thánh ý của Thiên Chúa Cha (Chúa Cha sai Chúa Giê-su xuống thế làm người, mà đã làm người dưới thế thì đương nhiên phải chịu phép rửa như lề luật đã định). Nói cách khác, Đức Giê-su muốn chứng tỏ cho loài người hiểu là Người vâng lệnh Chúa Cha và đã làm người như bao người khác, thì Người cũng sẵn sàng giữ đúng lề luật để làm gương cho mọi người (“Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.” – Mt 5, 18).
Đức Giê-su Thiên Chúa vì vâng lệnh Chúa Cha không những chỉ chịu phép rửa một lần, mà còn tới 2 lần: 3 năm sau phép rửa tại sông Gio-đan, Người lại chịu phép rửa một lần nữa (“Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” – Lc 12, 50). Lần này Chúa không chịu phép rửa bằng nước, mà bằng máu của Người. Nguời đã chính thức chịu phép rửa thay cho nhân loại bằng chính sinh mệnh của Người trên thập tự giá. Nói cách khác, Đức Giê-su đã lấy Máu của Người để rửa sạch tội lỗi cho nhân loại, đồng thới lấy Thịt của Người để tái sinh và nuôi dưỡng loài người trong đời sống mới.
Rửa (hoặc tẩy) là dùng nước để làm sạch, tẩy xoá đi những ô uế, dơ dáy. Việc dùng nước trong nghi thức Thanh Tẩy chỉ là tượng trưng, để cho loài người thấy bằng mắt và qua kinh nghịêm từng trải về việc làm sạch, sẽ hiểu được ý nghĩa sâu xa tiềm ẩn trong nghi thức ấy. Ý nghĩa chính của bí tích Thánh Tẩy là rửa sạch tâm hồn, tẩy xoá tội lỗi; vì thế, khi thực hành phép rửa là phải cầu xin Chúa Thánh Thần, bởi chính Đức Thánh Linh mới làm sạch được tâm hồn con người, như lời dạy của Thánh Gio-an Tẩy Giả: “Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa” (Mt 3, 11). Chúa Thánh Thần chính là nguồn suối tẩy rửa nhơ uế, là ngọn lửa vừa để thiêu đốt những tì ố xấu xa, vừa là sức mạnh giúp con người trở nên can đảm, có nghị lực đối mặt với ba thù, đồng thời hun đúc tình yêu (lửa Mến) trong điều răn nền tảng (mến Chúa yêu người). Biểu tượng Chúa Thánh Thần là “Nước” và “Lửa” cũng là vì thế.
Chính Đức Giê-su Thiên Chúa còn chịu phép rửa (không chỉ một lần mà tới hai lần) huống hồ là loài người. Vì thế, người Ki-tô hữu khi được lãnh nhận phép rửa phải coi đó như một đặc ân – một hồng ân – Thiên Chúa ban cho. Hầu hết Ki-tô hữu đã được nhận phép rửa ngay từ khi sơ sinh (trừ một số tân tòng lãnh nhận khi đã trưởng thành, quen gọi là “trở lại Đạo”) và như thế là khởi đầu cho sứ vụ của mình – sứ vụ một ngôi sao Tình Yêu trong Giáo hội có trách nhiệm đem lại ánh sáng cho trần gian (“Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” – Mt 5, 14). Thật là ý nghĩa khi khởi đầu cuộc sống trần gian, con người được lãnh nhận phép Thánh Tẩy, bởi chính đây là lúc người Ki-tô hữu nhận được sự sống mới, sự sống của ân sủng, sống hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi và cùng lúc coi hết mọi Ki-tô hữu là con cùng một Cha. Đó chính là một mầu nhiệm khai sinh con người mới trong đời sống mới, được chính Đức Giê-su Ki-tô uỷ thác sứ vụ rao giảng Lời Chúa, làm nhân chứng sống cho Tin Mừng Cứu Độ (”Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” – Mt 28, 19).
Chỉ tiếc một điều, con người không ý thức được, nên đã coi phép rửa chỉ như là một nghi thức gia nhập của một tôn giáo (theo Đạo – ai chưa rửa tội thì chưa có Đạo, ai đã rửa tội rồi mới là người có Đạo). Vì thế, con người đã tự làm tắt đi sự sống mới, để đắm chìm trong hận thù ghen ghét, đố kỵ kiêu căng…, rồi đi đến tình trạng mà Kinh Thánh miêu tả như là “chết lần thứ hai” (Kh 20, 6). Chết một lần vì tội Nguyên tổ, bây giờ lại chết lần thứ hai vì chính mình tự kết án mình, đến độ có thể nói loài người không chỉ giết Đức Ki-tô một lần trên thập giá, mà hàng ngày, hàng giờ vẫn tiếp tục đánh đòn, giết Người luôn mãi. Phải chăng vì thế mà Đức Giê-su là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, mà phải chịu phép rửa tới hai lần? Hoá cho nên, nếu anh là người chịu phép rửa từ lúc sơ sinh, anh cần phải học để hiểu cho tường tận về bí tích Thánh Tẩy, còn nếu anh chịu phép rửa lúc trưởng thành (tân tòng), anh đã được giáo dục tường tận, thì lại càng cần phải tâm tâm nịêm niệm về mầu nhiệm này. Tắt một lời, dù anh ở vào trường hợp nào thì cũng vẫn cần, rất cần được bồi dưỡng và phát triển nhận thức và nhất là đức tin về một bí tích tái sinh con người của anh trong đời sống mới: bí tích Thánh Tẩy.
Tóm lại, để khỏi chết lần thứ hai, anh hãy xin cho được chịu phép rửa hàng năm vào những giờ phút giao thừa – không, anh hãy xin cho được chịu phép rửa hàng ngày – vì hàng ngày anh vẫn liên tục đánh đòn Chúa, tìm giết Chúa, tâm hồn anh vẫn liên tục nhơ uế, rất cần được tẩy xoá cho sạch tội lỗi. Bằng cách nào ư? Chắc anh đã tìm ra: Chính là bằng cách lắng nghe, suy niệm và thực hành Lời Chúa, tham dự các bí tích, thực hành các nhân đức, và nhất là cầu nguyện, cầu nguyện liên lỉ. Chỉ có như thế, anh mới được chính Đức Giê-su Ki-tô làm phép rửa cho anh bằng Thánh Thần và lửa, rồi cũng chính Người sẽ dang hai tay đón anh vào Trái Tim Người như Lời Người đã cầu xin cùng Chúa Cha: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta.” (Ga 17, 20-21). Ước được như vậy. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.