“ Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34)
Kính thưa quý vị, hôm nay là Chúa Nhật Lễ Lá, ý nghĩa Lễ Lá là một niềm vui, rước lá là rước Đức Kitô khải hoàn vào thành thánh Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua của dân Dothai, kỷ niệm Thiên Chúa đã “Cứu” họ khỏi ách nô lệ vua Aicập, nhưng, hôm nay họ lại “giết” Con Thiên Chúa.
Vâng, thưa quý vị Bài Thương Khó theo Tin Mừng thánh Luca hôm nay, thuật về cái chết của Chúa Giêsu, một cái chết có một không hai, một cái chết của Con Người vô tội, Người là Hy Tế bởi Thiên Chúa, cái chết của Người là một Hy Lễ vô song để “CỨU” chuộc thiên hạ. Song, cái chết ấy được bắt nguồn từ sự đố kỵ, ganh ghét, hiềm khích , vu cáo, cáo gian để giết đi một Con Người vô tội, đồng thời là một Hy Tế của Thiên Chúa.
Nhưng, chủ đề chính hôm nay chính là sự “tha thứ”, vâng, Thiên Chúa cứ tha thứ và tha thứ, cũng chính vì tha thứ, Người đã tự nguyện nộp mình chịu khổ hình.
Tin Mừng cho chúng ta biết, người Dothai âm mưu giết Chúa Giêsu cũng chỉ vì họ không biết ”tha thứ ”, không biết “yêu”. Chúng ta thấy hai động thái trái ngược nhau giữa một bên là tinh yêu giữa một bên là thù hận. Yêu thương thì tha thứ, thù hận thì ganh ghét. Họ ganh ghét Chúa Giêsu, bởi vì họ cảm thấy ”thua” Chúa Giêsu, họ nghĩ rằng họ phải hơn Người, nhưng “hơn” làm sao được, vì Người là Con Thiên Chúa, họ nghĩ rằng Chúa Giêsu mạo phạm đến Thiên Chúa, vì một vị Cứu Tinh cho dân tộc Dothai phải là một vị hùng tráng, binh hùng tướng mạnh, chứ không thể là một người “nghèo khó”như Chúa Giêsu được. Vâng, đó là một sự nhầm lẫn rất lớn, kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa đã dùng một giải pháp tối ưu, đi ngược lại con người.
Chúa Giêsu chỉ đi rao giảng Tin Mừng cứu độ, chữa lành bệnh tật, trừ ma quỷ và thần ô uế, không trộm cắp, giết người, gian tham lọc lừa ai, vu cáo ai. Như vậy, những “cái không” của Chúa Giêsu là có tội sao, mà là tội tử hình sao?! Án tử sao mà dễ thế, công lý ở đâu? ! Pháp luật ở đâu rồi?!
Người Dothai giết Chúa Giêsu chỉ vì lý do tôn giáo, đi ngược lại những ý thức giả trá của họ, những lề luật do họ đặt ra, để có lợi cho họ. Họ âm mưu gài bẫy Người nhiều lần, nhiều cách, nhưng không thể thắng được Người, vì vậy, họ tìm cách cáo gian Người. Theo đó, Chúa Giêsu không thể bị kết án theo luật Dothai, bị ném đá theo luật Môisen, hay bị người Dothai tự ý hành quyết, mà là họ phải dựa vào tội chính trị “tội phản động”. Nhưng, khi bị cáo gian trước tòa Philato, quan tòa của Đế quốc ngoại bang, thì Philato cũng đầu hàng, vì không tìm ra “tội” nơi Chúa Giêsu. Rồi đến lượt philato trả về cho Herode là thẩm quyền người dothai xét xử. Chúng ta thấy, dù tìm mọi cách, nhưng cũng không thể tìm ra “tội” nơi Chúa Giêsu. Herode nghe danh tiếng Chúa Giêsu đã lâu, nhưng chưa có dịp gặp Người, vì vậy, muốn nhân cơ hội nầy, tìm cách “dụ dỗ” Chúa Giêsu cho ông ta xem phép lạ, vì ông ta nghĩ rằng: ông ta có thể mua chuộc được Chúa Giêsu, một “Con Người khố rách áo ôm”, còn ông ta thì “đầy quyền lực” và “bạc tiền”. Nhưng, qua cuộc đối đáp, Chúa Giêsu không thỏa mãn yêu cầu cũng như sự hiếu kỳ của ông ta, thế là , ông ta đành buông xuôi trao Chúa Giêsu lại cho Philato. Như vậy, làm quan cũng không dùng sự liêm chính mà xét xử, trả lại công bằng cho người vô tội, nhưng đành nhu nhược chiều theo cái ác.
Vâng, vụ án xét xử Chúa Giêsu hơn hai ngàn năm trước, ngày nay những nước chậm tiến, lạc hậu, độc tài, toàn trị cũng nhu nhược không kém, sự liêm chính cuả quan tham chẳng khác nào bọt nước xà phòng, hay bong bóng xì hơi, công bằng, công chính, công lý không thể có trong chế độ độc tài toàn trị. Những Nước như Triều Tiên chẳng hạn, bất chấp dân chủ, nghĩ mình là trên hết, ai động vào sẽ chết.
Là Con Thiên Chúa, nhưng Chúa Giêsu đã tự hạ, vâng lời Chúa Cha, trở nên phàm nhân, ngoại trừ tội lỗi, để trở nên giá chuộc nhân loại. Vâng, không có vị nguyên thủ nào, vị quân vương nào, vị thủ lãnh nào như Chúa Giêsu, dù họ chỉ là phàm nhân hoàn toàn, sự hữu hạn của nhân loại, nhưng Đức Kitô là Con Thiên Chúa , nhưng Người đã hoàn toàn trở nên hy tế cho nhân loại như trong đoạn ( Is 50, 4 -7) hôm nay. Chịu một bản án bất công, chịu xét xử vô lý, nhưng Người hoàn toàn tự nguyện xin tha cho kẻ giết Người.
Vâng, bản án của Chúa Giêsu chính là kế hoạch Cứu Độ bởi Thiên Chúa mà ra, vì vậy, thái cực của người Dothai và thái cực của Chúa Giêsu hoàn tòan đối lập, tạo nên một bản án bất công. Phơi bày một sự thua thiệt, thất bại của công lý, giống như bóng đêm đè lên ánh sáng mặt trời vậy.
Vâng, là Con Thiên Chúa, mang bản Tính Thiên Chúa thật, nhưng Chúa Giêsu đến trần gian, mang lấy hết những oan khiên, nhục nhã, đau đớn thể xác và tinh thần trong một bản án bất công, nếu là một phàm nhân hoàn toàn thì Đức Kitô qủa là nhà cách mạng có một không hai trên thế giới giải phóng cho nhân loại khỏi những sự bất công vô lối. Vì, không có nhà cách mạng nào dám vì nhân loại mang lấy một bản bất công cho nhân loại, vì nhân loại cách thảm thương như vậy. Những, nhà chính trị họ theo đường lối của những nhà giải phóng dân tộc chẳng qua vì “quyền lực và lòng tham”, vì địa vị và hưởng thụ. Nhưng, chỉ duy một mình Chúa Giêsu mới là nhà cách mạng chân chính cho nhân loại. Ngày nay, sở dĩ còn nhiều nơi bách hại Kitô giáo chính là họ không muốn đón nhận sự công chính, nền hòa bình đích thực từ Thiên Chúa, những nơi còn bách hại Kitô giáo, chính là còn mang hệ lụy quyền lực, tham lam, bá chủ, thống trị kẻ khác của những tư tưởng sai lạc, chống lại Thiên Chúa. Dù rằng, những người ấy có số tuổi chỉ bằng 0,2% của Chúa Giêsu mà thôi.
Vâng, thưa quý vị , như vậy, cuối cùng bản án của Chúa Giêsu cũng được hoàn tất trên Núi Sọ, vì ngọn núi Golgotha có hình giống chiếc sọ người. Nhưng, giữa hai kẻ trộm cướp, thì cũng còn có một kẻ biết nhìn nhận Người, nhìn nhận bản án bất công của Người phải chịu, và xin với Người: “ Lạy Ngài, khi nào vào Nước Ngài xin nhớ đến tôi ! ” (c 42). Rồi, Người nói với anh ta: “ Ta bảo thật, ngay hôm nay, anh sẽ được ở trên Thiên Đàng với ta.” ( 43). Vâng, có nghĩa là người trộm biết sám hối, và tin vào Chúa Giêsu, thì anh ta được cứu độ. Theo đó, Thiên Đàng ở đây có nghĩa là được “cứu độ”, được chính Chúa Giêsu tha thứ. Vì, Thiên Đàng có nghĩa là chính Chúa Giêsu, vì Thiên là Trời, Đàng là Đường, có nghĩa là Đường về Trời, hay Con Đường đến từ Trời, là chính Chúa Giêsu, vậy ai được Chúa Giêsu thì chính là nhận được Thiên Đàng rồi, và có lần Chúa Giêsu đã nói: “Ta là Đường, là sự thật, và là sự sống…”. Vậy, Thiên Đàng là chính Chúa Giêsu vậy. Vâng, quả là hạnh phúc nếu ai tin vào Chúa Giêsu và tuyên xưng vào Người.
Vì như lời thánh Phaolô trong (Pl 2, 6-11), “ Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng cùng Thiên Chúa… “ . Vâng , và như vậy chính là Thiên Đàng, như vậy Thiên Đàng là con đường trút bỏ hoàn toàn thế tục mà bước theo Đức Kitô –Giêsu. Như vậy, Thiên Đàng hay Nước Trời là chính Chúa Giêsu và nơi có Thiên Chúa ngự trị, chính là tâm hồn người công chính./.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin sấp mình tôn thờ cái chết của Chúa để cứu độ chúng con và chúng con tin vào sự Phục Sinh của Chúa để dẫn đưa chúng con đến cùng Chúa Cha là Cha giàu Lòng Thương Xót. Vì Chúa là Đấng Hằng sống và hiển trị cùng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần muôn đời./. Amen
20/03/2016
P.Trần Đình Phan Tiến