MONG CHỜ CHÚA ĐẾN TRONG NIỀM VUI

Muôn dân đang chờ đợi. Muôn dân, từng thế hệ, vẫn đang chờ đợi. Và chúng ta cũng đang chờ đợi. Dấu hiệu của sự mong đợi này bộc lộ ra trong những câu hỏi của những người gặp Gioan Tẩy Giả đã hỏi ông, ba lần, giống như một điệp khúc: “Chúng tôi phải làm gì đây?” (Lc 3:10), “Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì?” (Lc 3:12), “Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì?” (Lc 3:14). Thánh Gioan hết sức quan tâm đến việc đáp lại của mỗi người một cách khác nhau, vì quả thực Thiên Chúa không mong đợi dân Ngài có một cách cư xử rập khuôn như nhau, nhưng là lối cư xử tự do, mà mỗi thế hệ phải điều chỉnh cho phù hợp với các vấn đề của thời đại của họ, mà mỗi con người phải điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của riêng mình. Dân chúng đang chờ đợi Đấng Mêsia. Nhưng họ và mỗi người chúng ta hôm nay liệu có biết Đấng Mêsia cũng đang mong chờ điều gì nơi chúng ta không? Chúng ta có tin rằng mọi khoảnh khắc trong cuộc đời chúng ta đều có thể là cánh cửa, dù rất hẹp, để Đấng Cứu Thế bước vào lịch sử cuộc đời chúng ta không?

  1. Chúa ban cho niềm vui

Chúa nhật này được gọi là Chúa nhật Gaudete – Hãy vui lên – cho chúng ta một gợi ý: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!” (Pl 4: 4). Phụng vụ Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng tràn ngập bầu không khí vui mừng vì lễ Giáng Sinh đang đến gần. Trên hành trình Mùa Vọng của chúng ta, đây là một Chúa Nhật bao bọc chúng ta bằng niềm vui sâu xa, chứ không phải sự hồ hởi hời hợt. Đây là niềm vui cứu độ mà Chúa mang đến. Làm thế nào chúng ta có thể có được niềm vui lâu dài trong một thế giới không phải lúc nào cũng có điều gì đó để vui mừng? Làm sao chúng ta có thể vui mừng khi cuộc sống hàng ngày của chúng ta nhuốm đầy khó khăn đủ loại? Đâu là nền tảng của niềm vui mà chúng ta được mời gọi đến vào Chúa nhật này, bất chấp những đau khổ và thăng trầm của cuộc sống hằng ngày?

Trong bài đọc thứ nhất hôm nay, tiên tri Sôphônia mời gọi chúng ta hãy reo mừng. Khi ngỏ lời với Giêrusalem, chính Thiên Chúa muốn mang thông điệp này đến với mỗi người chúng ta. Đối với chúng ta, điều quan trọng là biết rằng lời mời gọi vui mừng này được phát ra vào thời điểm tai họa, trong tình huống chán nản, thậm chí tuyệt vọng. Chính ở trung tâm của hoàn cảnh khó khăn này mà vị tiên tri mang đến một thông điệp an ủi, một thông điệp hy vọng cho Sion, mời gọi hãy vui lên: “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Sion, hò vang dậy đi nào, nhà  Israel hỡi! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy nức lòng phấn khởi” (Xp 3:14).

Trong bài đọc thứ hai, Thánh Phaolô, từ sâu trong ngục tù, mời gọi chúng ta hãy vui mừng trong mọi hoàn cảnh: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!” (Pl 4:4). Chúng ta cứ tưởng nhận được nơi ngài một thông điệp lo lắng và đau khổ. Tuy nhiên, ngài tỏa ra niềm vui và mời gọi chia sẻ niềm vui này. Không phải là niềm vui của con người mà thế giới mang lại với những của cải phù du của nó, mà là niềm vui thiêng liêng. Niềm vui khởi đi từ việc Con Thiên Chúa “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1;14) và ân huệ tối thượng của Ngài là “bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Ngài xuống thai sinh bởi Bà Maria Đồng Trinh, chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đanh trên cây Thánh giá, chết và táng xác, xuống ngục Tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại…” Tất cả những gì chúng ta phải làm là tin vào điều đó và xin Chúa ban cho chúng ta niềm vui nội tâm này như một món quà để chia sẻ. Niềm vui của Thiên Chúa được ban tặng, không thể bị ép lấy. Để cảm nghiệm được niềm vui này, chúng ta phải làm gì? Đây là điều mà Thánh Gioan Tẩy Giả mời gọi chúng ta thực hiện trong bản văn Tin Mừng.

  1. Lan tỏa niềm vui từ Thánh Thần cho mọi người

Chúng tôi phải làm gì đây?” (Lc 3:10). Câu trả lời của Gioan Tẩy Giả không phải xa lạ gì với dân Do thái thời đó: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy” (Lc 3:11). Gioan Tẩy Giả không phát minh ra điều gì mới lạ. Ông là một vị tiên tri lặp lại lời các tiên tri: “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm?Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?” (Isaia 58: 6-7). Trong chương 2 của sách Công vụ, Luca sẽ nhấn mạnh rằng cộng đoàn của Đấng Phục sinh đã tìm cách thực hiện những hình thức liên đới mới này: “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ” (Cv 2: 44-46). Đó là hoa trái đích thực của phép rửa của Chúa Giêsu mà Luca chỉ rõ sự khác biệt về bản chất với phép rửa của Gioan: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Ngài. Ngài sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa” (Lc 3:16). Chúa Giêsu rửa trong Chúa Thánh Thần và trong lửa. Chúa Giêsu giống như người nông dân đang chuẩn bị sân đập lúa để thu lấy hạt lúa và đốt rơm đi: “Tay Ngài cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi” (Lc 3:17).

Phép rửa bằng lửa là gì? Phép rửa này được mô tả đôi chút vào Lễ Ngũ Tuần: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2:1-4). Trình thuật phép rửa bằng lửa này dẫn chúng ta trở lại với một đoạn văn khác của Cựu Ước, kể về trải nghiệm của Môsê ở bụi gai cháy: “Thiên sứ của Đức Chúa hiện ra với ông trong đám lửa từ giữa bụi cây. Ông Môsê nhìn thì thấy bụi cây cháy bừng, nhưng bụi cây không bị thiêu rụi. Ông tự bảo: Mình phải lại xem cảnh tượng kỳ lạ này mới được: vì sao bụi cây lại không cháy rụi? Đức Chúa thấy ông lại xem, thì từ giữa bụi cây Thiên Chúa gọi ông: Môsê! Mô-sê! Ông thưa: Dạ, tôi đây! Ngài phán: Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh” (Xh 3:2-6). Môsê được bảo cởi dép ra như người ta vẫn làm thế khi bước vào nơi Chúa ngự. Ông khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa như một ngọn lửa cháy mà không thiêu rụi, không hủy diệt, một ngọn lửa bùng cháy và thông truyền đủ sức mạnh để ông bắt đầu một sứ mạng lớn lao và đầy gian khó mà Thiên Chúa giao phó: dẫn Dân Chúa ra khỏi cảnh nô lệ dài đằng đẵng, vượt qua Biển Đỏ, đủ sức mạnh và can đảm để đối mặt với tiếng kêu của dân chúng và đủ kiên trì để giữ vững trong suốt 40 năm sa mạc.

Điều này có nghĩa gì cho chúng ta? Như Môsê, chúng ta cần phải đến nơi thánh, chính là cõi lòng thánh thiêng của mình, để bám rễ sâu vào sự sống siêu việt của Thiên Chúa, được mặc khải và thể hiện qua Chúa Kitô. Học biết lời Ngài, nghe Ngài nói, chiêm ngưỡng Ngài, cẩn trọng bước theo Ngài, để bản thân được Ngài chạm vào, ước muốn trở thành môn đệ của Ngài, ngày càng trở nên giống Ngài hơn, sống theo Thánh Thần của Ngài thúc đẩy, sống niềm vui từ Ngài và lan tỏa niềm vui đó cho mọi người chung quanh!

  1. Ở lại trong Chúa Kitô

Tất cả chúng ta đều là những kẻ tội lỗi nhưng có thể nên thánh. Chính Chúa Thánh Thần đốt cháy trong chúng ta những gì là phù phiếm chóng qua và thanh luyện những gì thuộc về Thiên Chúa, làm cho chúng ta nên thánh thiện. Ngọn lửa của Thánh Thần không phải là ngọn lửa đem đến u buồn. Nhưng đó là một ngọn lửa tràn đầy niềm vui vì nó tẩy rửa, thanh luyện, đốt cháy những gì hư ảo. Ngọn lửa đó không hề tắt, vì tình yêu Thiên Chúa không hề tắt. Qua phép rửa duy nhất này, chúng ta đã được đắm mình trong Thánh Thần và trong lửa, nghĩa là được nhấn chìm trong cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Chúng ta đã trở nên đồng hình đồng dạng với Đấng Kitô: “Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Chúa Kitô nhờ được chết như Ngài đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Ngài, nhờ được sống lại như Ngài đã sống lại” (Rm 6:5). Chúng ta đã “được tháp nhập vào Chúa Kitô nhờ bí tích Rửa Tội, được nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô” (GLHTCG, số 1272). Bây giờ chúng ta cùng nhau là thân thể của Chúa Kitô cho thế giới này: “Người chịu Phép Rửa được tháp nhập vào Hội Thánh là Thân Thể Chúa Kitô, và tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô” (GLHTCG, số 1279), hoặc theo cách diễn đạt tuyệt vời của Thánh Phaolô: “Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao?” (1 Cr 6:19).

Đó chính là căn tính của chúng ta: có nơi mình sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu dìm mình xuống sông Giođan nơi Gioan làm phép rửa, là Ngài lao vào cuộc sống của con người và sẽ lao vào cái chết để rồi thoát ra sống lại. Phép rửa của Chúa Kitô ở sông Giođan công bố rằng phép rửa thực sự của Ngài sẽ là cái chết và sự phục sinh của Ngài. Thánh Luca muốn nói với chúng ta rằng từ việc dìm mình xuống cái chết, Chúa Giêsu đã chỗi dậy trong khải hoàn, giống như khi chúng ta lãnh nhận phép rửa tội, chúng ta được dìm mình trong nước và trồi lên đầy sức sống, như Chúa Kitô, và từ giờ trở đi được liên kết chặt chẽ với Ngài. Với sự chắc chắn về sự hiện diện sống động của Chúa Kitô trong chúng ta, giữa chúng ta, không gì có thể lay chuyển được niềm vui của chúng ta. Mọi nỗi sợ hãi phải được loại bỏ khỏi cõi lòng chúng ta, như Thánh Phaolô khuyên nhủ trong bài đọc thứ hai: “Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Chúa Kitô Giêsu” (Pl 4:6-7).

Phêrô Phạm Văn Trung

Chia sẻ Bài này:

Related posts