Chúa Giêsu nhìn nhận sứ mệnh của mình như thế nào? Đây là điều mà Tin Mừng muốn chúng ta hiểu ngày nay bằng cách sử dụng ba từ khá kinh ngạc của Chúa Giêsu.
Hình ảnh đầu tiên hấp dẫn với hình ảnh ngọn lửa: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Lc 12:49).
Trong số các nhà tiên tri cổ đại của Israel, lửa gợi lên sự phán xét của Thiên Chúa trong thời kỳ tận thế. Nhưng đây là điều khác, bởi vì Gioan Tẩy Giả đã loan báo về Chúa Giêsu: “Ngài sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa” (Lc 3: 16), điều này sẽ xảy ra vào ngày Lễ Ngũ Tuần, khi Chúa Giêsu sống lại sẽ gửi những lưỡi lửa đến các môn đệ đang tụ họp. Thánh Luca viết khi đó là “Ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2: 3).
Vì thế, ngọn lửa của Chúa Giêsu trong thế giới là ngọn lửa của Chúa Thánh Thần từng bước từng bước thanh luyện mọi sự, đốt cháy mọi sự, chiếu soi mọi người. Chính Chúa Thánh Thần đã khơi dậy niềm tin trong lòng con người nhờ lời đã được các chứng nhân của Chúa Giêsu mang đến cho tới ngày tận thế.
Chúa Giêsu nói: “Lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” (Lc 12: 50) Và ước muốn này của Chúa Giêsu, ngày nay chúng ta vẫn phải nghe và phải đích thân đáp lại, bởi vì ngọn lửa của Chúa Giêsu đã âm ỉ trong chúng ta từ khi chúng ta được sinh ra trong sự sống của Thiên Chúa, kể từ khi Chúa Cha ghi trên chúng ta con dấu của Thánh Thần của Ngài lúc chúng ta chịu phép rửa. Nó âm ỉ trong chúng ta, rồi tắt lịm, giống như tất cả những ngọn lửa mà chúng ta bỏ rơi. Đây là lý do tại sao hôm nay lời của Chúa Giêsu đến để đánh thức chúng ta, trong sự mệt mỏi của chúng ta: “Ngọn lửa này, tôi ước gì nó ở trong bạn. Tôi muốn bạn hăng hái, nhiệt thành như than hồng; Tôi muốn bạn năng động như ngọn lửa, luôn mau mắn cởi mở. Đừng để ngọn lửa tàn lụi trong bạn!”
Không chuyển tiếp, và một cách nghịch lý, Chúa Giêsu chuyển từ lửa sang hình ảnh nước: “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” (Lc 12: 50).
Phép rửa là việc dìm xuống nước để thanh tẩy. Nhưng tại sao Chúa Giêsu lại nói: “Thầy còn một phép rửa phải chịu”, vì Ngài đã bị dìm xuống sông Giođan rồi? Và hơn nữa, Ngài không bao giờ cần thanh luyện tâm linh, vì Ngài là Đấng Thánh của Thiên Chúa!
Trong thực tế, việc dìm xuống nước mà Chúa Giêsu hình dung là một cuộc đắm mình trong đau khổ. Ngài cảm thấy cuộc Khổ nạn đang đến sẽ làm Ngài choáng ngợp; Ngài biết rằng sự chết như dòng nước lớn sẽ nhấn chìm Ngài, là Đấng Công chính, để toàn thể nhân loại có thể được thanh tẩy. Và Ngài rất háo hức cho phép rửa tội này được hoàn thành. Không giống như một võ sĩ bị đe dọa, người lao vào cái chết và nói: “Ước gì chuyện này kết thúc ngay đi!”, vì việc dìm mình vào trong cuộc Khổ nạn này sẽ cho phép Ngài hoàn thành công việc của Chúa Cha, vì cái chết của Ngài sẽ ban sự sống cho mọi người, và vì chính Ngài, Con Thiên Chúa, qua cái chết này sẽ đi đến vinh quang của Chúa Cha.
Phép rửa đi vào sự chết để cứu rỗi thế giới là một ý tưởng quen thuộc với Chúa Giêsu. Thật vậy, một thời gian sau, khi Giacôbê và Gioan tranh giành hai vị trí danh dự trong Vương quốc của Ngài, thì Chúa Giêsu chỉ trả lời bằng cách hỏi họ: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không? (Mc 10: 38). Có nghĩa là: các anh có thể theo tôi vào cuộc tử đạo không?
Như vậy, Chúa Giêsu ý thức rằng để làm bừng lên ngọn lửa Chúa Thánh Thần trên trần gian, thì chính Ngài phải trải qua phép rửa đau khổ.
Đối với chúng ta, những nhân chứng của Ngài, chúng ta cũng sẽ có phần thử thách của chúng ta. Không phải tất cả chúng ta sẽ hiến dâng mạng sống của mình, máu huyết của mình cho sự nghiệp của Chúa Giêsu; tuy nhiên, tất cả chúng ta sẽ phải, và ngay từ hôm nay, chúng ta phải cam kết bản thân mình vì Ngài, không chỉ trước mặt người lạ, mà ngay cả giữa những người thân thiết nhất với chúng ta, ngay cả trong gia đình của chúng ta.
Đây là cách chúng ta có thể hiểu lời kín ẩn thứ ba của Chúa Giêsu: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ” (Lc 12:51).
Ở đây một lần nữa, chúng ta hãy hiểu ngôn ngữ nghịch lý của Chúa Giêsu. Ngài đã tuyên bố: “Phúc thay ai xây dựng hoà bình” (Mt 5:9), Ngài đã hiện ra “dẫn ta bước vào đường nẻo bình an” (Lc 1,79), Ngài “là bình an của chúng ta” (Ep 2,14), thế mà hôm nay lại nói cho chúng ta biết: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng” (Lc 12: 51-53). Nhưng – và điều này hoàn toàn khác – Ngài thấy trước rằng sự trung thành với Tin Mừng của mình sẽ khiến các môn đệ của Ngài bị hiểu lầm và bị từ chối, đôi khi ngay cả bởi những người thân yêu nhất của họ. Lời của Chúa Giêsu vốn đang hoạt động trong lòng chúng ta đôi khi sẽ dẫn dắt chúng ta, nơi cộng đoàn, khiêm tốn đưa ra những lựa chọn, đi đúng hướng, lựa chọn lên Núi Carmel, để hoán cải nhóm của chúng ta, vượt qua bên kia bờ dốc của một số tiện nghi hoặc suy nghĩ thoải mái nhất định của cuộc sống.
Đây là điều mà Tin Mừng gọi là “trở thành một dấu hiệu cho người đời chống báng” (Lc 2: 34): điều đó không liên quan gì đến tính cố chấp hoặc tâm trạng bực bội, mà đúng hơn là điều đó đòi hỏi một quyết định hành xử hiền hòa và bất bạo động.
Như vậy, sự dấn thân của Chúa Kitô đến tận cùng Thập giá để cứu độ loài người cũng phải được đáp lại bằng sự can đảm của những người đã được rửa tội để làm chứng cho Ngài ngay cả trong đời sống gia đình. Và một trong những chiến công lớn nhất của một Kitô hữu là mang lại sự bình an của Chúa Giêsu vào ngay cả trong một gia đình đang bị chia rẽ, ngay cả trong một cộng đoàn đã gặp phải thử thách từ lâu, ngay cả giữa những anh chị em vốn phải học lại cách tin tưởng lẫn nhau.
Phêrô Phạm Văn Trung chuyển ngữ
từ LM Jean-Christian Lévêque, OCD, carmel.asso.fr.