Những điều thiếu sót

Mỗi khi bắt đầu thánh lễ, ta vẫn thường cử hành nghi thức sám hối với kinh Cáo mình: “…Tôi thú nhận… Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và NHỮNG ĐIỀU THIẾU SÓT. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng…”.

Trong bốn điều đưa tới phạm tội, có lẽ chưa bao giờ ta ý thức đầy đủ cả bốn. Phạm tội trong tư tưởng, lời nói và việc làm, ít hay nhiều, lúc này, lúc khác có thể xuất hiện trong ý thức của mình.

Nhưng điều thứ bốn: những điều thiếu sót, vẫn thường xuyên bị bỏ quên. Bởi thế, từ nay về sau, bạn và tôi hãy ý thức hơn nữa những “điều thiếu sót” của bản thân đối với Thiên Chúa, đốu với chính mình, đối với tha nhân. Vì chính những điều thiều sót, có khi lại làm thành tội, khiến ta mất ơn cứu rỗi đời đời.

Dụ ngôn người giàu có – giàu đến mức Chúa Giêsu đã không gọi tên anh ta, thay cho tên gọi, Chúa gọi anh là “nhà phú hộ” – và người nghèo tên là Lazarô nhắc mỗi người ý thức về TỘI THIẾU SÓT TRONG BỔN PHẬN sống bác ái, chia sẻ những gì có thể chia sẻ cho anh chị em, nhất là giúp đỡ những người túng cực, nghèo đói…

Càng cụ thể hơn, khi đưa ra hai hình ảnh đối lập giữa người phú hộ và người nghèo Lazarô, Chúa Giêsu như muốn nhấn mạnh đến sự chia sẻ của cải, tiền bạc, lương thực. Nếu không làm như thế, đồng nghĩa với việc, ta tự mình chuốc lấy hỏa ngục.

Người ta kể câu chuyện về một chú chim khờ dại như sau: Ngày nọ, khi đang dừng chân nghỉ cánh trên một mái nhà trong một nông trại, tình cờ chú chim hoang nhìn thấy một lũ chim rất đông sống trong một cái chuồng lớn. Con nào cũng mập mạp, mượt mà.

Lũ chim xem ra quá sung sướng: máng ăn đầy ắp thức ăn. Suốt ngày chúng chỉ có mấy việc phải làm: đói, đáp xuống ăn; no, lại bay lên rỉa lông, rỉa cánh. Nhìn lại mình, qua khổ sở: bay rong suốt ngày chỉ để kiếm ăn còn không đủ thời gian, nói chi đến việc chăm chút bộ lông. Có hôm bay đến lả cả người, mỏi cả đôi cánh, nhiều lúc như muốn quỵ vì đói, vậy mà vẫn không tìm thấy bất cứ cái gì bỏ vào bụng.

Nghĩ như vậy, chú càng tủi thân, khóc cho phận mình. Chú tự nhủ: “Chẳng thà có những bữa ăn được dọn sẵn trong căn nhà ấm áp còn hơn tự do mà phải vất vả quá sức thế này”. Thế là chú quyết tâm tìm cách vào chuồng chim cho bằng được.

Tìm mãi rồi cũng có chỗ. Nhìn quanh không thấy ai để ý, chú chim hoang dã gắng sức lách mình vào khe hở phía trên mái chuồng chim. Đúng là ngu dại! Chú chỉ nhìn thấy cái trước mắt, đó là sống thoải mái, sống dễ dãi, lương thực dư đầy, mà không hiểu rằng, đàng sau sự sống có vẻ sung sướng ấy chính là những kẻ tử tù. Đến một ngày, tất cả chúng sẽ bị giết làm thức ăn cho con người.

Khi tự mình bước vào chuồng chim, cũng như tất cả những chú chim trong chuồng, chú không biết rằng, mình tự nộp mình cho cái chết thê thảm nhất. Vì người chủ nông trại vừa bàn với vợ: cuối tháng này, ông sẽ gọi người của nhà hàng đến bán sạch chuồng chim, lo cho mấy đứa con đi học đầu năm mới…

Nhà phú hộ trong Tin Mừng hôm nay được diễn tả là người có một đời sống chẳng những thoải mái, dễ dãi mà còn sang trọng, bình yên, thừa thải. Ông “vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình”.

Bị trói buộc bởi tiền của và hưởng thụ, ông chẳng còn đủ ánh mắt sáng suốt để nhìn thấy người nghèo Lazarô ở sát cạnh ông. Tự giam mình trong chiếc lồng sơn son thếp vàng của sự sung sướng nơi bản thân, đích cuối cùng mà ông phải đi tới là hỏa ngục!

Thậm chí khi từ bỏ cuộc đời, kết thúc tất cả sự giàu sang trong cái chết, ông chỉ xin có một giọt nước mà thôi, nhằm làm dịu đi trong khoảnh khắc ngọn lửa tàn nhẫn của hỏa ngục, cũng không thể được. Chọn cho mình cuộc sống thoải mái, ông đã nhận lấy sự đau đớn còn lớn hơn gấp bội lần sự nghèo khổ của Lazarô khi còn sống.

Thực ra, nếu xét về mặt tội lỗi để buộc người phú hộ phải mất linh hồn đời đời nơi hỏa ngục, ta thấy ông chẳng có tội nào để phải chuốc lấy án phạt lớn như thế.

Chúa Giêsu không hề kể bất cứ tội nào của ông: Ông không chiếm đoạt tài sản của ai. Ông cũng không phải chịu trách nhiệm trên sự nghèo nàn và thống khổ của Lazarô. Còn chuyện ông dư dật và ăn xài cũng không hẳn đã thành tội, vì đó là của cải của ông. Chúa không kê khai bất cứ tội nào của ông. Người cũng không cho biết người nghèo Lazarô có xin nhà phú hộ giúp đỡ hay không, hay người phú hộ đã từ chối giúp đỡ Lazarô. Vậy tại sao ông phải sa hỏa ngục, hay Chúa quá ghét người giàu?

Nếu xét theo kinh Cáo mình thì: Tội trong tư tưởng, ông không có. Tội trong lời nói, ông không phạm. Tội do việc làm, cũng không. Nhưng tội thứ bốn, “những điều thiếu sót” thì không thể chối được. Vì nhà phú hộ đã không làm gì để cải thiện đời sống của người anh em nghèo khó ở sát cạnh mình. Đó là “người hành khất tên là Lazarô, nằm bên cổng nhà ông, mình đầy ghẻ chốc, ước được những mụn bánh từ bàn rơi xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho. Những con chó đến liếm ghẻ chốc của người ấy”. “Những điều thiếu sót” mà nhà phú hộ đã không nhận thấy, đã đưa ông đến chỗ trầm luân đời đời.

Không có mức án nào lớn bằng mức án hỏa ngục. Nhưng bất cứ mức án nào, dù lớn hay nhỏ, đều không phải do Thiên Chúa thù nghịch với con người rồi dành cho họ theo tình cảm thương hay ghét của mình.

Tất cả đều do con người lựa chọn bằng bất cứ thái độ sống nào mà mình đã từng thể hiện trên cõi đời này. Bịt tai, bịt mắt để khỏi phải nghe, khỏi phải nhìn thấy cảnh khốn cùng của anh chị em là một thái độ trọng tội mà nhiều người đã chọn. Bạn và tôi đã chọn cho mình thái độ sống nào? Đó cũng có nghĩa là mình đã chọn phần thưởng hay phần phạt?

Sồng trong đời, bạn và tôi hãy tập nhìn xuống để có thể nhìn thấy biết bao nhiêu anh chị em đói khổ. Có như thế, ta mới mở lòng ra, chứ không biến lòng mình thành pháo đài ích kỷ, tham lam, hà tiện, khép kín, tự mãn, hưởng thụ, tích trữ, bị ám ảnh bởi vật chất, bị mê hoặc bởi lợi nhuận… Mở  lòng ra và không xây pháo đài như thế, mới mong phần thưởng đời đời thuộc về bản thân ta.

Từ nay về sau, mỗi khi đọc kinh cáo mình, trước khi đấm ngực thú nhận rằng: “Lỗi tại tôi. Lỗi tại tôi… mọi đàng”, chúng ta hãy ăn năn tội thật, hãy khiêm nhường nhìn nhận thân phận tội lỗi thật, chứ đừng đọc như một công thức cho qua lần chiếu lệ mà thôi.

Hãy xét mình về mọi phương diện: từ tư tưởng, lời nói, việc làm, đến những điều thiếu sót, không bỏ sót một phương diện nào.

Có nhìn thấy mình trong tư thế trần trụi, xấu xa và tội lỗi, ta mới hy vọng nhìn thấy anh chị em quanh mình, nhìn thấy cả sự thiếu thốn, oán thương, muộn phiền mà họ phải chịu.

Vậy chúng ta hãy mềm lòng khi cất cao lời tạ tội: “…Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng…”.

Lm. VŨ XUÂN HẠNH

Chia sẻ Bài này:

Related posts