CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN – C
(2Mc 7,1-2.9-14; 2Tx 2,16-3,5; Lc 20,27-38)
I.- DẪN NHẬP
Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta củng cố niềm tin và niềm hy vọng vào Chúa Kitô. Ngài không chỉ rao giảng về sự sống lại, mà chính Ngài còn là sự sống lại. Sự Phục Sinh của Ngài là bảo chứng của cuộc sống và là chứng cứ xác thực cho lời rao giảng của Ngài. Chính sự Phục Sinh của Ngài mà niềm tin của chúng ta được thiết lập và củng cố.
Như lời thánh Phaolô khẳng định trong thư gởi giáo đoàn Côrintô: “Nếu Chúa Giêsu không sống lại thì đức tin của chúng ta thật là hão huyền…” (x.1Cr 15,13-18). Chính niềm tin vào sự Phục Sinh của Chúa Kitô mang lại ý nghĩa cho cuộc sống chúng ta. Và với niềm tin này, chúng ta tìm được ơn can đảm để sống, mặc dù có trải qua bao nghịch cảnh thử thách, và khổ đau… Trong niềm tin ấy, chúng ta vẫn tiếp tục tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, đó là cuộc sống hạnh phúc bất diệt ở trên Nước Trời.
Quả thực, con người hiện nay, nói chung ai cũng tin vào một thế giới linh thiêng đằng sau thế giới trần tục này; mặc dầu có nhiều phong trào vô thần, nhưng đó chỉ là lý thuyết. Thực tế, những người tự xưng là vô thần, họ vẫn hằng tưởng niệm hương hồn của những người quá cố. Thậm chí họ còn tưởng niệm và suy tôn những vị đã chết hằng nhiều thập kỷ. Nhưng cách riêng đối với người Kitô hữu chúng ta, chúng ta càng xác tín hơn vào sự bất tử của linh hồn và sự sống lại của thể xác.
II.- VẤN ĐỀ SỰ CHẾT
1. Chết là gì?
Trước khi nói về sự sống lại, nên nói một chút về ý nghĩa sự chết.
Chết là một trạng thái của tự nhiên khi một sự vật chuyển từ hình thức tồn tại khả giác sang một hình thức tồn tại vô giác. Nói cách khác, chết không phải là kết thúc mà chỉ là một sự biến đổi trên một chặng đường vận động không ngừng nghỉ của vạn vật.
Xét bề ngoài, chết là một sự kiện tàn khốc. Một người chết là một người hết sinh tồn. Tất cả chúng ta đều phải chết, vì cái chết là một cái gì gắn liền với thân phận con người, là án phạt của tội lỗi kể từ khi hai ông bà nguyên tổ vấp phạm. Thế nhưng, chúng ta lại chẳng biết gì về cái chết. Cái chết thì chắc chắn, nhưng giờ chết lại bấp bênh vô định. Chính vì thế, chúng ta phải luôn sẵn sàng. Cái chết không phân biệt tuổi tác. Nó ở trước mặt người già và kề bên sau lưng người trẻ.
Thực vậy, bao lâu nữa tôi sẽ chết? Tôi sẽ chết ở trong nhà hay ở ngoài ngõ? Tôi sẽ chết mà có kịp lãnh nhận các bí tích cuối cùng hay không? Tôi hoàn toàn không biết. Phải, tôi hoàn toàn không biết. Tôi có thể chết giữa những vui thú của một ngày hội lớn. Tôi có thể chết trên một bãi chiến trường xa xôi và hẻo lánh. Tôi hoàn toàn không biết. Điều tôi có thể chắc chắn, đó là lời cảnh cáo của Chúa: Cái chết sẽ đến vào ngày chúng ta không ngờ, vào giờ chúng ta không biết. Nó như một kẻ trộm viếng thăm một cách âm thầm và kín đáo, không kèn không trống và cũng chẳng báo trước. Bởi vậy, phải sẵn sàng vì đó là giây phút thật quan trọng, ấn định số phận đời đời cho mỗi người chúng ta.
Sách giáo lý cũng đã có câu trả lời: “Chết là linh hồn lìa khỏi xác”. Có lẽ hơn một lần chúng ta được nhìn thấy những người đã chết. Cuộc đời con người có vẻ như chấm dứt bằng cái chết.
Một triết gia người Đức bảo rằng: con người sinh ra để chết. Cái chết là số phận của mỗi người, nhưng nói chung ai cũng muốn sống. Kitô giáo cho rằng con người sinh ra là để sống mãi. Cái chết chỉ là cánh cửa mở vào cõi vĩnh hằng.
Hầu hết các tôn giáo đều nghĩ rằng: chết chưa phải là hết. Con người sau khi chết sẽ được đưa sang một thế giới khác, hoặc được dẫn đến một nơi khác để tiếp tục sống. Nhưng đời sau, đối với họ, là đêm tối, buồn thảm và không có gì hấp dẫn cả. Lý do là vì đó là thế giới của sự chết, của âm phủ.
2. Sự chết dạy ta biết cách sống
Đời sau kéo tôi ra khỏi những hạnh phúc giả tạo, và những nỗi khổ đau do mê lầm. Tất cả mọi cuộc hành trình, đều phải hướng về nguồn cội.
Các tôn giáo khác có thể tin có sự sống đời sau, nhưng không có tôn giáo nào nói đến sự phục sinh của người chết như Kitô giáo. Ngay cả Dothái giáo, niềm tin vào sự phục sinh của người chết cũng không dứt khoát rõ ràng. Như thánh Phaolô đã nói: “không phải ai cũng có niềm tin” như vậy!
Chúng ta là người Kitô hữu đã được giáo dục đức tin. Và lời tuyên xưng đức tin hằng ngày trên môi miệng người Kitô hữu chính là kinh Tin Kính: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại, tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”. Đó là tột đỉnh của niềm hy vọng mà Chúa Kitô đem lại cho chúng ta. Vì nếu không có sự sống lại và cuộc sống đời sau, thì tất cả đời người đều vô nghĩa.
Vì thế, người Kitô hữu ước mong đạt được hạnh phúc đời sau như là một tiến trình đi về quê hương, để gặp Đấng đã tác tạo, đã cứu độ mà họ đã tin yêu và đặt hy vọng suốt cả cuộc đời.
Niềm tin ấy phù hợp với giáo lý của Chúa Giêsu khi nhắc lại điều mà ông Môsê thấy Chúa hiện ra trong bụi gai cháy đỏ. Ông hỏi Chúa là ai. Chúa trả lời: “Ta là Thiên Chúa của Abraham, Isaác, Giacóp”. Vào thời của Môsê, Abraham đã qua đời được hàng 5, 6 trăm năm. Vậy mà Chúa vẫn tự giới thiệu là Thiên Chúa Abraham, tức là Abraham vẫn sống, đang sống bên Chúa. Vì Thiên Chúa là Thiên Chúa của người sống chứ không phải Thiên Chúa của kẻ chết.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhiều lần nhắc đến cuộc sống sau cái chết như dụ ngôn người giầu có và Lagiarô, trong dụ ngôn về ngày phán xét, dụ ngôn đồng lúa và cỏ dại…
Theo thánh Phaolô, cuộc sống đời sau mới là đích điểm mà mọi tạo vật nhắm tới. Trong thư Rôma, Ngài viết: “Muôn loài thọ tạo những mong ngóng chờ ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Người. Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt phải chịu vậy. Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến nay, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8,19-23)
Chúng ta rên siết vì cuộc sống hiện tại đầy khổ ải. Chúng ta mong chờ cuộc sống đích thực ở mai sau. Đời sống này là thời kỳ thai nghén. Ta phải chịu đau đớn để sinh vào đời sau.
Chúng ta chỉ đi qua cuộc đời này một lần mà thôi, không có một cơ hội thứ hai để ta làm lại. Chính vì thế ta phải cố gắng nỗ lực sống hết mình trong cuộc đời này, để đời sau ta được sống lại với Thiên Chúa, vì “Ngài không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, và đối với Ngài, tất cả đều đang sống.” (Lc 20,38). Và đó cũng là cơ sở vững chắc cho ta mạnh dạn tuyên xưng đức tin trong kinh Tin Kính: “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”.
III.- TÌM HIỂU ĐÔI DÒNG VỀ PHÁI SAĐỐC
Phái Saddu (Sađốc) thuộc trào lưu văn hoá Hy Lạp, đề cao tiền của, thế lực và thể xác. Phái này tuy ít, nhưng lại gồm những người trong giới quý tộc hay tư tế cao cấp. Phái này thành lập vào thời Ba Tư thống trị Dothái và chạy theo ngoại bang. Dưới thời đế quốc Lamã, họ có nhiều uy lực chính trị và tôn giáo. Dân chúng Dothái không có cảm tình với nhóm này vì nếp sống và quan điểm của họ. Sử gia Flaviô viết: Những người Sađốc thường cứng cỏi ngay cả với anh em cùng phái và bất lịch sự trong cách giao tế với người đồng hương cũng như ngoại bang.
Về tôn giáo, phái này chỉ nhận có Ngũ Kinh của Môsê, khinh bỏ tập tục của nhóm biệt phái. Nếu họ có giữ tập tục nào thì chỉ để che mắt và để có thể liên hệ với dân Dothái. Họ không tin Thiên Chúa quan phòng, không tin linh hồn bất tử. Linh hồn chết làm một với thân xác. Họ càng không tin kẻ chết sống lại, cho nên họ đưa luật Lêvi ra để chất vấn Chúa về vấn đề hôn nhân.
Vì không tin có sự sống lại. Họ bịa ra câu chuyện một thiếu phụ có 7 đời chồng lần lượt chết mà không có con nối dõi. Rồi thiếu phụ đó cũng chết. Vậy thì ngày sống lại ai sẽ là chồng của thiếu phụ ấy. Đặt vấn đề như vậy họ cho là Chúa sẽ thất thế, hoặc phải chấp nhận chế độ đa phu hoặc sẽ có tranh chấp xô xát sau khi sống lại. Với vấn nạn này nhóm Sađốc đòi Chúa Giêsu phải có một lập trường dứt khoát. Nếu Ngài không tin có sự sống lại thì họ được thêm một đồng minh. Còn nếu Ngài tin, thì làm sao giải quyết vụ hôn nhân cho người vợ goá với bảy người anh em ruột làm chồng mình.
Đức Giêsu tuy có câu trả lời cho thắc mắc của họ, nhưng Ngài không dựa vào đó để khẳng định có sự sống lại. Nhưng Chúa đã chỉ cho họ thấy quan điểm của họ lầm lạc. Ngày sống lại sẽ chấm dứt mọi liên hệ hôn nhân trần thế. Ngày ấy dòng giống nhân loại không cần phải đông thêm nữa và đời sống lúc ấy là linh thiêng như thiên thần. Để chứng minh điều đó, Chúa Giêsu đã dựa vào chính Ngũ Kinh của Môsê để lập luận: Thiên Chúa đã thề rằng Người là Chúa của Abraham, Isaac, Giacob cho đến đời đời. Người Dothái tin rằng ba tổ phụ nay vẫn còn sống, và theo Đức Giêsu thì điều gì gắn liền với Thiên Chúa thì cũng mang sự sống vĩnh hằng của Người. Vậy Thiên Chúa là Chúa của người sống chứ không của kẻ chết.
Dựa vào lời của Chúa, chúng ta thấy: nhóm Sađốc hiểu sai về việc sống lại, cũng như về đời sống mai sau. Với họ sống lại là phục hồi những điều kiện vật chất của người quá cố. Trong khi đó Chúa Giêsu lại bảo: Người sống lại sẽ giống như các thiên thần, nên không còn dựng vợ gả chồng nữa.
IV.- QUAN ĐIỂM VỀ SỰ SỐNG LẠI
Đối với chúng ta, vấn đề sự sống lại chỉ được thực sự giải quyết qua cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô, để rồi chúng ta luôn tuyên xưng: Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau.
Chúng ta tin rằng con người sinh ra là để được sống mãi. Cái chết chỉ là ngưỡng cửa đưa vào chốn trường sinh. Một người chỉ có một cuộc sống, cuộc sống đời này sẽ quyết định số phận cho cuộc sống đời sau. Việc thiện hôm nay sẽ bảo đảm cho hạnh phúc ngày mai.
Quả thật, con người được Thiên Chúa dựng nên để sống trường sinh, nhưng vì sự đố kỵ của ma quỉ mà cái chết đã nhập vào thế gian. Thánh ý của Thiên Chúa không thể mãi mãi bị ngăn chặn bởi quỉ ma, con người phải tìm lại được quyền bất tử của mình. Đó là sự sống lại của những người công chính. Đại diện cho nỗi khát khao của con người, thánh Augustinô đã than thở rằng: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con, hướng về Chúa, nên lòng con luôn khắc khoải cho đến khi được nghỉ an trong Chúa”.
Chúa dựng nên con người để hưởng hạnh phúc, nhưng không chỉ là hạnh phúc tạm bợ đời này, mà là hạnh phúc vĩnh hằng đời sau. Sống là một cuộc hành trình tiến về đời sau, về với Đấng hằng đợi chờ và yêu thương ta mãi mãi. Đừng mải mê với những hạnh phúc mau qua, những lạc thú bên đường mà quên cùng đích cuộc đời là phải gặp được Chúa.
Cũng có những kẻ sống như thể mình không bao giờ phải chết, họ ung dung hưởng thụ những thú vui trần tục. Họ đã chết ngay khi còn đang sống. Có những kẻ sống như thể chỉ có đời này, tự điển sống của họ không có từ “đời sau”. Họ đang sống mà như đã chết.
Khi trả lời câu hỏi của nhóm Sađốc, Chúa Giêsu đã mặc khải ba chân lý.
Chân lý thứ nhất: Chỉ những ai được tuyển chọn mới được vào Nước Chúa. Sự sống đời sau có đó. Nhưng không phải ai cũng vào được. Chỉ có những người được xét là xứng đáng mới được vào. Trong Phúc Âm, nhiều lần Chúa đã nói tới việc tuyển chọn này. Chúa sẽ loại chiên ra khỏi dê, lúa tốt ra khỏi cỏ dại, cá tốt ra khỏi cá xấu… Tiêu chuẩn để chọn lựa là Tám mối phúc, nhất là giới răn bác ái yêu thương.
Chân lý thứ hai: Người ta sẽ sống lại và giống như thiên thần. Đời sống trên trời sẽ không có gì giống với đời sống dưới đất. Sẽ không còn đói khát nên sẽ không cần ăn uống. Sẽ chẳng có lấy vợ lấy chồng, sẽ chẳng cần sinh con để nối dõi vì người ta không bao giờ chết nữa.
Chân lý thứ ba: Ta sẽ trở thành con Thiên Chúa. Là con Thiên Chúa, hạnh phúc lớn nhất của ta là được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi là cội nguồn hạnh phúc, nên thánh Phaolô đã nói: “Những đau khổ ta chịu bây giờ không thấm gì so với hạnh phúc sau này ta sẽ được. Và mọi tạo vật mong tới ngày được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, để được cùng con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8,22). Vì hạnh phúc ấy mà tám mẹ con trong bài đọc thứ nhất đã cam chịu mọi khổ hình.
V.- ĐỜI SAU LÀ MỘT MẦU NHIỆM
Một số tôn giáo tin rằng đời người có nhiều kiếp. Kitô giáo chỉ nhận có một cuộc đời ta đang sống. Chính cuộc đời duy nhất này định đoạt số phận vĩnh cửu của ta. Không có một cơ hội thứ hai để làm lại. Chính vì thế phải sống hết mình cho đời này để đáng hưởng hạnh phúc đời sau.
Chẳng ai được lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục để có kinh nghiệm từng trải bao giờ. Người đã khuất cũng không trở lại để kể ta nghe. Bởi thế, nhiều người không tin có đời sau. Cả những tín hữu cũng bị cuốn hút bởi vật chất, và sống như thể chỉ có đời này. Đời sau là chuyện ở đâu đó, hoàn toàn xa lạ.
Người thuộc phái Sađốc tin rằng sau cái chết linh hồn con người vất vưởng như cái bóng nơi âm phủ. Âm phủ là nơi tối tăm, buồn chán, thiếu sự sống.
Người Pharisêu lạc quan hơn, cho rằng đời sau là sự kéo dài của đời này. Người ta sống như trước, nhưng tràn trề hạnh phúc.
Còn theo thuyết luân hồi, thì rủi có sa đọa kiếp này, vẫn còn có thể gỡ gạc ở kiếp khác nơi trần gian, nên không lo. Tuy nhiên, điều quan trọng là thực sự có kiếp khác ở trần gian để gỡ gạc hay không? Nếu không thì sao? Mà chắc chắn là không có rồi.
Một số tôn giáo tin rằng đời người có nhiều kiếp. Riêng Giáo lý Công giáo khẳng định chỉ có một kiếp người, đó là cuộc đời ta đang sống. Chính cuộc đời duy nhất này định đoạt số phận của ta ở đời sau. Lúc đó ta sẽ ra sao? Sẽ đi về đâu? Về nơi trường sinh vĩnh phúc hay cõi trầm luân đời đời?
Khi những người thuộc phái Sađốc đến chất vấn Chúa Giêsu về sự sống lại, Chúa Giêsu khẳng định có sự sống đời sau. Ngài dạy rằng có những người được xét là đáng được hưởng phúc đời sau thì không còn chết nữa. Họ giống như các thiên thần (câu 36). Rồi Ngài cũng trích dẫn sách thánh, đoạn sách nói về Thiên Chúa hiện ra với Môsê trong bụi gai, để chứng tỏ rằng Abraham, Isaac và Giacóp dù đã từ trần từ lâu nhưng vẫn còn đang sống. Mà nếu các vị ấy còn sống, tức là có sự sống đời sau.
Trong dụ ngôn về ngày phán xét cuối cùng, Đức Giêsu cũng tỏ cho thấy kẻ dữ thì “phải ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng lấy sự sống muôn đời” (Mt 25,46). Như thế, Chúa Giêsu tỏ cho thấy không những có cuộc sống đời sau mà còn cho biết cuộc sống đó sẽ kéo dài “muôn đời muôn kiếp”. Ngài không bao giờ hủy diệt sự sống, điều mà Ngài đã tạo dựng và Ngài thấy tốt lành. “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống” (Lc.20,28).
Đức Giêsu đã vén mở cho chúng ta phần nào bức màn đời sau. Đời sau khác hẳn đời này. Người ta không cưới vợ lấy chồng, không cần con nối dõi, nhưng sống như các thiên thần, nghĩa là chỉ lo phụng sự và ca ngợi Thiên Chúa.
Đời sau là nơi không còn bóng dáng của thần chết. Người ta thoát khỏi quy luật thông thường của lẽ sinh-bệnh-lão-tử. Toàn bộ con người được sống lại: cả hồn lẫn xác. Thân xác tuy đã tan thành tro bụi theo thời gian, nhưng sẽ được biến đổi một cách kỳ diệu để chung hưởng hạnh phúc với linh hồn.
Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống. Một lời đầy an ủi cho tất cả chúng ta. Đừng thất vọng trước cái chết của một người Kitô hữu, của những người thân yêu chúng ta. Sự chia ly chỉ có trong một thời gian và tất cả sẽ gặp lại nhau. Lúc đó, chúng ta sẽ thấy một tình trạng mới của những người con Chúa là được giống như các thiên thần và nhất là nên giống Chúa Kitô trong vinh quang phục sinh.
Còn sống trên trần gian, chúng ta hãy tín thác vào Thiên Chúa hằng sống. Ngài luôn yêu thương chúng ta và muốn cho tất cả chúng ta, ngày sau sẽ được sống với Ngài mãi mãi. Ngay bây giờ, hãy đáp lại lời mời gọi của Chúa bằng một đời sống tốt đẹp hơn, tin tưởng và hy vọng vào Đấng sẽ phục sinh chúng ta trong cuộc sống hạnh phúc đời đời.
Vấn đề sống, chết và sống lại còn quan trọng hơn nữa khi biết rằng đời sống trần gian là giá mua đời sống mai sau. Nói cách khác, kiếp sống mai sau có được hạnh phúc hay phải bất hạnh là tùy ở kiếp sống hôm nay thánh thiện hay tội lỗi. Nếu muốn sống hạnh phúc muôn đời thì phải làm những điều lành, còn nếu muốn bị xét xử và luận phạt, thì cứ làm những điều ác, điều xấu, điều dữ. Dĩ nhiên là Thiên Chúa trợ giúp, nhưng sự quyết định cuối cùng là ở con người tự do. Chúa không ép buộc ai vào thiên đàng, và cũng không xô đẩy ai xuống hỏa ngục bao giờ.
VI.- THAY LỜI KẾT
Đời người vắn vỏi, xác người yếu đuối. Chỉ trong vòng một trăm năm tất cả chúng ta, những người đang hiện diện nơi đây sẽ chết và trở thành tro bụi. Nghĩ như thế thì đời người thật phi lý và vô nghĩa; nhưng trong niềm tin Kitô giáo, chúng ta còn có đời sau. Chúng ta tin rằng thân xác chúng ta sẽ được sống lại, được thưởng sống hạnh phúc vĩnh cửu trên Thiên Đàng, hay bị phạt trầm luân muôn đời trong lửa hỏa ngục. Việc đó lệ thuộc vào cách sống của chúng ta hôm nay.
Nghĩ đến cái chết ai cũng cảm thấy lo lắng và sợ hãi. Lo lắng là tất nhiên, sợ hãi là hợp lý vì con người mang thân phận tội lỗi, vì đứng trước tòa phán xét của Chúa nào có ai vô tội.
Sau cái chết trần gian là đi vào cõi hằng sống. Suốt một đời thân xác và linh hồn cùng nhau phục vụ không lẽ đời sau bị tách rời để được thưởng hay bị phạt. Nếu không có sự sống lại thì sự sống trần gian còn có ý nghĩa gì? Chúng ta sống là để làm gì? Bao nhiêu đau khổ hằn ghi trên khuôn mặt như bệnh tật, tai nạn. Những bệnh nhân kinh niên như phong cùi, ung thư, mù, lao, què cụt; những cuộc chiến tranh tàn khốc bởi sự kỳ thị chủng tộc, mầu da hay của cải trần thế… Sống để làm gì, chịu đựng để làm gì nếu không trông mong vào sự sống lại của thân xác ngày mai. Bao nhiêu nam nữ thanh niên sống độc thân vì Nước Trời có còn dám sống và tiếp tục sống nếu bỏ đi tín điều sống lại? Bao nhiêu trẻ thơ, bao nhiêu cụ già gìn giữ sự sống từng giây từng phút trong một thân xác tàn phai cũng vì trông chờ vào giây phút sống lại.
Lời Chúa hôm nay đem lại cho chúng ta bao niềm hy vọng. Chúa cho chúng ta biết, đời mình sẽ không đi trong bất định, để lạc vào hư vô, nhưng cuộc đời chúng ta có một cùng đích, đó là trở về với Thiên Chúa là cội nguồn của chúng ta. Cuộc đời chúng ta sẽ không chìm đắm trong đau khổ, nhưng sẽ vươn lên hạnh phúc, hạnh phúc làm con Thiên Chúa, hạnh phúc chia sẻ sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Đời ta như vậy sẽ không đi vào mạt kiếp lụi tàn, nhưng sẽ triển nở trong vinh quang tự do. Đúng như lời thánh Phaolô nói: “Gieo xuống thì hư nát, mà chỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà chỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà chỗi dậy thì mạnh mẽ; gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà chỗi dậy là thân thể có thần khí” (1Cr 15,43-44)
Ước gì niềm tin này thôi thúc chúng ta sống theo đường lối Chúa Giêsu để rồi chúng ta sẽ đạt đến nơi mà Người đã đến. Ước gì niềm hy vọng này cũng sẽ thúc đẩy chúng ta hy sinh cầu nguyện nhiều hơn, siêng năng dâng lễ nhiều hơn cho các linh hồn, đặc biệt là tổ tiên, ông bà cha mẹ và các tín hữu đã ra đi trước chúng ta được về quê trời vui hưởng hạnh phúc ngàn thu.
Chúng ta cũng tin rằng những cố gắng sống tốt đẹp của chúng ta ở đời này, nhờ ơn Chúa trợ giúp, nhờ lòng Chúa xót thương, chúng ta sẽ được ân thưởng hạnh phúc trường sinh cùng các thánh.
Linh mục GBt. BÙI NGỌC ĐIỆP-TSVN