Suy niệm Chúa nhật IV Phục Sinh – C
(Ga 10, 27-30)
Bước vào Chúa nhật thứ IV Phục Sinh, chúng ta có dịp đọc lại dụ ngôn “Vị Mục Tử nhân lành”. Phụng vụ mỗi năm trình bày cho chúng ta một khía cạnh. Năm nay, với vỏn vẹn 4 câu (Ga 10, 27-30), cũng đủ làm nổi bật Chúa Giêsu là Mục Tử tốt lành, thí mạng sống mình vì đàn chiên, Người đến để cho chiên được sống dồi dào (c.28), qui tụ tất cả về một đàn chiên duy nhất, Người là Con Thiên Chúa, và cũng chính là Thiên Chúa (c.30).
Chúa là Mục Tử
“Mục tử” là hình ảnh rất quen thuộc của nền văn minh nông nghiệp còn trong trạng thái thô sơ của dân du mục vùng Trung Đông, được Chúa Giêsu dùng để diễn tả tương quan “dễ thương” giữa Người và chúng ta. Dân Cựu Ước thường gọi Chúa là mục tử của mình (St 49, 24 – 31 ; Gr 31, 10 ; Mk 7,14 v.v …), vì khởi đầu lịch sử thánh, dân được chọn là dân du mục trên hành trình về Đất Hứa, trước tiên là Abraham từ Ur đến Canđê, thứ đến là Môsê, kẻ chăn cừu, cho tới Đavít cậu bé chăn cừu ở Belem.
Chúa là mục tử đích thực của dân Israel kể từ khi Chúa chọn họ làm dân riêng và hứa không để dân bị phân tán như đàn chiên không người chăn dắt. Chính Chúa chăn dắt dân Chúa: “Này đây Ta chăm sóc chiên Ta” (x. Ed 34). Trách nhiệm mục tử này được trao cho các vị lãnh đạo dân Chúa.
Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên
Chúa Giêsu tự xưng “là mục tử tốt lành” (Ga 10, 11). Trong hang toại đạo, người ta tìm thấy hình ảnh Chúa Giêsu với vẻ dịu dàng, trìu mến của người chăn chiên, vác chiên trên vai, tìm kiếm con chiên lạc, đưa chiên về với đàn của chúng để cùng chia sẻ một đồng cỏ xanh tươi. Khi lấy lại hình ảnh người mục tử và tự ví mình như thế, chứng tỏ Thiên Chúa không chỉ là Đấng dẫn dắt dân, hơn thế nữa còn sẵn sàng, “thí mạng sống vì chiên” (Ga 10, 11). Chúa biết chiên, nên hy sinh mạng sống :“Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta cho chúng được sống đời đời; chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta” (Ga 10, 27 – 28).
Trong lời nguyện hiến tế, Chúa Giêsu nguyện rằng : “Vì chúng, Con xin hiến thánh mình Con, ngõ hầu chúng được tác thánh cách chân thật” (Ga 17, 19). Khi tự do vâng phục ý muốn Chúa Cha, tự hiến tế mình trên Thập Giá, Người trở thành “Mục tử nhân lành hiến mạng sống vì đoàn chiên” (Ga 10,11). Đúng là Chiên con cứu chuộc đàn chiên mẹ (x. Ca tiếp liên lễ PS). Bằng tình yêu trao ban, hy sinh và tận hiến, Người hiến tế chính mình làm của ăn của uống cho chúng ta. Đó là lý do hôm nay chúng ta mừng kính Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành vào Chúa nhật thứ IV sau Đại lễ Phục Sinh, nên Chúa nhật này được gọi là Chúa nhật Chúa chiên lành.
Mục tử tốt lành vác chiên trên vai, ôm chúng vào lòng như người mẹ bồng ẵm con thơ. Chúa Giêsu cũng làm như thế : hàng ngày, Người nuôi dưỡng chúng ta bằng những Lời Hằng Sống và các bí tích của Hội Thánh, giang cánh ta trên thập giá để thâu họp “con cái Thiên Chúa tản mác về lại làm một” (Ga 11,52), đón nhận chúng ta vào lòng nhân ái của Người. Thật là hình ảnh tuyệt đẹp và đầy cảm động về một Vì Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa đã làm đối với chúng ta là những tạo vật, những con chiên của Ngài.
Hôm nay, mỗi người chúng ta tự hỏi : tôi có phải là chiên của Chúa không? Nếu phải thì tôi có nghe tiếng Chúa không ? Chúa nói : “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta” (Ga 10, 27). Tiếng ở đây chính là Lời Chúa. Tiếng để chúng ta nhận biết Chúa, như Maria Mađalêna đã nhận ra Chúa khi đi viếng mộ Chúa.
Chúng ta có biết Chúa không và nếu biết thì biết thế nào ? “Biết” ở đây, không có nghĩa là “biết” nhờ đức tin, nhưng là “biết” nhờ đức mến. “Biết” được diễn tả qua việc làm, như thánh Gioan viết : “Ai nói mình biết Thiên Chúa mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối” (1 Ga 2, 4).
Vậy ai nghe, biết và chân thành đi theo Chúa Giêsu thì được nuôi dưỡng nơi đồng cỏ xanh tươi muôn đời. Đồng cỏ của đoàn chiên đây là gì nếu không phải là cảnh thiên đàng luôn xanh ngắt, khiến tâm hồn ngập tràn niềm vui, nơi có Thiên Chúa luôn hiện diện, nơi đây chiên theo Chúa và làm theo ý Chúa sẽ được hân hoan mừng lễ cùng với các công dân Nước Trời.
Cầu cho các mục tử
Trong Sứ điệp ngày thế giới cầu cho ơn gọi 2016, Đức Phanxicô viết : “Vào ngày được dành riêng để cầu nguyện cho ơn gọi này, tôi kêu gọi tất cả anh chị em Kitô Hữu hãy ý thức trách nhiệm của mình đối với việc chăm sóc và biện phân các ơn gọi”.
Đức Phanxicô khẳng định, người chăn chiên phải có “mùi chiên”, thì đoàn chiên mới nhận ra. Ngài muốn các mục tử trong Năm Thánh này không được để cho mình thất vọng : “Điều con người ngày nay cần nhất là những chứng từ của chúng ta về lòng thương xót của Thiên Chúa, để sưởi ấm con tim, đánh thức niềm hy vọng, và lôi kéo người ta đến với điều thiện” (Trích bài giảng 07/07/2013).
Bằng hình ảnh đó, ngài khuyên các bề trên đừng nhằm đào tạo chỉ dựa trên kỷ luật và giáo thuyết: “Đào tạo là công việc của người thợ thủ công, chứ không phải của người cảnh sát. Chúng ta phải đào tạo những tâm hồn, bằng không, chúng ta đang sản xuất ra những quái vật nho nhỏ. Rồi những quái vật nho nhỏ này lại đào tạo dân Thiên Chúa. Điều đó làm tôi rợn tóc gáy” (Adnkronos, 03/01/2013).
Ngài chỉ trích những cơ cấu Giáo hội ít có khả năng đón tiếp, và những giáo xứ co mình lại trong việc ban phát các bí tích. Theo ngài: “Tòa giải tội không phải là một phòng tra tấn nhưng là nơi của lòng Chúa thương xót…”( Trích Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, 47). Linh mục không phải là một công chức, cũng không phải là người sở hữu những gì của Thiên Chúa, họ chỉ là những máng chuyển mà thôi.
Chúng ta hãy cầu nguyện cho các mục tử thân yêu : nâng đỡ, cám ơn và khuyến khích các ngài ! Chúng ta cũng cầu nguyện cho Giáo hội có thêm nhiều linh mục lành thánh.
Lạy Mẹ Maria, mẫu gương ơn gọi của chúng con, Mẹ đã không sợ hãi khi thưa tiếng “xin vâng” trước lời mời gọi của Thiên Chúa, xin đồng hành và dẫn dắt chúng con bước theo con Mẹ. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ