NGƯỜI SAMARITANÔ NHÂN HẬU, MỘT DỤ NGÔN VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT

Sứ mệnh của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, là nói với chúng ta về sự dịu dàng và nhân hậu, chậm giận, đầy tình yêu và chân lý của Cha Ngài: “Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi” (Xh 34,6-7)

và: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu,

Người chậm giận và giàu tình thương.

Chúa nhân ái đối với mọi người,

tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên

(Tv 144,8-9).

Để biết Chúa Giêsu, để xem sứ mệnh của Ngài mở ra như thế nào, chúng ta hãy dõi theo Ngài.

Trong Tin Mừng Luca, còn được gọi là Tin Mừng của Lòng Thương Xót, Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Luca 6,36).

Dụ ngôn về người Samaritanô nhân hậu được tìm thấy trong Tin Mừng này, mời gọi chúng ta trả lời câu hỏi: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?”

Bối cảnh

Đoạn văn này nằm ở đâu trong Tin Mừng Luca?

Chúa Giêsu bắt đầu lên Giêrusalem: “Khi đã tới ngày Chúa Giêsu được rước lên trời, Ngài nhất quyết đi lên Giêrusalem” (Luca 9:51).

Ngài gặp một tiến sĩ Luật, người này tìm cách thử Ngài bằng những câu hỏi được tranh luận nhiều nhất trong thời đại của anh ta: “Phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Luca 10: 25)

Chúa Giêsu sẽ trả lời bằng cách kể dụ ngôn này về Người Samaritanô nhân hậu.

 

Dụ ngôn là gì?

Một câu chuyện dụ ngôn là một câu chuyện ngắn để truyền đạt những điều quan trọng cho những người lắng nghe nó. Chúa Giêsu sử dụng nhiều dụ ngôn. Chúng ta khám phá ra ở đó một hành động của Thiên Chúa và một thái độ của con người. Ngài mời gọi chúng ta lắng nghe, quan sát và suy ngẫm để hiểu chúng ta được kêu gọi thực hiện sự hoán cải nào.

 

Bình luận về câu chuyện dụ ngôn

Như trong hầu hết các câu chuyện dụ ngôn, các nhân vật đều vô danh: một người kia, một thầy tư tế, một thầy Lêvi, một người Samaritanô.

Thế rồi, Chúa Giêsu tập trung sự chú ý vào bản sắc tôn giáo và dân tộc của họ.

Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêricô” (Luca 10, 30)

Giêrusalem cao gần 800m so với mực nước biển và thành Giêricô thấp hơn mực nước biển 400m, đường dài khoảng 27 km, đi bộ một ngày; do đó, sự chênh lệch chiều cao là đáng kể.

Dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết” (Luca 10, 30)

Con đường này có tiếng là nguy hiểm vì rất hiểm trở và băng qua sa mạc Giuđa. Đó thực sự là một cú cắt cổ.

Ba người đi ngang qua: một thầy tư tế, một thầy Lêvi và một người Samaritanô. Cả ba người đều liên quan đến vấn đề phụng tự.

Các thầy tư tế và thầy Lêvi buộc phải tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt về sự thanh sạch trong phụng tự để tránh trở nên ô uế, điều này ngăn cản họ không được chạm vào máu hoặc một người đã chết.

Người Samaritanô là những kẻ ngoại giáo đối với người Do Thái. Họ tôn thờ Chúa không phải ở Giêrusalem mà trên Núi Gerizim: “Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giêrusalem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa”  (Ga 4, 20). Đền thờ của người Samari đã bị người Do Thái phá hủy vào năm 129 trước Công nguyên.

Cả ba người đều nhìn thấy người đàn ông bị thương. Thầy tư tế và thầy Lêvi bỏ qua và tiếp tục đi con đường của họ.

Chính người Samaritanô, người khách lạ, đã lấy lòng thương xót: “Nhưng một người Samari kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương” (Lc 10, 33) và chăm sóc người bị thương: “Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác” (Lc 10, 33-35).

Người đàn ông sống dở chết dở được một người lạ giúp đỡ!

Dụ ngôn cho thấy người yêu Chúa vẫn có thể bỏ qua người thân cận.

Bước ngoặt của dụ ngôn là vào lúc người Samaritanô “chạnh lòng thương” (Luca 10, 33)

Người Samaritanô không bằng lòng chỉ nhìn thấy người hấp hối, từ nơi sâu kín nhất của lòng mình ông cảm thấy mình có liên quan; chính lòng trắc ẩn từ ruột gan đã thúc đẩy ông thực hiện mọi thứ có thể để cứu người đàn ông kia.

Lòng trắc ẩn thực sự không phải là một cảm giác mà là một hành động dẫn đua người ta đến chỗ chăm sóc người khác.

Từ đầu đến cuối, người ta không nói gì về người đàn ông sống dở chết dở. Mọi sự chú ý đều đổ dồn vào người chăm sóc ông ta, đến độ ráng sức gánh chịu mọi chi phí.

Trước hết, nếu người ta trả lời câu hỏi của vị Tiến sĩ Luật: “Ai là người thân cận của tôi?” (Luca 10,29) thì chính người đàn ông sống dở chết dở sẽ là người thân cận

Nếu chúng ta trả lời câu hỏi của Chúa Giêsu: “Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” (Luca10,36), chính là người Samaritanô, người đã có lòng trắc ẩn với người bị thương.

Chúa Giêsu mời gọi vị tiến sĩ Luật đi vào lôgic của dụ ngôn, như độc giả trong câu chuyện: hành động như người Samaritanô, trở thành người thân cận của người khác, vì lòng trắc ẩn đối với người khác, dù họ là ai.

Một số Giáo phụ của Giáo hội, bao gồm cả Thánh Grêgôriô thành Nyssa – thế kỷ thứ 4 – đã nhìn ra chính Chúa Giêsu là người Samaritanô nhân hậu và người đàn ông rơi vào tay kẻ thù là nhân loại bị lạc lối và bị thương vì tội lỗi của họ.

Thánh Grêgôriô mời gọi chúng ta đón nhận dụ ngôn này với một cấp độ đọc khác. Đối với ngài, toàn bộ lịch sử thánh thiện của Lòng Thương Xót đang mở ra.

Câu chuyện kể về sự xuống dốc của con người khi rời xa Thiên Chúa, sự rình chờ của thần Dữ, những vết thương của tội lỗi.

Cả Lề Luật và của lễ hy tế, được đại diện bởi vị Tiến sĩ Luật và thầy Lêvi, đều không đủ để có thể cứu con người khỏi tội lỗi.

Chỉ có Đức Kitô, tự mình gánh lấy tội lỗi của Con người, qua hy sinh của Ngài trên Thập giá, chữa lành tất cả nhân loại khỏi mọi vết thương, khỏi mọi tội lỗi của họ. Ngài làm cho Lòng Thương Xót của mình thành một quán trọ, là Giáo Hội, nơi những người vất vả và oằn mình dưới gánh nặng sẽ được nghỉ ngơi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mátthêu 11, 28)

Dầu có thể được xem như là dầu để xức trong các bí tích: rửa tội, thêm sức, truyền chức và bí tích xức dầu bệnh nhân), rượu, thuốc chữa bệnh thời ấy, được xem như bí tích Thánh Thể.

Khoảng thời gian trước khi Người Samaritanô nhân hậu trở lại khiến chúng ta nghĩ đến khoảng thời gian từ khi Chúa Kitô Thăng Thiên đến khi Ngài trở lại như Ngài đã hứa: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mátthêu 28, 20). “Chúng tôi trông  đợi Chúa  lại đến trong vinh quang”, chúng ta vẫn tuyên xưng như thế trong mỗi Thánh Lễ sau khi truyền phép bánh và rượu.

Thông điệp nào cho người tin Chúa?

Lòng trắc ẩn của người Samaritanô đối với người bị thương quả thực là nét đặc thù của Chúa Kitô, Đấng ban phát lòng trắc ẩn và sự chữa lành, không tính toán.

Điều này cũng có giá trị cho Kitô hữu, là chi thể của Thân mình Chúa Kitô là Hội thánh: “Vậy anh em, anh em là thân thể Chúa Kitô, và mỗi người là một bộ phận” (1Côrintô 12, 27)

Người Kitô hữu, vì được kết hợp với Chúa Kitô, nên trở thành trung gian dẫn đưa tình yêu của Chúa Kitô tới cho Nhân loại.

Những nhân vật vĩ đại của Giáo Hội đã thực hành Lòng Thương Xót bằng cách giúp đỡ những người nghèo, những người bệnh tật, những người bị thương trong cuộc sống, chẳng hạn như Raoul Follereau, Mẹ Têrêsa Calcutta, cha sở xứ Ars, Thánh Vinsơn Phaolô, Thánh Jeanne Jugan, người sáng lập dòng “Những chị em nghèo khó”….

Mọi người đều có thể tìm thấy một vị thánh mà họ quen thuộc.

Tất cả đều được làm cho sống động bởi niềm vui đến từ Chúa và điều này ám chỉ đến Mối Phúc: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mátthêu 5:7).

Đó là lời kêu gọi dành cho mọi Kitô hữu. Tình yêu Thiên Chúa không thể tách rời tình yêu tha nhân vốn được sống qua mọi cử chỉ nhỏ nhặt của cuộc sống hằng ngày.

Càng được gắn kết với tình yêu của Thiên Chúa, thì càng có nhiều khả năng để yêu. “Phần chúng ta, chúng ta hãy yêu thương, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1 Gioan 4:19).

Do đó, thật quan trọng chúng ta cần được “gắn kết” với Chúa Kitô, như cành với cây, qua việc cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa, lãnh nhận các bí tích để kín múc lấy tình yêu của Ngài trong thử thách cũng như trong niềm vui.

 

Phêrô Phạm Văn Trung,

theo paris.catholique.fr

Chia sẻ Bài này:

Related posts