Thánh Bênêđictô đã trải qua ba năm sống một mình trong núi. Ma quỷ thường hay cám dỗ ngài trở về quê nhà với đời sống tiện nghi và thoải mái. Tuy nhiên, thánh nhân đã vượt qua những cám dỗ này bằng các việc cầu nguyện và đền tội. Một ngày kia, ma quỷ lại tiếp tục cám dỗ Bênêđictô, nghĩ tưởng đến một phụ nữ xinh đẹp, mà có lần Bênêđictô đã gặp thấy ở thành Rôma. Ma quỷ cố gắng làm cho thánh nhân trở về tìm lại bà ấy. Bênêđictô dường như sắp nhượng bộ cơn cám dỗ này. Nhưng thay vào đó, thánh nhân đã sốt sắng cầu nguyện và đền tội nhiều hơn. Và từ đó trở đi, đời sống của Bênêđictô rất bình an. Bênêđictô không còn cảm thấy những cơn cám dỗ cuồng loạn như thế nữa. (ĐaMinh M. Nguyễn Phúc Lộc, CMC, dịch: Các Thánh Dành Cho Bạn Trẻ)
Không riêng gì các Thánh, mà bất cứ ai sống trên cõi đời ô trọc này, đều phải chịu thường xuyên các cơn cám dỗ hằng ngày. Đó là một thách đố muôn thuở của con người. Từ Thứ Tư lễ Tro vừa qua, với tinh thần sám hối, ăn năn, Giáo Hội dẫn dắt Kitô hữu vào Chúa Nhật I Mùa Chay, mở đầu bằng ba cơn cám dỗ của Chúa Giêsu trong hoang địa.
Cám dỗ bản năng
Trong 40 ngày chay tịnh, Chúa Giêsu không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói. Bấy giờ, quỷ nói với Người:”Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hóa bánh đi!” Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, (Lc 4, 3-4) nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.” (Mt 4, 4)
Bản năng sinh tồn trổi dậy, khi cơ thể đói khát, yếu đuối, mệt nhọc, kiệt sức. Đây là cơ hội cho ma quỷ lợi dụng thao túng cám dỗ, khiến con người dễ sinh tật đói làm càn. Chúng cám dỗ Chúa hãy kiêu căng tự phụ, là Con Thiên Chúa, để vung tay làm càn phép lạ hóa đá ra bánh. Nếu nghe theo lời xúi giục, làm sao Người còn vâng lời Chúa Cha, mang lấy thân phận con người, để rồi chịu hy tế, hoàn tất công cuộc Cứu Độ.
Thông thường những cám dỗ bản năng hay được phóng đại, tô màu, khéo léo dán lên những cái mác mỹ miều, như bảo vệ an toàn sự sống, hay nhu cầu thiết yếu và chính đáng để sống còn, sống mạnh, sống dai.
Khi cuộc sống ổn định, bớt lo toan cái ăn cái mặc, tôi lại muốn ăn ngon mặc đẹp, ước muốn thỏa mãn những đòi hỏi vật chất xa hoa, cao cấp hơn. Tôi dần dần biến thành nô lệ cho bản năng, cho chính nhu cầu giả tạo. Khi đã êm ái lọt vào vòng kiểm tỏa của ma quỷ, tôi đương nhiên bị vong thân, đánh mất niềm cậy trông vào Chúa Quan Phòng, hoàn toàn xa lìa Chúa.
“Người ta sống không chỉ nhờ bánh mà còn nhờ Lời Chúa”: Thánh Thể, Thánh Kinh, Thánh Nguyện. Nếu không, con không có sự sống Thần Linh. (Đường Hy Vọng, số 136)
Cám dỗ thế quyền
Cám dỗ bản năng thất bại, ma quỷ quay ra cám dỗ quyền lực thế gian. Một thứ mà hầu hết ai cũng mê say, ai cũng cố gắng tìm cho mình một danh phận, một chỗ đứng, ít ra cũng để hãnh diện với đời. Hơn nữa, quyền lực còn đem lại của cải, sung túc, giàu có, đặc quyền, đặc lợi, cho bản thân và cả dòng tộc con cháu. Tệ hại hơn, khi “quyền lực luôn luôn thu hút những kẻ không có đạo đức” (Albert Einstein)
Rồi quỷ nói với Người:“Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tùy ý. Vậy nều ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông.” Đức Giêsu đáp lại: “Đã có lời chép rằng:“Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của người, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.” (Lc 4, 6-8)
Quyền lực chân chính luôn đem công lý, hòa bình và hạnh phúc, còn quyền lực đen nô lệ hóa cả dân tộc. Trong Cộng Đồng, hay Cộng Đoàn, Giáo Phận, hoặc Giáo xứ, đôi khi cái bả quyền lực còn trầm trọng gây nên phân hóa, chia rẽ, cục bộ, phe nhóm, vì bị lạm dụng phục vụ cho thói háo danh, háo chức, háo quyền, địa vị. Chẳng thế, Pierre Pasquier trong một cuốn sách khảo về xứ sở và con người Việt Nam (Annam d’Autrefois) từng chua chát nhận xét: “Trong mỗi người Việt Nam có một ông quan và một nhà thơ”.
Còn thói gia trưởng nô lệ hóa gia đình. Ngay trong tế bào của xã hội, gia đình cũng là môi trường gay gắt tranh giành quyền lực giữa vợ chồng. Đôi bạn phối ngẫu cũng vì quyền lực mà có thể xào xáo, chia rẽ, ly thân, ly dị, huống chi trong xã hội phức tạp, nhiều giai cấp cao thấp khác biệt và chí chóe tranh sống với nhau.
“Thiên Chúa là bí quyết của nhà lãnh đạo: Ngài ban uy quyền và không bỏ ai dựa vào quyền năng của Ngài để lãnh đạo. Tinh thần khiêm nhường và lòng bác ái là căn bản; Phúc Âm của Ngài hướng dẫn nhà lãnh đạo.” (Đường Hy Vọng, số 871)
Cám dỗ thần quyền
Khi thách thức Thiên Chúa, người ta muốn hạ bệ Ngài, đồng thời nâng mình lên ngang hàng với Ngài. Đó là cơn cám dỗ thần quyền, là mối tội đầu, tội kiêu căng bắt nguồn từ thời nguyên thủy, khi Adam và Eva ăn trái cây biết lành biết dữ. Tánh kiêu ngạo biến tướng dưới nhiều hình thức, như lộng ngôn, phạm thượng và chống báng Thiên Chúa.
Ma quỷ bộc lộ xúc phạm công khai đến Thiên Chúa, khi thách thức Chúa Giêsu gieo mình từ nóc Đền Thờ xuống, Người đáp lại: “Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.” (Lc 4, 12)
Ngày xưa, trong sa mạc, dân Israel đóng trại ở Rơphiđin, nhưng tại đấy không có nước cho dân uống. Dân gây sự với ông Môsê. Họ nói: “Cho chúng tôi uống đi!” Ông Môsê nói: “Tại sao anh em lại gây sự với tôi? Tại sao lại thử thách Đức Chúa?” Ở đó dân khát nước, nên đã kêu trách ông Môsê rằng: “Ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai Cập để làm gì? Có phải để cho chúng tôi, con cái chúng tôi, súc vật chúng tôi bị chết khát hay không?” Ông Môsê kêu lên cùng Đức Chúa: “Con phải làm gì cho dân bây giờ? Chỉ một chút nữa là họ ném đá con.” (Xh17, 2 – 4) Đức Chúa phán bảo ông, lấy cây gậy đã rẽ nước sông Nil, mà đập vào tảng đá, cho tuôn trào nước ra để dân uống. Ông đặt tên cho nơi ấy là Maxa và Mơriva, vì con cái Israel đã gây sự và thử thách Đức Chúa, mà rằng: “Có Đức Chúa ở giữa chúng ta hay không?” (Xh 17, 6 -7)
Bây giờ, mỗi khi khẩn cầu những điều gì mà không được như ý, tôi lại mau ngã lòng, trách cứ Chúa quay mặt làm ngơ, không chịu thương ban. Nhiều khi còn đặt điều kiện với Chúa khi kêu xin: “Nếu Chúa ban cho con ơn này, thì con sẽ làm công quả cho nhà Chúa”…Tôi đã vô tình hạ thấp Chúa xuống, như một đối tượng giao dịch, kỳ kèo, ký kết hợp đồng thương vụ. Tôi đã xúc phạm vô cùng nặng nề đến Chúa, khác chi ma quỷ dám mạo phạm thách đố Chúa nhảy xuống khỏi nóc Đền Thờ!
Lạy Chúa Giêsu, thế gian đang muốn gạt bỏ Chúa sang một bên. Xin Chúa ban cho con thêm sức mạnh, thêm dũng khí để thoát khỏi những cám dỗ nguy hiểm, những tà thuyết vô thần, mà luôn noi gương Thánh Bênêđictô ăn chay và cầu nguyện, để chống trả vượt qua.
Lạy Mẹ Maria, xin ban cho con tấm lòng khiêm nhường và vâng phục theo Thánh Ý Chúa như Mẹ, để con có thể thoát khỏi những chước cám dỗ ngày càng tinh vi của ma quỷ dai dẳng hằng ngày. Amen.
AM Trần Bình An