(Giêr 33, 14-16; 1Thess 3, 12-4,2; Lc 21, 25-28, 34-36)
Năm Phụng Vụ 2012 kết thúc. Hôm nay, Giáo Hội Công Giáo bước vào một năm phụng vụ mới cử hành Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng năm C. Kết thúc năm cũ và bắt đầu năm mới theo thời gian của năm tháng trong lịch phụng vụ. Năm Phụng Vụ tính theo chu kỳ năm A, B và C. Cũng thế, cuộc đời con người là một hành trình tiến tới được kết nối bởi các biến cố. Có lúc khởi đầu thì sẽ có khi kết thúc. Kết thúc sự cố này lại bắt đầu một sự cố khác. Điều quan trọng nhất vẫn là giây phút bắt đầu trong hiện tại. Không khi nào trễ, nếu chúng ta biết bắt đầu lại. Giáo Hội quan tâm đến cuộc sống tâm linh của con cái mình. Hết mùa lễ này sang mùa lễ khác, Giáo Hội dùng các cơ hội để nhắc nhở và hướng dẫn con cái trở về. Trở về nguồn cội tâm hồn, như khi chúng ta mới lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Soi mình qua nghi thức rửa tội để thấy được chiếc áo trắng mà chúng ta đã lãnh nhận còn tinh trắng và ngọn nến đức tin được trao ban có còn chiếu sáng cuộc đời hay không?
Chúa Giêsu mời mọi chúng ta hãy tỉnh thức đề phòng: Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em (Lc, 21, 34). Cầu nguyện trong tỉnh thức là ý thức mình đang thực hiện việc thờ phượng Thiên Chúa. Chúng ta không chỉ cầu nguyện, ca hát và xướng kinh bằng môi miệng nhưng bằng chính tấm lòng. Trong các giờ cầu nguyện, chúng ta thường dành nhiều giờ đọc kinh riêng hoặc chung ngoài môi miệng mà ít có giờ lắng nghe. Nhiều khi chúng ta chỉ đọc cho đủ số kinh đã được ấn định nhưng thiếu sự gẫm suy trong lòng và biếng nhác đem ra thực hành. Đọc kinh chiếu lệ qua lần hay đọc cho xong lời kinh mà chúng ta không để tâm, lời kinh sẽ trở thành trống rỗng. Để tỉnh thức, chúng ta cần biết việc mình đang làm Chúa Giêsu nhắc lại lời ngôn sứ Isaia để cảnh tỉnh chúng ta: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mt 15, 8).
Mỗi ngày là một ngày hoàn toàn mới. Sống giây phút hiện tại là quan trọng nhất. Bao nhiêu công đức của một đời người trải dài trong qúa khứ chỉ được đánh giá ở giây phút của hiện tại. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy đã có rất nhiều người miệt mài cả đời lo dựng xây nhưng chỉ một sai lỗi và lầm lỡ đã hủy phá danh dự cả một đời. Đúng là công dã tràng. Người ta có thể mỉa mai rằng: Khôn ba năm dại một giờ. Trái lại, một tội nhân đi trong mê lầm cả cuộc đời nhưng trong giây phút hiện tại này biết ăn năn sám hối trở về, đó là một hồng ân. Cho dù qúa khứ có chất chồng tội lụy, họ sẽ được xóa sạch như một làn sóng kéo phẳng lịm mặt cát bề bộn nơi bãi biển .
Trong mọi thời, con người tò mò tìm xem khi nào đến ngày cùng tận của thế giới. Các nhà tiên tri, bói toán, chiêm tinh và cả những nhà khoa học đưa ra những giả thuyết về ngày cùng tận. Các nhà làm phim đạo diễn đã sản xuất nhiều bộ phim giả tưởng về ngày tàn của thế giới. Một số phim ảnh tiêu biểu như: Armagadden, Deep Impact, Independence Day, The Day after Tomorrow và 2012… Mỗi cuộn phim, các đạo diễn và các tài tử đã diễn tả những cảnh ghê rợn hãi hùng như lửa cháy, nước dâng, động đất, bão gió và các tại họa trên thế giới. Các phim ảnh có nhiều âm vang và làm nhiều người lo âu, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn họ lại lãng quên. Chúa Giêsu cảnh báo cho chúng ta ngày giờ sẽ đến không ai biết trước được nên luôn ở trong tư thế sẵn sàng: Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người (Lc 21, 36).
Có lẽ chúng ta nhàm chán khi nghe đi nghe lại nhiều lần những bài phúc âm, những lời kêu mời tỉnh thức và những sự sám hối sẵn sàng. Thực tế cho chúng ta bài học sẵn sàng qua cơn Siêu Bão Sandy vừa qua. Cơn bão Sandy bắt đầu cuộn gió và nổi sóng vào ngày 22 tháng 10 tại vùng Caribbean chạy dài giữa vùng biển Đại Tây Dương, đổ vào ven vịnh từ Nam tới Đông Bắc Hoa Kỳ, giảm xuống dần ở vùng Đông Nam và Miền Tây Gia Nã Đại. Tại Hoa Kỳ, cơn bão đã ảnh hưởng tới 24 tiểu bang từ Florida tới Maine. Ngày 29 tháng 10, siêu bão đã đi vào vùng ven biển của New Jersey và New York. Hằng ngày ai cũng nghe tin tức cảnh báo, kêu gọi di tản và chuẩn bị sẵn sàng. Với kỹ thuật tân tiến hiện đại và có đủ các phương tiện dự trù nhưng khi cơn bão đến, vẫn là những sự bất ngờ đáng sợ, chết chóc và tàn phá. Người dân đã phải đối diện với những hậu qủa khó lường về mọi mặt. Có trên 100 người thiệt mạng và sự thiệt hại vật chất lên đến trên 50 tỷ đôla. Có rất nhiều lý do để bào chữa cho sự thiếu chuẩn bị. Mỗi một biến cố xảy ra là một dấu chỉ và bài học cho chúng ta suy gẫm. Đúng là ngày ấy đến như kẻ trộm, chẳng ai lường trước được.
Mùa Vọng là mùa mong chờ chuẩn bị đón Đấng Cứu Thế. Tiên tri Giêrêmia đã loan báo: Trong những ngày ấy, vào thời đó, Ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đa-vít; Người sẽ trị nước theo lẽ công bình chính trực (Giêr 33, 15). Chuẩn bị trong tư thế tỉnh thức đợi chờ. Sự chờ đợi có hướng đi và có đích đến. Cho nên mỗi người chúng ta cần tích cực sống trong niềm hy vọng của ơn cứu độ. Chúng ta không nên có thái độ sống dửng dưng, thờ ơ và lẩn tránh. Hôm nay hãy bắt đầu ngay sự sám hối trở về. Quay đầu là bờ. Bờ có thể ở xa hay ở gần. Quay đầu là khởi sự của sám hối. Sám hối là trở về với cái thực của tâm hồn. Chuẩn bị cho tâm hồn được sống an hòa, thanh thản và ấm áp để đón Chúa giáng sinh trong lòng.
Chúng ta trở về với lục căn là tai, mắt, miệng, lưỡi, ý và thân để nhìn thấu tâm hồn. Chúng ta phải đi từng bước trở về để xét mình qua những điều đã nhìn sai, đã nghe lời tà, đã nói xấu, đã hưởng sắc, đã tưởng lầm và đã làm bậy. Con mắt là cửa để tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Giống như các bóng đèn điện tự nó sẽ không có ánh sáng, cần có dòng điện để làm sáng các bóng đèn. Đèn bị cháy thì thay bóng đèn khác. Tâm hồn là cốt lõi cùng với lý trí, ý chí và tự do điều khiển lục căn. Với đôi tai, đôi khi chúng ta nghe lời tà bậy và sai quấy. Đuổi theo tiếng vang bên ngoài mà quên đi những gì cần phải nghe. Tai chúng ta có khả năng để nghe dù có âm thanh hay không. Mũi ngửi các hương thơm, đừng chạy theo hương trần. Có mùi thơm thương lôi cuốn, mùi hôi khói nghiện ngập và mùi ngon ngọt hấp dẫn kéo lôi. Miệng lưỡi cần phát biểu những lời chân thật và trân quí. Chúng ta phải ý thức chọn lựa những điều hay, lẽ phải và cái tốt cho tâm mình.
Lục căn là sáu cửa ngõ đối diện với cuộc sống. Chúng ta cần tỉnh thức để canh giữ các giác quan. Thường khi chúng ta chỉ chú ý tới con mắt là cửa sổ của tâm hồn nhưng thực tế mọi giác quan đều là cửa ngõ. Chúng ta không thể xem thường hay lơ là những tác động của ngũ quan và thân ý, vì nó đều có ảnh hưởng lẫn nhau. Giữ gìn giác quan tinh sạch đòi hỏi sự hy sinh tu luyện chuyên cần. Bảo vệ và gìn giữ giác quan ngay lành chính thật. Tập nhìn xem những hình ảnh đẹp. Nghe những gì tốt lành. Nói những lời chân thật. Suy những điều ngay lành. Thực hành điều tốt.
Lạy Chúa, không có ơn Chúa, chúng con không thể làm được gì. Xin Chúa ban thêm đức tin, đức cậy và đức mến để chúng con tiếp tục phấn đấu với sự yếu đuối của bản năng. Chúng con sẽ dọn đường Chúa cho ngay thẳng qua sự chỉnh đốn các cửa ngõ của giác quan để chúng con được chiêm ngưỡng những kỳ công tạo dựng của Thiên Chúa.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York