Thỉnh thoảng lại có một vài vụ sập hầm mỏ xảy ra đây đó, khiến nhiều người thợ đang làm việc bị chôn sống dưới những tầng đất sâu.
Khi các lối đi xuống hầm mỏ bị tắc nghẽn hoàn toàn do các tầng đất sụp đổ, các người thợ mỏ như bị chôn vùi dưới huyệt sâu, không chút ánh sáng soi đường, không có khí trời trong lành để thở, không có lương thực để ăn, không còn nước uống… Họ nằm đó chờ đợi thần chết từ từ tiến đến kết liễu cuộc đời.
Trong hoàn cảnh đó, họ mới nhận ra rằng có được không khí trong lành để thở, có thêm vài lít nước để uống, có bát cơm để ăn, có được chút ánh nắng mặt trời để sưởi ấm và chiếu sáng là những hồng phúc vô cùng lớn lao và họ sẵn sàng đánh đổi tất cả những gì đang có để được những thứ nầy.
Được một chút không khí trong lành, được uống vài ngụm nước, được bát cơm trắng, được ánh sáng mặt trời chiếu soi và sưởi ấm…là những nhu cầu tối cần mà những người lâm nạn khao khát đến điên cuồng, nhưng không dễ gì có được.
Tuy nhiên, những ân huệ đó đang ở trong tầm tay chúng ta cách dồi dào và dư dật. Thiên Chúa cho chúng ta có thừa những gì mà những người lâm nạn trên đây đang ước mơ, khao khát. Thế mà nhiều người không nhận ra đó là những ân huệ vô cùng cao quý, mà chỉ xem như chuyện thường tình.
Nước, không khí, ánh nắng mặt trời… chỉ là một vài trong vô vàn ân huệ Thiên Chúa rộng ban cho mọi người. Đếm sao cho xiết những ân huệ Chúa ban. Vậy mà số người nhận ra ân huệ Chúa ban và tỏ lòng tri ân Thiên Chúa thì rất khan hiếm.
***
Khi Chúa Giê-su đi qua biên giới Samaria thì gặp mười người phong cùi. Họ là những người mang số phận bi đát. Vì mắc bệnh truyền nhiễm đáng sợ, họ bị xã hội Do-thái thời bấy giờ xua ra khỏi gia đình, làng mạc; họ bị cách ly với tất cả mọi người. Những con người bất hạnh nầy tụ tập với nhau, sống trong các hang hốc ngoài đồi núi, áo quần tả tơi, đầu tóc bù xù, thân thể bốc mùi hôi hám. Họ bị luật buộc phải để đầu trần, đi đâu phải lấy tay che miệng và hô lên báo hiệu cho người qua lại biết mà lánh xa.
Vì thế, họ không được phép lại gần Chúa Giê-su để xin Ngài cứu chữa. Họ đứng đằng xa kêu lên: “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi” (Luca 17,12)
Theo luật quy định, nếu người nào mắc bệnh phong mà có cơ duyên lành bệnh, thì phải đến trình diện với các tư tế, để được kiểm tra. Nếu thực sự được lành bệnh thì họ mới được cho hoà nhập với cộng đồng.
Chúa Giê-su bảo mười người phong đến trình diện với các tư tế là vì lý do đó. Họ đã đi trình diện, đã được chứng nhận là khỏi bệnh, nhưng chỉ có một người xứ Samari, người được xem là quân lạc đạo, biết quay trở lại tôn vinh Thiên Chúa và cảm tạ Chúa Giê-su. Còn chín người kia thì không. Chưa được ơn thì van vái khẩn cầu thật tha thiết, được ơn rồi thì nín lặng chẳng biết cám ơn. (Luca 17, 11-19)
***
Trong giao tế hằng ngày, người đời vẫn biết đền ơn đáp nghĩa. Hôm nay anh mời tôi bữa cơm, mai đây thế nào tôi cũng tìm cách mời lại. Nay anh viếng thăm tôi, mai đây tôi sẽ tìm dịp đáp lễ. Bạn giúp tôi việc nầy, mai kia tôi tìm cách giúp lại bạn việc khác. “Có qua có lại mới toại lòng nhau”, “bánh ít đi, bánh quy lại.” Trong giao tế đời thường, người đời luôn biết xử đẹp với nhau. Vậy mà trong tương quan với Chúa, Chúa ban cho chúng ta vô vàn phúc lộc, chúng ta đã làm gì để đáp lại ân lộc Chúa chưa?
Trong xã hội văn minh, người ta luôn nói tiếng cám ơn mỗi khi được người khác làm ơn cho mình, dù chỉ là những trợ giúp thật nhỏ bé. Hai tiếng cám ơn làm ấm lòng người nghe và làm tăng thêm giá trị của người nói. Người biết nói tiếng cám ơn, khi được người khác làm ơn cho mình, cả trong những điều nhỏ nhặt, được đánh giá là người văn hoá, văn minh.
Lạy Chúa Giê-su,
Tất cả những gì chúng con có đều là quà tặng Chúa ban. Nếu Chúa ngừng ban ơn thì chúng con không thể nào tồn tại; thế mà bấy lâu nay, con chưa nhận ra vô số hồng ân Chúa ban cho mình để bày tỏ lòng cảm tạ tri ân.
Khi chúng con không bày tỏ lòng biết ơn đối với những ai làm ơn cho mình thì tự cảm thấy mình là kẻ vô ơn và tỏ ra ưu tư, áy náy. Lẽ nào Chúa ban cho chúng con vô vàn ân huệ như thế mà chúng con cứ dửng dưng với Chúa được sao!
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà