Trước mắt người Do Thái thì dân Samari thật đáng khinh miệt. Họ bị xem là người lai căng vì đã kết hôn với ngoại kiều, làm vẩn đục dòng máu tinh tuyền của tổ tiên Do Thái. Họ bị khinh miệt vì đã tôn thờ các tà thần ngoại lai. Thế nên người Do Thái xem người Samari như những người hạ cấp đáng bị tẩy chay.
Thế nhưng hình ảnh của người Samari trong Tin Mừng hôm nay lại đẹp tuyệt vời. Giá trị của người đó gia tăng thật cao. Nhờ đâu được như vậy. Chúng ta hãy theo dõi câu chuyện do Chúa Giêsu thuật lại như sau:
Tại một khúc đường vắng từ Giêrusalem đến Giêricô có một khách bộ hành bị bọn cướp xông ra trấn lột hết tiền bạc của cải, lại còn đánh người ấy trọng thương nằm thoi thóp, nửa sống nửa chết giữa quảng đường hoang vắng.
Thế rồi, một tia hy vọng loé lên trong đầu óc nạn nhân khi anh ta thoáng thấy có một khách bộ hành đang từ xa đi tới. Khi người bộ hành gần đến, niềm hy vọng càng dâng cao vì đây là một vị tư tế, chắc chắn ngài sẽ đoái thương cứu chữa anh. Nhưng rồi vị tư tế cố tình rảo bước cho nhanh, lánh qua một bên rồi đi thẳng, để mặc anh nằm thoi thóp giữa đường.
Một lát sau, có một thầy trợ tế đi qua, niềm hy vọng của nạn nhân lại được bùng lên nhưng rồi vụt tắt, vì thầy trợ tế chỉ đảo mắt nhìn nạn nhân rên siết, rồi cũng vội vàng rảo bước cho nhanh. Có lẽ ông ta sợ rằng bọn cướp còn ẩn náu đâu đây, sẽ trấn lột hết những gì ông ta mang trên mình và sẽ đánh đập ông nhừ tử như người khốn khổ kia…
Cuối cùng, có tiếng lừa lộp cộp từ xa vẳng lại. Người thứ ba xuất hiện, một người dân Samari. Ôi thôi! Chẳng hy vọng gì nơi hạng người nầy, hạng người xưa nay vẫn mang tiếng là lai căng và rối đạo!
Thế nhưng thật bất ngờ, người Samari cho lừa dừng lại, bước xuống, cúi mình trên nạn nhân, cảm thương con người xấu số.
Có thể giờ nầy vợ con ông ta đang nóng lòng mong đợi ở nhà, có thể bọn cướp còn đang lai vãng đâu đây lại xông ra để cướp, để giết hại ông như chúng đã gây ra cho người xấu số, lại phải mất công, bỏ việc vì nạn nhân nầy… nhưng thôi, đành phó mặc… Thương người như thể thương thân, phải tìm cách cứu sống anh ta trước đã.
Thế là người Samari vội mở hành trang lấy cồn, lấy rượu rửa sạch vết thương, băng bó những vết thương còn rỉ máu, lấy dầu xoa bóp những nơi bầm tím, rồi vực nạn nhân lên lừa của mình, quay ngược đường trở về quán trọ.
Đến nơi, ông ta lo liệu cơm cháo thuốc men, săn sóc nạn nhân như cho người thân yêu của mình suốt đêm. Sáng hôm sau, vì công việc khẩn trương, ông phải vội lên đường. Nhưng trước khi ra đi, ông ta dốc hết túi tiền, trao cho chủ quán với lời căn dặn: “Xin ông vui lòng chăm sóc người nầy giùm tôi cho chu đáo, nếu còn tốn phí thêm bao nhiêu, khi trở về tôi sẽ hoàn lại cho ông”.
Thật là một hy sinh hết sức lớn lao! Một tấm gương hào hiệp và cao đẹp hiếm có. Nét đẹp đó vẫn được Giáo Hội truyền tụng suốt hai mươi thế kỷ qua và cho đến muôn đời. Sáng giá thay con người biết yêu thương, hy sinh và phục vụ!
Thế là đang khi danh giá người Samari lên cao tột đỉnh nhờ giàu lòng nhân ái thì danh giá vị tư tế và thầy Lê-vi bị tụt dốc thảm hại vì đã thiếu lòng thương xót, đã không hy sinh giúp đỡ nạn nhân trong cơn hoạn nạn, ngặt nghèo.
Phục vụ còn là điều kiện để được sống đời đời
Nhưng sự hy sinh phục vụ của người Samari không chỉ nâng cao giá trị của ông ta mà thôi, mà còn là một điều kiện tiên quyết giúp ông được sống đời đời.
Khi người thông luật hỏi Chúa Giêsu phải làm gì để được sống đời đời, Chúa Giêsu giúp ông ta khám phá ra câu đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.”
Chúa Giêsu không lý thuyết suông, Ngài cụ thể hoá quy luật mến Chúa yêu người bằng hành động nhân ái của người Samari trên đây với lời kết luận: “Ông hãy đi và làm như vậy”. Như thế, những ai muốn được sống đời đời thì hãy quên mình phục vụ như người Samari trên đây.
* * *
Quên mình phục vụ tha nhân, một việc làm với hai hiệu quả lớn: làm gia tăng đáng kể giá trị của mình và được hưởng sự sống đời đời.
Lạy Chúa, biết đến bao giờ con mới có thể trở thành một người Samari mới cho xã hội hôm nay! Biết bao giờ con mới dám hy sinh phục vụ để đạt được sự sống đời đời!
Lm. Inhaxiô Trần Ngà