Tin mừng theo thánh Gioan chương 14, từ câu 23 đến câu 29 viết như sau: “Chúa Giêsu đáp: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em. Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. Anh em đã nghe Thầy bảo: “Thầy ra đi và đến cùng anh em”. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin” (Gioan 14: 23-29).
Chúa Thánh Thần – Đấng Bảo Trợ
Phần đầu tiên của bài Tin Mừng này của chúng ta khá thú vị, bởi vì Chúa Giêsu bày tỏ ở đó, trước các môn đồ, vai trò của Chúa Thánh Thần, một vai trò thường không dễ hiểu đối với chúng ta. Chúa Giêsu gọi Chúa Thánh Thần là “paraclete”, đó là một từ pháp lý theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là luật sư. Từ ngữ Hy Lạp para-klètos và từ ngữ La tinh ad-vocatus là những từ đồng nghĩa, cả hai đều chỉ người được kêu gọi đến để giúp đỡ. Do đó, từ này cũng có nghĩa là “người bầu chữa – bảo trợ”, mà có lẽ thánh sử Gioan, vốn là tác giả Tin Mừng duy nhất sử dụng từ đó, hiểu nó theo nghĩa này. Do đó, Chúa Thánh Thần rõ ràng có một vai trò trung gian.
Trên thực tế, Chúa Giêsu giao phó cho Chúa Thánh Thần hai chức vụ: dạy dỗ và làm cho nhớ: “Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Gioan 14: 26). Chức vụ đầu tiên thì không đáng ngạc nhiên sao: không phải chính Chúa Giêsu là người nên dạy dỗ sao?
Nhưng Chúa Giêsu nói rằng Ngài công bố lời: “Mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Gioan 14: 26), còn Thánh Thần – Đấng bầu chữa này – sẽ làm cho những lời đó xuất hiện như trong một ánh sáng rạng rỡ, làm cho những lời đó thâm nhập vào sâu thẳm cõi lòng và trí hiểu của các Tông đồ: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Ngài sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Ngài. Còn anh em biết Ngài, vì Ngài luôn ở giữa anh em và ở trong anh em” (Gioan 14: 16-17). Không có sự cạnh tranh giữa Chúa Con và Chúa Thánh Thần, nhưng thay vào đó lại có sự bổ sung cho nhau, bởi vì cả Chúa Con và Chúa Thánh Thần đều có cùng một nguồn cội là Chúa Cha: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Ngài sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Ngài sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Ngài nghe, Ngài sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Ngài sẽ tôn vinh Thầy, vì Ngài sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Ngài lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Gioan 16: 13-15).
Chúa Giêsu cũng nói rằng Chúa Cha sẽ sai Thánh Thần này nhân danh Ngài: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy” (Gioan 14: 26), và đây là một điểm hấp dẫn, bởi vì điều đó cho thấy rõ mối quan hệ giữa các ngôi vị Thiên Chúa với nhau: không ngôi nào hành động cho chính mình. Chúa Giêsu không nói về chính mình: “Không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy.” (câu 24), nhưng theo những gì Ngài đã nhận được từ Chúa Cha, và tương tự như vậy, Thánh Thần không dạy về việc riêng của Ngài: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Ngài sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Ngài sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Ngài nghe, Ngài sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến” (Gioan 16: 13), vì Ngài được sai đến nhân danh Chúa Con. Thật ấn tượng biết bao!
Vai trò thứ hai được giao cho Thánh Linh là làm cho nhớ những gì Chúa Giêsu đã nói: “làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Gioan 14: 26). Chúng ta cần phải hiểu cách diễn đạt này theo một ý nghĩa mạnh mẽ. Thánh Thần làm cho chúng ta hiểu, đó là một chuyện, nhưng để những lời của Chúa Giêsu đi vào trong lòng chúng ta, từ một sự hiểu biết sáng soi đến một thực tại sống động, thực sự làm cho chúng ta sống, thì những lời này phải được ghi nhớ và đi “ký ức”.
Theo nghĩa Kinh thánh, ký ức không chỉ là việc nhớ lại quá khứ, mà còn nhiều hơn thế. Khi Chúa Giêsu dặn dò các môn đồ hãy nhớ lại cử chỉ Thánh Thể của Ngài: “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy” (Luca 22: 13) thì theo một cách nào đó, Ngài thánh hiến ký ức Kitô giáo đó mãi mãi, nghĩa là Chúa Giêsu thánh hiến tâm trí và cõi lòng của các môn đồ và những ai thực hiện di huấn này “tưởng nhớ đến Thầy.” Đối với một Kitô hữu, nhớ đến những lời của Chúa Giêsu sẽ luôn là một lời mời gọi để sống ký ức đó, nghĩa là hiện tại hóa Lời Chúa Giêsu, việc làm, cuộc sống và hy tế của Chúa Giêsu trong cuộc sống thực của mỗi Kitô hữu, đến mức độ: “Anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em” (Gioan 14: 20), bởi vì: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Gioan 14:21). Những người này được vui mừng vì đã yêu mến Chúa Giêsu: “Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng” (Gioan 14: 28).
Niềm vui từ Chúa Cha, qua Chúa Con, nhờ Chúa Thánh Thần.
Chúng ta không nói đủ về niềm vui này. Niềm vui đến với cõi lòng của một người khám phá ra tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc đời mình:
“Nguyện tiếng lòng tôi làm cho Ngài vui thoả,
đối với tôi, niềm vui là chính Chúa”
(Thánh vịnh 104, 34).
Nơi Thánh Gioan, vốn không phải là một tác giả Tin Mừng u buồn như đôi khi người ta nói, Chúa Giêsu nói về niềm vui của người bạn của chàng rể: “Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn” (Gioan 3, 29), về niềm vui của người gieo giống: “Ai gặt thì lãnh tiền công và thu hoa lợi để được sống muôn đời, và như thế, cả người gieo lẫn kẻ gặt đều hớn hở vui mừng” (Gioan 4, 36), và trong bài diễn văn tuyệt vời của Ngài trong Bữa Tiệc Ly, nhấn mạnh vào một số trường hợp: những ai tin vào Ngài thì có được niềm vui trọn vẹn: “Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con” (Gioan 17, 13). Thánh Gioan sử dụng động từ khareo, vốn được liên kết trong ngôn ngữ cổ điển của người Hy Lạp, với một cách nhìn tốt đẹp về cuộc sống; trong tiếng Hy Lạp, để nói “xin chào”, người ta nói sử dụng từ Khaire vốn đã được sử dụng bởi thiên thần khi đến với Mẹ Maria: “Mừng vui lên!” (Luca 1, 28).
Chúa Giêsu cũng vẫn còn đang nói với các tín hữu chúng ta “Khaire – Mừng vui lên!” Dĩ nhiên, Ngài áp dụng lời nói đó vào hoàn cảnh sống của từng người để nói về niềm vui: “Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (Gioan16:20). Niềm vui nào? Niềm vui vì luôn được bình an, sự bình an của chính Chúa Giêsu: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian” (Gioan 14: 27), bình an của những người yêu mến Chúa Giêsu và biết mình được Thiên Chúa yêu mến qua Chúa Giêsu, được Thiên Chúa và Chúa Giêsu luôn ở cùng: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Gioan 14: 23) và “Niềm vui của anh em, không ai lấy mất được” (Gioan 16: 22).
Tin Mừng, tức là Lời Thiên Chúa được mặc khải qua Ngôi Lời là Chúa Giêsu, không làm tan biến đi những vấn nạn của cuộc sống, nhưng chính trong những vấn nạn đó Lời Thiên Chúa có thể mang lại niềm vui, khiến chúng ta đi sâu vào chính mình, vượt trên bất cứ vấn nạn nào, vượt trên bất kỳ mối quan tâm nào, trên bất cứ sự sợ hãi nào, bởi vì: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em” (Gioan 14: 17). Thật vậy, Chúa Giêsu đến để nói với chúng ta một lần nữa rằng, trong đời sống hằng ngày, cầu nguyện cũng như khi rao truyền Lời Chúa, bận rộn, căng thẳng, đôi khi giằng xé của chúng ta, Thiên Chúa luôn là khởi đầu, và Ngài luôn có sáng kiến: chính Thiên Chúa nói trước, chính Ngài đến qua Chúa Giêsu: “Thầy ra đi và đến cùng anh em” (Gioan 14: 28); chính Chúa là Đấng còn ở lại qua Chúa Thánh Thần: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Ngài sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Gioan 14: 16), “Ngài luôn ở giữa anh em và ở trong anh em” (Gioan 14: 17), chính Ngài “là Thần Khí phát xuất từ Thiên Chúa” (1 Côrintô 2: 12) mà mỗi tín hữu chúng ta lãnh nhận “để nhận biết những ân huệ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta” (1 Côrintô 2: 12) và làm cho các ân huệ của Đức Kitô được thành toàn và sinh hoa kết quả nơi tâm hồn mỗi tín hữu. Chính Chúa Thánh Thần “là nguyên lý của mọi hành động tác sinh và sự thật có giá trị cứu độ trong mỗi phần tử của thân thể. Ngài hoạt động bằng nhiều cách khác nhau để xây dựng toàn thân trong đức mến: bằng Lời Chúa, bằng bí tích Rửa tội, bằng ân sủng, bằng các nhân đức… giúp các tín hữu có khả năng và sẵn sàng đảm nhận các công việc và phận vụ khác nhau, để mưu ích cho việc canh tân, xây dựng và phát triển Hội thánh” (GLGHCG, số 789).
ĐTC Phanxicô, trong buổi tiếp kiến chung trực tuyến vào sáng thứ Tư ngày 17 tháng ba 2021, đã nói “Quà tặng đầu tiên được ban cho mỗi cuộc sống của Kitô hữu chính là Chúa Thánh Thần. Nó không phải là một trong nhiều quà tặng, mà là quà tặng cơ bản. Không có Chúa Thánh Thần thì không có tương quan với Chúa Kitô và với Chúa Cha. Vì Chúa Thánh Thần mở lòng chúng ta ra với sự hiện diện của Thiên Chúa và lôi cuốn lòng chúng ta vào “cơn lốc” tình yêu là chính trái tim của Thiên Chúa. Chúng ta không chỉ là khách trọ và lữ khách trong hành trình trên mặt đất này, chúng ta cũng là khách và người hành hương trong Chúa Ba Ngôi. Chúng ta giống như tổ phụ Ápraham, một ngày kia khi đón ba người đi đường vào lều của mình, đã gặp Thiên Chúa. Nếu chúng ta có thể cầu khẩn Chúa và gọi Người “Abba” – nghĩa là lạy Cha, là bởi vì Chúa Thánh Thần cư ngụ trong chúng ta; chính Ngài biến đổi chúng ta một cách sâu sắc và làm cho chúng ta cảm nghiệm được niềm vui cảm động được Thiên Chúa yêu thương như những người con đích thực của Ngài.”
Phêrô Phạm Văn Trung