Nhịp Vũ Sông Ngọc

Dòng đời nhiều khi chỉ thấy như một dòng thác loạn, với những nhịp xung đột, làm thâm gan, tím mật, mờ mắt, nát óc, điên đầu, bạc tóc… và chảy thành những vết nhăn theo dòng lệ muộn phiền.

Tự nhiên cái bị xô xe gẫy chân. Tự nhiên cái bị mất việc do chèn cựa hất cẳng. Tự nhiên cái được tin bị bệnh đến hồi nguy kịch. Tự nhiên con cái sinh tật bất thường làm mất ăn mất ngủ. Tự nhiên cái bị ném vào cuộc chiến phi lý, tan cửa nát nhà, bỏ chạy lang thang ăn nhờ ở bám như những kẻ vô loài trên mặt đất. Tự nhiên cái bị ăn đòn, do vòng hệ lụy nghiệt ngã “cũng vì tan tác nên nhăng nhố”, do phản ứng gỡ gạc chôm chỉa tí danh hão cho bớt tủi, chộp giật chút phù du bù trừ những thiếu hụt mất mát một cách tội nghiệp trước khi lăn ra giẫy chết. Nhiều chuyện trời ơi đất hỡi tương tự như vậy xẩy ra, vượt qua hết mọi tính toán, làm sao tìm được nhịp vũ an nhiên?

DÒNG AN GIANG TUNG TĂNG MÚA HÁT

Ấy vậy mà vẫn có những dòng sông êm đềm thanh lặng, phong lưu thanh thản, thành nhịp vũ Sông An, Sông Thanh, Sông Ngọc. Có thể là một dòng sông trong tâm tưởng, dòng sông trong tiềm thức Việt tộc từ khi hiện hữu. Có thể là dòng sông tuổi nhỏ, dòng sông chuyển chất sống nguyên sơ từ Nguồn Miên Viễn, nối lại cuống nhau đã một lần bị đứt, khi tìm về “tắm mát ngọn Sông Đào”, trong những phút giây bồi hồi thấy mình hụt hẫng, như điệu Tống Biệt Hành của Thâm Tâm:

Đưa người ta không đưa qua sông

Sao có tiếng sóng ở trong lòng.

Trong mắt mình, hình ảnh một dòng sông tuổi nhỏ đang hiện lên. Đó là dòng An Giang hồi còn thi tiểu học ở trường Thoại Ngọc Hầu miệt Long Xuyên. Từ công viên Nguyễn Du phố hiền, mình ngồi nhìn xuống dòng Sông An mà ngâm nga một bài hát quen thuộc:

Dòng An Giang sông xanh nước biếc,

Dòng An Giang tung tăng múa hát,

Lả lướt về qua Thất Sơn,

Châu Đốc dòng sông uốn quanh,

Đã mấy mùa xuân thái an.

NGHE ĐẦU NGUỒN THÁC DỘI

Nhưng rồi dòng đời vẫn tiếp tục chảy đi muôn nẻo, trườn qua không gian, xuyên thủng thời gian. Từ Sông Dương Tử cái nôi Việt tộc, xuống Sông Hồng, vượt Sông Hương, về Sông Chín Con Rồng, qua bắc Mỹ Thuận, Vàm Cống, vào kênh G “ăn cá nướng trui ngày mưa”. Bây giờ thì dòng sông Việt đã vượt mũi Cà Mau chảy đi khắp thế giới. Có thể là dòng Mississippi uốn lượn vòng quanh thành phố “Vành Trăng Khuyết” ( Crescent City ) New Orleans . Có thể là dòng suối Adobe chảy róc rách dưới chân Đồi Cao Los Altos vùng vịnh San Francisco, hay dòng sông Từ Tâm (Merced River) rì rào rủ đi từ Mariposa theo đường 140 lên vùng núi rừng Yosemite với ngọn Nửa Vòm (Half Dome) đẹp sửng sốt ở Bắc Cali, để “nghe nặng từ tâm lượng đất trời.”

Vẫn chỉ là một dòng sông thôi, qua nhiều nhịp múa. Sông sâu vốn là tổ của Rồng, nét văn hóa biểu tượng nội lực tiềm ẩn, tuôn chảy từ nguồn sinh lực đất trời. Cũng như núi là tổ của chim Tiên, biểu tượng của siêu thoát tinh thần. Hình ảnh chim trong “Vũ Khúc Thăng Ca” cần nhập thế với rồng theo “Nhịp Múa Sông Thanh” phát sinh lực tình, như truyện thiêng gốc rễ của Việt tộc qua lời Lạc Long Quân:

“Ta đem năm mươi con về Thủy phủ phân trị các xứ, năm mươi con theo mẹ ở trên đất, chia nước mà cai trị, dù lên núi xuống nước nhưng có việc thì cùng nghe, không được bỏ nhau.”

Có khi là nhịp êm ả của bài ca dao vùng quê mẹ ướp đượm tình yêu gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau. Có khi là điệu giật giật Rock N’ Roll thời mới làm lỏng mạch máu, bong thần kinh, sập mái ấm. Có thể là điệu lên mặt của ông vua điện toán Bill Gates toan tính độc quyền mở “Cửa Sổ” (Windows) vào thế giới. Có thể là điệu Michael Jordan đi giầy Nike nhún nhảy tung banh vào rổ, để khiêu khích lũ trẻ thêm thèm khát ham hố thành mồi ngon cho đám lái buôn.

Vậy mà nhà thơ Du Tử Lê vẫn nghe ra được “Âm Thanh của Thinh Lặng” (The Sound of Silence) kiểu Paul Simon, qua lời tình thỏ thẻ của dòng Sông Ngọc diễn thành điệu vũ:

cúi xuống một dòng sông

nghe bước đời êm ả

lắng xuống một mùa đông

lá người bay lả tả…

cúi xuống một dòng sông

nghe chiều vàng khép cửa

ghế đợi, hồn bao dung

vỗ yên đời lang bạt.

cúi xuống một dòng sông

thì thào dòng tóc gọi

giữ lấy những đời mưa

cho mát đời khô, ải.

cúi xuống một dòng sông

nghe đầu nguồn thác dội

giữ lấy một vầng trăng

dành tặng chàng: sắp tối.

Forrest Gump trong một phim thành công vượt bậc, đã luôn tin lời mẹ, nhìn dòng đời với đủ nhịp màu sắc kết thành cầu vồng: “Chết cũng là một phần của đời sống.” Họa sĩ Vincent van Gogh trong những lúc quằn quại tăm tối nhất bỗng dưng thấy được dòng sinh lực vẫn đang múa nhảy uốn lượn chảy tới, và ghi lại thành bức tranh Đêm Sao (Starry Night) nổi tiếng, trị giá cả mấy chục triệu Mỹ kim. Giữa bầu trời đen thăm thẳm kia, một dòng ánh sáng đang cựa mình tuôn chảy, không gì có thể cản trở được nữa.

Một hôm đang đi giúp người tỵ nạn với quá nhiều khổ đau đến chán chường vô vọng như kiệt sức, Karanzakis bỗng thấy phía trước tàu một con cá heo phóng mình thật cao lên khỏi mặt nước, nhẹ nhàng, uyển chuyển như một điệu vũ. Con mắt của Karanzakis chợt bừng mở: sinh lực đất trời đây rồi, những gì nhỏ hẹp kiệt quệ hốt nhiên được mở tung ra, không còn gì có thể ghì lại được nữa.

THỜI ĐIỂM GIỮ ĐỜI CHO NHAU

Những đợt sóng nhấp nhô lên xuống, xô tới đẩy lui, những bèo bọt cuộc sống cứ nối tiếp nổi trôi, nhưng dòng Sông Tình vẫn chảy. Đó là dòng Thần Lực từ Cội Nguồn Miên Viễn.

Thi sĩ Du Tử Lê đã từng tâm sự: “Càng ngày, tôi càng thấy rõ, mỗi chúng ta, hiện diện trên mặt đất này, để hoàn tất một công việc nào đó, mà Thượng Đế đã chọn sẵn cho từng cá nhân… Ngợi ca tình yêu, qua chiếc cầu văn học nghệ thuật, với tôi, là công việc của văn nghệ sĩ. Cá nhân nhỏ mọn của tôi, là giúp cho những người đọc tôi, qua thi ca, cảm nhận ra rằng khởi tự tình yêu mang tính cá nhân, gia đình, người ta sẽ có tình yêu tổ quốc, và rộng hơn nữa, tình nhân loại. Khi bước tới tình nhân loại, là bước gần tới ánh sáng của Thiên Chúa, của Thượng Đế vì, nhân loại, dù màu da, khu vực địa lý nào, cũng đều là con cái của Chúa cả. Tôi cảm nghiệm được điều đó khi đọc “Vũ Khúc Thăng Ca” của Lm. Trần Cao Tường: một người sẽ không yêu Chúa, nếu không biết yêu cha mẹ, dòng tộc của mình.”

Đúng thế. Mọi đường hướng triết lý, văn hóa, văn học, nghệ thuật, mang tính đích thực, đều nhằm thăng hoa con người sống cho đúng cỡ người, biết hướng về Chân, Thiện, Mỹ. Đạo Chúa cũng có nét giống như các tôn giáo, là những “ngón tay chỉ mặt trăng” hay những “cái bè chở qua sông”, đi về Cõi Một, tìm lại Chân Ngã, Bến Đậu Vĩnh Hằng, Cội Nguồn Chân, Thiện, Mỹ. Nhưng cái khác biệt căn bản của Đạo Chúa là cảm nhận Quê Hương Hằng Thể không như một khối lực vô vi tẻ lạnh đến rợn người, mà là một Ngôi Vị Thượng Đế Tình Yêu có sức làm ấm áp cõi lòng và rung động con tim. Như Thánh Kinh đã loan báo: Thiên Chúa là Tình Yêu.

Người nghệ sĩ đã từng “giảng Phúc Âm buồn”, do chứng nghiệm “hoa nào tin quả đắng đến không ngờ”, qua những nhịp tình hụt hẫng, thì cũng chính là lúc biết “giảng Kinh Tình Yêu”, nếm được vị ngọt của chất Đạo. Điểm gặp gỡ đây rồi: Có nhiều nhịp tình, nhưng chỉ có một Dòng Tình, do một Nguồn Yêu. Chân, Thiện, Mỹ, là tâm hướng của con người, nhưng Tình Yêu là tất cả.

“Giữ Đời Cho Nhau” là bài thơ tuyệt vời ngợi ca tình yêu của Du Tử Lê, đã được hai nhạc sĩ tên tuổi là Phạm Duy và Từ Công Phụng phổ nhạc, và đã được xuất bản trong tập “k. khúc của lê”, gồm gần 60 bài hát với 34 nhạc sĩ chắp thêm đôi cánh cho thơ Du Tử Lê “bay bổng được vào thế giới âm thanh”, mà cảm ơn Thượng Đế là Người Tình, vẫn luôn khấp khởi đi xuống cuộc đời, diễn một vũ khúc qua mọi nẻo mọi nhịp trầm bổng, xuống lũng lên đồi, để biến tất cả thành Nhịp Vũ Sông Ngọc, Sông An, Sông Thanh.

Vậy xin được đổi một lời thành chữ ai trong bài thơ “Giữ Đời Cho Nhau” để mà ngợi ca Người Tình Muôn Thuở trào tuôn chất Đạo nhiệm mầu:

Ơn ai thơ dại từ trời

Theo ta xuống biển vớt đời ta trôi.

Ơn ai dáng mỏng mưa vời

Theo ta lên núi về đồi yêu thương.

Chẳng lạ gì mà Thánh Kinh trong Khúc Hát Dâng Tình đã từng rung lên lời yêu đương với con mắt thấy được dòng lực tình là chính Thiên Chúa mãnh liệt vô cùng, có sức vượt qua tất cả, biến đổi tất cả.

Người yêu tôi trông kìa đang tới

Người vượt đèo, lội suối, băng ngàn.

(Diệu Ca 2:8)

TIN VUI KHAI MỞ DÒNG SÔNG LỰC TÌNH

Trong đạo Chúa có một công án rất nghịch thường, nhưng cứ quan chiêm sẽ đạt giác ngộ: đó là Thập Giá. Chúa Giêsu là Đấng đến để giải thoát nhân loại, thì lại bị đóng đinh xử tử. Vậy thì còn cứu ai được?! Thật là mâu thuẫn. Kinh Thánh ghi lại rõ:

Nhiều người đứng gần đó mà quan sát. Riêng các vị thủ lãnh thì cười nhạo mà nói: “Hắn đã cứu kẻ khác, cứ để hắn tự cứu lấy mình, nếu quả hắn là Đức Kitô của Thiên Chúa, vị được chọn.” Cả binh lính cũng chế diễu Người. Chúng tiến lại gần mà dâng rượu chua cho Người mà nói: “Nếu ông là vua Do Thái, hãy tự cứu lấy ông.” Phía trên đầu Người có một tấm bảng đề rằng:

“Đây là Vua dân Do Thái.”

Một tên trong số phạm nhân bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người rằng: “Ông là Đức Kitô hả! Hãy cứu lấy thân ông và bọn chúng tôi”. (Luca 23:35-39)

Chúa Giêsu xem ra là người thua cuộc, mất tất cả, bị lột trần tất cả: uy quyền, thể diện, thành công, và ngay cả mạng sống. Nhưng trên đầu Ngài vẫn có bảng đề rõ: Đây là Vua dân Do Thái. Tưởng rằng để chế nhạo, nhưng lại hóa ra là để tôn vinh. Vì Ngài đang trở thành một nhân loại mới: vua tình yêu vui chết cho nhau, từ nay không còn gì có thể chế ngự nổi nữa. Thập giá khai mở Dòng Lực Tình, như trầu cau trong nét văn hóa Việt chỉ khi bị nghiền nát mới trở thành màu đỏ thắm là màu tình sắt son.

PHÚT BẮT LẠI NHỊP

Mình cứ tưởng để sống hạnh phúc thì phải thành công, vơ được nhiều tiền, nắm thêm nhiều quyền thế, đạt nhiều uy tín. Nghĩa là phải có nhiều điều kiện, nhiều tiêu chuẩn, nhiều chữ Nếu áp đặt, xỏ mũi sai khiến. Mất tất cả, chết là cùng, mà vẫn sống, vẫn còn tất cả, vì còn tình yêu, từ nguồn Vua của Tình Yêu. Từ nay không còn phải làm nô lệ cho bất cứ ai và bất cứ gì. Mình làm chủ và làm vua được đời sống rồi, khi nếm và hòa nhập được vào Dòng Lực Tình, thì dù có “lên voi” hay “xuống chó”, mình vẫn an nhiên thanh thản hòa theo Nhịp Vũ Sông Tình.

Bước theo đạo sống vuông tròn

Mang gươm thập giá khơi dòng tình yêu

Con đường nghiền nát trầu cau

Nên màu đỏ thắm nên màu sắt son.

Lm. Trần Cao Tường
(từ tác phẩm Nhịp Múa Sông Thanh, Thời Điểm xuất bản)

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment