Lời Chúa,
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 8,1-11): “…Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi cây dầu. Và từ sáng sớm, Người lại vào trong đền thờ. Toàn dân đến cùng Người, nên Người ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy. Lúc đó, luật sĩ và biệt phái dẫn đến Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người. Họ hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?” Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người. Nhưng Chúa Giêsu cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người đứng lên và bảo họ: “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”. Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất. Nghe nói thế, họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó. Bấy giờ Chúa Giêsu đứng thẳng dậy và bảo nàng: “Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?” Nàng đáp: “Thưa Thầy, không có ai”. Chúa Giêsu bảo: “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa…” Ðó là Lời Chúa
Suy Niệm Lời Chúa:
+/ Tin Mừng chúa nhật 5 mùa chay hôm nay cho chúng ta biết những luật sĩ và biệt phái đã có cơ hội giăng một cái bẫy, và họ tưởng rằng đức Giêsu sẽ không thể thoát khỏi cái bẫy này. Nếu Chúa Giêsu đồng ý cho họ ném đá người phụ nữ này, thì chứng tỏ giáo lý về lòng thương xót của Thiên Chúa cũng không có gì khác hơn Môisê, và nếu Chúa tha cho người phụ nữ này, thì họ sẽ có cớ để kết án Chúa vi phạm luật Môisê.
+/ Giờ đây ta thử đặt câu hỏi: Chúa viết những chữ gì trên đất khi đó? Có nhiều gợi ý về điểm này như sau:
1/ Thánh Jeronimo cho rằng, đức Giêsu đã viết tội của những người tố cáo người phụ nữ. Ngài nghĩ như thế vì dựa trên Gr 17,13 nói rằng: Lạy ĐỨC CHÚA, niềm hy vọng của Ít-ra-en là Ngài, hết những ai lìa bỏ Ngài sẽ phải xấu hổ, những kẻ quay lưng lại với Ngài sẽ bị bứng khỏi đất, vì họ đã lìa bỏ ĐỨC CHÚA là mạch nước trường sinh.
2/ Theo học giả Derrett, người chồng đã lập mưu với các người chứng để bắt quả tang vợ phạm tội; do đó dựa theo câu 6, đức Giêsu đã viết lên đất câu trong sách Xuất Hành (Xh 23,1b): Đừng làm chứng gian mà tiếp tay với kẻ xấu, và dựa theo câu 8, người đã viết Xh 23, 7a: Ngươi phải lánh xa điều gian dối. Ngươi không được giết kẻ vô tội và công chính, vì Ta không cho kẻ có tội được trắng án.
3/ Học giả Manson lưu ý rằng, trong cách thực hành của luật Rôma, trước tiên vị thẩm phán viết bản án ra, rồi mới đọc to lên. Như thế, câu Ga 8, 6 nói: Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất, cho thấy đức Giêsu đã viết bản án ra, rồi công bố ở câu 7; rồi ở câu 8, người lại viết những gì sẽ công bố ở câu 11 rằng: Đức Giêsu nói: Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!
– Cách giải thích hợp lý nhất, đó là đức Giêsu chỉ vạch các đường nét trên mặt đất trong khi người suy nghĩ, hoặc muốn tỏ ra không nao núng, hay người đang kềm hãm các cảm giác chán ngán về sự hăng hái đầy gian ác của những người tố cáo.
– Nhưng chúng ta hãy nhớ rằng tất cả chúng ta đều là tội nhân. Hãy can đảm nhìn thẳng vào nội tâm của lòng mình để khám phá ra biết bao những bẩn thỉu và xấu xa mà chúng ta không thể nào che giấu khi đến trình diện trước mặt Thiên Chúa. Đừng vội vã kết án người này người nọ. Chúa nói với chúng ta hôm nay: “Ai trong các ngươi vô tội, cứ việc ném đá chị ấy trước đi”.
+/ Câu 36/170, Trong Sắc chỉ Năm Thánh, Đức Thánh Cha cổ vũ điều gì cho đời sống của Giáo Hội?
Đáp: Đức Thánh Cha mời gọi: – Noi gương các thánh tử đạo đã làm chứng cho đức tin cách triệt để và diễn tả sự hiệp nhất của Giáo Hội Chúa Kitô bằng máu của họ (số 20); – Năng đến với Bí tích Giải tội (số 23); – Hành hương trong Năm Thánh (số 5); – Dừng lại cầu nguyện tại các đền thánh Đức Mẹ (số 24); – Cuối cùng, Đức Thánh Cha mong muốn rằng Năm Thánh 2025 sẽ giúp mọi ngời “tái khám phá niềm tin tưởng cần thiết vào Giáo Hội, vào việc thăng tiến phẩm giá của mỗi người và tôn trọng thụ tạo” (số 25).
+/ Tòa cáo giải, tòa giải tội. Đây là phiên tòa do chính Đức Giêsu thiết định. Ngài đã tham dự phiên tòa thứ nhất (chịu nạn chịu chết trên thánh giá, để đồng phận với con người tội lỗi và mở toang một chân trời mới, đem lại ơn công chính hóa và giải án tuyên công cho những tội nhân.
-Chúng ta được mời đến tòa giải tội như những phạm nhân, còn chính Chúa Giêsu sẽ đóng vai thẩm phán để xét xử. Phán quyết cuối cùng trong phiên tòa này luôn là sự tha bổng, tha một cách tuyệt đối và vô điều kiện.
-Việc đền tội được đưa ra không phải là một hình thức đái tội lập công do công sức của con người, nhưng chính là tâm tình hoan vui và cảm tạ vì chúng ta đã được tha thứ. Không phải chúng ta đọc một vài kinh chiếu lệ để ‘đền tội’ theo ý niệm thông thường, nhưng đúng hơn chúng ta dâng lên Thiên Chúa những tâm tình tạ ơn vì tội lỗi đã được xóa sạch, do lòng yêu thương và tha thứ vô điều kiện của Ngài.
+/ Từ Tin Mừng hôm nay, ta rút ra những liên hệ đời sống sau đây: -Có những người đã sống vô trách nhiệm, không chung tay góp sức với cộng đoàn, không làm việc gì cả, nhưng lại đang cầm trên tay những hòn đá của chỉ trích, của kết án, hòn đá của chia rẽ, bè nhóm, để ném vào những người đang hăng say nhiệt tình làm việc tông đồ, xây dựng giáo xứ, với mục tiêu làm giảm uy tín của họ và làm giảm sự nhiệt tình tông đồ của họ, những hòn đá ấy cần phải được bỏ xuống. -Có người chồng, người vợ trong gia đình đang cầm trên tay những hòn đá là sự nóng giận, chỉ chực chờ ném xuống trên nhau và trên con cái, với những lời lẽ thô tục chua chát khó nghe, những cái nhìn
nghi ngờ ghen tuông, khiến cho bầu khí gia đình lúc nào cũng căng thẳng, cãi vả chửi bới. -Có những người trẻ cũng đang giấu những hòn đá riêng trong túi áo quần, trên đôi tay, để hạ gục bạn bè trên các mạng xã hội, trên phương tiện truyền thông hôm nay.
+/ Câu 47/170: Giáo Hội mở Năm Thánh Hy vọng nhằm mục đích gì?
Đáp: Mong sao Năm Thánh là cơ hội cho mỗi người nhen nhóm lại niềm hy vọng. Giáo Hội mời gọi các tín hữu ý thức cách sâu xa và tín thác tuyệt đối vào tình yêu thương bao la của Thiên Chúa, Đấng không bao giờ làm cho con cái mình thất vọng. Năm Thánh là một Năm mang nét đặc trưng của niềm hy vọng không bao giờ mất đi, niềm hy vọng nơi Thiên Chúa. Ước mong Năm Thánh này cũng giúp chúng ta lấy lại niềm tin cần thiết vào Giáo Hội và vào xã hội, vào các mối tương quan liên vị, vào các mối quan hệ quốc tế, vào việc thăng tiến phẩm giá của mọi người và tôn trọng thiên nhiên.
+/ Câu 161/170: Chúng ta có những chứng tá sống động nào cho niềm hy vọng?
Đáp: Các vị tử đạo cho chúng ta chứng từ thuyết phục nhất về niềm hy vọng này. Nhờ lòng tin kiên vững vào Chúa Kitô phục sinh, các ngài sẵn sàng từ bỏ cuộc sống trần thế chứ không phản bội Chúa của mình. Thời nào cũng có các vị tuyên xưng rằng sự sống không hề chấm dứt, và có nhiều vị sống trong thời đại chúng ta, có lẽ còn nhiều hơn bao giờ hết. Chúng ta cần lưu giữ chứng tá của các ngài để làm cho niềm hy vọng của chúng ta sinh hoa kết quả. Amen
Linh Mục G.B Nguyễn Ngọc Nga