Tâm lý thường tình của con người là “ăn có mời, làm có khiến”. Đây qủa là một nguyên tắc xử thế rất hay. Tuy nhiên, vì cuộc sống luôn có biến đổi, nên con người không thể đóng khung vào nguyên tắc, hơn nữa nếu cách cư xử giữa người với người mà chỉ căn cứ vào nguyên tắc thì điều đó chắc chắn sẽ giết chết tình cảm và mọi sự tế nhị trong liên hệ giữa người với người. Đoạn tin mừng mà chúng ta vừa nghe như muốn chứng minh điều ấy.
Thật thế, khi cùng đoàn môn đệ đến một thành nhỏ tên là Nain, vừa vào trong cổng thành, thì bị cắt ngang đường bởi một đám ma đang khiêng người con trai duy nhất của một bà goá ra chốn mộ phần. Dẫn đầu đám tang là bà mẹ, theo sau là đám đông cư dân trong thành cùng đi theo để đưa tiễn chàng trai đến nơi chín suối. Hơn một lần phải tiễn đưa người chồng đến nơi an nghỉ cuối cùng, bà đã thấm thía nỗi đau của sự mất mát. Ấy vậy mà hôm nay, đứa con trai duy nhất, núm ruột bà đứt ruột sinh ra, và là niềm hy vọng cho tuổi già của bà, lại cũng đành đoạn bỏ bà ra đi.
Thế nhưng, mọi sự đã thay đổi khi đoàn người của sự chết gặp đoàn người của sự sống mà dẫn đầu là Chúa Giêsu. Lẽ ra Ngài đã đi ngang qua hay đợi cho đến khi người ta gọi Ngài. Nhưng Ngài đã không làm thế. Ngài đã có sáng kiến đi bước trước, Ngài đã chạnh lòng thương xót mà cho người con trai bà sống lại, dù không một ai, bà mẹ hoặc những người đi đưa đám cầu xin Ngài giúp đỡ. Như thế, Chúa Giêsu đã thực hiện một phép lạ không phải vì Ngài là con người hoàn toàn như chúng ta nên cũng có mọi xúc cảm của con người như buồn phiền, khóc thương… cũng không dựa theo nguyên tắc xử thế của con người mà chỉ vì lòng Chúa yêu thương.
Từ thái độ của Chúa Giêsu, nhìn về cách sống của bản thân ta, ta thử hỏi xem ta đã biết cách sống yêu thương mọi người đi ngang qua con đường đời ta hay chưa, liệu ta có quan tâm đến những bất hạnh của họ hay không, và mối quan tâm ấy có dẫn đưa ta tới chỗ hành động một cách hiệu quả hay chưa ; hay biết bao lần trong đời nhìn thấy những cảnh đời thương tâm, thế mà ta vẫn ngoảnh mặt làm ngơ, rồi tự xoa dịu sự áy náy lương tâm mình bằng nhiều lý lẽ. Thế nhưng, dù có lý lẽ nào đi nữa thì chúng vẫn không thể biện hộ cho sự chai lỳ, dửng dưng của ta về sự thiếu lòng yêu thương.
Thế nên, lời Chúa hôm nay là một lời mời gọi mỗi người chúng ta hãy biết quan tâm và cảm thông đến những bất hạnh của người khác, biết “chạnh lòng thương” đến những người đau khổ quanh ta. Tuy nhiên, thái độ cảm thông và thương xót của chúng ta cần phải được bộc lộ qua những việc làm, phải được ưu tiên thể hiện ra với những người mà chúng ta đang chung sống, với những người Thiên Chúa đã trao phó cho chúng ta, ngày lại ngày, trong gia đình, trong cộng đoàn, với tất cả những ai đang cần yêu thương nâng đỡ nhất. Nếu như chúng ta từ chối nhiều cơ hội chợt đến với mình mỗi ngày để thực thi bác ái yêu thương cho những người thân thuộc trong gia đình, giữa nơi xưởng thợ, chốn văn phòng, hay cho những người cộng sự cùng làm việc bên cạnh chúng ta, thì chúng ta chỉ là những người như câu ca dao cha ông ta thường nói “làm phúc nơi nao mà cầu áo rách nát”, và như vậy thì chúng ta chỉ là những người “khoe mã” mà thôi.
Vậy, xin Chúa Giêsu là nguồn tình yêu, biến đổi trái tim chai đá của chúng ta mà thay vào đó là trái tim bằng thịt để chúng ta thấy được nhu cầu và biết rung động, thông cảm, sớt chia với hoàn cảnh của những người sống chung quanh, để chúng ta có thể vui với người vui, buồn với kẻ buồn. Xin Ngài biến đổi chúng ta thành những người sống và san sẻ niềm vui hạnh phúc cho mọi người mọi nơi mọi lúc. Đồng thời cũng xin cho mỗi chúng ta biết nhìn ra Chúa không chỉ đến an ủi, đem lại cho con người sự phục sinh thân xác mà còn là sự sống đời sau, để chúng ta luôn biết nghe lời Chúa kêu gọi, từng ngày bước ra khỏi sự trói cột của ma quỉ, tội lỗi mà sống trong sự sáng của Thiên Chúa. Amen
Lm. Paul Nguyễn Nguyên