HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CN LỄ NGÀY PHỤC SINH ABC
Cv 10,34a.37-43; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9
I. HỌC LỜI CHÚA
1.TIN MỪNG: Ga 20,1-9
(1) Sáng sớm ngày Thứ Nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá lăn khỏi mộ. (2) Bà liền chạy về gặp Simon Phê-rô và người môn đệ thương mến. bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ, và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu ?”. (3) Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. (4) Cả hai người cùng chạy, nhưng môn đệ kia mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. (5) Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó nhưng không vào. (6) Ông Simon Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, (7) và khăn che đầu, khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. (8) Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. (9) Thật vậy, trước đó hai ông chưa hiểu rằng: Theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.
2. Ý CHÍNH:
Gio-an viết Tin Mừng nhằm mục đích “Để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người” (ga 20,31). Riêng đoạn Tin Mừng hôm nay, Gio-an cho thấy Đức Giê-su thực sự đã từ cõi chết sống lại như Người đã báo trước.
3. CHÚ THÍCH:
– C 1: + Ngày Thứ Nhất trong tuần: Theo Sáng Thế Ký, thì một tuần lễ có bảy ngày. ngày Thứ Nhất là ngày sau ngày Sa-bát và bắt đầu một tuần lễ. Về sau, Giáo Hội dựa vào việc Chúa Phục Sinh hiện ra vào ngày Thứ Nhất, nên gọi là ngày Chúa Nhật hay Ngày Của Chúa. +sáng sớm… lúc trời còn tối: Về thời gian khi các phụ nữ ra thăm mộ, các Tin Mừng có những diễn tả hơi khác nhau: Ở đây Gio-an viết: “Sáng sớm ngày Thứ Nhất trong tuần, lúc trời còn tối” (x. Ga 20,1); Còn Mát-thêu viết: “Sau ngày Sa-bát, khi ngày Thứ Nhất trong tuần vừa ló rạng (x. Mt 28,1); So với Mác-cô: “Sáng tinh sương ngày Thứ Nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc” (x. Mc 16,2) ; Riêng Lu-ca lại viết: “Ngày Thứ Nhất trong tuần, vừa tảng sáng” (x. Lc 24,1). + Ma-ri-a Mác-đa-la: Mác-đa-la là một thị trấn nằm trên bờ phía tây biển hồ Ghen-nê-xa-rét. Là quê của bà Ma-ri-a. Bà đã từng bị 7 quỷ ám trước khi theo Chúa Giê-su (x. lc 8,2). Bà là một trong những phụ nữ đầu tiên đã ra thăm mộ Chúa (x. Ga 20,1; Mt 28,1; Lc 24,10). Trước đó, bà đã can đảm đứng gần thập giá (x. Ga 19,25; Mt 27,56) và đã chứng kiến hai môn đệ mai táng Thầy trong mồ (x. Mt 27,61; Mc 15,47).
– C 2: + Bà liền chạy về gặp ông Si-mon Phê-rô: Câu này nói lên vai trò quan trọng đặc biệt của Phê-rô là người đứng đầu Nhóm Mười Hai. Do đó, Ma-ri-a Mác-đa-la cần phải báo cáo với ông trước tiên về việc xác Thầy biến mất. + Và người môn đệ thương mến: Cách nói “môn đệ được thương mến” là kiểu nói riêng trong Tin Mừng Gio-an. Đây là cách tác giả nói về mình một cách khiêm tốn khi không muốn nhắc đến tên của mình. + Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ và chúng tôi không biết: Khi thấy mồ trống, Ma-ri-a Mác-đa-la không nghĩ đến việc Chúa sống lại như nhiều lần Người đã báo trước, mà bà chỉ theo suy luận tự nhiên để cho rằng ai đó đã đến mang xác Thầy ra khỏi mồ. Từ “Chúng tôi” trong câu này ám chỉ Ma-ri-a không đi ra mồ Chúa một mình mà đi chung với mấy bà khác nữa (x. Mt 28,1).
-C 3-4: + Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ: Khi được các phụ nữ báo tin mộ trống và xác Thầy biến mất, hai môn đệ nòng cốt là Phê-rô và Gio-an liền tức tốc chạy ra mộ để kiểm tra thực hư. điều đó cho thấy lòng nhiệt thành và ý thức trách nhiệm trổi vượt của hai ông. + Môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước: Lý do Gio-an chạy nhanh hơn và đến mộ trước Phê-rô đơn giản là vì ông trẻ hơn nên khỏe và chạy nhanh hơn Phê-rô, và có lẽ cũng vì nôn nóng do yêu mến Thầy nhiều hơn.
– C 5-6: + Băng vải còn ở đó: Đây là tấm vải lớn bao bọc toàn thân Đức Giê-su. Khăn này theo truyền thuyết còn được lưu giữ tại nhà nguyện thánh Gio-an ở Tu-ri-nô miền Bắc nước Ý. + Nhưng không vào: Gioa-an không vào có thể do ông tôn trọng và nhường cho Phê-rô là đàn anh vào trước mình. Nhưng đúng hơn có lẽ do ông cảm thấy bàng hoàng trước sự kiện cửa mồ rộng mở và mải lo suy nghĩ về những tấm khăn để lại, đủ thời gian cho Phê-rô theo sau kịp chạy đến nơi. + Si-mon Phê-rô … vào thẳng trong mộ: Phê-rô tính nóng nảy nên lập tức bước vào trong mồ.
– C 7-9: + Và khăn che đầu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi: Bên trong mộ các khăn liệm xác vẫn còn để lại, khác với trường hợp La-da-rô khi sống lại ra ngoài trong tình trạng “chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn (x. Ga 11,43-44). Điều này cho thấy Đức Giê-su không cần ai giúp đỡ khi trỗi dậy ra khỏi mồ. Người đã tự lăn tảng đá che kín mộ ra thì cũng có thể tự tháo gỡ các khăn liệm và khăn che mặt như vậy. Sự kiện khăn còn để lại cho Gio-an thấy Thầy Giê-su đã thực sự sống lại. Vì không kẻ trộm nào lại bỏ công sức và thời gian để làm một việc vô ích là cởi các dây vải ra và xếp gọn để vào một chỗ rồi mới đem xác trần đi cả ! + Ông đã thấy và đã tin: Dấu chỉ ngôi mộ trống và các băng vải liệm xác được xếp gọn lại đã giúp Gio-an suy luận và đạt tới đức tin vào mầu nhiệm Đức Giê-su đã từ cõi chết sống lại. +Trước đó hai ông chưa hiểu rằng: Theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết: Trước khi thấy các dấu chứng vừa nói thì Gio-an và các Tông đồ đều không tin Thầy các ông sẽ sống lại, dù Người đã báo trước tới ba lần (x. Mt 16,21; 17,23; 20,19). Nhưng khi thấy các dấu chứng như mồ trống, các khăn vải liệm xác, dây băng được cuộn lại riêng một chỗ, thì các ông đã nhớ lại những lời Thánh Kinh được ứng nghiệm nơi Đức Giê-su và tin Người đã thực sự sống lại từ cõi chết (x.Tv 16,10; Tv 2,7; Hs 6,2).
4. CÂU HỎI:
1) Tại sao ngày nay người ta gọi ngày Thứ Nhất trong tuần là Chúa Nhật ? 2) Về thời điểm bà Ma-ri-a Mác-đa-la ra thăm mồ Chúa, so sánh bản tường thuật của 4 tác giả Tin Mừng khác nhau như thế nào ? 3) Bạn biết gì về thân thế của bà Ma-ri-a Mác-đa-la ? 4) Bà đã báo tin xác Thầy biến mất cho ai ? Tại sao ? 5) Qua câu nói với Phê-rô và Gio-an, bà Ma-ri-a Mác-đa-la có tin việc Thầy Giê-su đã phục sinh hay không ? 6) Hành động chạy nhanh ra mồ của Phê-rô và Gio-an cho thấy tinh thần trách nhiệm của 2 ông như thế nào ? 7) Tại sao Gio-an chạy nhanh hơn Phê-rô ? 8)Tại sao ông Gio-an đến mộ trước Phê-rô mà không vào bên trong mộ ngay ? 9) Khi thấy hiện tượng mồ trống, băng vài và khăn che đầu được xếp gọn, hai ông đã tin gì về mầu nhiệm Đức Giê-su sống lại ?
II.SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: Ông đã thấy và đã tin (Ga 20,8).
2. CÂU CHUYỆN:
1) NGÔI MỘ TRỐNG CỦA ĐỨC GIÊ-SU:
Đầu tháng 3/2007, kênh truyền hình Discovery đã cho trình chiếu một phim tài liệu mang tựa đề “Ngôi Mộ Thất Lạc của Chúa Giê-su”. Nội dung xoay quanh việc khám phá khảo cổ năm 1980 ở khu Talpiot, phía đông Giê-ru-sa-lem. Mười hộp đựng cốt đã đưọc khai quật, trong đó có một hộp khắc tên Giê-su con ông Giu-se. Phải chăng đoàn làm phim đã kiếm được bằng chứng khảo cổ về con người Giê-su thành Na-gia-rét ? Phải chăng đây là chứng cớ làm lung lay niềm tin vào Đấng Phục Sinh?
Các chuyên gia khảo cổ Do thái đã không cho là như thế. Vì chín phần trăm đàn ông Do thái ở thế kỷ thứ nhất mang tên Giê-su; mười bốn phần trăm mang tên Giu-se. Đây không phải là lần đầu tiên, và cũng không phải là lần cuối cùng những hộp đựng cốt như thế này xuất hiện. Ít ra là đã có hai hộp mang tên Giê-su con ông Giu-se được khai quật từ năm 1930. Câu chuyện tìm được hài cốt của Chúa Giê-su chỉ là giả tưởng.
Như vậy chúng ta có thể đi đến một kết luận rằng tuy chúng ta không thể căn cứ vào sự kiện ngôi mộ trống để quả quyết một cách chính xác rằng Chúa đã sống lại thật, nhưng chúng ta phải nhận rằng sự kiện ngôi mộ trống là một sự kiện có thực. Sự thật này có thể được coi là một đóng góp quan trọng vào những sự kiện khác để chứng minh cho việc phục sinh của Chúa.
Mừng Chúa Phục Sinh, chúng ta tuyên xưng rằng: đằng sau câu chuyện “Ngôi Mộ Trống” là sự hiện diện đích thực của một “Đấng Phục Sinh”, của một quyền năng có sức mạnh biến cải những trái tim đang đau buồn thất vọng thành bừng sáng tin yêu, biến những con người yếu đuối nhát sợ nên mạnh mẽ tuyên xưng đức tin dù phải lấy cái chết mà “làm chứng” Thầy mình đã sống lại và đang sống.
2) VỀ SỨ VỤ RAO GIẢNG TIN MỪNG PHỤC SINH:
Sau khi chịu chết trên thập giá, Đức Giê-su đã sống lại và vào trong vinh quang. Tuy vậy, trên tay chân và cạnh sườn Người vẫn còn mang những dấu tích đau thương từ những cây đinh nhọn và lưỡi đòng đâm thâu. Một vị thiên thần đã lên tiếng hỏi Đức Giê-su rằng: “Chắc Chúa đã phải chịu muôn vàn đau khổ nhục nhã do loài người dưới thế gây ra ?” Người đáp: “Đúng vậy !” Thiên thần hỏi tiếp: “Có phải tất cả con cái loài người đều biết Chúa đã chịu đau khổ và chịu chết để đền thay các tội lỗi của họ không ?” Chúa trả lời: “Chưa đâu, mới chỉ có một số ít người nhận biết mà thôi”. Thiên thần lại nói: “Thế thì Chúa đã làm gì để họ nhận biết ơn cứu độ đó ?” Chúa đáp: “Ta lại đi loan báo Tin Vui cho những người khác, đến khi nào tất cả mọi người trên địa đầu đều được nghe Tin Mừng cứu độ ấy mới thôi”. Vị thiên thần đã hiểu rõ tính bốc đồng của loài người và nghi ngờ họ nên hỏi tiếp: “Giả như Phê-rô, Gio-an và các Tông đồ quên thi hành sứ mệnh rao giảng đó thì sao ? Nếu các tín hữu các thế hệ sau này có lúc nào đó gặp phải những bách hại chống đối của kẻ gian ác mà chán nản buông xuôi thì sao ? Chúa có lập thêm một chương trình cứu độ nào khác nữa thôi ?” Chúa Giê-su trả lời: “Ta sẽ không bao giờ lập ra thêm một chương trình cứu độ nào khác nữa ! Ta đã biết trước tính khí con cái loài người thường nhát đảm sợ sệt và bất định, nên đã thổi hơi ban sức mạnh Thần Khí của Ta cho họ, để giúp họ thi hành sứ mệnh, và Ta hoàn toàn tin tưởng họ sẽ chu toàn được sứ mệnh đó”.
3) MẦU NHIỆM PHỤC SINH DIỄN TẢ TÌNH THƯƠNG VÔ BIÊN CỦA THIÊN CHÚA :
Tại một nghĩa trang bên Đức, có mội ngôi mộ rất được chú ý, đó là ngôi mộ được làm bằng đá hoa cương, bên dưới đúc xi măng cột sắt rất kiên cố. Ngôi mộ được nhiều người chú ý vì đó là ngôi mộ của một người đàn bà giàu có. Trong chúc thư, bà yêu cầu người ta xây cho bà một ngôi mộ kiên cố, để nếu có sự sống lại của người chết, thì bà vẫn nằm yên dưới mộ. Trên mộ, bà ta xin được ghi: “Đây là ngôi mộ sẽ không bao giờ mở ra”.
Thời gian trôi qua, ngôi mộ xem ra vẫn kiên cố. Thế nhưng một hôm có một hạt giống rơi vào khe đá của ngôi mộ, gặp đất bên dưới, nó bắt đầu nẩy mầm, lớn lên thành cây, rễ của nó đâm xuyên qua ngôi mộ để rồi cuối cùng làm cho quan tài của người đàn bà vỡ ra.
Câu truyện trên đây diễn tả tình yêu vô bờ của Thiên Chúa đối với con người, khi cho Đức Ki-tô sống lại từ cõi chết để mở ra cho con người lối đi vào sự sống vĩnh cửu với Ngài. Con người có thể chối bỏ và khước từ Thiên Chúa, nhưng với muôn ngàn cách thế mà con người khôn lường được, Thiên Chúa vẫn tiếp tục theo đuổi con người. Con người tưởng mình có thể lẩn trốn được Thiên Chúa, nhưng qua một hạt giống nhỏ bé, tình yêu của Ngài vẫn tiếp tục len lỏi vào tâm hồn của con người. Thiên Chúa là Chúa của sự sống. Vinh quang, danh dự và niềm vui của ngài là cho con người được hưởng sự sống đời đời. Cho dù con người có loại bỏ Thiên Chúa để đi tìm cái chết, Ngài vẫn luôn theo duổi và chờ đợi con người đáp lại tình thương của Ngài để được sống với Ngài.
4) GƯƠNG CAN ĐẢM TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN:
Một câu chuyện rất cảm động đã xảy ra hồi thế chiến thứ hai tại Liên xô.
Một người đàn bà bị bắt làm tù nhân trong một trại giam tại Liên xô cũ. Chính bà kể lại câu chuyện mà bà đã mắt thấy tai nghe, để mọi người tin vào sức mạnh của mầu nhiệm phục sinh của Chúa.
“Một buổi chiều kia, một cô gái trẻ cùng bị giam với chúng tôi đã kề miệng vào tai tôi hỏi khẽ:
– Chị biết hôm nay là ngày gì không?
Rồi không đợi tôi trả lời, cô ta nói tiếp:
– Hôm nay là ngày lễ Phục sinh.
Nghe thế tôi tự hỏi:
– Lễ Phục sinh đã đến rồi sao? Lễ của niềm vui và của hy vọng nhưng trong tù niềm vui của chúng tôi đã héo úa, khô cằn, còn niềm hy vọng thì ta để lại trong lòng và không dám suy nghĩ tiếp.
Bỗng một tiếng reo vang nổi lên phá tan bầu không khí nặng nề:
– Đức Kitô đã sống lại!
Tôi quay lại nhìn mặt cô gái vừa cất tiếng tuyên xưng đức tin và bắt gặp đôi mắt cô ánh lên sự lung linh huyền diệu. Cùng lúc ấy, từ mọi phía của các phòng giam khác vang lên câu trả lời:
– Ngài đã sống lại thật.
Quá sửng sốt, các nhân viên trại giam đứng bất động như tượng gỗ. Có lẽ trong tâm trí họ đang giận dữ lên án một việc chưa bao giờ xảy ra tại đây. Sau một lúc yên lặng, tôi nghe tiếng giày nặng nề tiến đến phòng giam của chúng tôi, rồi phòng bị mở tung cửa, hai nhân viên hỏi ai đã xướng câu mê tín dị đoan đó, và hùng hổ túm lấy cô gái lôi sền sệt ra khỏi phòng.
Qua tuần lễ Phục sinh, họ giam riêng cô vào phòng không có lò sưởi để qua cái lạnh thấu xương và cơn đói hành hạ một con người mà họ cho là cuồng tín sẽ phải gục ngã.
Một tuần sau, cô gái được trả lại phòng giam chung với chúng tôi. Mặt cô xanh xao, người cô gầy đi thấy rõ. Sau khi nằm yên tại một góc phòng, cô gái khều bọn tôi lại, và thều thào:
– Dù sao tôi cũng đã tuyên xưng niềm tin vào sự Phục sinh trong trại giam, những cái khác không quan trọng gì cho lắm.
Nói xong, cô cố gắng mỉm cười và tôi thấy ánh mắt cô vẫn ánh lên như dạo nào”.
3. SUY NIỆM:
Bằng lối văn súc tích và hàm chứa những tư tưởng sâu sắc, Tin Mừng Gio-an đã mô tả cuộc hành trình đức tin và đức mến của ba nhân vật quan trọng trong bài Tin Mừng Phục Sinh hôm nay như sau:
1) LÒNG MẾN ĐÃ THÚC BÁCH MA-RI-A MÁC-ĐA-LA ĐI TÌM CHÚA:
Niềm vui Phục Sinh khởi đầu bằng việc bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi thăm mộ ngay từ sáng tinh sương ngày Thứ Nhất trong tuần. Bà hốt hoảng khi thấy tảng đá che cửa mồ đã bị lăn sang một bên và xác Thầy trong mộ biến mất. Cũng như do lòng mến đã làm cho bà thêm can đảm đứng dưới chân thập giá (x. Ga 19,25), và ở lại chứng kiến việc 2 môn đệ an táng Thầy trước đó (x. Mt 27,61), thì giờ đây lại thôi thúc bà cùng mấy bà khác đem theo dầu thơm ra mộ để ướp xác Thầy theo phong tục Do thái (x. Mc 16,2). Khi thấy mộ trống, Ma-ri-a hốt hoảng chạy về báo tin cho hai môn đệ Phê-rô và Gio-an (x. Ga 20,2). Theo bà suy nghĩ thì ai đó đã đến lấy mất xác Thầy và bà không biết họ đã để Thầy ở đâu (x. Ga 20,13.15). Ma-ri-a không hề nghĩ rằng Thầy đã phục sinh, mà bà chỉ mong sao tìm lại được xác Thầy để mang về chôn lại trong mộ mà thôi. Sau khi Phê-rô và Gio-an chạy ra mộ rồi trở về, thì một lần nữa, do lòng mến thôi thúc, Ma-ri-a lại quay ra mồ than khóc. Trong lần ra mộ thứ hai này, bà đã trở thành người đầu tiên gặp được Chúa Phục Sinh hiện ra. Người còn trao cho bà sứ mệnh đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho các Tông đồ như sau: “Hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ rằng: Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20,17).
2) LÒNG MẾN ĐÃ GIÚP GIO-AN NHẬN BIẾT CHÚA PHỤC SINH TRƯỚC ANH EM:
Gio-an là một trong bốn môn đệ được Thầy kêu gọi đầu tiên (x Mt 4,21). Là một trong ba môn đệ được chứng kiến Thầy biến hình (x Mt 17,1) và cũng là người môn đệ được Thầy yêu mến nhất (x Ga 13,23). Tình yêu đối với Thầy đã thôi thúc ông, làm cho ông trở thành người can đảm hơn cả: Không bỏ chạy nhưng âm thầm theo dõi các sự kiện xảy ra từ lúc Thầy bị bắt đến khi bị xét xử giữa hai tòa án đạo và đời; Can đảm đứng dưới chân thập giá để chứng kiến giờ phút cuối cùng của Thầy và được Thầy trăn trối Đức Ma-ri-a làm Mẹ của mình và đón Mẹ về nhà mà phụng dưỡng thay cho Thầy (x Ga 19,27). Cũng do tình yêu thôi thúc mà Gio-an đã trở thành người môn đệ đầu tiên trong Nhóm Mười Hai nhận ra Chúa Phục Sinh tại biển hồ Ti-bê-ri-a (x Ga 21,7). Cũng chính tình yêu ấy đã thúc bách Gio-an chạy nhanh hơn Phê-rô và đạt đến đức tin trước Tông đồ Phê-rô (x Ga 20,8).
3) LÒNG MẾN LÀM PHÊ-RÔ ĐƯỢC THA TỘI VÀ ĐƯỢC TRAO QUYỀN MỤC TỬ:
Phê-rô là một trong bốn môn đệ đã theo Đức Giê-su trước hết (x. Mt 4,18-20). Ông đã tình nguyện bỏ hết mọi sự mà đi theo Thầy (x. Mt 19,27-29; Lc 18,28-30). Ông luôn được xếp đứng đầu danh sách Nhóm Mười Hai (x Mt 10,2). Ông còn là một trong ba môn đệ được nhìn thấy Thầy biến hình trên núi cao (x Mt 17,1), được chứng kiến phép lạ Người cho bé gái mới chết sống lại (x Lc 8,51), được ở gần Đức Giê-su khi Người hấp hối trong vườn Ghết-sê-ma-ni (x Mt 26,37). Trong thời gian rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su có lần đã đến ở trọ tại nhà ông Si-mon Phê-rô tại thành Ca-phác-na-um (x Mc 1,29). Phê-rô thường đại diện anh em tuyên xưng đức tin “Thầy chính là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Nhờ đức tin đó, Phê-rô đã được khen có phúc, và được Thầy hứa sẽ xây Hội Thánh trên nền tảng đức tin vững chắc như đá của ông. Người cũng trao quyền cầm buộc và tháo cởi cho ông (x Mt 16,17-19). Ông còn được trao sứ mệnh củng cố đức tin cho anh em sau khi trở lại (x. Lc 22,31-32).
Dù còn nhiều khuyết điểm như: bị Thầy nặng lời quở trách vì dám khuyên Thầy đừng chấp nhận con đường thập giá (x Mt 16,22-23), hoặc có lúc ông đã bị Thầy trách kém lòng tin (x Mt 14,31) hay trách khi ông không muốn cho Thầy rửa chân (x Ga 13,6-8). Bị trách khi quá tự tin vào mình (x Mt 26,33-35). Nhất là đã hèn nhát chối Thầy ba lần, dù đã được Thầy cảnh báo trước đó (x Mt 26,69-75). Nhưng bù lại ông cũng có lòng yêu mến Thầy hơn mọi người. Lòng mến của Phê-rô thể hiện qua việc dứt khoát bỏ nghề chài lưới bắt cá để theo Thầy làm nghề chài lưới các linh hồn (x Mt 4,18-20). Ông cũng thường được Đức Giê-su hỏi ý kiến như: Thầy trò có nên nộp thuế Đền thờ không ? (x Mt 17,24-27). Có lần ông hỏi ý Đức Giê-su về số lần phải tha thứ cho anh em (x Mt 18,21). Ông cũng đại diện anh em để tuyên xưng đức tin và thề quyết trung thành với Thầy đến cùng (x Ga 6,68-69). Ông tỏ ra can đảm khi rút gươm ra chém tên đầy tớ của thượng tế để bảo vệ Thầy (x Ga 18,10). Ông đi theo Gio-an để theo dõi diễn tiến cảnh Thượng Hội Đồng xét xử Thầy (x Ga 18,15). Trong Tin Mừng hôm nay, khi nghe các phụ nữ báo tin xác Thầy bị mất, Phê-rô cùng Gio-an chạy ra mộ để kiểm chứng thực hư. Trước sự kiện mồ trống, các khăn vải liệm xác vẫn còn, Phê-rô đã tin Thầy đã sống lại chứ không bị trộm xác (x Ga 20,8-9). Sau đó ông còn được Chúa Phục Sinh hiện ra trước anh em Nhóm Mười Một (x Lc 24,34; 1 Cr 15,5). Khi được Gio-an quả quyết người mặc áo trắng đứng trên bờ hồ là Thầy, Phê-rô vội khoác áo vào nhảy xuống biển bơi vào bờ để mau được gặp Thầy (x Ga 21,7). Ông cũng tuyên xưng lòng mến ba lần và được Thầy trao sứ mệnh chăn dắt chiên con chiên mẹ và đàn chiên Hội Thánh (x Ga 21,15-17). Lúc cuối đời ông còn chứng tỏ lòng mến tột cùng khi sẵn sàng chịu chết để làm chứng cho thầy (x Ga 21,18-19).
4) GIÁ TRỊ CỦA ĐỨC TIN VÀ LÒNG MẾN:
Chính lòng mến Chúa đã làm cho Ma-ri-a Mác-đa-la ăn năn sám hối tội lỗi, đi ra thăm mộ đầu tiên và đã được Chúa Phục Sinh hiện ra trao sứ mệnh loan báo Tin mừng Phục Sinh cho các Tông đồ. Cũng chính lòng mến đã làm cho Gio-an nhận ra Thầy trước các anh em và thấy được ý nghĩa các sự kiện của mầu nhiệm Chúa Phục Sinh. Lòng mến cũng làm cho ông Phê-rô luôn gắn bó với Thầy, hy sinh mọi sự để theo làm môn đệ của Thầy. Dù có lúc yếu đuối sa ngã phạm tội, nhưng ông đã mau hồi tâm sám hối và được Thầy tín nhiệm trao sứ mệnh làm Đá Tảng đức tin, củng cố đức tin cho anh em (x Lc 22,32), và còn được trao quyền chăn dắt đàn chiên Hội Thánh.
Đối với các tín hữu chúng ta, lòng mến rất cần để ta khỏi bị thất vọng hay hốt hoảng khi gặp đau khổ thất bại giữa đời thường. Cuộc sống chúng ta nhiều lúc giống như một ngôi mộ trống rỗng, khi những gì chúng ta yêu quý nhất hoặc những người thân yêu nhất không còn, chúng ta thường chạy đôn chạy đáo đi tìm người chết trong nước mắt như Ma-ria Mác-đa-la xưa (x Ga 20,11.13). Nhưng cái chết đã không giam hãm được sự sống: Sự sống đã trỗi dậy từ cõi chết; Ánh sáng đã bừng lên từ bóng tối tử thần;Tình yêu đã chiến thắng hận thù và Tin Mừng sẽ được loan báo đi khắp thế gian.
4.THẢO LUẬN:
1) Nơi Đức Giê-su sự sống đã chiến thắng thần chết, tình yêu đã chiến thắng hận thù. Còn bạn, bạn có tin rằng đối với những kẻ biết đặt trọn niềm tín thác cậy trông vào Chúa thì “Sau cơn mưa trời sẽ lại sáng”, “Sau cơn bĩ cực tới hồi thái lai” hay không ? 2) Khi gặp phải những hoàn cảnh đau thương trái ý, bạn cần làm gì để không bị chán nản thất vọng, nhưng luôn đặt trọn niềm hy vọng vào Chúa sẽ ban ơn giải cứu và giúp bạn được ơn trỗi dậy ?
5. LỜI CẦU:
– LẠY CHÚA GIÊ-SU PHỤC SINH. Vì Chúa đã phục sinh, nên con luôn vững tâm cậy trông vào Chúa. Vì Chúa đã phục sinh, nên con sẽ không sợ khi gặp phải đau khổ thất bại trong cuộc đời. Vì Chúa đã phục sinh, nên con đã hiểu được lý do của những hành động dấn thân: Cha Đa-miêng hy sinh cả cuộc đời phục vụ các bệnh nhân phong cùi, Cha Kôn-bê đã tình nguyện chịu chết thế chỗ cho một tử tù, các thánh Tử Đạo VN đã sẵn sàng chịu chết để làm chứng cho Chúa.
– LẠY CHÚA GIÊ-SU. Sự phục sinh của Chúa vừa là lời mời gọi, lại vừa lôi cuốn chúng con hướng tâm hồn lên cao để nhận ra giá trị tương đối của sắc đẹp, tiền bạc, danh vọng, chức quyền trần gian… hầu noi gương các thánh: sẵn sàng hy sinh tất cả vì tình yêu Chúa và dám sống chết cho tình yêu ấy, để quyết dấn thân đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng, sẵn sàng đón nhận những đau khổ thua thiệt… vì xác tín rằng: “Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
LM ĐAN VINH – HHTM