Thưa quý vị, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa không phải bây giờ mới có, mà là tự bản tính Thiên Chúa chính là Lòng Xót Thương. Nghĩa là từ khi khởi sự có một THIỆN THẦN, thì đó là Thiên Chúa. Loài người là một sinh vật cao cấp nhất, vì loài người có tri thức, là một thụ tạo nhưng không hoàn toàn. Sở dĩ loài người biết chuyện nầy, chuyện nọ là do sự hiểu biết (tri thức) giới hạn của họ. Bởi vì, phàm nhân vốn hữu hạn, vì phàm nhân là hữu thể. Từ sự hiểu biết giới hạn, con người tưởng mình là vô hạn, là siêu việt, là cái rốn của vũ trụ, tưởng rằng trí khôn thấp hèn, ta có thể hiểu biết được Thiên Chúa sao ? ! Chúng ta nên nhớ, Thiên Chúa đã phán: “ Trời cao hơn đất bao nhiêu, thì trí khôn của Ta cũng vượt trên các ngươi bấy nhiêu…”( Is 55, 9)
Vâng, theo đó chúng ta thấy, Thiên Chúa thấu suốt con người và không có sự hủy diệt nào cao hơn Thiên Chúa, cũng vậy không có tình thương nào lớn hơn tình thương của Thiên Chúa. Đồng thời, Thiên Chúa là Đấng công chính,vì vậy, không có sự công chính nào lớn hơn Thiên Chúa, vì Ngài là Chân Lý và Tinh Yêu.
Nhưng, theo đó, sự trừng phạt của Thiên Chúa căn cứ vào sự công thẳng của Ngài, sự công thẳng của Thiên Chúa dựa vào chân lý và tình yêu, vì vậy, nơi Thiên Chúa tuyệt đối không có sự bất công. Vì vậy, sự trừng phạt của Thiên Chúa, nếu có, thì cũng xứng đáng với nguồn gốc của tội lỗi là mầm mống satan. Vì dù, Thiên Chúa có “giết” bao nhiêu mạng người đi nữa, thì đối với Thiên Chúa vẫn như không, bởi vì nơi Ngài hội tụ đủ mọi đức tính Chân Lý và tình yêu. Vì loài người chỉ bởi bụi đất, còn sinh khí thuộc về Thiên Chúa. Theo đó, những đoạn văn khó hiểu trong Thánh Kinh, nhất là Cựu Ứớc, thì không thể hiểu theo ý muốn của loài người, mà là phải được hiểu theo nghĩa của mạch văn và bối cảnh của Thánh Kinh cùng đặc tính của Thiên Chúa. Vì , Thiên Chúa chính là nguồn của sự sống, chứ không phải sự chết. Nên chi, Thiên Chúa không muốn sự chết, sự hủy diệt, sự hãm hại loài thụ tạo, trong đó có loài người. Vì vậy, không còn lời lẽ nào chứng minh sự nhân từ của Thiên Chúa hơn Thập Gía nơi treo Đấng cứu độ trần gian.
Vâng, trở lại ý nghĩa Tin Mừng hôm nay,( Lc 15, 1-3; 11- 32), chúng ta thấy, Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Vì đoạn 15 của Tin Mừng thánh Luca là một đoạn nói về ba dụ ngôn “Lòng Thương Xót” của Thiên Chúa. Nhưng, nổi trội hơn là Dụ ngôn Người Cha nhân hậu ( Lc 15, 11 -32), trong câu chuyện “ Người con hoang đàng”.
Vâng, chúng ta thấy bố cục đoạn ( Lc 15, 11-32) rất chặt chẽ, mạch lạc, đầy đủ như loại văn kể chuyện, dù đây là một dụ ngôn do chính Chúa Giêsu là tác giả, thánh Luca chỉ nghe kể lại và ghi chép qua thầy của mình là thánh Phêrô.
Qua dụ ngôn “Người Cha nhân hậu”, chúng ta thấy ba nhân vật chính hiện lên rất rõ ràng, đồng thời tỏ rõ ba thái độ của ba nhân vật chính đó là : Người Cha, người anh cả và người con thứ.
– Thái độ người cha : Ôn hòa, chịu đựng, nhân ái bao dung, quên đi tội lỗi của người con thứ. Chào đón một cách chân tình. Vâng, thái độ của cha phản ánh rõ nét tình của Thiên Chúa, Đấng bao dung , nhân hậu, sẵn sàng tha thứ cho người con. Một sự yêu thương tràn đầy tình phụ tử. Chúng ta thấy, người cha quả là đại lượng, từ sự đại lượng bao dung của người cha cho chúng thấy tình của Thiên Chúa khoan dung cho người tội lỗi, phản ánh sự yêu thương bởi một người cha nhân hậu. Vâng, thế nào là nhân hậu?
– Thứ nhất: Không so đo tính toán, hơn thua với người con, dù nó bất xứng. Nhưng, người cha không tìm sự bất xứng của người con thứ, ông tràn đầy yêu thương. Sự yêu thương ấy không phải là mù quáng, thiếu sáng suốt, mà là một sự quảng đại, vì ông chỉ nghĩ đến tình cha con, nhưng , quên đi sự bất hiếu của người con.
– Thứ hai: Sự cần có của người cha là tình “phụ tử” chứ không phải là của cải, vì ông vẫn giàu có, ông không mảy may tính toán, ông đặt giá trị tinh thần cao hơn giá trị vật chất. Ông được đền đáp vì sự mong mỏi con ông trở về, dù trắng tay. Sự mong mỏi của ông không phải là con ông thành đạt , mà là sự tha thứ. Vì ông vẫn không thiếu hụt của cải khi con ông vắng nhà, đầy tớ gia nhân vẫn còn đầy. Cái ông thiếu là mất một đi dứa con “khờ dại”, đứa con “ nghịch tử”, nhưng, cái buồn lấn át cơn giận và niềm vui quên đi sự bất hiếu. Vâng, chúng ta thấy đó là giá trị vô giá của tình “phụ tử ”. Dù con ông có lỗi phạm bao nhiêu đi nữa.
Vâng , đó là thái độ của Thiên Chúa, thái độ mà Thiên Chúa đã dành cho con người, mà chính Chúa Giêsu đã minh họa rõ nét qua thánh Luca, vị thánh đầy nhân ái, vì thánh nhân là một y sĩ, người thầy thuốc Luca đã gột tả được chi tiết “tâm tình” yêu thương của người cha, không phải bằng sáo ngữ mà bằng hành động cụ thể, một sự lột tả chi tiết yêu thương của một người cha sẵn sàng tha thứ cho con mình khi nó lỗi phạm, vâng, không còn từ ngữ nào chính xác hơn cụm từ ”Người cha nhân hậu”. Và, người cha đã phục hồi ngay vị thế của người con tội lỗi. Đồng thời, người cha nhân hậu cũng không hề có thái độ bất bình với người con cả, mà thay vào đó là thái độ ôn tồn.
Vâng, thái độ của người cha nhân hậu trong Tin Mừng theo thánh Luca chỉ diễn tả một phần, dù chi tiết, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Thái độ của người cha nhân hậu trong trang Tin Mừng ( Lc 15, 11 -32) hôm nay, qua hơn hai ngàn năm thiết nghĩ về nghĩa đen cũng có rất nhiều người cha nhân hậu như thế. Nhưng, trên hết “Người Cha nhân hậu” đúng nghĩa vẫn chính là Thiên Chúa , Đấng giàu lòng xót thương. Vì, Thiên Chúa đã sáng tạo loài người cách lạ lùng, nhưng cứu chuộc loài người còn lạ lùng hơn nữa.
– Thái độ của người con tội lỗi :
Vâng, thái độ của người con tội lỗi là sự ”sám hối”, dẫu muộn màng, nhưng chân thành, đau khổ tinh thần và thể xác. Sự ăn năn cũng đáng giá như tội lỗi của mình. Từ sự chân thành, anh ta mới có đủ can đảm chỗi dậy trở về cùng cha mình.
– Một sự sám hối đáng giá và chân thành: “Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng làm con cha nữa…” ( c 18- 19). Dù , xét về phương diện vật chất anh ta đã làm tổn hại tiền của cha mình, nhưng, xét về phương diện tinh thần, thì sự hối hận, ăn năn của anh đáng giá hơn những gì anh phung phá.
– Thái độ của người con cả:
Thật bất nhân, không muốn người cha thể hiện lòng nhân hậu với người em của mình. Vô cảm không biết đón nhận tình anh em. Thái độ ích kỷ của người anh chính là ”tội lỗi” lớn nhất. Vì, thái độ không muốn cho người khác làm lại cuộc đời, thì không phải là thái độ của Thiên Chúa.
Vâng, kính thưa quý vị, thái độ người cha nhân hậu không phải dễ học, cũng như tâm tình thống hối của người con tội lỗi không phải dễ bắt chước để thực hành. Mà là thái độ ích kỷ của người anh cả chính là cách dễ bắt chước nhất.
Thái độ của người con thứ tượng trưng cho người tội lỗi biết sám hối, Thiên Chúa là Người Cha nhân hậu rất mong muốn những người tội lỗi có thái độ như người con thứ.
Thái độ của người con cả tượng trưng cho người Dothai và những người không có thái độ khoan dung, ích kỷ.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu thương nhân loại và sẵn sàng tha thứ cho kẻ tội lỗi biết sám hối ăn năn. Qua Dụ ngôn Người Cha nhân hậu, Chúa đã mạc khải lòng thương xót của Thiên Chúa là Cha trên Trời cho chúng con, đồng thời thái độ biết ăn năn sám hối của người con thứ tội lỗi, để chúng con biết sám hối cách chân thành, và không theo thái độ ích kỷ của người con cả. Xin thương ban cho chúng con mỗi ngày biết chân thành sám hối, để được lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa ./. Amen
06/03/2016
P.Trần Đình Phan Tiến