Theo báo tuổi trẻ đã đăng về cái chết đẹp của chị Trương Thị Hồng Phượng. Chị đã tình nguyện hiến tặng giác mạc của mình để đem lại ánh sáng cho ai đó sau khi biết mình mắc bệnh ung thư dạ dày. Chị đã an nghỉ ngày 19.05.2010 và gia đình cùng bác sĩ đã thực hiện theo đúng di nguyện của chị.
Chuyện chị Hồng Phượng hiến giác mạc đã làm rung động trái tim hàng triệu con người. Không phải đổi để lấy điều kiện vật chất cho gia đình, dù gia đình chị thuộc loại nghèo xơ nghèo xác, nghèo đến độ các bác sĩ điều trị không cầm nổi nước mắt… Nếu chị bán có rất nhiều người sẵn sàng bỏ tiền ra mua, thậm chí rất nhiều tiền đủ để gia đình chị xoay xở qua lúc khó khăn. Chị có quyền làm như vậy chứ. Chị hiến giác mạc để làm gì? Lấy tiếng ư?
Không! Đơn giản đối với chị con người khi chết rồi cũng trở về cát bụi, dù nghèo hay giàu, sang hay hèn, dù sáng mắt hay mù lòa. Rồi tất cả sẽ là quá khứ, sẽ chìm vào quên lãng, chỉ biết rằng sẽ có một người mù được nhìn thấy ánh sáng, được sống một cuộc sống tốt đẹp hơn, được tái sinh bằng trái tim của một người phụ nữ nhà quê nghèo mà giàu lòng nhân ái.
Trong truyện Thiên long bát bộ của Kim Dung cũng từng có nhân vật Du Thản Chi vì quá yêu thương nàng A Tử nên đã tự làm mình mù để A Tử được sáng mắt. Đó là cái đẹp của tình yêu, nhưng cũng là cái ngu dốt và nông nổi của tình yêu vì cuối cùng A Tử đã tự móc đôi mắt mình để trả cho Du Thản Chi. Nàng không cảm kích tình yêu vô bờ bến của Du Thản Chi mà ôm xác người yêu Kiều Phong nhảy xuống vực thẳm.
Nếu so sánh với Du Thản Chi, sự hi sinh của chị Phượng có nhiều điều đáng để người đời khâm phục vì chị đâu biết mình sẽ làm cho ai được sáng mắt, đâu cần người sẽ được tái sinh một cuộc đời mới từ trong tăm tối phải cảm kích, trả công… vì chị đã thanh thản về nơi chín suối.
Lời Chúa trong Chúa Nhật XII Mùa Thường Niên Năm C này mời gọi chúng ta hãy có một cuộc sống đẹp. Một cuộc sống đẹp không phải là cuộc sống có nhiều tiền, nhiều của hay có công danh giữa đời. Một cuộc sống đẹp là cuộc sống biết hy sinh để đóng góp cho đời thêm niềm tươi vui và hy vọng. Một cuộc sống dám hiến dâng mạng sống mình cho lợi ích của tha nhân. Một cuộc sống từ bỏ những niềm vui cá nhân để sống vì hạnh phúc tha nhân. Một cuộc sống không tìm niềm vui cho cá nhân nhưng tìm niềm vui trong công việc phục vụ tha nhân.
Đó là một cung cách sống mà Chúa Giêsu đã sống và mời gọi chúng ta hãy sống theo mẫu gương của Ngài. Ngài hằng mời gọi chúng ta: “Ai muốn theo tôi thì phải từ bỏ chính mình, vác thập giá hằng ngày mà theo tôi”. Thập giá chình là những bổn phận phải có để chu toàn vì thiện ích của tha nhân. Thập giá qua những hy sinh, những vất vả vì hạnh phúc của tha nhân. Thập giá qua những từ bỏ những đam mê bất chính, những niềm vui tội lỗi để làm gương sáng cho anh em, cho bạn bè. Chính Chúa Giêsu Ngài đã sống chu toàn thánh ý Chúa Cha đã cứu độ nhân loại. Chính Ngài đã từ bỏ mọi sự kể cả vinh dự Thiên Chúa để mặc lấy thân phận tôi đòi vì hạnh phúc của chúng sinh. Chính Ngài đã hiến dâng mạng sống mình vì bạn hữu, và để cứu độ nhân gian. Đó là một tình yêu cao vời đến nỗi “không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám chết cho bạn hữu của mình”. Đó là một tình yêu vô vị lợi, một tình yêu không toan tính thiệt hơn chỉ mong sao mang lại hạnh phúc cho những ai đang ngụp lặn trong đêm tối thất vọng, trong bóng đêm khổ đau.
Có lẽ mỗi người chúng ta đều thán phục cách cho đi của chị Hồng Phượng. Chị đã cho đi mà không so đo tính toán. Chị đã can đảm làm chứng cho một tình yêu vô vị lợi giữa một xã hội mà tình người đang giảm giá để cho vật chất lên ngôi. Con người hôm nay cần tiền chứ không cần tình. Người ta sẵn sàng chà đạp lên công lý, lên tình nhân loại nếu vật chất của họ bị đe doạ. Người ta không còn tình người vì tưởng rằng đồng tiền có thể giải quyết tất cả. Thế nhưng, giữa sa mạc khô cằn tình người vẫn còn đó những con người không để danh lợi thú làm mất đi tấm lòng cao thượng. Họ thà sống nghèo nhưng tấm lòng họ thật thanh cao. Họ sẵn sàng cống hiến cho đời đến hơi thở cuối cùng. Đó phải là cuộc sống của những người môn đệ Chúa. Một cuộc sống trao ban mà không so đo tính toán. Một cuộc sống hiến dâng đầy quảng đại và vô vị lợi. Một cuộc sống dám chấp nhận như hạt lúa chịu mục nát để mang lại màu xanh cho cuộc đời.
Ước gì mỗi người chúng ta hãy biết từ bỏ chính mình để sống một cuộc sống có ích cho tha nhân. Ước gì mỗi người chúng ta biết khôn ngoan chọn lựa những giá trị vĩnh cửu thay cho những phù phiếm mau qua, như cha ông ta từng nói:
“Người trồng cây hạnh người chơi
Ta trồng cây phúc để đời về sau”.
Nguyện xin Chúa là Đấng dám chết cho người mình yêu giúp chúng ta biết sống cao đẹp trong hy sinh từ bỏ, trong bác ái dấn thân vì lợi ích tha nhân. Amen.
Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền