Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống năm C
Cv 2, 1-11; 1 Cr 12, 3b-7.12-13; Ga 20, 19-23
Trong Kinh Tin Kính, về Chúa Thánh Thần, chúng ta tuyên xưng : Tôi tin kính Ðức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Ðấng ban sự sống, Người bởi Ðức Chúa Cha và Ðức Chúa Con mà ra, Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Ðức Chúa Cha và Ðức Chúa Con: Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy.
Qua những trang Thánh Kinh, và đặc biệt hơn cả là qua những mạc khải của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Âm, chúng ta biết và cảm nghiệm được sự hiện diện và các hoạt động của Chúa Thánh Thần trong đời sống cá nhân, trong lịch sử Giáo hội và trong sự đổi mới trái đất này.
Qua Giao Ước cứu độ, chúng ta lại hiểu biết cụ thể hơn về Chúa Thánh Thần trong đời sống mình như sau:
Trong Cựu Ước, Thiên Chúa xuất hiện như Đấng bảo vệ dân chống lại kẻ thù, giải thoát dân khỏi những nguy hiểm và dẫn đến tự do. Thiên Chúa là Thiên Chúa-vì-chúng ta.
Đến Tân Ước, Thiên Chúa đã mạc khải một chiều kích mới của giao ước. Trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa được sinh hạ, lớn lên, sống ẩn dật, chịu đau khổ và chết giống như ta. Thiên Chúa là Thiên Chúa-ở-với chúng ta. Khi Chúa Giêsu về Trời, Ngài hứa ban Chúa Thánh Thần. Trong Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa mạc khải chiều sâu trọn vẹn của giao ước. Thiên Chúa muốn gần gũi ta như hơi thở của ta. Ngài muốn hít thở trong ta, để tất cả những gì ta nói năng, suy nghĩ và thực hiện hoàn toàn do sự linh hứng của Chúa Thánh Thần.
Khi nói về Chúa Thánh Thần, ta thường nói về hơi thở của Thiên Chúa đang hít thở trong ta. Thần Khí trong tiếng Hy lạp là pneuma (πνεύμα), nghĩa là “hơi thở”. Thần Khí Thiên Chúa giống như hơi thở của ta, nghĩa thiết thân với ta hơn cả ta thiết thân với chính mình. Chúa Thánh Thần làm nên nền tảng “đời sống thiêng liêng” của ta, vì Ngài cầu nguyện trong ta, đem lại cho ta những hoa trái của lòng yêu mến, tình thương tha thứ, những gì tốt lành, bình an và vui mừng. Thánh Thần tình yêu sống động ở trong ta là như vậy. Chính Ngài ban cho ta sự sống mà cái chết không thể hủy diệt.
Mở lại những trang đầu Sách Sáng Thế Ký, Chúa Thánh Thần được mạc khải như thần khí bay lượn trên nước để mang sức thánh hóa. Khởi đầu lịch sử cứu độ của Thiên Chúa, chính quyền năng Thánh Thần đã cho Đức Kitô nhập thể thành phàm nhân trong lòng đức trinh nữ Maria. Cũng Thánh Thần ấy đã lấy hình chim bồ câu đậu trên đầu Đức Kitô khi chịu phép rửa trên sông Giođan. Rồi Thánh Thần trực tiếp dẫn đưa Đức Kitô vào sa mạc ăn chay cầu nguyện và hướng dẫn Ngài hết hành trình cứu độ. Để tiếp tục công cuộc cứu chuộc nhân loại, Chúa Kitô thổi hơi Thánh Thần trên các các tông đồ, ban cho họ sự bình an và quyền tha tội. Sau khi Chúa Giêsu về trời, Chúa Thánh Thần trực tiếp hoạt động trong tâm hồn các tông đồ và môn đệ của Chúa Giêsu; Ngài lấy hình lưỡi lửa như sức mạnh vĩ đại biến các tông đồ và môn đệ từ trạng thái nhút nhát, yếu hèn, dốt nát… trở thành những chứng nhân can trường vĩ đại cho Chúa Kitô phục sinh và vì Nước Trời.
Giáo hội tiên khởi bắt nguồn từ mười hai vị tông đồ ở một hoàn cảnh đầy éo le và dễ vỡ trong trạng thái bách hại, đã vươn lên mạnh mẽ và phát triển sau hơn hai mươi thế kỷ, để lan tỏa sức sống Tin Mừng cứu độ trong các tâm hồn trên khắp thế giới qua mọi thời đại, phải chăng chỉ do sức làm việc riêng của con người? Hẳn là không, bởi vì như lời Chúa Kitô phán: “Không có Thầy, các con không thể làm gì được”; vị Thầy ấy chẳng những luôn hiện diện trong Lời Thiên Chúa và trong Bí Tích Thánh Thể, nhưng còn hiện diện thực qua sức hoạt động và đổi mới liên lỉ của Chúa Thánh Thần, Đấng mà Chúa Kitô phục sinh đã gửi đến cho các tông đồ và Giáo hội người.
Chính vì thế, khi mỗi cá nhân con người cảm nghiệm được Chúa Thánh Thần, không phải chỉ được diễn tả bằng vài hoạt động hay một ít lời nói nóng bỏng phát ra từ miệng lưỡi mình, mà thực sự phải được đổi mới toàn diện như chính Chúa Kitô được Chúa Thánh Thần làm cho nhập thể, nhập thế, rao giảng Tin Mừng, chấp nhận cuộc thương khó, sống lại và lên trời. Nếu các hoạt động của con người được mệnh danh là những cảm nghiệm của Chúa Thánh Thần mà không liên lỉ biến đổi và lột xác như Đức Kitô, thì có thể chỉ phát xuất từ sự bồng bột đạo đức hời hợt, hoặc chỉ là sự lầm lẫn do cảm giác hay ảo tượng đạo đức của con người, hoặc cũng có thể phát sinh từ các nguồn giả tạo, nhất là của ma quỷ, mà không phải do năng lực ơn thánh Chúa. Chúng ta hãy cầu xin sốt sắng và bền vững để có thể nhận ra quyền năng thật của Chúa Thánh Thần trong đời sống mình, trong tha nhân, trong Hội Thánh và trong thế giới này.
Hôm nay Chúa Thánh Thần hiện xuống, thổi hơi và ban ơn cho các môn đệ cũng như cho những ai đón nhận ơn Chúa Thánh Thần. Những ai sống đời cầu nguyện luôn sẵn sàng đón nhận “hơi thở” của Thiên Chúa, để Ngài canh tân và mở rộng cuộc sống mình. Nhờ Thần Khí, ta có thể kêu lên Thiên Chúa khi cầu nguyện: “Abba!”, Cha ơi! Chính trong ý nghĩa này mà ta nhận ra cội nguồn sự sống và căn tính đích thực của mình là con cái Thiên Chúa. Chính từ nhãn giới này mà ta cảm nhận về thế giới này, và được mời gọi để nhìn thế giới như Thiên Chúa nhìn.
Lm. Anmai, C.Ss.R.