SẴN SÀNG

(Mal 3, 19-20a; 2Thess 3, 7-12; Lc 21, 5-19).

Truyện kể: Người đàn bà Hồi giáo đến hỏi nhà truyền giáo: Ông đã làm gì con của tôi? Con gái của bà mới chết ở tuổi 16. Ông trả lời: Tôi đâu có làm gì. Bà nói: Nhất định có. Con tôi chết mà miệng vẫn mỉm cười. Ở đây không ai chết như thế cả. À, con gái của bà vừa nhập đạo được mấy tháng. Cô không sợ chết mà thay vào đó là niềm hy vọng được tái sinh trong niềm vui vĩnh cửu.

Tuần áp cuối của năm Phụng Vụ, Giáo Hội cho chúng ta cơ hội suy tư một chút về ngày chung cục. Chúng ta biết rằng mọi sự trên thế gian này đang thay đổi và qua đi từng ngày. Bước vào Mùa Thu, nhìn cảnh chiều buồn lá rụng, chúng ta có cơ hội nghĩ đến thân phận ngắn ngủi của con người. Mỗi giây phút đều có sinh và có tử. Sự chết qua đi và sự sống tiếp nối làm thành một chuỗi đời sống. Mỗi loài sinh vật có đời sống dài hay ngắn tùy theo sự an bài sắp đặt của Thượng Đế từ khởi nguyên. Chúng ta biết có loài sống rất lâu cả hằng trăm năm và có loài chỉ hiện hữu trong vòng ít giờ như cuộc sống ngắn ngủi của con thiêu thân sống đó chết đó. Thời gian thấm thoát thoi đưa như cánh hoa sáng nở tối tàn. Chúng ta biết rằng sống lâu dài hay ngắn ngủi ở đời thì không quan trọng cho bằng mỗi người hãy chu toàn kiếp sống của mình cho ý nghĩa tròn đầy.

Tiên tri Malakia gióng tiếng mời gọi dân chúng đặt niềm tin vào Chúa các đạo binh. Tiên tri loan báo ngày sẽ đến, tất cả những kẻ kiêu căng và người làm ác sẽ bị thiêu đốt và tiêu diệt tận gốc rễ. Những lời cảnh tỉnh của Malakia có thể áp dụng cho mọi thời và mọi người. Chúng ta không nên chờ đợi đến ngày kết cùng của cuộc đời mới cải đổi tâm hồn. Mỗi ngày sống là một cơ hội tốt để chúng ta gieo những hạt giống tốt và làm việc lành phúc đức. Ở hiền sẽ gặp lành. Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi những kẻ kính sợ Chúa. Thiên Chúa sẽ được cứu sống họ. Niềm hy vọng giải thoát cho những ai biết đặt niềm tin kính vào Thiên Chúa.

Nói về cánh chung, trong bài phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu đã loan báo về sự tàn phá của thành thánh Giêrusalem. Chiến tranh, loạn lạc, động đất và thiên tai đều là những dấu chỉ bên ngoài để mọi người nhận biết. Dù thành quách được xây dựng một cách kiên cố vững bền, với thời gian năm tháng và chiến tranh, mọi sự sẽ bị hủy phá. Nhiều người trầm trồ khen ngợi đền thánh vĩ đại và hoành tráng. Thế nhưng sẽ không có gì tồn tại mãi với thời gian. Bản chất của vật chất là thay đổi và hư nát. Chúa loan báo về ngày cùng của thành Giêrusalem, cũng sẽ có ngày cùng của thế giới và của mỗi cá nhân.

Trên dương trần, sinh tử là luật tự nhiên của muôn loài. Hằng ngày nhiều khi chứng kiến hay nghe biết những tai nạn chết chóc trên khắp thế giới, chúng ta cũng chẳng mấy quan tâm. Nghĩ rằng sự chết là của ai đó. Cho tới khi một người thân hay bạn bè trong gia đình qua đời, chúng ta mới cảm nhận được sự mất mát và thương nhớ. Người quá cố càng thân thì càng thương, càng nhớ và càng khổ đau. Là người, ai cũng phải chết. Đôi khi chúng ta không dám hoặc không muốn nghĩ đến ngày cùng của cuộc đời mình. Điều chắc chắn là mỗi người chúng ta cũng sẽ phải ra đi vĩnh viễn. Vậy hãy sẵn sàng và vui sống với những gì chúng ta đang có.

Theo truyền thống, người Việt Nam chúng ta rất tôn kính hình ảnh người thân đã qúa cố. Sau khi người thân qua đời, gia đình cần tấm hình lập bàn thờ để mọi người cầu nguyện, tưởng niệm và nhang đèn cúng bái. Một việc rất đơn giản nhưng nhiều khi chúng ta đã bỏ qua hoặc quên sót. Có rất nhiều trường hợp, người thân chết mà chẳng có tấm hình nào để lại. Một ông cụ kia sống dài 80 tuổi, tuy có rất nhiều hình chụp chung với con cháu, nhưng tìm một tấm hình chân dung riêng thật khó. Không hiểu sao? Có thể khi còn sống đã không nghĩ đến, không có cơ hội chụp riêng hoặc sợ chết nên không dám chụp. Chúng ta đã chuẩn bị nhiều thứ sẵn sàng nhưng một tấm hình chân dung lại chẳng có. Chúng ta muốn hình ảnh nào sẽ lưu lại cho hậu thế? Chúng ta muốn có hình ảnh khuôn mặt tươi cười vui vẻ hay nhăn nhó sầu thương? Điều này chúng ta không thể chối từ.

Thánh Phaolô khuyên dậy các anh chị em trong giáo đoàn một bài học rất cụ thể: Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn! (2Thess 3, 10). Chúa ban cho mỗi người một khả năng, tài trí và số vốn riêng để sinh lợi cho mình và cho xã hội. Chúng ta không nên dựa dẫm vào người khác một cách bất công. Thời nào cũng có những người ăn không ngồi rồi và gây gỗ nhiều truyện. Những thói tục xấu đó vẫn tồn tại cho tới ngày hôm nay. Lời khuyên của thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta nên tránh những cách sống tiêu cực này. Dẫm chân lên nhau và xen vào nhiều truyện là những thói tục xấu. Mỗi người nên chu toàn những trách nhiệm và bổn phận mình để cuộc sống thêm ý nghĩa và tích cực hơn.

Lạy Chúa, tới hôm nay chúng con cũng chưa chuẩn bị được gì cho hành trang đời đời. Chúng con cứ khất lần và nghĩ rằng thời gian còn nhiều. Xin cho chúng con can đảm nhìn vào thực tại sống để sẵn sàng chuẩn bị tốt cho những ngày sắp tới.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng.

Chia sẻ Bài này:

Related posts