(Lc 5,1-11)
Việc kêu gọi các môn đệ đầu tiên trong Tin Mừng theo thánh Luca mang một màu sắc rất riêng. Trong khi Máccô và Mátthêu nhấn mạnh đến tính tức thời của việc đáp lại lời kêu gọi của Chúa Giêsu trong một bản trình thuật ngắn gọn gồm năm câu thì Luca chèn lời kêu gọi này trong một đoạn văn bao gồm một lời giảng dạy của Chúa Giêsu và một mẻ cá kỳ diệu.
Trong khi Anrê biến mất khỏi hiện trường, nhân vật của Simon-Phêrô đã có được một vị trí quan trọng. Chúa Giêsu xuống thuyền và Simon thú nhận với ngài về tình trạng tội lỗi của mình. Trong các câu chuyện song song, thánh sử Matthêu (Mt 4,18-22) và Marcô (Mc 1,16-20) không ghi nhận lời nào của các môn đệ và cử chỉ duy nhất của họ là thả lưới.
- Con thuyền của Lời Ngài
“Một hôm, Chúa Giêsu đang đứng ở bờ hồ Giêdarét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Ngài để nghe lời Thiên Chúa. Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. Chúa Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Ngài xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Ngài ngồi xuống, và từ trên thuyền Ngài giảng dạy đám đông.” (Luca 5,1-3)
Điều có thể làm chúng ta ngạc nhiên ngay lập tức là mối liên hệ, thậm chí là sự đồng nhất, giữa Chúa Giêsu và Lời của Thiên Chúa. Sự háo hức của đám đông không phải do những dấu hiệu và điều kỳ diệu Chúa Giêsu đã làm trước đó mà là do lời của Thiên Chúa đến từ Chúa Giêsu. Chúng ta đã đoán được điều đó: Cái ông quê ở Nadarét là người của ngày hôm nay (4,14-21), và sự ứng nghiệm của Lời thần linh này là Tin mừng cho một thời kỳ ân sủng.
Trong đoạn văn này, con thuyền được làm nổi rõ: từ con thuyền được lặp lại ba lần. Việc chọn con thuyền của Simon nhắc nhở chúng ta rằng ông không phải là người chúng ta không biết đến kể từ khi mẹ vợ của ông được chữa lành “Chúa Giêsu rời khỏi hội đường, đi vào nhà ông Simon. Lúc ấy, bà mẹ vợ ông Simon đang bị sốt nặng. Họ xin Ngài chữa bà. Chúa Giêsu cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất: tức khắc bà trỗi dậy phục vụ các ngài” (Luca 4,38). Trong Phúc âm Luca, Chúa Giêsu là Đấng đến để can dự vào cuộc sống của những người tin Chúa. Chúng ta sẽ gặp lại Ngài trong dịp gặp gỡ Giakêu, là người mà Ngài mong muốn ở lại nhà ông “Khi Chúa Giêsu tới chỗ ấy, thì Ngài nhìn lên và nói với ông: “Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” (Luca 19.5). Chúa Giêsu thường là người ở lại nhà của người này và người kia, để thúc đẩy họ trở nên tốt lành hơn. Và đó thực sự là một sự thay thổi, một sự hoán cải mà Simon sẽ được kêu gọi, trong một chiếc thuyền, một chiếc thuyền của cuộc sống hàng ngày, đòi hỏi sự gần gũi của Chúa Giêsu.
- Hãy ra khơi
“Giảng xong, Ngài bảo ông Simon: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” Ông Simon đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.” (Luca 5:4-7)
Hai chiếc thuyền đã vào bờ, và họ đang thu dọn lưới của họ trong vô vọng. Chuyến đánh cá đã kết thúc. Nhưng không có cá. Rất nhiều công sức mà vẫn công toi. Tuy nhiên, Chúa Giêsu yêu cầu họ sửa chữa. Chỉ vậy thôi. Hơn thế nữa, là một người nhà quê không biết gì về nghề đi biển, thế mà Ngài lại yêu cầu họ, với một sự mơ hồ nhất định, ra khơi xa hơn vào ban ngày, vốn dĩ là lúc cá lặn xuống tìm chỗ mát mẻ nghỉ ngơi, để đánh bắt ở một nơi còn sâu hơn…
Đáng ngạc nhiên, Simon- Phêrô chấp nhận. Ở đây một lần nữa lời của Chúa Giêsu là trọng tâm của câu chuyện. Đó là lời của Ngài, một lời ân sủng, đầy điên rồ và vô lý trong mắt loài người, một lời của Chúa, mà Simon, một người đánh cá chuyên nghiệp lại để Người Khác dẫn dắt mình lên thuyền, và để cho bản thân mình được dẫn dắt.
Nếu việc đánh cá của Simon và những người bạn chài đồng nghiệp của ông thất bại, bất chấp bí quyết của họ, thì việc đánh cá của Chúa Giêsu là thừa thãi và vô lý, và Lời của Ngài cũng vậy. Lời Cứu Độ của Ngài không chỉ cho phép có rất nhiều cá ở trong lưới, mà nó còn buộc cả hai con thuyền phải tập hợp lại. Chúa Giêsu đã khiến những người đánh cá trong biển hồ này từ “biết làm nghề cho mình” chuyển thành các sứ đồ tương lai “làm cho người ta biết”, tức là biết nhận ra dấu chỉ và biết làm chứng tá.
- Câu chuyện về cuộc đánh cá này lặp lại sách tiên tri Êdêkiel:
Êdêkiel 47, 9 “Sông chảy đến đâu thì mọi sinh vật lúc nhúc ở đó sẽ được sống. Sẽ có rất nhiều cá, vì nước này chảy tới đâu, thì nó chữa lành; sông này chảy đến đâu, thì ở đó có sự sống. Sẽ có nhiều ngư phủ sinh sốngở trên bờ. Từ Ên Gheđi cho tới Ên Éclagim sẽ toàn là bãi phơi lưới. Cá ở đây cũng nhiều và đủ loại như cá ở Biển Lớn.”
Tại hồ Giênêdarét, đây là những người đánh cá trên bờ, những tấm lưới để phơi khô, và vô số cá này. Mẻ cá kỳ diệu phản ánh sự phong phú được mong đợi nhưng cũng là cuộc phán xét, như phản ứng của Simon Phêrô làm rõ.
- Lời kêu gọi ra khơi xa.
“Thấy vậy, ông Simon Phêrô sấp mặt dưới chân Chúa Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi! ” Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Simon và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. Cả hai người con ông Dêbêđê, là Giacôbê và Gioan, bạn chài với ông Simon, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo ông Simon: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.” Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Ngài.”
- Xin hãy tránh xa tôi.
Người ta có thể mong đợi những tiếng reo vui, những bài ca ngợi sau một điều kỳ diệu như vậy. Nhưng câu chuyện cho thấy một phản ứng đáng sợ và một bức tranh khá u ám tương phản với một mẻ cá hào phóng. Chúng ta phải hiểu nỗi sợ hãi lớn lao của Simon theo nghĩa kinh thánh của nó. Sự sợ hãi thể hiện cảm giác của một người có lòng tin đang đứng trước mặt Thiên Chúa, là đấng xét xử thánh thiêng. Phản ứng của Simon rất có ý nghĩa về việc nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa mà khi đứng trước Ngài người ta cảm thấy không xứng đáng vì tội lỗi của mình.
Như vậy, trong một câu, Simon thú nhận sự yếu đuối của mình, tình trạng tội lỗi của mình, đồng thời, ông nhận ra nơi Chúa Giêsu sự hiện diện của chính Thiên Chúa và của một vị thẩm phán cánh chung.
Phản ứng của Simon gần như là buồn cười. Trên chiếc thuyền nhỏ này, trên biển hồ này, ngoài khơi xa, không lối thoát, thế mà Simon-Phêrô lại cầu xin Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, xin tránh xa con.” Trong thực tế, không cần phải tránh đi đâu cả. Nước trởi đã đến gần, Chúa Giêsu loan báo như thế, và Nước trời chưa bao giờ ở gần Simon-Phêrô đến thế. Chúa Giêsu tự xuống thuyền với ông, hay đúng hơn là Chúa Giêsu bắt người ngư phủ Galilê này xuống thuyền với Ngài, để ông được ở gần Ngài hơn. Vì vậy, Chúa Giêsu gọi ông Simon không phải vì khả năng đánh cá của ông mà vì ông Simon nhận mình là một ngư dân khiêm hạ, đã để cho Lời của Chúa Giêsu chiếm lấy mình.
- Hướng tới cuộc sống
Không lên án, không trấn áp Simon, Chúa Giêsu mời gọi ông đến với sứ mệnh. Đây là những người mà ngươi phải chiếm lấy, hoặc theo đúng nghĩa đen hơn, mà ngươi sẽ phải đem về còn sống. Lời kêu gọi này lặp lại sách Tiên tri Giêrêmia loan báo việc giải cứu những người dân của ông bị lưu đày và bạc đãi:
“Thiên Chúa hằng sống, Đấng đã đưa con cái Israel lên khỏi đất phương Bắc và khỏi mọi miền đất Ngài đã xua họ đến. Quả thật, Ta sẽ cho chúng trở về đất chúng sở hữu, đất mà xưa kia Ta đã ban cho cha ông chúng” (Gr 16, 15).
Vì ở đây, Chúa Giêsu bày tỏ chính mình như một người đem đến Ơn Cứu Độ, một người đem tới một mẻ cá cần được chia sẻ, một người đem đến một sự sống dồi dào. Hơn cả mẻ cá kỳ diệu, ở đây Simon là dấu chỉ chính của sứ mệnh Tin Mừng: kêu gọi tội nhân, lôi kéo họ ra khỏi sự dữ để làm cho họ sống lại. Chúa Giêsu mở ra cho Simon và những bạn chài của ông không phải một hồ nước đóng kín mà là một thế giới rộng mở, nơi lời Thiên Chúa sẽ vang lên trong Người Con của Ngài. Để lại tất cả mọi thứ ở đó, kể cả một mẻ cá dồi dào và béo bở, họ đi theo Chúa Giêsu.
Sách Tin Mừng của Luca kể về nhiều cuộc gặp gỡ cứu độ với tội nhân từ mọi bờ biển và mọi con thuyền: một phụ nữ tội lỗi tới nhà ông Pharisêu tên là Simon, với bình bạch ngọc đựng dầu thơm (7,36-50), hai người con trai trong dụ ngôn về người cha nhân từ (15,11-32), Giakêu (19,1-10) , tên trộm cướp trên thập giá (23,26-43), nhưng trước nhất là Lêvi, người thu thuế (5,27-32).
Phêrô Phạm Văn Trung
phỏng dịch từ aularge.eu/blog.