Bẻ ra để nhân lên
Trong ngày lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, Giáo Hội cho chúng ta nghe đoạn Tin Mừng về phép lạ bánh hoá nhiều. Đây là phép lạ duy nhất được cả bốn sách Phúc Âm thuật lại. Đây cũng là một phép lạ công khai, trước mắt một số đông người. Năm chiếc bánh và hai con cá trở thành lương thực nuôi khoảng 5000 người, mà vẫn còn dư mười hai thúng miếng vụn. Thánh Luca nhấn mạnh đến vai trò của Nhóm Mười Hai trong phép lạ này (c.12). Chính họ đã chủ động xin Đức Giêsu giải tán đám đông để những người này tìm chỗ ăn, chỗ ở, khi “ngày đã bắt đầu tàn”. Đức Giêsu dường như muốn đưa ra một thách đố cho Nhóm Mười Hai: “Chính anh em hãy cho họ ăn đi.” Hãy lo cho bao tử của họ sau khi họ đã được nghe giảng về Nước Thiên Chúa và được chữa lành khỏi tật bệnh. Các môn đệ thấy mình bất lực trước nhiệm vụ này, dù mới đây họ đã được sai đi rao giảng và chữa bệnh và đã thành công (Lc 9, 6). Điều duy nhất họ có trong tay là năm chiếc bánh và hai con cá. Nhưng điều ấy thì thấm vào đâu so với nhu cầu của dân. Ỡ nơi thanh vắng này, dù có tiền cũng không mua được đủ bánh. Đức Giêsu cần các môn đệ nhìn nhận sự bất lực của họ, để rồi Ngài mời gọi họ cộng tác vào việc nuôi dân. Các môn đệ, theo lệnh của Đức Giêsu đã chia đám đông thành từng nhóm nhỏ. Chính các ông đã trao bánh và cá cho Đức Giêsu, để rồi nhận lại từ tay Ngài, và trao cho đám đông. Phép lạ đã xảy ra trên bánh và cá, sau khi Ngài chúc lành và bẻ ra. Chúng ta không tưởng tượng nổi số lượng khổng lồ bánh và cá đã phát sinh từ hành vi bẻ ra này. Bẻ ra và trao đi trở thành phép lạ nhân lên không ngừng. Có thể hôm nay chúng ta cũng thấy mình đứng trước những nhu cầu lớn lao của con người. Nhân loại vẫn ở trong tình trạng đói về nhiều mặt. Hằng giờ có biết bao trẻ em chết đói trên thế giới. Trong tay chúng ta chỉ vọn vẹn vài tấm bánh nhỏ. Chúng ta lúng túng và thấy mình bất lực. Nếu chúng ta dám trao cho Chúa Giêsu tất cả những gì chúng ta có; nếu chúng ta để cho Ngài thánh hoá những cố gắng bé nhỏ của mình; nếu chúng ta chỉ coi mình là người cộng tác của Thầy Giêsu để phục vụ con người, thì phép lạ vẫn có thể xảy ra hôm nay. Chúng ta vẫn có thể nuôi cả thế giới, no nê và dư dật.
Tấm bánh nuôi nhân loại
Chúng ta nên đọc lại câu 16 của đoạn Tin Mừng trên: “Đức Giêsu cầm lấy 5 cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông.” Khi kể lại cử chỉ của Đức Giêsu lúc lập bí tích Thánh Thể, thánh Mác-cô cũng sử dụng 4 động từ trên đây (Mc 14,22). Và trong truyện hai môn đệ về Emmau ta cũng thấy thánh Luca dùng lại 4 động từ này: “Ngài cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ và trao cho họ.” (Lc 24,30). Cử chỉ quen thuộc này đã làm cho hai môn đệ nhận ra Thầy Giêsu. Như những người Do Thái khác, Đức Giêsu dâng lời nguyện chúc tụng Thiên Chúa trước bữa ăn; Việc cầm bánh bẻ ra, trao cho người khác cũng là cử chỉ quen thuộc của người chủ tọa bữa ăn.
Giáo Hội sơ khai hẳn đã thấy có sự liên hệ giữa phép lạ bánh hoá nhiều và bí tích Thánh Thể. Trong cả hai trường hợp, Đức Giêsu đều dùng cùng một cử chỉ mà mời người khác ăn tấm bánh Ngài trao cho. Rất có thể ý định lập bí tích Thánh Thể đã được khơi mào từ sau phép lạ bánh hóa nhiều. Những chiếc bánh vật chất chỉ làm giảm cơn đói của một số người nhất định, và trong một thời gian nhất định. Manna ngày xưa trong sa mạc cũng không cho người ta sự sống sau cái chết (Xh 16,4-36). Bữa Tiệc Ly không phải là một hành vi đột xuất, không suy nghĩ trước. Trái lại Đức Giêsu đã phải bận tâm với ước mơ nuôi cả nhân loại, nuôi họ bằng chính bản thân Ngài và ban cho họ sự sống vĩnh cửu. “Này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì anh em… Này là chén Máu Thầy, sẽ đổ ra cho anh em.” Đức Giêsu mời chúng ta ăn tấm bánh và uống chén rượu đã được thánh hiến, để thông hiệp vào cái chết và sự phục sinh của Ngài, vào chính bản thân Ngài. Bí tích Thánh Thể là sáng kiến của một tình yêu biết tìm kiếm. Cựu Ước đã hứa rằng trong những ngày sắp đến, Thiên Chúa sẽ nuôi dân Người dư dật (Tv 37,19; 81,17; 132,15). Đức Giêsu đã làm trọn lời hứa đó phần nào, qua phép lạ bánh hóa nhiều. Nhưng đó cũng chỉ là hình bóng của bí tích Thánh Thể mà Ngài sẽ thiết lập sau này. Khi thông hiệp với Chúa Giêsu phục sinh dưới dạng bánh rượu, chúng ta còn cần đến đức tin. Chúng ta mong chờ ngày được tham dự vào bữa tiệc trên trời, nơi chúng ta thông hiệp trọn vẹn với Ngài không qua bức màn đức tin nữa.
Đức Giêsu đã bẻ bánh nhiều lần trong đời Ngài. Đời Ngài được kết tinh trong hành vi bẻ bánh. Tấm bánh trong bữa Tiệc Ly đã trở thành tấm thân Ngài, được bẻ ra và trao cho con người qua cái chết thập giá. “Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”. Giáo Hội sơ khai đã không quên mệnh lệnh đó. Họ tiếp tục cử hành bí tích Thánh Thể mà họ gọi là lễ “bẻ bánh” (Cv 2,42), tại các nhà riêng của tín hữu (Cv 2,46). Bẻ bánh trở thành nét đặc trưng của cộng đoàn Kitô hữu sơ khai, nghi thức này thường được cử hành vào ngày Chúa Nhật, ngày thứ nhất trong tuần (Cv 20,7)
Thánh Lễ và đời thường
Thánh Lễ là nơi chúng ta tham dự vào bàn tiệc Mình và Máu Thánh Chúa Kitô. Thánh Lễ là một hy tế lặp lại hy tế Núi Sọ. Theo Công Đồng Vaticanô II, hy tế này là “nguồn cội và là chóp đỉnh của toàn bộ đời sống Kitô hữu” (LG 11). Là nguồi cội, vì tất cả đời sống Kitô hữu phát sinh từ đó; là chóp đỉnh, vì tất cả đời sống Kitô hữu phải qui về đó. Ấy thế mà một số giáo dân coi việc tham dự Thánh Lễ như chuyện miễn cưỡng phải giữ. Nhiều giáo dân cảm thấy thánh lễ không có liên quan gì đến cuộc sống của họ ngoài đời, không có ảnh hưởng gì trên đời thường của họ. Rốt cuộc thánh lễ bị họ bỏ rơi, nhà thờ ngày Chúa Nhật cũng vắng người. Đó đã là chuyện của các nước Tây phương, nhưng cũng sẽ là chuyện của chúng ta.
Thật ra người tín hữu bước vào thánh lễ mang theo thế giới mình sống như hành trang, như lễ vật, rồi bước ra thánh lễ để vào lại thế giới, để biến thế giới thành thánh lễ nối dài. Nhiều khi vì nghĩ rằng thánh lễ là chuyện của linh mục, lễ vật dâng lên là hy tế của Đức Kitô, nên có người dự lễ với hai bàn tay trắng. Thực ra, thánh lễ đòi hỏi con người nhiều nỗ lực, cả trước lẫn sau thánh lễ; những nỗ lực đụng chạm đến cuộc sống thâm sâu của con người. Tham dự thánh lễ một cách nghiêm chỉnh không dễ như ta tưởng. Càng được chuẩn bị kỹ lưỡng, thánh lễ càng sinh nhiều hiệu quả. Linh mục Teilhard de Chardin đã dùng lễ vật của trái đất để dâng lễ: “Tôi linh mục của Ngài, trên bàn thờ là toàn thể trái đất, tôi sẽ dâng lên Ngài lao động và nỗi đau thương của thế giới. Tôi sẽ đặt trên dĩa thánh mùa gặt được đợi chờ từ những cố gắng mới. Tôi sẽ rót vào chén lễ chất nước cốt của tất cả những hoa trái sẽ được nghiền nát trong ngày hôm nay. Chén thánh và dĩa thánh của tôi là những phần thâm sâu nhất của một tâm hồn được mở rộng để đón nhận tất cả mọi năng lực, trong chốc lát, sẽ dâng lên từ muôn phương của địa cầu và sẽ qui tụ về thần linh.” Việc dâng lễ sẽ trở nên xa lạ, nếu thực sự bánh và rượu không tượng trưng chút đóng góp của người đến dự lễ và của thế giới. Khi được biến đổi, vật chất sẽ thành thần linh.
Công đồng Vaticanô II đã nói nhiều đến việc dâng lễ của người Kitô hữu. Lễ vật là bản thân tôi, là cuộc đời tôi, là mọi hoạt động của tôi (LG 34; SC 12). Như thế việc dâng hy tế của Đức Kitô không loại bỏ việc con người dâng hy tế đời mình. Thánh lễ đưa con người trở lại với cuộc sống. Thánh lễ dạy con người biết bẻ bánh cho nhau trong đời thường. Một số tín hữu ở Côrintô đã để cho tình trạng “mỗi người lo cho bữa ăn riêng của mình trước, và như thế, kẻ thì đói, người lại say” (1C 11,21). Thái độ ích kỷ trên đây hoàn toàn ngược với tinh thần hiệp thông, chia sẻ của tiệc Thánh Thể. Chính việc rước lễ liên kết chúng ta nên một Thân Thể, vì “tất cả chúng ta cùng chia sẻ một tấm Bánh” (1C 10,17). Sống hiệp thông và chia sẻ với tha nhân là dấu hiệu cho thấy ta đã thực sự tham dự thánh lễ.
Thánh lễ còn giúp chúng ta đón nhận thập giá hàng ngày. Chúng ta không nên quên rằng rước lễ là đón lấy Mình Máu của Đấng đã bị nộp và bị giết, là thông hiệp vào cái chết của Đức Giêsu. Người rước lễ thường xuyên sẽ được sức mạnh để hy sinh chính mình mà sống cho người khác. Khi lãnh nhận Bánh Thánh, tôi được Chúa biến đổi tôi thành tấm Bánh bẻ ra cho anh chị em tôi. Tôi chấp nhận bị vỡ tan, bị nghiền nát, trở thành thức ăn cho con người. Đó là hy tế của tôi xin được kết hợp với hy tế của Chúa. “Các con hãy cho họ ăn đi.” Tôi hiểu rằng thức ăn mà con người hôm nay cần là chính cuộc đời tôi, hiến trao với nhiều tình yêu.
Một số câu hỏi gợi ý
1. Có người nhận xét rằng người công giáo Việt Nam giữ đạo trong nhà thờ; ra tới cửa nhà thờ họ lại mang một bộ mặt hoàn toàn khác. Nhận xét này có đúng không? Nếu đúng thì làm sao phá bỏ hố sâu giữa thánh lễ và đời thường?
2. Theo bạn, một thánh lễ lý tưởng phải hội đủ những điều kiện nào? Bạn có thể góp phần ra sao cho thánh lễ đó?
Lm Augustine, SJ
VietCatholic Network