Mừng lễ Thánh Gia Thất, Giáo Hội đọc lại cho chúng ta một giai đoạn trong cuộc sống của gia đình nầy qua trình thuật của Luca.
Gia đình Nadaret là một trong những gia đình đạo đức Do thái, hằng năm vẫn lên Đền thờ Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua.Từ Nadaret đến Giêrusalem, con đường dài 100 cây số, băng qua đồi núi, thế nhưng người ta vẫn đi hăng hái, vừa đi vừa hát những thánh vịnh “lên đền”.
Những người giàu có đi bằng lừa hay xe lừa, những người nghèo thì rủ nhau đi bộ từng nhóm hay từng xóm, từng đoàn.
Hằng năm thánh Giuse với Mẹ Maria chắc cũng đi. Năm nay em bé Giêsu đã lên 12 tuổi, thì cả gia đình cùng đi.
Trẻ em Do thái khi lên 12 tuổi thì được xem như trưởng thành, nghĩa là đủ điều kiện để giữ Luật như một người lớn. Vì thế em phải đi lễ Vượt Qua như mọi người.Những người đạo đức đi lễ suốt 8 ngày. Họ ở trọ trong những nhà bà con.
Lúc ra về, em bé Giêsu ở lại Giêrusalem mà cha mẹ không hay biết. Tại sao? Đức Mẹ và thánh Giuse là những người rất cẩn thận, tại sao không biết? Đền thờ Giêrusalem có bốn cổng, hai cổng dành cho nữ giới, hai dành cho nam giới. Khi vào sân, nam giới một bên và nữ giới một bên không lẫn lộn, còn trẻ em từ 12 tuổi thì có thể đi với mẹ hay với cha tùy thích.Vì thế khi ra về, Chúa Giêsu ở lại mà không ai biết.Mọi người cứ vui vẻ đi với nhau trò chuyện. Đến điểm hẹn ban tối để ngủ đêm, thánh Giuse với Đức Mẹ mới tìm Chúa Giêsu. Hỏi thăm mọi người không ai thấy Giêsu đâu cả. Từ từ những nhóm người quen đã có mặt, nhưng trẻ Giêsu thì không thấy. Lúc đó chúng ta có thể tưởng tượng nỗi lo lắng của Đức Mẹ và thánh Giuse. “Em tưởng nó đi với anh, anh thì tưởng nó đi với em…”
Cuộc tìm kiếm bắt đầu. Hai người phải đi ngược về Giêrusalem, hỏi thăm bao nhiêu nhóm khác gần đó, Nhưng cũng không thấy.
Thôi thì đành vậy, ngày mai sẽ tìm tiếp. Thế là hai người đi ngược về Giêrusalem. Đến Giêrusalem, có lẽ hai người chưa vội vào Đền thờ mà đi khắp các gia đình bà con, sau cùng không tìm thấy em bé đành trở vào Đền thờ, may ra em còn ở lại đó.
Vào Đền thờ hỏi thăm thì mọi người đều nói rằng em bé đó đã ở đây ba ngày rồi. Vậy giờ nầy em đang ở đâu và đang làm gì?
– Ở nhà hội.
Ở nhà hội là nơi các bậc vị vọng trong Đền thờ họp và không ai vào đó được. Vậy em làm gì ở đó? “Em đang ngồi giữa các tiến sĩ, vừa nghe và đặt câu hỏi.”
Đức Mẹ và thánh Giuse ngạc nhiên vô cùng, không dám bước vào, đứng lấp ló ngoài cửa. Nhưng may thay, một ông tiến sĩ đã nhìn thấy và ra hỏi thăm thì biết là cha mẹ của em bé. Họ mời hai ông bà vào và tất cả đứng dậy chào mừng. Ai cũng hết lời khen ngợi và vui mừng và “ ngạc nhiên vì sự thông minh và những lời đối đáp của cậu.”Đức Mẹ mới xin đem em về. Mọi người đều vui mừng tiển chân em bé và hai ông bà. Và một ông đã mời cha mẹ em và em bé ghé nhà , để làm gì? Để tặng cho mọi người bánh và quà để đi đường vì đường còn xa.
Sau khi ra riêng một mình, Đức Mẹ mới trách: “Con ơi, sao con làm cho cha mẹ như thế? Con thấy không, cha con và mẹ đây đang phải cực lòng tìm con”! Chúng ta có để ý không? Thánh Giuse không nói tiếng nào mà chỉ có Đức Mẹ lên tiếng? Ngài tôn trọng Đức Mẹ. Vì chính Chúa Giêsu là con của Mẹ chứ không phải là con của Ngài.Câu trả lời của Chúa Giêsu thật lạ lùng: “Cha mẹ tìm con làm gì? Cha mẹ không biết rằng con phải lo cho Nhà Cha con sao”?Câu: cha mẹ không biết rằng… nghĩa là cha mẹ đã biết, con đã nói rồi, nhưng cha mẹ quên đấy.Khi đó, Đức Mẹ và thánh Giuse mới nhận thấy rằng, con của mình không phải là của riêng mình mà của Cha trên trời. Sứ mệnh của Ngài là “Ở nơi nhà Cha Ngài”.Mẹ Ngài cũng không thể hiểu ngay những lời đó, mà “ghi nhận vào lòng và suy nghĩ”.
Một chi tiết mà nhiều người chúng ta không để ý là làm cách nào mà em bé Giêsu rơi vào được trong hàng các bậc tiến sĩ, ngồi giữa các ông và thảo luận? Ngài chỉ là một em bé như bao nhiêu em bé khác, tại sao các bậc vị vọng trong Đền thờ lại xem em như một bậc thầy và ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của em?
Có lẽ sau những ngày lễ, Đền thờ cần phải được dọn dẹp. Em bé nầy cũng phụ với mọi người làm việc và đến bữa cơm người ta mời mọi người dùng cơm. Em bé Giêsu ngồi gần một ông nào đó và đặt một vài câu hỏi về Kinh Thánh khiến ông nầy không thể trả lời và sau bữa cơm ông dẫn em đến một bậc thầy giỏi hơn để giải thích cho em.Chúng ta biết rằng người Do thái rất mê Kinh Thánh và họ rất thích tranh luận về Kinh Thánh.Ông thầy thứ hai nầy cũng không thể trả lời những vấn nạn của em và mời những bận thầy khác đến để giải đáp. Lúc đối đáp với em, họ mới thấy rằng em bé nầy là một nhân tài. Họ mời em lên nhà hội và gọi nhau đến để thảo luận về Kinh Thánh vì ở đó có đủ sách thánh. Cuộc thảo luận càng ngày càng sôi nổi và kéo dài gần ba ngày cho đến khi Đức Mẹ và thánh Giuse đến. Đây chỉ là một vài chi tiết không quan trọng đến điều chúng ta suy nghĩ hôm nay.
Điều chúng ta cần tìm hiểu là cuộc sống gia đình Nadaret.Cuộc sống đơn giản nghèo nàn như bao nhiêu gia đình khác, cũng xảy ra những biến cố bất ngờ, những đau khổ…Nhưng mọi sự đều được giải quyết êm thắm, trong yêu thương. Mẹ rầy con nhưng rất nhẹ nhàng và cho con mình đối đáp một cách tự do.Nhiều gia đình không có được một sự hài hòa như thế.Trong nhiều trường hợp, thường xảy ra những cuộc tranh luận gay gắt và đứa con thường bị những trận đòn nên thân khi không làm theo ý cha mẹ. Ngược lại nhiều cha mẹ cưng chiều con quá mức và tạo cho con một nếp sống ích kỷ, chỉ biết làm theo ý mình và không biết chịu khó. Trong gia đình Nadaret, mọi người đều có bổn phận riêng, trẻ Giêsu trở về Nadaret và hằng vâng phục cha mẹ của Ngài”. Nhờ đó, em càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta.”
Các gia đình, hãy nhìn vào gia đình Nadaret để biến gia đình mình thành gia đình của Thiên Chúa vì luôn đặt Chúa ngay trong gia đình mình.
Hãy biến gia đình thành một nơi vun trồng sự tự do lành mạnh, để con cái được nuôi dưỡng, dạy dỗ trong tự do và học sử dụng tự do để phụng sự Chúa và tận tụy với mọi người.
Hãy là nơi Chúa Giêsu được nuôi dưỡng và lớn lên, vì Thiên Chúa là Tình Yêu, Ngài chỉ có thể lớn lên trong tình yêu mà thôi. Hãy yêu thương nhau trong Chúa, đừng để cho một cái gì có thể làm tổn thương cho tình yêu, để tình yêu được lan rộng ra trong thế giới nhỏ bé của chúng ta.
Chúa Giêsu nuôi dưỡng tình yêu gia đình bằng Thịt Máu Ngài, thì gia đình cũng phải nuôi dưỡng Ngài bằng tình yêu quên mình và quảng đại của mình.
Lm Trầm Phúc