Thế giới đang ngày một đối mặt với thiên tai dồn dập. Hết động đất, sóng thần, lại đến bão lũ cuồng phong. Ngày xưa không có siêu động đất, siêu sóng thần, cũng chẳng có siêu bão như ngày nay. Ngày nay thứ gì cũng có thêm chữ “siêu” đàng trước cả: siêu vi, siêu phẩm, siêu phẳng, siêu mỏng, siêu nhân, siêu sao, siêu mẫu, siêu giàu, siêu nghèo, v.v… Dường như bão lụt thiên tai cũng ăn theo chữ “siêu”, đủ thứ “siêu tai”: siêu thiên tai, siêu nhân tai. Trước kia ở Việt Nam bão thường được dự báo cấp 12 là hết cỡ, nay thang số 16, 17 vẫn chưa đủ để đo lường cấp độ của các cơn siêu bão, chẳng hạn như siêu bão Haiyan.
Sau khi tàn phá đảo quốc Philippin, khiến ít nhất 4 người chết, hàng trăm ngàn người mất nhà cửa, hàng triệu người phải sơ tán, 90% cơ sở hạ tầng ở những nơi mà nó đi qua bị phá huỷ, siêu bão Haiyan giờ đang trực chỉ Miền Trung Việt Nam. Người dân Miền Trung đang phải gồng mình khắc phục hậu quả của các cơn bão số 10, và 11, nay lại phải đối mặt với siêu bão Haiyan. Sau siêu bão sẽ còn lũ lụt tồi tệ nữa. Thiên tai chồng thiên tai, khiến cho người dân Miền Trung dường như không ngước mặt lên được.
Người ta có thể nói không sai rằng ngày nay không còn nơi nào trên trái đất là an toàn, an ninh tuyệt đối. Sàigòn từng một thời được mệnh danh là “hòn ngọc” viễn đông, nay không còn là hòn ngọc nữa, mà là “hòn than”, theo nghĩa là nơi mà người ta phải “than trời”. Than trời vì ô nhiễm môi trường sống tràn lan; than trời vì nạn trộm cướp hoành hành; than trời vì thực phẩm, đồ ăn thức uống mất an toàn nghiêm trọng vì bị nhiễm đủ thứ hoá chất độc hại; nhất là than trời vì mỗi lúc triều cường hay mưa lớn (hoặc cả hai kết hợp) thì đường phố thành sông, nước ngập lênh láng, mùi xú uế nồng nặc… Đời sống dân tình vì thế mà ngày một điêu linh.
Tuy nhiên, với cái nhìn lạc quan, thì những thực tại thương đau do thiên tai hay nhân tai đó cũng cho người ta thấy rằng trái đất này, thế giới này là giới hạn, là bất toàn, và rằng đời sống con người nơi trần gian này cũng chỉ là tạm bợ, vô thường và chóng qua. Chắc hẳn phải có một đời sống khác, một thế giới khác không còn đau khổ, vô thường và chết chóc, một thế giới mà con người sẽ trở nên “như các thần tiên”. Đó là Niết Bàn theo quan niệm của Phật giáo, hay Thiên Đàng của Do thái giáo, Hồi giáo, và Kitô giáo chúng ta.
Dĩ nhiên, vấn đề có hay không một thế giới mai sau và cuộc sống trong thế giới mai sau ấy như thế nào, vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi đối với nhiều người, nhất là với người xưa. Như ta biết, vào thời Chúa Giêsu, một nhóm có tên gọi là Sađốc chủ trương không tin có sự sống lại và họ cũng không tin các Thiên thần. Bởi đó, họ đến gặp Chúa Giêsu để hỏi thử và đồng thời cũng tìm cách để chế diễu Ngài. Qua câu chuyện tưởng tượng về “người đàn bà có bảy đời chồng”, họ đặt ra cho Chúa Giêsu hai vấn nạn: có sự sống lại hay không, và nếu có sự sống lại thì sự sống đó như thế nào?
Chúa Giêsu lần lượt trả lời cách rõ ràng hai vấn nạn mà những người Sađốc đã nêu lên. Dĩ nhiên, Ngài là Đấng từ trời xuống, chắc chắn câu trả lời của Ngài là chính xác và đáng tin nhất.
– “Thiên Chúa là Chúa của kẻ sống”: Qua lời khẳng định này, Chúa Giêsu cho họ biết rằng có đời sau, có sự sống lại và có các Thiên Thần. Ngài dựa vào Ngũ Kinh vốn là 5 cuốn sách đầu của Kinh Thánh mà nhóm Sađốc nhìn nhận để khẳng định với họ về sự sống lại. Hơn nữa, chính việc Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết là câu trả lời thuyết phục hơn cả đối với họ.
– “Họ sẽ nên giống như các Thiên thần”: Nghĩa là không còn sống đời sống hôn nhân, không còn việc cưới vợ gả chồng. Vì một khi đã sống lại thì không bao giờ chết nữa, và vì thế mà việc duy trì nòi giống là không còn cần thiết nữa. Họ sẽ nên “như các Thiên thần”, câu này mang hai ý nghĩa: một là thân xác hoàn toàn được biến đổi, như thân xác phục sinh của Đức Kitô; hai là không còn sống cuộc sống đời này mà chỉ còn việc phụng thờ Thiên Chúa và sống với Ngài mà thôi.
Có em thiếu nhi hỏi: “Thưa cha, khi sống lại thì được lên trời. Vậy thì ở trên trời có đá banh, có câu cá, có trò chơi điện tử, có nhảy dây… không cha? Vì con rất thích những thứ đó. Nếu không có thì buồn lắm. Chắc con không lên đâu. Hehe!”
Tôi trả lời với em: “Trên trời sẽ có những trò chơi khác vui hơn con ạ. Mai mốt lên đó, con sẽ biết”.
Thực sự khi đươc sống với Chúa là hạnh phúc tròn đầy rồi. Các em học sinh không còn phải lo lắng học bài làm bài, không còn phải sợ thi rớt hay ở lại lớp; tất cả mọi người không còn phải sợ bệnh tật đau khổ, không còn phải đối mặt với tội lỗi, nhất là không bao giờ phải chết nữa. Mà chỉ có niềm vui và hạnh phúc trong Chúa mà thôi. Dĩ nhiên niềm vui và hạnh phúc trong Chúa thì hơn gấp trăm gấp ngàn lần niềm vui và hạnh phúc ở trần gian này. Nếu không thì Chúa đã không tha thiết mời gọi chúng ta cố gắng hy sinh để đạt được.
Ông bà ta thường nói: “Con vua thì được làm vua” con sãi ở chùa thì quét lá đa”! Những ai tin vào Thiên Chúa sẽ được “Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa”, mà Thiên Chúa là “Thiên Chúa của kẻ sống” thì con cái của Thiên Chúa, là kẻ tin và sống trong Người thì làm sao bị diệt vong được.
Trong tháng Các Đẳng linh hồn, Giáo Hội mời gọi ta dâng các việc lành phúc đức và cầu nguyện cho những người đã khuất. Khi dâng các việc lành phúc đức và cầu nguyện cho những người đã khuất là chúng ta đang tuyên xưng niềm tin của mình vào sự sống lại và sự sống đời đời, sự sống mà chính Đức Kitô đã khai mở cho chúng ta, vì “Ngài là hoa quả đầu mùa của những kẻ yên giấc”.
Nếu không tin vào sự sống mai sau thì chẳng ai cầu nguyện cho các linh hồn làm gì và cũng chẳng có lễ cầu hồn, như người Công giáo chúng ta vẫn thường dâng. Nếu không tin vào sự phán xét cá nhân và sự thưởng phạt ngay sau khi chết, thì mọi lời cầu nguyện và nghĩa cử ta làm cho người chết đều trở nên vô nghĩa. Bởi thế bên Giáo hội Tin lành không có chuyện cầu hồn hay xin lễ cho Các Đẳng, bởi vì họ không tin vào sự phán xét cá nhân, và sự thưởng phạt ngay sau khi chết. Còn chúng ta khi dâng các việc lành phúc đức và cầu nguyện cho những người đã khuất là chúng ta gián tiếp tuyên xưng niềm tin vào sự sống, sự thưởng phạt ngay sau khi chết, và sự sống đời đời.
Bà mẹ và bảy người con trong Bài đọc I là những người tin có sự sống đời sau, và họ đã làm chứng cho niềm tin ấy bằng cách dám hy sinh mạng sống đời này. Còn chúng ta, chúng ta tuyên xưng có sự sống đời sau, thì chúng ta cũng phải làm chứng cho người khác thấy là chúng ta thực sự tin như thế. Có như vậy họ mới có thể tin theo chúng ta.
Nhưng thế nào là chứng tỏ mình thực sự tin vào cuộc sống đời sau? Thưa là trong khi còn sống, chúng ta không chỉ tìm kiếm những giá trị vật chất để bảo đảm cho đời này, mà còn tìm kiếm cách hăng say hơn những giá trị tinh thần và đạo đức để bảo đảm cho cuộc sống đời sau. Đó là hết lòng kính mến Chúa qua việc học hỏi Lời Chúa, siêng năng tham dự Thánh lễ và lãnh nhận các Bí tích. Đó còn là hết lòng sống công bằng, bác ái yêu thương mọi người, và nỗ lực xa lánh mọi tội lỗi làm mất lòng Chúa.
Hãy tạ ơn Chúa vì Ngài đã mạc khải cho ta biết về thế giới mai sau qua Đức Giêsu Kitô. Xin Chúa cho ta biết sống xứng đáng là con cái của Chúa trong cuộc sống hôm nay, để mai ngày ta cũng được sống lại và hưởng niềm vui vĩnh cửu trong tình yêu của Chúa. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long