Một buổi sáng kia, người cha đang chở con mình lên trường đại học. Trên đường đi, hai cha con phải lấy detour (đường vòng) vì đường chính đang sửa chữa. Đường detour này vừa dài, vừa gồ ghề, vừa bụi bậm, nên người cha tỏ ra rất khó chịu và bực bội. Cứ mỗi lần chạy qua một hố, thì người cha lại kêu la. Thấy vậy, người con quay tới và nhỏ nhẹ thưa với ba rằng: “Ba, đừng quá bận tâm với những chuyện nhỏ!”
Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu nhắc cho các môn đệ về những khó khăn, những gồ ghề phải trải qua trên đường đời. Ngài nói đến chiến tranh, nước này sẽ chống nước nọ, những trận động đất lớn, ôn dịch, đói kém, và sự bắt bỡ. Nhưng liền sau đó Ngài nói các môn đệ đừng quá bận tâm với những chuyện lớn!
“Dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình” (Lk 21:18-19).
Tin mừng mà bài Phúc Âm muốn nói lên là mặc dù Thiên Chúa yêu thương chúng ta bằng vô ngàn cách thức, tình thương của Ngài rõ ràng và đẹp đẽ nhất khi chúng ta đang đau khổ. Chúng ta không thể nào giải thích được điều này, nhưng nó đi liền với Phúc Âm, với Tin mừng.
Đức Tin Kitô Hữu không tạo một hình ảnh hình dung chúng ta là dân tộc tuyển chọn không bao giờ gặp đau đớn và khổ sầu. Đức Tin không hứa một cuộc sống thanh nhàn, thoát những khó khăn. Đức Tin không phòng ngừa chúng ta khỏi sự ác và những hiệu quả của nó. Ngược lại, Đức Tin Kitô Hữu cho chúng ta một quân bình thiêng liêng, một tinh thần dẻo dai, và sức lực để đối phó với những gánh nặng, sợ sệt, và những ngày tối tăm bất ngờ xẩy đến. Với con mắt Đức Tin, chúng ta phải nhìn những chuyện sẽ xẩy đến để hiểu được những chuyện hôm nay.
Có sự sống là chúng ta mạo hiểm sự chết, tai nạn, bệnh tật, lo âu, xấu hổ, mất mặt, loại bỏ, cô đơn, và phản bội. Những mạo hiểm này có thể làm chúng ta rơi vào sự nguy hiểm nhất là thất vọng, mất Đức Tin.
Vì chúng ta là con người không thoát được những điều nói trên, vì chúng ta chỉ là vết nhỏ xíu trong vũ trụ mênh mông, chúng ta lấy quyền lực nào để chống lại những áp bức tàn phá tinh thần? Chúng ta lấy quyền lực nào để khẳng định phẩm giá chúng ta? Chúng ta lấy quyền lực nào để nuôi dưỡng hy vọng chúng ta? Chúng ta lấy quyền lực nào để khẳng định sự sống chúng ta có ý nghĩa? Những Kitô Hữu khẳng định những điều đó bằng quyền lực của Chúa Giêsu.
Khi chúng ta chịu những gánh nặng, chấp nhận những mạo hiểm, từ khước những thỏa mãn chóng qua, và sống như Chúa muốn, là chúng ta theo Chúa, Đấng tự tình vác thập giá. Chúng ta theo Chúa, Đấng chỉ cho thấy cuộc sống chúng ta đáng sống và quan trọng biết bao. Chúng ta theo Chúa, Đấng chỉ cho thấy con người chúng ta hôm nay và con người chúng ta sẽ trở thành, là yếu tố khẩn thiết trong kế hoạch của Chúa Cha.
Thánh Kinh cho biết: “Thiên Chúa là Đấng Phù Trợ con” (Heb 13:6). Để có lòng tin như vậy, chúng ta không chỉ tin Chúa hiện hữu thôi, nhưng chúng ta phải sống như Chúa hiện hữu nữa. Nếu không, coi như chúng ta bác bỏ những ơn ích mà hồng ân và quyền lực Chúa có thể đem lại cho chúng ta. Đó là thái độ của một ông thực dân, khi gặp phải con gấu hung dữ, đã quỳ xập xuống và khóc than: “Lạy Chúa, con chưa bao giờ xin Chúa giúp con điều gì, nhưng vì lòng thương xót, xin Chúa đừng giúp gì cho con gấu này!” Có một số người chỉ được như vậy khi đức tin của họ bị thử thách. Nhưng Chúa kiên trì theo đuổi đến mọi trường hợp tối tăm chúng ta phải gặp để cho chúng ta yên tâm và lòng tin vào Sức Lực của Chúa Phục Sinh sẽ làm chúng ta nguyên vẹn.
Nhà đạo diễn, Cecil B. DeMille, kể một chuyện cậu bé đi câu với ông của mình:
Hai ông cháu đang trong thuyền trôi trên hồ, vừa nói chuyện, vừa câu cá. Cậu bé không ngồi yên được, nên tới cạnh thuyền và ngó xuống nước. Ngay dưới mặt nước có đủ loại bọ nước. Đột nhiên, một con bọ bò lên mái chèo. Bò được nửa chừng, con bọ móc móng chân vào mái chèo gỗ và chết. Thấy vậy, cậu bé đánh thức và chỉ cho ông nội chuyện mới xẩy ra. Sau đó, họ lại tiếp tục câu cá.
Một hồi sau, cậu bé nhìn xuống con bọ đã chết. Điều mà cậu bé thấy làm cậu nhảy lên, đến nỗi gần đổ lật con thuyền. Con bọ đã khô héo và vỏ bắt đầu nứt mẻ. Có con gì đang chui hé ra: đầu tiên là những chân dài, tới cái đầu, sau đó những cánh, và cuối cùng một con chuồn chuồn xinh đẹp xuất hiện.
Hai người kinh ngạc ngắm nhìn con chuồn chuồn từ từ cử động những cánh. Sau đó nó bay sà trên mặt nước, nơi mà các loại bọ khác đang quay quẩn. Hai người không nhận ra được con chuồn chuồn. Họ không biết đó là con bọ đã bò lên mái chèo ba tiếng trước đây.
Cậu bé lấy ngón tay đụng vào các vỏ khô của con bọ. Nó giống một mộ trống. Chúng ta chỉ khám phá sự an toàn trong đời sống khi chúng ta vác thập giá và theo Chúa Giêsu, với một lòng tin chắc chắn là vì Ngài đã phục sinh, nên chúng ta cũng sẽ phục sinh!
Khi chúng ta cô đơn, đau khổ, hoặc người thân yêu đang gặp khó khăn, chúng ta hay hỏi “Tại sao?” “Xin Chúa cho con một câu trả lời! Tại sao Chúa lại bỏ con?” Và trong sự im lặng tiếp đó, chúng ta cần nhớ là với con mắt đức tin, chúng ta có thể nhìn ra Sức Mạnh Phục Sinh của Tình Yêu Chúa. Với con mắt đức tin, chúng ta có thể thấy là Tình Yêu đã chiến thắng đau khổ và thần chết. Đó là Sự Thật của Tin Mừng. Hiện tại, như vậy là đủ.
“Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình” (Lk 21:19). Sống như có Thiên Chúa hiện hữu. Kiên trì trong tình yêu và bạn sẽ không bao giờ bị sai lầm!
Đền Thánh Khiết Tâm Mẹ