Một lần kia, Lincoln của nước Mỹ được hỏi ông sẽ đối xử thế nào với quân phiến loạn Miền Nam, khi họ thua trận và trở lại liên hiệp với Hoa Kỳ. Người hỏi câu ấy nghĩ rằng ông sẽ báo thù họ ghê gớm, nhưng Lincoln trả lời: Tôi sẽ đối xử với họ như họ chưa bao giờ ly khai với chúng ta.
-Thật lạ lùng tình yêu của Chúa khi Ngài tha thứ chúng ta y như vậy.
Trong đôi mắt của cha mẹ, con cái là tất cả. Trong đôi mắt Thiên Chúa chỉ có con người, nhất là những con người tội lỗi là đáng thương.
– Vua Đavít đã cầu nguyện cùng Chúa rằng: Xin giữ gìn con như thể con ngươi, dưới bóng Ngài, xin thương che chở.
– Không nên gọi dụ ngôn này là dụ ngôn về người con hoang đàng vì đứa con không phải là nhân vật chính, phải gọi là dụ ngôn về Người Cha Nhân Lành, bởi vì nó cho ta biết về tình yêu của người cha hơn là về tội của các người con.
Ta suy niệm về đứa con thứ:
– Cảm thấy xấu hổ vì tội: làm cho mất nhân phẩm tự nhiên và nhất là mất nhân phẩm Ki-tô hữu, con cái Thiên Chúa. Cảm nghiệm được sự bất hạnh khi sống trong tình trạng xa cách Thiên Chúa và nhất là “giác ngộ” được chân lý “sẽ phải chết đời đời”.
– Cảm thấy đói: Ấy là hình bóng của “Đói” Chúa, và đói Giêsu Thánh Thể, khao khát được kết hợp với Chúa Giêsu và Thiên Chúa qua việc rước lễ, để được sống lại và sống đời đời trong tình thương yêu của Chúa.
– Quyết tâm trở về với ý nghĩ rằng: Tôi sẽ đứng lên sẽ trở về cùng Cha, đồng nghĩa với việc quyết tâm chừa tội và mạnh dạn tìm đến Bí tích Hòa giải sớm nhất.
-Thú tội qua lời: Thưa Cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến Cha. Hãy xưng thú tất cả các tội đã phạm với lòng tin tưởng vào lòng Chúa nhân hậu luôn sẵn sàng tha thứ; chân thành nhận hoàn toàn sự sai trái của mình, do sự lạm dụng tự do của mình, không đổ lỗi cho ai, cho hoàn cảnh.
Suy gẩm về Tình Phụ Tử của người cha già cho ta thấy trong ấy hàm chứa nhiều thông điệp quan trọng với đời sống tín hữu của ta:
– Thiên Chúa để cho con người tự do dùng các ơn của Chúa: người con thứ đòi chia gia tài, người Cha tôn trọng và đáp ứng yêu cầu của con.
– Lòng Cha yêu con, buồn phiền, không yên lòng, khi con rời xa Cha, luôn mong ngóng con trở về với mái ấm tình thương gia đình.
– Sự sám hối chân thành của người con thứ: nhận ra mình đã lỗi phạm đến tình thương của Cha, quyết tâm đứng lên, mạnh dạn trở về thú tội và xây dựng một tương quan mới: tương quan của một tấm lòng yêu thật.
– Cử chỉ, thái độ và kế hoạch đón tiếp của Cha, đầy tình thương yêu, cảm thông và tha thứ.
Người anh cả trong dụ ngôn đại diện cho Pharisêu tự kiêu, tự mãn, họ thà xem thấy tội nhân bị tiêu diệt hơn là được cứu. Không nên có thái độ của người con cả với những ý niệm sai lầm về tương quan Cha Con, như tương quan của chủ tớ, sống trong tình thương của Cha, mà không ý thức ân huệ lớn ấy, không nhận ra tình thương ấy.
-Có đạo mà đang thiếu đức, nên anh tự cho mình giữ đúng luật lệ của đạo hiếu và cũng vì thế mà tự cho mình có quyền giận dữ trước thái độ nhân từ của người cha, và có quyền lên án người em: Còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn đĩ điếm.
– Tất cả thái độ của anh chứng tỏ rằng bao nhiêu năm anh vâng lời cha chẳng qua chỉ là một bổn phận buồn rầu, chứ không phải là công việc của tình yêu.
-Thái độ của anh là thái độ thiếu sự cảm thông. Anh nói về người em nhưng không dùng tiếng “em tôi” nhưng dùng chữ “con của cha”. Chàng là thứ người tự tôn, sẵn sàng đạp kẻ nào đã ngã xuống rãnh bùn hôi hám đến chổ càng ngã sâu hơn nữa.
-Tâm địa chàng rất dơ bẩn. Câu chuyện không nói tới gái điếm. Chính miệng chàng ta nói ra. Hẳn chàng đã nghi ngờ, tố cáo em chàng về thứ tội chính chàng muốn.
Nói tóm lại, qua dụ ngôn Tin Mừng hôm nay, đức Giêsu muốn nói cho chúng ta những điều sau đây:
- Thiên Chúa là một Thiên Chúa đi tìm kiếm con người, một Thiên Chúa mời gọi con người đến dự tiệc với mình, cả khi chúng ta thất trung và đi con đường lầm lạc mình tự chọn lấy, chứ không bước đi trên con đường của người đã chỉ cho.
- Thiên Chúa thương yêu chúng ta vô cùng, đến nỗi một kẻ đã sa ngã và đã lâm vào vòng tội lỗi, vẫn có thể trở thành một người tốt lành, một vị thánh. Người không bao giờ loại trừ ai, vì trong tình yêu của người vô cùng bao la, đến nỗi người vẫn luôn kiên tâm chờ đợi, mong mỏi cả những kẻ đã bỏ người, tương tự như người cha đón tiếp người con hư hỏng trong dụ ngôn.
- Thiên Chúa là một Thiên Chúa của tình yêu thương, của niềm hoan lạc vui mừng, đấng hằng muốn cùng chung vui với con cái loài người chúng ta. Chớ gì tất cả những mặc khải đó mang lại cho chúng ta sự can đảm và sức mạnh, để sám hối chân thật, dẫn chúng ta tới cùng Thiên Chúa và tới những người anh em đồng loại.
- Tự do là tặng phẩm vô giá Thiên Chúa ban cho con người, nhưng nó lại là con dao hai lưỡi, có thể đem lại hạnh phúc cho ta, đồng thời nó cũng đủ khả năng giết chết con người ta, nếu dùng nó sai mục đích. Thánh Phêrô, thánh Phaolô, Maria Magdala, Augustinô, Charles de Foucault, dù họ đã có tội, nhưng họ đã biết ăn năn, nên họ đã thoát khỏi tối tăm, trở về vùng tự do, ánh sáng, chính họ cuối cùng đã sử dụng đúng tự do Chúa đã trót ban cho mình.
– Sau hết, thánh Phê-rô Kim Ngôn đã giảng về ơn tha thứ của Chúa Cha như sau: Ở đây có chỗ nào cho người ta phải thất vọng không ? Có cớ nào để bào chữa không? Có lý do hão huyền nào để phải sợ không? Có chăng là sợ gặp người cha, sợ những cái hôn của người ; có chăng là người ta nghĩ rằng người cha muốn nắm lấy để chiếm lại, thay vì đón nhận để tha thứ, khi người giơ tay ra kéo con vào lòng, ôm anh trong vòng tay…người cha liền bảo các đầy tớ rằng: Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng ! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. Sau khi nghe những lời như thế, chúng ta còn trì hoãn được không? Chúng ta còn đợi chờ gì nữa mà không trở về với cha? Amen
Linh Mục G.B Nguyễn Ngọc Nga