Nếu ai hỏi “bạn là ai?”, chúng ta sẽ dễ dàng trả lời: “Tôi là…”, và thêm vào đó: học sinh, sinh viên, công nhân, nông dân, sĩ quan, thương gia… Nhưng cái mà “tôi là” ấy, lại chỉ xoay quanh chuyện vật chất tầm thường mà thôi: tiền bạc, chén cơm, manh áo…
Bởi vậy, cho dù là một anh nông dân nghèo hay một vị tổng thống đầy quyền uy, sang trọng, tất cả đều bằng nhau ở chỗ chỉ là những kẻ kiếm tiền.
Nhưng đời người chỉ có thế thôi sao? Sao mà đơn giản và tầm thường đến mức lạ thường! Sống cả một đời long đong. Đến lúc rời bỏ cuộc đời, những gì còn lại chỉ là một mớ bụi đất. Dài lắm cũng chỉ trăm năm sau, chẳng ai còn tiếc xót một người đã khuất.
Đó là ý nghĩa và mục đích của đời người đó sao? Tôi xin lỗi. Nếu đời người chỉ có thế, thì một con gà cũng đã làm như thế: ngày ngày bới móc để nhét đầy bụng, rồi đến một ngày nhận lấy một cái chết nào đó. Vậy là hết đời. Có khác chăng là do con người là động vật bậc cao, có hiểu biết. Nhưng trong trường hợp này, có hiểu biết mà làm gì. Thà không hiểu biết còn đỡ bi quan, đau đớn.
Đúng là bi quan và đau đớn! Nhưng điều đó chỉ xảy ra đối với những ai chỉ biết đặt đích điểm đời mình nơi trần thế. Bi quan và đau đớn cho bất cứ ai tham vọng đến mức ảo tưởng rằng, mình là chủ của cuộc đời và là chủ của chính mình, của tất cả những gì mình có, mình đổ mồ hôi, sôi nước mắt làm ra…
Trong đức tin vào Thiên Chúa, nếu bạn và tôi biết chân thành nhìn lại cả một kiếp làm người, chắc chắn sẽ có những suy nghĩ rất khác.
Chính đức tin cho ta niềm lạc quan, yêu đời, yêu người, yêu những giá trị trần thế đã tôn vinh sự sống con người, dẫu là mồ hôi, nước mắt đi nữa.
Nói cho cùng, câu trả lời cuối cùng cho lời hỏi “bạn là ai”, vẫn phải là câu trả lời nằm trong chiều kích đức tin.
Chỉ có nằm trong chiều kích đức tin mới là câu trả lời trọn vẹn nhất, đẹp nhất.
Đó chính là câu trả lời mà Chúa Kitô dạy trong bài Tin Mừng hôm nay: “Tôi chỉ là nhà quản lý”.
Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa kể dụ ngôn về một nhà quản lý. Đó là người được chủ trao cho bổn phận lo phân phối lúa thóc cho những người làm công.
Nếu đó là nhà quản lý khôn ngoan và trung tín, anh ta sẽ làm tròn bổn phận của mình, và làm một cách chu đáo.
Nhưng nếu anh ta cho rằng, chủ sẽ về muộn, nên ra oai tác oái đối với những người thuộc quyền của mình. Không tròn bổn phận, không chu đáo trong công việc, không sẵn sàng chờ đợi chủ trở về đã vậy, anh ta còn đánh đập tôi trai, tớ gái, ăn uống say sưa… thì đó là người thiếu khôn ngoan vì đã không trung tín.
Vì không tự nhận chân ra mình, không biết mình nên người quản lý mới ra oai tác oái.
Là quản lý, lại dám làm những điều vượt quá điều mà chủ còn chưa làm như thế, anh đúng là thiếu khôn ngoan. Hành động vượt trên quyền hành của một người chủ, người quản lý dại khờ ấy tất bị chủ truất phế và đánh phạt.
Chúa Giêsu tiếp tục cho ta biết: Chủ của người quản lý ấy “sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, chủ sẽ lọai trừ nó, và bắt nó chung số phận với những kẻ bất trung…”.
Hình ảnh nhà quản lý là chính tôi và bạn.
Nếu là nhà quản lý khôn ngoan, ta hãy trở về với chính mình như một nhà quản lý, trở về với một sự thật không thể chối từ!
Ngày xưa, Tổ tông loài người cũng đã từng ảo tưởng về một ông chủ lớn lao nào đó. Dấn thân vào trong tội, nhằm thực hiện một giấc mơ chủ nhân, Tổ tông đã phạm tội tày trời: Đòi đứng vào vị trí của một Thiên Chúa quyền năng. Do điều đó, Tổ tông đã chống lại Thiên Chúa của mình.
Cũng do chính điều đó, thay vì nên cao trọng, Tổ tông đã tự chuốc lấy một kết cuộc bi đát và nghiệt ngã: xa cách Thiên Chúa, bản tính loài người của chính mình suy yếu, dễ sa đà trong tội, suốt cuộc đời phải chuốc lấy nhiều rủi ro, phải lầm than, vất vả và chết… Hậu quả ấy còn tiếp tục trải dài trên con cháu.
Bài học trong tội Tổ tông, hình như bạn và tôi chưa thuộc. Vì chúng ta vẫn tham lam, vẫn ham mê làm chủ lắm.
Ví dụ: Ai đó ăn mừng vì vừa mới mua một miếng đất, mới xây một căn nhà, mới tậu một chiếc xe…, người ấy kể là mình làm chủ. Nhưng anh ta có biết chăng, miếng đất ấy, căn nhà ấy, chiếc xe kia… đã từng có không biết bao nhiêu người “làm chủ” giống như anh. Rồi đến một ngày, người khác sẽ thay anh “làm chủ” chúng.
Hóa ra tất cả chỉ là chủ hờ, đúng hơn, chỉ là người quản lý tạm bợ mà thôi.
Bạn có nhiều của cải ư? nhưng chỉ cần một cơn dư chấn trong lòng đất, một trận cuồng phong, một cơn sóng thần, một trận bão vô tình quyét ngang, bỗng chốc trở thành trắng tay.
Ngay đến bản thân của bạn còn mong manh trước thiên tai nữa là của cải! Biết bao nhiêu người, sau một tích tắc, trở thành góa phụ. Hoặc một lần bước vào một chuyến xe định mệnh nào đó, bỗng dưng trở thành kẻ mồ côi.
Đừng nói chi đến đất đai, nhà cửa, xe cộ, tiền của…, ngay cái gia sản quý giá nhất, gắn liền với bản thân từng người không thể thiếu được là sức khỏe, là mạng sống, ta cũng chẳng thể làm chủ.
Chiều hôm nay còn đi dạo phố, ngày hôm sau đã ra người thiên cổ. Đang sống bình an, khỏe khoắn, bỗng dưng bác sĩ kết luận có một khối u trong não, trong phổi…
Hóa ra cái gia sản quý giá ấy tưởng như của mình, không ai có thể lấy được, cũng chỉ là tạm bợ.
Ta vẫn chỉ là một nhà quản lý không hơn, không kém.
Càng trớ trêu hơn khi nhận ra rằng, giây phút mất chức quản lý cũng không do bản thân định đọat, vì không ai có thể biết mình chết lúc nào.
Cuộc đời mỗi người chỉ là quản lý. Vì thế, có cố vươn lên để làm ông chủ cũng không thể được. Vì không ai thoát chết.
Cái chết tàn nhẫn tước mất của ta tất cả mọi thứ trên trần gian.
Nhưng có một điều cái chết không thể làm gì được, đó là ý thức từng ngày sống của mình để trở thành nhà quản lý trung tín và khôn ngoan trước mặt Chúa.
Bởi vậy, bạn và tôi đừng bám víu vào cuộc đời này như là cùng đích của mình. Nhưng “hãy sắm những túi không hư nát, và kho tàng không hao mòn trên trời, là nơi trộm cướp không lai vãng và mối mọt không làm hư nát”.
Vì nhà quản lý trung tín và khôn ngoan là người biết quản lý ơn Chúa, chứ không phải của cải.
Hãy quản lý ơn Chúa ban các trung tín và khôn ngoan để sinh hiệu quả tốt nhất cho chình bản thân mình là sự sống trong Chúa.
Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG