NIỀM TIN VÀ LÒNG BIẾT ƠN

Vào thời Chúa Giêsu, ở xã hội Do thái, những người mắc bệnh phong cùi, nặng nề hơn ngày nay rất nhiều, bị lên án là phải sống bên lề cộng đồng con người. Lề luật trong sách Lêvi làm chứng cho điều này: “Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xoã tóc, che râu và kêu lên: “Ô uế !Ô uế !” Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế ; nó ô uế : nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại” (Lev 13:45-46). 

Và trên thực tế, chính tại lối vào một ngôi làng, Chúa Giêsu nghe thấy tiếng ai đó gọi Ngài: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!” (Lc 17: 13). Mười người phong cùi ở đó, đồng hành trong đau khổ, nhưng quyết tâm nắm bắt cơ hội của đời mình, cơ hội cuối cùng, vì họ bị con người từ chối. 

Theo lề thói thời đó và có lẽ cũng theo thói quen, vì sợ hãi những người khác, mười người phong cùi giữ khoảng cách xa xa với Vị Thầy Rabbi Giêsu: “Họ dừng lại đằng xa…” (Lc 17: 12) và điều ấy có lẽ đã làm cho Chúa Giêsu buồn lòng vì họ không dám đến gần; họ phải giữ khoảng cách vì lề luật bắt như thế, mà cũng vì họ cảm thấy mình ô nhơ, không xứng đáng đến gần Vị Thầy Giêsu khả kính đầy quyền năng và lòng nhân từ mà họ đã nghe nói tới. 

Sự xa cách đó cũng có nơi chúng ta, trong mối tương quan của chúng ta với Chúa Giêsu và với Thiên Chúa. Chúng ta có mặc cảm rằng bệnh phong cùi của chúng ta làm cho chúng ta không xứng đáng với tình yêu của Thiên Chúa, sợ đến gần Thiên Chúa và những gì là thánh thiêng. Chúng ta cố né tránh và sợ nhận ra bản thân tội lỗi như chúng ta vốn là; chúng ta cảm thấy khó có thể tin rằng Thiên Chúa lại yêu thương chúng ta đến như vậy, yêu thương chúng ta trong chính con người thật nhất của chúng ta. Chúng ta như thế nào, Thiên Chúa yêu thương chúng ta như vậy. Không phải Ngài yêu tâm linh bị cùi hủi – tức là thói hư tật xấu và tội lõi – của chúng ta, nhưng Ngài yêu con người của chúng ta, dù chúng ta cùi hủi ô uế đến thế nào. Thiên Chúa không ưa tội lỗi nhưng Ngài không bao giờ ghét bỏ người tội lỗi, vì trong lòng Thiên Chúa không có chỗ cho việc chối bỏ hay ghê tởm một con người nào:

Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát,

một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê

(Tv 51: 19).

Chúng ta liên tục tưởng tượng rằng có một khoảng cách ngăn cách chúng ta với Chúa Kitô. Nhưng chưa bao giờ Chúa Kitô lại gần gũi chúng ta hơn như vậy khi chúng ta đau khổ, khi chúng ta cảm thấy sức nặng của sự cô đơn và nghĩ rằng chính mình đã bị cắt đứt khỏi mọi sự giúp đỡ của con người. 

Và Chúa Giêsu rất tế nhị trong bất cứ điều gì. Ngài hiểu rõ và tôn trọng mặc cảm xấu hổ của những người phong cùi này, những người cảm thấy mình thật xấu xí, dơ bẩn và gây khó chịu. Ngài không nói với họ, như các thầy lang hoặc bác sĩ thường nói các bệnh nhân đến với họ: “Hãy lại gần đây, hãy lại gần đây! Các anh bị sao vậy? À đây là bệnh phong cùi, nặng đấy nhé, không nhiều người chữa được đâu!  Tôi sẽ cố gắng chữa cho các anh khỏi bệnh, ở múc độ tốt nhất !” nhưng với sự dịu dàng và tế nhị, không đề cập chút gì đến tình trạng cùi hủi của họ, Tin mừng Luca trình thuật: “Thấy vậy, Chúa Giêsu bảo họ…” (Lc 17:14). Ngài chỉ nói đơn giản: “Hãy đi trình diện với các tư tế” (Lc 17:14). 

 

Tin tưởng vào quyền năng và lòng xót thương của Thiên Chúa.

Thật vậy, theo Lề luật, trước tiên, các tư tế phải báo cáo chính thức về việc chữa khỏi bệnh, sau đó là dâng nhiều của lễ khác nhau, với chi phí của người được chữa lành và trong phạm vi khả năng tài chính của người ấy (Lêvi 14). 

Hãy đi trình diện,,,”! Chúa Giêsu yêu cầu họ thực hiện một hành động đức tin trọn vẹn: lên đường để việc chữa lành của họ được tư tế xác nhận, trong khi bệnh phong cùi của họ vẫn còn đó, trên người họ, đang gặm nhấm thân xác của họ. Tuy nhiên, họ đã đi, chỉ dựa trên lời duy nhất của Chúa Giêsu. Họ biết rằng họ không được đến gặp các tư tế vì họ không được sạch, hơn nữa các tư tế không phải là những người có thể chữa lành cho họ; các tư tế chỉ là người cấp giấy chứng nhận rằng họ đã khỏi bệnh và do đó họ có thể hòa nhập trở lại trong xã hội. Vậy ai là người chữa lành bệnh tật cho họ để họ được sạch trước khi gặp tư tế?  “Hãy đi trình diện với các tư tế” (Lc 17:14).  Đó là một thông điệp kỳ lạ, mà Đấng Cứu Độ đã ban cho những người phong cùi này, Và ôi, niềm tin của những con người này! Chỉ với một khuyên bảo thoáng qua bề ngoài như vậy, thế mà họ cảm thấy có một lời hứa hiệu năng lớn lao bên trong, và họ hẳn đã tự nhủ: “Ngài sai chúng tôi đến với các tư tề không phải để không làm được gì; đó không phải là một lời khuyên khơi khơi nói cho vui miệng, hoặc là một cách đuổi khéo! Vị Thầy Rabbi Giêsu không đùa chơi trước sự khốn khổ của chúng tôi; Ngài hẳn có ý chữa lành cho chúng tôi”. Và vì vậy họ đã làm theo lời Vị Thầy và bước đi. Một niềm tin tuyệt vời! Chúng ta phải đến với Chúa Kitô trước khi chúng ta cảm thấy có bất cứ ân sủng nào bên trong chúng ta; Chúng ta không cần phải đợi cho đến khi cảm thấy mình được chữa lành rồi mới đến với Ngài. Hãy đến với Ngài với con người thật của chúng ta, dù không cảm nhận được ân ban, dù không có cái cảm giác mà chúng ta thường nghĩ là lẽ ra cần phải có trong cõi lòng chúng ta khi đó. Hãy đến với Ngài với những gì đang thực sự là chúng ta: bệnh tật, yếu đuối cũng như mọi thứ khuyết điểm tội lỗi: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi” (Lc 17:13). Phép lạ xẩy đến khi người ta đang làm những gì Chúa Kitô truyền bảo.

 

Tâm tình tạ ơn Thiên Chúa.

Một lát sau, “Và xảy ra là trong khi họ đi, họ đã được sạch” (Lc 17: 14). Đó là cách chữa bệnh của Chúa Giêsu, bất ngờ, trọn vẹn, cho mười người cùng một lúc. Mười người tin, mười người được khỏi, nhưng chỉ có một người tạ ơn: người nghèo nhất, người bị khinh bỉ nhất, người Samaria duy nhất trong băng nhóm nhỏ bé những người phong cùi. Chín người kia đã nhận được ân huệ của Chúa Kitô, và điều đó đối với họ dường như cũng chỉ là chuyện bình thường, “thường thôi mà, có gì to tát đâu mà vẽ chuyện!”. Sự tốt lành đến thế của Thiên Chúa đã không làm cho họ nghĩ đến điều gì khác ngoài bản thân họ, kéo họ ra khỏi sự ích kỷ của họ; họ nhanh chóng nắm lấy lợi ích, mà không còn chút khả năng nào nhận ra họ đã được chữa lành như thế nào, và cũng chẳng thèm bận tâm tìm hiểu xem họ phải làm gỉ cho người đã chữa lành cho họ, cứ như thể chuyện họ được chữa lành là điều tất nhiên phải xẩy ra cho họ, họ xứng đáng được như thé. Có thể họ, cũng giống như phần lớn những người Israel khác thời đó, vẫn nghĩ mình là người Israel, con cháu tổ phụ Abraham, dân tộc của các lãnh tụ vĩ đại như Môisê, dân riêng được Thiên Chúa tuyển chọn…không như  tên Samaria kia, dân tộc ngoại giáo: “Trên đường lên Giêrusalem, Chúa Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền Samari và Galilê” (Lc 17: 11) [1]. Họ không hiểu ra rằng qua sự chữa lành này, Chúa Giêsu đang ban cho họ một dấu hiệu, rằng Thiên Chúa giải phóng họ để họ ngợi khen, phục vụ Thiên Chúa và người khác. 

Một người phong cùi quay lại: “Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại…” (Lc 17:15), “liền quay lại” có nghĩa là “quay lại ngay lập tức, không chậm trễ, đắn đo, trù trừ”, và có lẽ quên cả biên bản ghi nhận mà lẽ ra ông phải xin được từ vị tư tế và trình báo cho Chúa Giêsu; thực ra ông không cần trình diện vị tư tế nào hết, vì: “Anh ta lại là người Samari” (Lc 17:16). Ông quay trở lại một cách tự do, không bị ràng buộc bởi lề luật, và giờ đây cũng không còn bị giam hãm trong cảnh bệnh tật, vui mừng khôn xiết: “và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa” (Lc 17:15). Ông ý thức rằng Đức Kitô đã yêu ông đến độ chữa lành cho ông, và trước bằng chứng “Chúa Giêsu đã yêu thương tôi” choáng ngợp này: “Anh ta sấp mình dưới chân Chúa Giêsu mà tạ ơn” (Lc 17: 16). Ông đến sấp mình dưới chân Vị Thầy Rabbi Giêsu để nói lời cảm tạ hết lòng vì ơn ban lớn lao của Thiên Chúa dành cho ông, dù ông không thuộc về dân Israel chân chính, bằng chính thân thể đã được chữa lành của ông, bằng cõi lòng bất ngờ được xoa dịu với niềm vui sướng hân hoan. 

Mười người được chữa khỏi, và chỉ một người cảm ơn! Chúng ta có xu hướng thầm nghĩ rằng chín người còn lại thực sự “bất lịch sự”,…thậm chí họ hành động quá đáng! Chắc chắn chúng ta có thể nhìn câu chuyện từ góc độ này.

Hãy dừng lại một chút và nhìn vào những ân sủng mà chúng ta đã nhận được từ Thiên Chúa,…. Chúng ta đã thực sự cảm ơn Thiên Chúa chưa? Đối với một số ân sủng chắc chắn chúng ta có tạ ơn Ngài, nhưng đối với những ân huệ khác, nhiều hơn, thì sao? 

Tâm tình tạ ơn Thiên Chúa là việc rất quan trọng: Món quà đẹp nhất mà Thiên Chúa ban cho chúng ta là ngự vào tâm hồn chúng ta mỗi khi chúng ta rước lễ; nhưng chúng ta đã đón nhận Thiên Chúa như thế nào? Chúng ta có dành thời gian để cảm ơn Ngài không hay chúng ta lại lợi dụng một lần nữa đưa cho Ngài bản liệt kê các yêu cầu của mình? Lối sống và hành vi của chúng ta sau Thánh lễ là gì, có thay đổi theo yêu cầu của Thiên Chúa qua lời dạy bảo của Chúa Giêsu Kitô hay không?

Tiếp theo, chúng ta hãy xem những gì Chúa Giêsu nói với người phong cùi được chữa lành: “Hãy đi trình diện với các tư tế”. Dĩ nhiên, đó là một lời mời gọi hãy trở lại con đường tuân giữ lề luật đạo đức, nhưng trên hết, đó là một lời mời gọi trở lại con đường sống với Thiên Chúa thường ngày. Thật vậy, nói lời cảm ơn vào lúc nhận lãnh ơn ban là một chuyện, tuy nhiên điều đó không giá trị gì cả, nếu không có sự hoán cải trong cuộc sống sau đó. Do đó, chúng ta hãy tự hỏi mình: tôi đã làm gì với những ân sủng nhận được? Làm thế nào để cuộc sống của tôi hôm nay như một sự đáp lại yêu thương đối với sự quan tâm của Thiên Chúa dành cho tôi? Thánh Phaolô chỉ ra một cách giúp chúng ta thực hiện việc này, đối với Thiên Chúa thì: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Chúa Kitô Giêsu” (1Tx 5:16-18), còn đối với người khác thì: “Thưa anh em, chúng tôi khuyên nhủ anh em: hãy khuyên bảo người vô kỷ luật, khích lệ kẻ nhút nhát, nâng đỡ người yếu đuối, và kiên nhẫn với mọi người. Hãy coi chừng: đừng có ai lấy ác báo ác, nhưng hãy luôn luôn cố gắng làm điều thiện cho nhau cũng như cho mọi người” (1Tx 5: 14-15).

Chúng ta có thực sự giống như  người phong cùi Samari được chữa lành này biết tạ ơn và tuân theo lời Chúa dạy không, hay chúng ta giống như chín người kia, nhận được ân huệ nhưng chỉ biết nghĩ đến bản thân… Câu trả lời là tùy vào sự chọn lựa và quyết tâm sống như thế nào của chúng ta, đối với Thiên Chúa và đối với người chung quanh!

 

Phêrô Phạm Văn Trung.

 

[1] Và đã có lần những người Samaria này hành xử tệ bạc với thầy trò Chúa Giêsu: “Khi đã tới ngày Chúa Giêsu được rước lên trời, Ngài nhất quyết đi lên Giêrusalem. Ngài sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Samari để chuẩn bị cho Ngài đến. Nhưng dân làng không đón tiếp Ngài, vì Ngài đang đi về hướng Giêrusalem” (Lc 9: 51-53).

Chia sẻ Bài này:

Related posts