Chúa nhật ngày 11.9.2016 năm nay, trùng vào dịp nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung, tưởng niệm mười lăm năm biến cố khủng khiếp, làm chấn động và hoang mang cả thế giới, nhất là người Mỹ, xảy ra ngày 11.9.2001.
Đó là một ngày đầy nước mắt, kinh hoàng và sửng sốt đối với dân chúng nước này. Vì thế, nhân dịp này, dựa vào Lời Chúa Giêsu dạy, tôi muốn nói về những mất mát và sự tìm thấy.
Lời của Chúa dạy hôm nay là ba dụ ngôn: Người chủ tìm thấy con chiên lạc, Người đàn bà tìm thấy đồng bạc bị mất, Người cha đón nhận đứa con hoang đàng trở về, mang cùng một ý nghĩa: MẤT MÁT và TÌM THẤY (Lc 15, 1-32).
Cái bị mất càng lớn, người đi tìm càng vất vả bao nhiêu, khi tìm thấy, nỗi vui mừng càng lớn bấy nhiêu. Ý nghĩa của sự mất mát và tìm thấy trong ba dụ ngôn, là lòng ca ngợi tình yêu lớn lao của Thiên Chúa đối với con người.
Nhất là mỗi khi con người phải sống trong tai ương, mất mát, đổ vỡ, tang tóc, chết chóc, chia lìa, hận thù, lo sợ, nghi nan và giết hại nhau…, là mỗi lần khuôn mặt của tình yêu ấy lại sáng ngời, làm dịu bớt nỗi thất vọng, thăng hoa niềm hy vọng.
Nhờ tình yêu của Thiên Chúa, chính trong mất mát, con người hiểu rằng, họ đã được tìm thấy.
Chính trong nỗi chết chóc của sự tàn bạo, họ lại nhận ra chiều kích thánh thiêng của sự sống.
Tôi muốn nói tới vụ khủng bố Trung tâm Thương mại Thế giới tại New York gồm hai tòa nhà cao 110 tầng và Ngũ Giác đài ở Washington, bị ba chiếc máy bay lớn do không tặc khống chế đâm vào. Một chiếc khác cũng bị khống chế, rơi tại Pennsylvania dọc đường đến mục tiêu.
Người ta ước tính trên 3.000 nạn nhân thiệt mạng. Phải mất gần chín tháng mới dọn dẹp hết đống đổ nát gồm 1.600.000 tấn. 100 tỷ đôla bị mất trắng. 8.300.000 người thất nghiệp trên khắp nước Mỹ.
Ngoài ra, từ biến cố kinh hoàng ấy, người Mỹ và thế giới còn mất rất nhiều thứ quý báu khác:
– Mất cảm giác bảo đảm và an toàn, vì từ trước đến nay, khoa học thời nay vẫn tự hào, đặc biệt nước Mỹ rất tự hào: họ ổn định. Hơn nữa, người Mỹ còn có phần ngủ yên trong hãnh diện mình là quốc gia giàu có, quyền hành, sẽ chẳng ai dám thọc vào sự ổn định của mình. Nhưng mọi suy nghĩ ấy, giờ đây bị “lật đổ”.
– Con người khắp nơi cũng đánh mất sự bình an trong tâm hồn. Vì từ đó đến nay, không ngày nào, thế giới và nước Mỹ không sống trong nỗi lo và cảnh giác. Sống mà cứ phải lo lắng và cảnh giác từng ngày, làm sao có bình an!
– Lòng tin nơi người Mỹ cũng bị đánh cắp. Lòng tin vào con người, trên khắp thế giời, ngày càng vắng bóng. Nhìn bất cứ ai xa lạ, nhất là những người từ Trung Đông, những người xuất thân từ đạo Hồi, họ đều có thể đáng nghi ngờ. Thay vì bắt tay thân thiện, họ chấm ngay một dấu hỏi thật to trên khuôn mặt người lạ ấy. Anh ta là ai? Lương thiện hay bất lương?
– Cứ như thế, sự tấn công khủng bố sát hại hàng loạt đã và có thể sẽ xảy ra khắp nơi, quá nhiều, làm nhức nhối lương tâm từng người chúng ta. Sự tấn cống ấy, càng ngày càng cho thầy nước Mỹ và châu Âu là mục tiêu hàng đầu.
Từ vụ khủng bố 1.9.2001 đến nay, hai tiếng “khủng bố” luôn là nổi ám ảnh ghê gớm trong tâm trí từng người, trên khắp thế giới. Những gì mà loài người đã và vẫn mất mát thật là lớn lao. Những gì mà chúng ta phải và vẫn chịu đựng thật là đau đớn.
Nhưng những gì đã tìm thấy được cũng không phải ít. Đó chính là đức tin, tin nơi Thiên Chúa và tìm đến Thiên Chúa để được giải thoát nỗi u buồn.
Người ta kể rằng, sau ngày đại họa của năm 2001, rất nhiều người đến nhà thờ cầu nguyện. Các thánh lễ liên tục được tổ chức để tưởng nhớ người bị nạn và cầu bình an. Tất cả các thánh lễ ấy đều có rất đông người đến tham dự. Chính tổng thống Bush đã trích Thánh Vịnh 23 để trấn an dân chúng: “Lạy Chúa, dù bước đi trong thung lũng của sự chết, con không lo nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm”.
Nhưng chẳng phải chỉ có người Mỹ – là những người, nhờ nền văn minh rực rỡ của mình, đã góp phần không nhỏ làm cho lối sống tiêu thụ, tâm lý hưởng thụ lớn lên, từ đó phần nào lôi kéo đạo đức xã hội đi xuống – lại có dịp tiếp cận và lấy lại đức tin của mình, nhưng trong ngày ấy, họ còn nhận được biết bao nhiêu sự cảm thông và lời cầu nguyện mà khắp thế giới dành cho họ.
Cho đến hôm nay, mỗi lần ở đâu đó xảy ra những tấn công kinh hoàng như thế, cũng đều lôi kéo những con người, nhất là những nạn nhân còn sống sót trở về với lòng tin, trở về với Đấng giàu lòng xót thương.
Những gì tìm thấy được còn là niềm tương trợ lẫn nhau, sống gắn bó và thắt chặt tình đoàn kết. Tất cả những nơi bị đánh, đều tìm thấy những tấm lòng quả cảm và can đảm của biết bao nhiêu người liều mạng cứu lấy người khác.
Lính cứu hỏa và các nhân viên cảnh sát đã hy sinh trong khi thi hành nhiệm vụ giải cứu và cấp cứu nạn nhân là một điển hình. Trong số những người hy sinh vào ngày 11.9,2001, có cha Mychal Judge, một linh mục dòng Phanxicô, tuyên úy cho lính cứu hỏa tại thành phố New York.
Cũng như anh chị em mình, cha hiểu rất rõ, giữa cảnh điêu tàng, nếu đến gần, sẽ nguy hiểm vô cùng, nhưng cha vẫn đến làm tròn nghĩa vụ của mình. Tòa nhà kinh khủng ấy đã tàn nhẫn đè bẹp và vùi lấp cha Judge cùng mấy trăm lính cứu hỏa, trong khi cha đang cử hành bí tích Xức dầu và ban các phép lần sau hết cho họ.
Hóa ra, trong những lúc tối tăm của cuộc đời, người ta ngỡ rằng, mình đã mất, đã chẳng còn, đã tiêu tang, thì chính lúc ấy, ánh sáng của những cái được nơi những gì có thể tìm thấy, lại cứ lóe lên.
Bởi thế, ta có thể nói mạnh rằng, không ai sống lạc quan cho bằng những anh chị em tín hữu Kitô. Họ biết khôn ngoan trực diện với nỗi đau xé lòng đang diễn ra trước mắt, và lấy ánh mắt đức tin nhìn vào đó.
Đức tin dạy họ rằng, thập giá không dừng lại ở ngày thứ Sáu ảm đạm nhuộm đầy máu, tử nạn và ô nhục, nhưng thập giá đã bừng lên ánh sáng trường cửu, bừng lên sự sống không tàn không phai của sáng Chúa nhật Phục sinh.
Với đức tin, nhìn vào sự tàn phá của tử thần, họ tìm thấy sự sống. Nhìn vào hận thù tưởng đã lên ngôi thống trị, họ tìm thấy lòng yêu thương. Nhìn vào nỗi bi đát ê chề của đổ nát, của mất mát, của tha hóa, họ tìm thấy niềm lạc quan tin tưởng. Nhìn vào nỗi hoang mang nghi ngờ của nhân loại, họ tìm thấy khuôn mặt dịu hiền, đầy yêu thương thông cảm và thứ tha của Thánh Giá Chúa Kitô.
Thiên Chúa không bao giờ vắng mặt. Con người không bao giờ mất Thiên Chúa. Bởi thế, cái mất vẫn còn đó trong nỗi đau cuộc đời, trong tội lỗi, trong sự tha hóa, và lòng hận thù lồng lộng như một con thú dữ, thì những gì tìm thấy được vẫn cao cả, vẫn sang trọng, vẫn vượt thắng.
Và Tình yêu vời vợi của Thiên Chúa là niềm hạnh phúc, là sức mạnh lớn, giúp con người vượt qua, đó là điều mà các Kitô hữu tìm thấy được trong nỗi đau mất mát tột cùng.
Bạn ạ, Thiên Chúa tôn trọng tự do của chúng ta. Người là Đấng toàn năng, tự giới hạn quyền năng của mình, đứng ngoài tự do của chúng ta, để chúng ta có thể hiện hữu một cách tự do.
Lý do mạnh nhất, khiến ta đánh mất rất nhiều, là bởi ta lạm dụng tự do và lỗi phạm không ngừng. Chính vì có tự do, ta đánh mất chính mình, đánh mất Thiên Chúa, xa lìa tình yêu của Chúa, để trôi tuột khỏi cuộc đời mình bao nhiêu ơn lành mà Chúa hằng ban phát. Đánh mất là sự thật của mỗi con người đầy yếu đuối, hèn mọn.
Nhưng còn một sự thật khác vô cùng quan trọng, vì nhờ đó mà ta sống và lấy lại những gì đã mất. Sự thật ấy chính là Thiên Chúa đi tìm con người.
Người không đi tìm như tìm một cái gì có lợi cho Người. Người cũng không đi tìm như tìm một thứ sở hữu cho riêng mình. Sự tìm kiếm của Chúa là một sự tìm kiếm có lợi cho ta.
Đó là một sự tìm kiếm đầy hân hoan, vui mừng, tin tưởng. Đó là một sự tìm kiếm mà khi tìm thấy, vỡ òa vì một niềm vui trào dâng tột đỉnh. Bởi ta là con chiên thất lạc, là đồng bạc bị mất, đã lìa xa Chúa vì chọn cuộc đời này làm bạn, chọn tội lỗi làm chốn nương thân.
Một khi tìm thấy ta trong bóng đen tăm tối ấy, Thiên Chúa đã vui mừng đưa về, không phải dẫn đi, mà vác trên vai, như giữ lấy một của báu quý giá. Niềm vui ấy còn là một niềm vui nức nỡ, được diễn tả qua lời mời mọc bè bạn chia vui với mình, vì mới đưa về chốn hạnh phúc một kẻ vong thân.
Chưa dừng lại, Chúa Giêsu đã đẩy đến đỉnh điểm, để kết thúc nỗi vui mừng vì yêu ấy trên một cao trào đẹp khôn xiết: Tình yêu quá đỗi diệu hiền, nhưng rất mạnh mẽ của một người cha dành cho đứa con hư đốn của mình.
Dụ ngôn người cha nhân hậu đón nhận đứa con đi hoang trở về vì đói, chứ không phải vì nghĩ đến tình cha, cho ta bài học không thể có bài học nào lớn hơn, về lòng thương xót đến không thể tưởng tượng, không thể hiểu nổi mà Thiên Chúa dành cho ta.
Bài học ấy còn dạy ta rằng, vong thân trong tội, ta đánh mất tất cả: cả sự sống (biểu hiện qua sự đói khát của người con), cả nhân phẩm (biểu hiện qua nồi cám heo mà người con phải ăn cắp để nhét cho đầy bụng), cả tình yêu (người con bị ruồng rẩy, bị bỏ rơi), là những cái làm nên căn cội của cuộc đời con người.
Chỉ có trở về cùng Thiên Chúa, ta mới lấy lại tất cả những gì đã mất mà thôi. Chính người cha đã trả lại cho đứa con sự sống, nhân phảm và tình yêu (Lc 15, 22-32).
Ý thức Thiên Chúa luôn luôn yêu thương kiếm tìm, chúng ta đừng cứng đầu, nhưng hãy trở lại cùng Người.
Hãy đứng lên để quyết tâm đi tới. Hãy đứng lên để làm một chọn lựa mới: chọn lựa tách mình khỏi tội và đứng về phía tình yêu của Chúa.
Tội lỗi đã là điều đáng sợ khôn cùng. Nhưng chưa phải đáng sợ nhất. Điều đáng sợ nhất là ta cứng đầu ở lỳ trong tội. Vì tự đánh mất chính mình đã là một nguy hiểm. Tự chôn mình chìm đắm trong sự mất mát ấy, là một nguy hiểm khó lường, một nỗi dại khờ không có gì có thể biện minh.
Vậy với tất cả những gì đã suy nghĩ, bắt đầu từ Lời Chúa đến tội ác khủng bố, sự mất mát và sự tìm thấy trong đời sống nhân loại, cũng như mất mát và tìm thấy đối với đời sống đức tin, chúng ta thành tâm dâng lên Chúa lời cầu nguyện tha thiết của mình:
Lạy Chúa, xin giúp chúng con nhận ra ánh sáng của sự sống giữa chết chóc bạo tàn; ánh sáng của hy vọng giữa những tuyệt vọng; ánh sáng của sự tìm thấy giữa những mất mát và đổ nát; ánh sáng của tình yêu Chúa giữa những thù hận dối gian; ánh sáng của ơn cứu độ giữa bóng tối tội lỗi đang cuốn hút chúng con vong thân; ánh sáng của niềm tin giữa những lầm lạc, hụt hẫng.
Lạy Chúa, xin ban ơn bình an để nhân loại được hạnh phúc. Và xin ban cho tâm hồn chúng con hạnh phúc vì biết giữ mình thanh sạch, thánh thiện.
Xin cho chúng con bao dung để tha thứ; khiêm nhu để tránh kiêu căng; ôn hòa để nhường nhịn; yêu chuộng hòa bình để tâm hồn bình an.
Lm. VŨ XUÂN HẠNH