Bài Tin Mừng hôm nay (CN.V/TN.C – Lc 5, 1-11) trình thuật Đức Giê-su làm phép lạ tại hồ Ghen-nê-xa-rét: Những người đánh cá (trong đó có ông Si-môn và hai người con ông Dê-bê-đê, là Gia-cô-bê và Gio-an) bằng những dụng cụ chài lưới thường dùng và những kinh nghiệm từng trải, đã “vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả”; nhưng khi “vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”, cũng vẫn những dụng cụ và cách thức ấy, thì kết quả đã vượt quá sức tưởng tượng (“họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm”). Đứng trước mẻ cá vừa bắt được, không chỉ có ông Si-môn mà “tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. Cả hai người con ông Dê-bê-đê, là Gia-cô-bê và Gio-an, bạn chài với ông Si-môn, cũng kinh ngạc như vậy.”
Sự kiện đó xảy ra đã làm thay đổi hẳn cách nhìn (quan điểm) của thánh Phê-rô và đám đông về Đức Giê-su Ki-tô, đến nỗi mà thánh nhân phải “sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”. Và còn hơn thế nữa, vì qua biến cố này, Đức Giê-su còn muốn biến những kẻ chài lưới bình thường ấy thành những người không còn phải lưới cá nữa, mà là “lưới người” (“Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” – Mt 4, 19). Và “Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.” (Lc 5, 11). Như vậy thì phải nói là Đức Giê-su đã làm phép lạ lưới người ngay khi Người khai mạc sứ vụ, và mẻ lưới đầu tiên đã lưới được 3 môn đệ: ông Si-môn Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an. Không những thế, còn “thu phục được nhân tâm” (Lc 5, 11) của cả đám đông người hiện diện. “Thu phục được nhân tâm” chẳng phải là cách “lưới người” đó sao?
Rõ ràng Đức Ki-tô đã dùng hình ảnh sống động “lưới cá” trong cuộc mưu sinh hàng ngày của các môn đệ, để nói về một công việc nghe có vẻ trừu tượng: “lưới người”. Người muốn các môn đệ hiểu được Người muốn nói về chính sứ vụ của Người – sứ vụ mà Người muốn trao cho các môn đệ thực thi: “rao giảng Tin Mừng, mở mang Nước Chúa”. Công việc nghe có vẻ rất trừu tượng ấy lại được thực thi bằng những hành vi cụ thể: lời nói, việc làm, thậm chí bằng cả cuộc sống. Các môn đệ đã quá rõ về nghề chài lưới không chỉ cần đến các công cụ (ghe thuyền, chài lưới) cho thật tốt, mà còn cần – rất cần – phải biết chọn đúng thời điểm theo thời vụ ở mỗi địa điểm (vd: sáng thì nên thả lưới chỗ nào, trưa, chiều, tối thì nên thả lưới chỗ nào có nhiều cá; rồi còn phải biết tính vào mùa nào trong năm, vào thời điểm nào trong tháng … thì nên thả lưới ở đâu). Ngoài ra, còn cần đến những phương pháp, kỹ năng chài lưới sao cho có hiệu quả tối ưu nữa. Qua một phép lạ và chỉ trong một câu ngắn gọn, Đức Ki-tô đã làm cho người nghe hiểu và tin vào Người Thầy của mình sẽ giúp mình trở nên một người tinh thông và đủ năng lực thực hiện một hành vi trừu tượng: “lưới người”.
Chứng kiến phép lạ, tất cả những người hiện diện đều kinh ngạc. Tuy nhiên, trong số đó, người bộc lộ cá tính rõ nét nhất phải kể là ông Si-mon Phê-rô, vì ngài là người có gì, nghĩ gì, là nói thẳng ra, không quanh co, lắt léo. Chính cái cá tính bộc trực đó của thánh Phê-rô đã khiến thánh nhân gặp nhiều biến cố – tích cực có, tiêu cực có – khi đi theo Thầy chí thánh Giê-su. Về mặt tích cực, thì ngay biến cố đầu tiên này đã làm cho thánh Phê-rô thức tỉnh, nhận ra Người Thầy của mình chính là Chúa – là Thiên Chúa – của mình, khiến ngài đã đổi cả cách xưng hô và thể hiện một động tác quy phục tột đỉnh (từ “Nhưng, vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”, đến “sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói : “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”).
Về mặt tiêu cực thì có thể kể 2 biến cố nổi bật: đó là biến cố “Đức Ki-tô đi trên mặt biển” và biến cố “Phê-rô chối Chúa”. Nơi biến cố “Đức Ki-tô đi trên mặt biển”, xét về mặt chủ quan của chính chủ thể Phê-rô, thì thấy rõ ràng ngài đã thể hiện sự tiêu cực: vẫn chưa thật sự tin rằng Thầy mình là Thiên Chúa (thánh nhân thấy Người Thầy bằng xương bằng thịt của minh đi trên mặt biển lại nghĩ là ma, vì cho chỉ có ma mới đi được như thế). Đến như biến cố “chối Chúa 3 lần trong một đêm” thì rõ ràng đức tin của Phê-rô vẫn bị chao đảo (sợ cả đứa tớ gái nhà Cai-pha). Tuy nhiên, nếu xét về mặt khách quan (tác động từ bên ngoài vào chủ thể) thì chính những biến cố ấy lại mang tính tích cực rõ rệt, bởi sau biến cố này, thì con người thánh Phê-rô đã thay đổi hẳn. Sau cái hành động tiêu cực ấy, thì “Ngay lúc đó, có tiếng gà gáy. Ông Phê-rô sực nhớ lời Đức Giê-su đã nói: “Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần.” Ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.” (Mt 26, 74-75). Và kể từ biến cố ấy, đặc biệt nhất là ở biến cố “Ngày lễ Ngũ Tuần” (Cv 2, 1-13) sau Phục Sinh, được ơn Thánh Thần soi sáng và tác động mãnh liệt, thánh Phê-rô đã trở nên một Tông đồ trung kiên tuyệt đối, dám đem cả sinh mạng của mình ra để làm chứng cho Tin Mừng Cứu Độ của Đức Giê-su Ki-tô.
Đến ngày nay, thì không chỉ có Thánh Phê-rô, Thánh Phao-lô và các vị Tông Đồ tiên khởi của Giáo hội sơ khai, mà là toàn thể Giáo hội, tất cả mọi Ki-tô hữu đều được Đức Ki-tô trao phó sứ vụ “lưới người”, tức là sứ vụ “từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.” (Lc 5, 10). Thu phục người ta, thu phục nhân tâm thì đúng là một công việc trừu tượng (“lưới người”), nhưng chính công việc trừu tượng ấy lại được thực thi, thể hiện bằng lời nói, hành động, việc làm cụ thể trong cuộc sống hàng ngày (“như lưới cá”). Tất nhiên, với một con người phàm phu tục tử có đầy đủ thất tình lục dục, thì không thể “tự lực cánh sinh, tự lực hành động” được, mà phải cậy nhờ vào những hồng ân, những đặc sủng Thiên Chúa ban tặng thông qua Đức Thánh Linh.
Vâng, nếu đã tin có Đấng Toàn Năng chí công vô tư hằng luôn quan tâm đến bạn, hằng thương xót bạn, thì xin bạn hãy hành động. Ấy cũng chính bởi vì “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2, 26). Hãy sẵn sàng đón nhận sứ vụ “lưới người”, với một tư thế chuẩn bị kỹ càng ghe thuyền, chài lưới, trau giồi kỹ năng săn bắt, cùng với sự tỉnh thức học tập rút đúc kinh nghiệm, và cuối cùng, HÃY HÀNH ĐỘNG (ra khơi, thả lưới)! Vâng, chính những “dân chài”, những “người thợ làm vườn nho” chỉ có thể gặt hái được kết quả mỹ mãn, khi biết “công dục thiện kỳ sự, tất tiên lợi kỳ khí” (người thợ muốn hoàn thành tốt công việc, trước hết phải biết trau giồi khí cụ cho thật tốt – Khổng Tử – “Luận Ngữ”). Hãy tin vào chính mình (TỰ TIN) và xắn tay áo lên (HÀNH ĐỘNG): “Vâng lời Thầy, con xin thả lưới”. Xin được chia sẻ cùng những người bạn đồng hành.
Ôi! Lạy Chúa! Năm xưa Chúa đã ban hồng ân cho Thánh Phê-rô và các Tông đồ tiên khởi “trở nên những kẻ lưới người như lưới cá”, làm cho làng chài lưới Hội Thánh nhỏ bé Giê-ru-sa-lem được bội thu cá đến độ mở rộng ra khắp năm châu bốn biển. Ngày nay, chúng con cũng được Chúa mời gọi – thông qua bí tich Thánh Tẩy và Thêm Sức – để “trở nên những kẻ lưới người như lưới cá”. Chúng con tự biết sức mình không thể chu toàn được sứ vụ Chúa trao, cúi xin Chúa ban Thánh Linh soi sáng và thêm sức cho chúng con để chúng con có thể tiếp bước các thánh Tông đồ “loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”.
Lạy Mẹ Maria! Chỉ với 2 tiếng “xin vâng”, Mẹ đã trở thành Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Giáo hội và trong suốt cuộc đời trần thế, Mẹ luôn dạy chúng con: “Người bảo gì, các con cứ việc làm theo”. Noi gương Mẹ, chúng con cũng sẵn sàng thưa với Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ: “Vâng lời Thầy, con xin thả lưới”. Tuy nhiên, trong thận phận bất toàn đang trên đường lữ thứ trần gian với biết bao khó khăn nguy hiểm, chúng con khó lòng mà “thả lưới” được như lời hứa. Xin Mẹ luôn che chở, phù trì và nhất là cầu bầu cùng Chúa cho chúng con “khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.”
JM. Lam Thy ĐVD.