LỜI CHÚA LÀ NGỌN ĐÈN SOI CHO CON BƯỚC, LÀ ÁNH SÁNG CHỈ ĐƯỜNG CON ĐI (Thánh vịnh 119:105)

Bản văn dụ ngôn về người Samaritanô nhân hậu mà chúng ta đã suy niệm tuần trước và việc Chúa Giêsu đến thăm Mátta và Maria ngày hôm nay là bổ sung cho nhau. Hai bản văn trình bày hai khía cạnh quan trọng của cùng một thực tại Kitô giáo: hành động giúp đỡ những người đang gặp khó khăn và lắng nghe lời Chúa. Hành động là kết quả của sự cam kết của chúng ta với người khác, nhưng nền tảng của hành động này là nghe lời Chúa. Thánh Luca, trong Tin Mừng của mình, đã đặt ngay sau dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu việc Chúa Giêsu đến thăm Mátta và Maria để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Ngài dạy” (Luca 10: 39).

Trong Tin mừng, Chúa Giêsu dường như chỉ trích Mátta mải lo việc chuẩn bị bữa ăn sao cho tốt đẹp. Trong thực tế, bà tiếp đón Chúa, như Ábraham đã làm trong bài đọc đầu tiên:

Chúa hiện ra với ông Ábraham tại cụm sồi Mamrê, khi ông đang ngồi ở cửa lều, vào lúc nóng nực nhất trong ngày. Ông ngước mắt lên thì thấy có ba người đứng gần ông. Vừa thấy, ông liền từ cửa lều chạy ra đón khách, sụp xuống đất lạy và nói: “Thưa Ngài, nếu tôi được đẹp lòng Ngài, thì xin Ngài đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ Ngài. Để tôi cho lấy chút nước, mời các ngài rửa chân rồi nằm nghỉ dưới gốc cây. Tôi xin đi lấy ít bánh, để các ngài dùng cho chắc dạ, trước khi tiếp tục đi, vì các ngài đã ghé thăm tôi tớ các ngài đây!” Khách trả lời: “Xin cứ làm như ông vừa nói!”

Ông Ábraham vội vã vào lều tìm bà Xara mà bảo: “Bà mau mau lấy ba thúng tinh bột mà nhồi, rồi làm bánh.” Ông chạy lại đàn vật, bắt một con bê mềm và ngon, giao cho người đầy tớ, và anh này vội vã làm thịt. Ông lấy sữa chua, sữa tươi và thịt bê đã làm, mà đãi khách; rồi ông đứng hầu dưới gốc cây, đang khi khách dùng bữa” (Sáng thế ký 18: 1-8).

Cũng vậy, Chúa Giêsu Kitô không trách Mátta vì bà muốn đón tiếp khách, nhưng vì bà bận tâm, lo lắng quá nhiều.

Bản văn này của Sáng thế ký 18: 1-8 được đặt song song với Tin Mừng Luca 10: 38-42 với Mátta và Maria. Ở cả hai bản văn này, vấn đề là tiếp đón Thiên Chúa vào đời sống của mỗi một người qua con người của Chúa Kitô. Maria là hình bóng của Ábraham và Mátta là hình bóng của Sara. Có người lo việc tiếp đãi và có người ở lại với khách để nói chuyện và lắng nghe vị khách ấy. Cả hai đều cần thiết và hữu ích, nhưng nói chuyện và lắng nghe vị khách cần phải ưu tiên hơn chỉ lo việc tiếp đãi. Đó là một câu châm ngôn cổ trong Kinh thánh: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Đệ nhị luật 8:3) sau này được Chúa Giêsu lấy lại: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mátthêu 4: 4). Sáng thế ký 18: 1-8 và Luca 10: 38-42 minh họa câu châm ngôn này, sự sống là nhờ của ăn nhưng trên hết là nhờ vào kết quả của Lời Thiên Chúa, như trong công trình sáng tạo, nơi đó hành động sáng tạo là bởi Lời: “Thiên Chúa phán: “Phải có ánh sáng.” Liền có ánh sáng… Thiên Chúa phán: “Phải có một cái vòm ở giữa khối nước, để phân rẽ nước với nước… Thiên Chúa phán: “Nước phía dưới trời phải tụ lại một nơi, để chỗ cạn lộ ra….” (Sáng thế ký 1: 1-31).

Một vị khách được thết đãi bữa ăn ngon nhất nhưng lại ở một mình bên bàn ăn, sẽ có nguy cơ cảm thấy cô độc và không thể vui vẻ mà ăn uống. Sự tiếp đón trên hết là sự chia sẻ và đối thoại, không chỉ là thức ăn mà còn là những gì sưởi ấm trái tim và tâm hồn, là cuộc gặp gỡ giữa cõi lòng với Thiên Chúa.

Bữa tiệc Thánh Thể, vốn là thực tại của chúng ta về những gì Abraham và Maria đã sống, cần phải dẫn đến việc cầu nguyện và đối thoại thân mật với Thiên Chúa mà chúng ta đã nhận lãnh và không thể kết thúc bằng việc rước lễ xong rồi bỏ đi mà không nói một lời nào với nhau. Chúng ta luôn phải nhớ rằng cuộc gặp gỡ diễn ra trước hết là nhờ Lời, ngay cả khi bữa ăn là dịp cho Lời này được bộc lộ.

Trong sách Khải Huyền, Thánh Gioan đã dùng một hình ảnh đẹp để mô tả đời sống Kitô hữu: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Khải Huyền 3,20).

Chiêm niệm và hành động là hai mặt của cùng một đồng tiền. 

Lời Chúa làm sáng tỏ những ưu tiên của chúng ta và thay đổi thái độ của chúng ta đối với người khác và đối với Chúa. Lời Chúa mang lại ý nghĩa cho các sự kiện hàng ngày, bao gồm cả niềm vui lớn cũng như đau khổ, bệnh tật và cái chết.

Thánh vịnh đúng khi nói: “Lời chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Thánh vịnh 119: 105). Trong những ngày nắng đẹp cũng như đêm đen tối, Lời Chúa chỉ đường cho tôi, đề xuất hướng đi tôi cần theo. Lời Chúa đối với tôi là “đường, sự thật và sự sống” (Gioan 14: 6).

Trong thế giới tiêu điều của chúng ta, nhiều người không còn biết chiêm niệm, tôn thờ và cầu nguyện… Cuộc chạy đua điên cuồng của cuộc sống, tiền bạc, du lịch, rủi ro làm cho chúng ta mất đi tinh thần hướng nội và khiến chúng ta bị giảm sút và hời hợt. Nếu tâm linh bị bóp nghẹt, một khoảng trống và sự mất cân bằng nguy hiểm sẽ được tạo ra.

Do đó, vấn đề không phải là đối lập Mátta là con người hoạt động với Maria là con người chiêm niệm mà là hiểu rằng hai người phụ nữ này đại diện cho hai khía cạnh quan trọng của đời sống Kitô hữu của chúng ta.

Các vị thánh vĩ đại hiểu rất rõ chân lý Tin Mừng này: Thánh Inhaxiô Loyola nói với các tu sĩ Dòng Tên của ngài rằng họ phải là “những người chiêm niệm trong hành động” và Thánh Bênêdictô đã xây dựng tất cả linh đạo Kitô giáo trên hai trụ cột của cầu nguyện và của hành động: “ora et labora”.

Hôm nay, chúng ta được mời gọi đánh giá lại khía cạnh chiêm niệm của đời sống Kitô hữu của chúng ta, để trả lại ưu tiên cho cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa trong cầu nguyện và trong suy niệm, để làm cho lời Chúa trở nên của ăn hàng ngày.

Trong dụ ngôn về người gieo giống, Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta rằng “những nỗi lo lắng về cuộc sống” có thể dễ dàng làm cho hạt giống Lời Chúa bị bóp nghẹt: “Hạt rơi vào bụi gai: đó là những kẻ nghe, nhưng dọc đường bị những nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc cuộc đời làm cho chết ngộp và không đạt tới mức trưởng thành”  (Luca 8, 14) và Ngài sẽ mạnh mẽ nhắc lại rằng chúng ta không được để “lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em” (Luca 21:34). Người nào nghe lời Chúa thì giống như người xây nhà trên đá: “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá” (Mátthêu 7: 24).

Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi”. Đây là điều mà Tin mừng hôm nay dạy chúng ta.

 

Phêrô Phạm Văn Trung

theo cursillos.ca.

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts