Sau một hành trình dài dằng dặc như địa ngục trong xe chở gia súc từ Singapore – nơi họ đã trải qua 8 tháng tù trước đó – Đại tá Philip Toosey (1904-1975) cùng với 690 tù nhân thuộc Lữ đoàn 135, quân đội Anh, đã đến trại giam Tamarkan, Thái Lan, nằm trong một khu rừng cách Bangkok 120 km về phía tây, gần sông Kwai Yai. Sang ngày hôm sau, số tù nhân tăng vọt lên 1.000. Các sĩ quan nhất trí bầu chọn Toosey làm sĩ quan cấp cao. Sự bình chọn này được Trung úy Nhật Kosakata, chỉ huy trại, công nhận.
Kosakata báo cho Toosey biết nhiệm vụ của các tù nhân là xây dựng 2 chiếc cầu bắc qua sông Kwai: một chiếc cầu gỗ dài 100m cho các phương tiện giao thông nhẹ; một chiếc cầu thép dài 300m, dựng trên 11 cột chống bêtông, với 2 km bờ đê hai bên, là đường ray trọng điểm dẫn đến phòng tuyến tiếp tế của Nhật. Thời gian hoàn thành là từ 9 tháng – 1 năm. Một ngày làm việc bắt đầu từ lúc trời vừa hửng sáng. Sau khi được phát cơm và canh, các tù nhân được điểm danh, chia thành từng nhóm, bước lên nhận cuốc, xẻng, điểm danh lần nữa, rồi tiến vào rừng. Nguyên tắc là công việc của ngày phải được hoàn thành, và không có nhóm nào được phép về trước. Tù nhân làm việc chân đất dưới ánh nắng mặt trời gay gắt từ 7h sáng đến 7-8h tối.
Cầu được xây toàn bằng sức lực con người. Tù nhân liên tục bị hành hạ và trừng phạt bởi những lỗi lầm nhỏ bé nhất, nhưng Toosey ra lệnh, rằng bất cứ hành động phi nhân tính nào của bọn lính gác, cũng cần phải được báo cáo lên ông ngay lập tức. Đến tháng 12/1942, chiếc cầu gỗ gần hoàn thành. Các tù nhân rất vui sướng khi thấy nước sông dâng lên cao bất ngờ và cuốn trôi chiếc cầu. Nhưng niềm vui ngắn ngủi tan biến ngay lập tức, bởi họ phải làm việc cực nhọc hơn để xây dựng lại nó, với chỉ tiêu hoàn thành là từ tháng 12 cho đến tháng 8. Toosey biết rằng, quân Nhật sẽ xây đường xe lửa bằng bất cứ giá nào vì vậy, ông nói với các tù nhân rằng, kỷ luật lao động là điều quan trọng.
Toosey từ chối học tiếng Nhật, để ông luôn luôn có thể nói câu: “Tôi không hiểu”. Ông may mắn có được sĩ quan phụ tá David Boyle, có thể nói được tiếng Nhật bồi và làm phiên dịch cho ông cho đến hết cuộc chiến. Dần dần, quân Nhật cũng hiểu ra, rằng nếu như ông nói không, thì có nghĩa là ông sẽ khăng khăng như vậy cho đến khi chúng bắn chết ông thì thôi.
Chẳng bao lâu, ông đã thuyết phục được chúng bàn giao lại cho ông những vấn đề về xử lý công cụ và phân công lao động. Các sĩ quan phụ trách công việc được giao nhiệm vụ làm giám sát công trình thay cho bọn lính canh. Và nếu như các kỹ sư Nhật bàn giao mục tiêu của ngày hôm sau cho ông, thì ông sẽ cùng mọi người nghĩ ra cách nào tốt nhất để hoàn thành công việc vào đầu giờ chiều, khiến nhiều tuần trôi qua, mà không có ai bị đánh đập cả.
Vệ sinh là nỗi ám ảnh của Toosey, vì rất nhiều căn bệnh của khí hậu nhiệt đới đi kèm với ruồi. Ông thường xuyên kiểm tra lều chòi, nhà bếp, bắt tù nhân phải cạo râu, cắt tóc, vì đấy là nơi trú ẩn của chấy rận. Những nỗ lực của ông đã được đền bù. Chỉ có 9 người chết trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 5.
Những phần cơm canh nghèo nàn được bổ sung bằng trứng, thịt, trái cây, bắp mua được từ các dân buôn địa phương, mỗi khi các nhóm làm việc được ra ngoài. Toosey cương quyết với yêu cầu 1/3 số tiền được trả cho các sĩ quan, phải được dùng để mua thực phẩm và thuốc men cho người bệnh. Ông đã thuyết phục tên chỉ huy trại cho phép mở một trang trại nuôi vịt và heo, sau khi biết được có một sĩ quan từng là nông dân chăn nuôi gia cầm.
Đích thân ông còn là người bắt mối liên lạc đầu tiên với một tổ chức bí mật, để cung cấp thuốc men và tiền bạc cho nhiều trại giam, cứu thoát mạng sống của hàng trăm người. Toosey rời trại giam Tamarkan vào năm 1943 và nó trở thành nhà tù nhốt các phạm nhân về sau này. Cuối cùng, các cây cầu đã bị phá hủy, không phải do lính biệt kích như trong phim mô tả, nhưng là do quân Anh, Mỹ ném bom. Đại tá Toosey được công nhận là người anh hùng, theo tiêu chí mà con người của thế giới ngày nay có thể làm được. Đó là hiểu biết những điều kiện cần thiết của hoàn cảnh để tồn tại! (Thuý Hân, theo Reader’s Digest)
Đại tá Philip Toosey đã công khai phục vụ chu đáo, giúp đỡ, chăm lo các bạn tù, nhưng vẫn bị Hollywood bôi nhọ qua bộ phim Cầu Sông Kwai (1957) của đạo diễn David Lean, với tài tử Alec Guinness đóng vai Đại tá Nicholson, hợp tác với quân Nhật, đày đoạ đồng hương. Trong Tin Mừng thánh Luca Chúa nhật hôm nay, Đức Giêsu ghé thăm nhà chị em Mácta, Maria và Lazarô, được phục vụ qua cung cách khác nhau của hai chị em.
Cô Mácta một mình bận rộn bếp núc, lo phục vụ chiêu đãi Đức Giêsu và các môn đệ. Trong khi đó, cô em Maria phục vụ đón tiếp. Thấy cô em cứ mải trò chuyện, Mácta bất bình, thưa cùng Người: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay !” Cô đâu biết rằng Maria cũng đang hết sức bận rộn phục vụ Lời Chúa, quan trọng, cao quý và cấp bách vô cùng. Vậy để việc phục vụ đúng đắn, hiệu quả, hữu ích cho tha nhân và nhất là để làm sáng danh Thiên Chúa, thì phải cần thiết nhờ Chúa, với Chúa và trong Chúa.
Nhờ Chúa
Cần luôn biết ơn, cảm tạ, ca ngợi Chúa. Rồi chăm chú lắng nghe Lời Chúa, tìm hiểu Thánh Ý Chúa trong từng phút giây hiện tại, cùng chân thành tâm sự với Người. Dốc hết tâm can, niềm vui lẫn nỗi buồn, thành công hay thất bại, bối rối ứng xử, chọn lựa theo Chúa hay theo thế tục. Nguyện xin Người chỉ bảo, hướng dẫn đi trong ánh sáng đường ngay nẻo chính, trong chân lý và sự thật. Đó chính là cầu nguyện, một bí quyết quan trọng, thiết yếu của người môn đệ, thực sự muốn phục vụ Chúa và tha nhân.
Khi được hỏi về bí quyết để can đảm dấn thân, tích cực phục vụ những người hấp hối, bệnh hoạn, phong hủi, Mẹ Têrêsa chỉ vắn tắt, đơn sơ trả lời: “Bí quyết của tôi rất đơn giản: cầu nguyện.”
Mẹ Têrêsa luôn cầu nguyện trước khi bắt tay phục vụ. Mỗi ngày nhà dòng Mẹ dành nguyên một giờ chầu Mình Thánh Chúa trước khi săn sóc những người nghèo khổ, hoặc đi vào trong các “nhà hấp hối,” giúp những người sắp chết được an nghỉ trong Chúa. Cầu nguyện để đón nhận sức sống, lòng can đảm, hy sinh, nghị lực chịu đựng, để dấn thân phục vụ. Mẹ Têrêsa đã trở nên thân tộc của Đức Giêsu khi thực hiện lời dạy: “Mẹ tôi và anh em tôi chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21).
Với Chúa
Cùng với Chúa phục vụ quảng đại, cởi mở, thân thiết thắm tình huynh đệ, không phân biệt đối xử, chẳng kể giầu nghèo, sang hèn, thân hay sơ, thành viên hay cảm tình viên. Không cần biết đồng đạo hay khác đạo, chẳng quan tâm đồng bào hay ngoại kiều, chẳng hề chấp nhất phe ta hay phe địch.
Hơn nữa, cùng với Chúa đặc biệt quan tâm đến những thân phận thấp hèn, nghèo túng, cô quả, đau yếu, bênh hoạn, sống bên lề xã hội. “Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu!… Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi.” (Mt 9, 12-13)
Cụ thể hôm nay, Đức Giêsu ân cần an ủi, nhắc nhủ cô Mácta, khi thân thương hai lần xướng gọi tên cô: “Mác-ta! Mác-ta ơi ! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá!” Người mời gọi Mácta thoát ra khỏi thói đời, bận rộn, lo toan, quá quan tâm đến vật chất, đến lương thực mau hư nát, mà vô tình quên đi lương thực trường sinh là Lời Chúa, là Thánh Ý Chúa. “Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị lấy đi”.
Ngài muốn giải phóng Mácta khỏi thói đố kỵ, ganh tương, so bì, hơn thiệt, tự tôn, tự đại khi phục vụ. Thường con người hay có khuynh hướng kiêu căng, vị kỷ, dẫu đang phục vụ, cũng muốn được phục vụ lại chính mình, muốn được nhìn nhận công nhận công trạng, cống hiến. Chứ không muốn âm thầm cho đi, lặng lẽ khiêm tốn phục vụ, vì lo áo gấm đi đêm, liệu có ai hay biết chăng. Vì thế, Đức Giêsu đã phải tha thiết cảnh báo: “Các con hãy cẩn thận, đừng phô trương công đức trước mặt người ta để thiên hạ trông thấy, bằng không các con mất công phúc nơi Cha các con là Ðấng ở trên trời…” (Mt 6, 1)
Trong Chúa
Phục vụ trong Chúa thì luôn sẵn sàng bỏ mình, vác thập giá mà theo Người. Ngay trong bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu đã quỳ xuống, cúi mình rửa chân cho 12 môn đệ, dẫu rằng Người biết các ông sẽ lìa bỏ Người chịu cô đơn chống chọi giữa bầy sói, thậm chí Người còn biết cả kẻ phản bội, chối Người và bán Người cho quân dữ. Nhưng Người vẫn không hề phân biệt đối xử, không giận dữ, cũng không hề chua chát than thở, hay trách móc, mà vẫn chu đáo, vui vẻ rửa chân cho tất cả. Một thái độ từ bỏ mình tuyệt đỉnh dành cho những ai muốn theo Người, noi theo đến muôn đời.
Hơn nữa, khi phục vụ mà chịu thử thách, chịu đau khổ, chịu hành hạ, xách nhiễu, thì càng được nhiều phúc lành, như đệ bát phúc xác nhận: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.” (Mt 5, 11-12)
“Con phải hiện diện trên đường hy vọng để dâng hiến và mời gọi kẻ khác dâng hiến, đó là cách con phục vụ họ tốt đẹp hơn cả; con giúp họ nên giống hình ảnh Thiên Chúa trong Đức Kitô.” (Đường HY Vọng, số 611)
Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con luôn kết hiệp với Lời Chúa, nguồn sống dồi dào sung mãn. Đồng thời xin cũng dạy chúng con luôn sống quảng đại, luôn biết cho đi, dấn thân phục vụ tha nhân, như Chúa luôn yêu thương trao ban. Nhất là xin dạy chúng con biết từ bỏ bản thân, để chấp nhận khổ giá khi theo Chúa.
Khấn xin Mẹ Maria an ủi, cầu bầu và dìu dắt chúng con luôn biết cân bằng đời sống cầu nguyện và đời sống phục vụ, để chúng con có thể kín múc nguồn lực dồi dào từ Đức Giêsu Kitô, cung ứng dư đầy cho các hoạt động phục vụ Nước Chúa. Amen.
AM. Trần Bình An