Tiên tri Giêrêmia hoạt động tại Jerusalem khoảng năm 627 tới sau năm 587 trước Công Nguyên. Tiên tri đã cảnh báo thần dân, vì tội lỗi mà họ đã phạm đến Chúa. Dân thành sẽ bị phá hủy bởi vua Nebuchadrezzar, người Babyon. Khi nghe cảnh cáo, nhiều nhà chức trách đạo đời cảm thấy khó chịu và muốn diệt trừ tiên tri Giêrêmia:“Chúng tôi xin bệ hạ cho lệnh giết người này, vì nó cố ý nói những lời làm lũng đoạn tinh thần chiến sĩ còn sống sót trong thành này và toàn dân. Thực sự tên này không tìm hoà bình cho dân, mà chỉ tìm tai hoạ”(Gr 38, 4). Tuy nhiên, trong số đó có những người trung thành và biết lắng nghe lời sự thật. Thay vì bỏ mặc tiên tri để chết trong giếng cạn, vua đã truyền cứu ngài ra khỏi giếng: Vậy vua truyền dạy Abđêmêlech người Êthiôpi rằng: “Hãy đem ba mươi người ở đây theo ngươi, và kéo tiên tri Giêrêmia ra khỏi giếng trước khi ông chết” (Gr 38, 10). Sống ở đời luôn có kẻ ưa người ghét là thế!
Trong cuộc sống, chúng ta luôn phải đối diện với hai chọn lựa: Tốt xấu, phải trái, lành dữ, đúng sai, yêu ghét và tội phúc… Dù tốt hay xấu, phía nào cũng có người phò theo. Phe lành và phe dữ song hành trong cuộc sống như bóng tối và ánh sáng. Làm sao chúng ta có thể rút ra những nhận định đúng đắn trong xã hội vàng thau lẫn lộn? Vì mỗi bên, mỗi phía đều có chia sẻ ít nhiều sự tốt lành và xấu dữ. Đâu là chân lý? Mỗi xã hội con người có những chủ trương riêng biệt. Văn hóa này có thể thích hợp ở đây, nhưng không thể thực hành nơi khác. Tất cả những nền văn hóa do con người kết cấu thành đều là tương đối. Các luật lệ do con người đặt ra cũng rất tương đối. Sự phán đoán về sự đúng sai của con người xã hội cũng bị ảnh hưởng bởi quan niệm sống mỗi vùng, nên dân luật hay tục lệ có thể thay đổi.
Cảm giác về tội lỗi phai nhạt dần. Chủ nghĩa cá nhân được đề cao. Con người xã hội tìm kiếm và thỏa mãn những gì mình ưa thích. Nhiều người chủ trương sống hưởng thụ và đáp ứng mọi nhu cầu cảm xúc thể xác. Những nét đẹp của Công Dung Ngôn Hạnh từ từ biến mất. Chúng ta không thể ngồi ung dung tự tại mặc cho con tạo xoay vần. Là các bậc phụ huynh, những người giáo dục và thầy dậy, chúng ta cố gắng khơi lên ngọn lửa cháy sáng soi đường. Hai ngàn năm trước, Chúa Giêsu đã đem lửa xuống thế gian và ước mong lửa bừng cháy:Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên (Lc 12, 49). Lửa của tình yêu và lửa của sự thật. Chúa là tình yêu. Chúa là sự thật và là sự sống.
Chúa Giêsu không dấu diếm sứ mệnh, Ngài nói: Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ (Lc 12, 51). Sự chia rẽ giữa sự thánh thiện và tội ác. Sự chia rẽ giữa người công chính và kẻ gian ác tội lỗi. Nhưng Chúa Giêsu không bỏ rơi một ai. Ngài hiện diện đó không phải để kêu gọi người công chính mà là kẻ tội lỗi. Hỡi những ai gồng gánh nặng nề, hãy đến, Chúa sẽ nâng đỡ bổ sức cho. Chúa Giêsu là mục tử nhân lành, Ngài đến để đoàn chiên được sống và sống dồi dào.
Đối diện với cuộc sống đa dạng, đa văn hóa và đa tôn giáo của thời đại hôm nay, chúng ta cần học hỏi và nhận định rõ ràng hơn. Rất nhiều chính thể chủ trương triết thuyết tương đối. Họ cho rằng không có gì tuyệt đối là đúng hay sai và tốt hay xấu hoàn toàn . Theo họ, đúng hay sai, dựa vào sự quyết định của đa số áp đặt. Trước tiên, sự tốt xấu và lành dữ được đánh giá qua vấn đề lợi nhuận kinh tế. Chúng ta đang va chạm với những chủ trương cởi mở và qúa cấp tiến. Những điều đang xảy ra hằng ngày về vấn đề đạo đức luân lý. Thí dụ: Một số Tiểu Bang ở Hoa Kỳ, các nhà Lập Pháp đã bỏ phiếu đa số đồng thuận về hôn nhân đồng tính, về sự ngừa thai, phá thai không giới hạn, về án tử và trợ tử…
Về sự sống con người: Phe phò phá thai (pro-abortion) chủ trương bảo vệ tự do và quyền bình đẳng của phụ nữ, trong khi hủy diệt sự sống của thai nhi. Tuy nhiên, Phong trào phò sinh (pro-life) vẫn tiếp tục đấu tranh cho quyền tự do lương tâm và tự do tôn giáo. Chúng ta căn cứ vào lương tâm và lời Mạc Khải để tìm đến sự thật. Sự thật có thể áp dụng chung cho mọi người, mọi dân và mọi nước. Chúng ta gọi là luật tự nhiên hay luật lương tâm đã được in ghi tận đáy tâm hồn.
Càng ngày càng có nhiều tệ nạn xảy ra trong xã hội con người. Các học viên được huấn luyện trở thành bác sĩ để cứu chữa con người, nhưng một số lại tìm cách hủy diệt mạng sống con người. Các công ty dược phẩm chế tạo thuốc để chữa lành, nhưng đồng thời cũng chế tạo các loại thuốc giết người. Các tòa án Tối Cao Pháp Viện, phải là nơi công lý được thể hiện, nhưng cũng lại đưa ra những chỉ thị và phán quyết độc hại hủy phá sự sống con người. Biết tin vào ai? Đâu là điều tốt hay điều xấu và điều lành hay điều dữ. Mỗi quan tòa đều có những lý luận sắc bén để biện luận và đôi khi ngụy biện để dấu diếm sự thật. Nhiều chính phủ dùng quyền lực của luật pháp để áp chế người dân đi ngược dòng đạo đức luân lý. Dù với quyền lực, họ cũng không thể giết đi tiếng nói của lương tâm. Sự thật vẫn luôn là sự thật.
Thánh Phaolô khuyên dạy: Chúng ta hãy nhìn thẳng vào Đức Giêsu, Đấng khơi nguồn đức tin và làm cho nó nên hoàn tất; vì trông mong niềm vui đang chờ đón mình, Người đã chịu khổ giá, bất chấp sự hổ thẹn và rồi lên ngự bên hữu ngai Thiên Chúa (Dt 12, 2). Chúng ta tìm về nguồn chân thiện mỹ. Đức Kitô là Đấng trung gian giữa đất trời. Ngài là Lời của Thiên Chúa. Ngài mạc khải cho chúng ta về con đường cứu độ qua thập giá. Ngài đã chấp nhận cái chết đau thương trên khổ giá để minh chứng cho lời rao giảng và sự thật Nước Trời. Muốn đạt được quê trời, chúng ta cũng phải phấn đấu một cách kiên vững và gian khổ. Bước qua cửa hẹp. Từ bỏ mình và vác thập giá theo Chúa. Muốn bước theo Chúa, chúng ta không thể bắt cá hai tay. Cần có sự chọn lựa dứt khoát. Tránh kiểu sống nửa vời tương đối vô thưởng vô phạt.
Nhắm hướng nhìn lên. Suy gẫm sự khổ đau của Chúa Kitô trên thập giá để tìm hướng đi. Chúng ta có thể hỏi rằng tại sao Chúa phải chịu khổ nhục như thế? Chúa có thể chọn cách khác nhẹ nhàng hơn chứ! Không, Chúa Kitô đã ước ao hoàn tất chén đắng mà Cha đã trao đề kéo lôi chúng ta ra khỏi vực sâu của tội lỗi và sự chết: Anh em hãy tưởng nghĩ đến Đấng đã liều thân chịu cuộc tấn công dữ dội của những người tội lỗi vào chính con người của Ngài, ngõ hầu anh em khỏi mỏi mệt mà thất vọng (Dt 12, 3). Mầu nhiệm Chúa Kitô chịu chết và sống lại là một chân lý. Chân lý của sự giải thoát. Để tìm câu trả lời cho sự lành sự dữ, sự tốt sự xấu, tội hay phúc, chúng ta hãy tìm câu trả lời nơi Chúa Kitô chịu đóng đinh.
Các nhà làm luật phán đoán và quyết định những điều đối nghịch với đạo đức luân lý nhưng họ đâu có chịu trách nhiệm. Sự dữ, sư xấu và sự sai trái đổ trên đầu người dân thấp cổ bé miệng. Các nhà lập pháp đâu có cảm thông và hiểu thấu những sầu khổ oan khiên trong thâm tâm của mỗi người. Các quan tòa vui mừng mở rượu vang chúc mừng nhau, khi thành công bỏ phiếu thành luật về một vấn đề luân lý nghịch đạo. Họ đâu có lường được những hệ lụy khổ đau kéo theo từ dòng dõi này qua dòng dõi khác. Biết bao tâm hồn bị tổn thương và rơi vào cô đơn giá lạnh. Chỉ có một Người cảm thông nỗi đớn đau tuyệt vọng và có uy quyền chữa lành tâm hồn là chính Chúa Kitô trên thập giá.
Lạy Chúa, Chúa đang giang tay chờ đón chúng con. Chúa nói với chúng con rằng ai yêu nhiều sẽ được tha nhiều. Chúng con chạy đến với Chúa, xin Chúa dủ lòng thương xót chúng con.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York