TA BAN CHO CHIÊN CỦA TA SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI

Khi ấy, Chúa Giêsu phán: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một.” (Gioan 10: 27-30)

****************

Đây là một đoạn văn cực kỳ ngắn chỉ ra mối tương quan thiết yếu giữa Chúa Giêsu Kitô phục sinh, người chủ chăn đích thật và các con chiên của mình, cũng như với Chúa Cha. Sự hiểu biết về đoạn Tin mừng này trong khung cảnh phụng vụ của Mùa Phục sinh phải gom góp hết những suy niệm chúng ta đã và còn đang sống từ Chúa nhật thứ nhất đầu mùa Phục Sinh cho đến bây giờ, bởi vì chúng ta chỉ có thể hiểu những gì đang được nói với chúng ta, đặc biệt khởi đi từ bối cảnh những suy niệm mà chúng ta đã thấm nhuần. Chúa Phục Sinh là một Tin Mừng đáng kinh ngạc vì nó cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu Kitô, đã dọn đường để căn tính của chúng ta được thay đổi và đổi mới hoàn toàn. Thánh Phaolô diễn đạt như thế này: “Vì được dìm vào trong cái chết của Ngài, chúng ta đã cùng được mai táng với Ngài. Bởi thế, cũng như Ngài đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới.” (Rôma 6: 4 ). Đoạn văn Tin mừng Chúa nhật thứ tư mùa Phục Sinh hôm nay mở ra một phương thức hiện hữu mới, vốn đã hiện hữu rồi nhưng bây giờ được bộc lộ đầy đủ hơn: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi.” Đoạn Tin mừng này giống một lối đi hẹp cần vượt qua, như trong một ngọn núi, một thung lũng hướng tới một thung lũng khác ở sườn dốc bên kia. Người dân vùng núi thường mang đến trải nghiệm này cho những khách du lịch thích đi bộ trên núi và làm cho những người này rất ngạc nhiên sau khi băng qua một con đèo, và chỉ trong vài mét, họ có thể bước vào một khung trời hoàn toàn mới. 

Chúa Giêsu, chịu khổ hình, bị đóng đinh, chết trên thập giá, nhưng rồi trỗi dậy và đã sống lại, đã vượt qua thử thách tuyệt đối, từ đó Ngài chiến thắng trở lại, tái lập lời hứa của Thiên Chúa với Đavít:

Ta đã giao ước với người Ta tuyển chọn,

đã thề cùng Đavít, nghĩa bộc Ta,

rằng: dòng dõi ngươi, Ta thiết lập cho đến ngàn đời,

ngai vàng ngươi, Ta xây dựng qua muôn thế hệ

(Thánh vịnh 89: 44).

Ngài đã mang lại cho chúng ta sự bình an, niềm vui và một mời gọi chúng ta làm chứng: “Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở,các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái. Chúa  Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” Nói xong, Ngài cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Ngài lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” (Gioan 20: 19-21) 

Hôm nay, một cách cụ thể, Ngài gọi tên từng con chiên của Ngài: “chiên nghe tiếng của mục tử; mục tử gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra” (Gioan 10: 3). Chiên là những người đã bắt đầu theo Ngài, và Ngài mở ra một con đường cho cuộc đời của họ, nơi Ngài đã hứa sẽ ở với họ: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mátthêu 28:20) vì Ngài đã nhập thể vào đời sống loài người, trong sự yêu thương, sự bảo vệ nhân từ và ân cần của Chúa Cha… Do đó, Ngài mặc khải mình là sự sống vĩnh cửu, ban ơn hòa giải cho những người tin theo Ngài. Nhờ đó, họ trờ thành đàn chiên lãnh nhận sự sống phát sinh từ chính Ngài trong cuộc sống hàng ngày: “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong,”  Ngài là Vị Mục tử nhân lành đã chiến thắng trước cái chết, tuyệt vọng, ghen tị, tự dâng mình để ca ngợi Thiên Chúa là Cha của Ngài, vì: “Tôi và Chúa Cha là một.” (Gioan 10: 30) “như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Gioan 10: 15).

Đó là viễn cảnh của mùa Phục sinh này, mỗi người được gọi đích danh để, theo lời Chúa đã hứa với mình, trở thành chi thể của giáo hội đang được cấu thành. Khi chúng ta đặt niềm tin vào Chúa Kitô, tin rằng Ngài đã chết vì tội lỗi của chúng ta và trỗi dậy từ ngôi mồ, thì Chúa Thánh Thần kết hợp chúng ta với Chúa Giêsu. Chúng ta được kết nối với Ngài theo cách mà Thánh Phaolô có thể nói rằng tội lỗi của chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Ngài và con người cũ đã chết cùng với Chúa Giêsu: “Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Chúa Kitô nơi Thiên Chúa” (Côlôsê 3: 3 ). Tương tự như vậy, chúng ta được kết hợp với Chúa Kitô trong sự phục sinh của Ngài và chúng ta đã được sống lại với Ngài: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Chúa Kitô” (Côlôsê 3: 1). 

Không có gì tốt lành hơn đối với tôi là tin rằng Chúa Kitô Phục sinh kết hợp tôi vào sự sống của Ngài, dẫn tôi đi trên con đường của Ngài, bây giờ cũng là con đường của tôi, và cũng là con đường của tất cả những người khác, được nuôi dưỡng chung bằng sự sống của Chúa Kitô Phục sinh, Đấng là một với Thiên Chúa, trong một đàn chiên chia sẻ sự hiệp thông trong cùng sứ mệnh này của Chúa Giêsu, của tôi, của những người khác: sứ mệnh trao ban sự sống trong yêu thương, chăm sóc tận tình … Tôi bước đi, dù bên ngoài có vẻ một mình, nhưng thực ra lại đi cùng tất cả những người khác … Tôi trở thành một dấu hiệu của sự phục sinh khiến tôi sống động từ bên trong, liên kết với những gì sâu kín nhất, bí mật nhất của con người tôi, nơi đó Chúa Cha và Chúa Con hiện diện cùng dấu ấn và bẩy nguồn ơn của Chúa Thánh Thần. Tôi không còn tìm kiếm gì khác ngoài sự hiện diện này, một sự hiện diện chan chứa tình yêu thương chăm sóc ân cần của Chúa Cha qua Chúa Con. Cuộc sống của tôi không có kế hoạch nào khác ngoài việc đón nhận sự hiện diện đó hơn bao giờ hết, và loan truyền tình yêu thương đó liên tục, ngày càng nhiều hơn nữa, như lời Ngài khuyến khích: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Gioan 14: 1-3).

 

Sự an toàn hoàn toàn của đàn chiên

Nét đặc trưng của những con chiên tin vào Chúa Giêsu là họ lắng nghe tiếng nói của Ngài và làm theo lời Ngài, vốn là vị Mục tử Nhân Lành. Chúa Giêsu chăm sóc họ, Ngài ban cho họ sự sống đời đời, Ngài cũng nuôi họ. Biết rằng họ sẽ phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, Ngài muốn củng cố đức tin của họ bằng cách bảo đảm sự bảo vệ tuyệt đối cho họ: “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời ; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha” (Gioan 10: 28-29). Quả thật ai có thể giật khỏi tay Chúa Cha những kẻ mà Chúa Con đã trả giá bằng máu của Ngài để chuộc về? “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Chúa Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? … Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Chúa Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rôma 8: 35, 38-39). Thật là an toàn,thật là đảm bảo, thật là chắc chắn biết bao!

 

Tất cả đều được gọi

Hôm nay là Chúa nhật Ơn gọi. Điều đầu tiên chúng ta cần nói trong ngày này là mỗi người ở đây đều có một ơn gọi, mỗi người ở đây đã và đang được Chúa kêu gọi qua Chúa Thánh Thần để dâng những món quà đặc biệt của họ cho những người còn lại trong cộng đoàn. Vậy ơn gọi của tôi là gì? Món quà đặc biệt của tôi là gì? Tôi đang đóng góp gì cho đời sống của giáo xứ này – bên trong Giáo hội và bên ngoài Giáo xứ? 

Tất nhiên, hôm nay chúng ta đang được yêu cầu cầu nguyện cách đặc biệt cho những loại ơn gọi đặc biệt rất cần thiết cho đời sống của Giáo Hội. Chúng ta cần những vị mục tử chăm lo mục vụ cho các cộng đoàn giáo xứ của chúng ta mà chỗ này chỗ nọ chúng ta chưa có đủ. Chúng ta cần chứng tá đặc biệt mà Giáo hội đưa ra qua đời sống độc thân, khó nghèo và vâng lời. 

Chúng ta cầu nguyện cho có nhiều ơn gọi như vậy hơn nữa, vì Chúa Thánh Thần chắc chắn đang kêu gọi những ai cần thiết để phục vụ Giáo hội. Vì thế chúng ta cần cầu nguyện cho những người vốn đang được kêu gọi sẽ trả lời lời mời gọi của Chúa Giêsu.

 

Cầu nguyện cho người khác

Đồng thời, trong khi chúng ta nhiệt thành cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và đời sống tu trì và quảng đại đóng góp cho các chủng viện, dòng tu, có một nguy cơ thực sự là chúng ta chỉ cầu nguyện cho ơn gọi của người khác, cho các bậc cha mẹ khác quảng đại cho phép con cái của họ vào chủng viện hoặc tu viện. 

Không chỉ nhu thế, Chúa nhật Ơn gọi là dành cho tất cả chúng ta ở đây. Mỗi người cần suy ngẫm về lời kêu gọi cụ thể của mình là gì và tôi có thể đáp lại lời kêu gọi đó như thế nào vì sự tốt lành của toàn thể cộng đoàn giáo xứ. Thứ hai, tôi cần giúp đỡ và không trở thành chướng ngại vật đối với người khác trong việc đáp lại lời kêu gọi hoặc ân huệ cụ thể mà Thiên Chúa đang ban cho họ qua Thánh Thần của Ngài. 

Đôi khi chúng ta nói về một “cuộc khủng hoảng ơn gọi”. Thực ra, theo nghĩa là mọi người đều được Thiên Chúa mời gọi, đều có ơn gọi, thì không có cuộc khủng hoảng nào về ơn gọi. Nếu có thì đó là một cuộc khủng hoảng quá nhiều người không nhận thức được ơn gọi của mình hoặc nếu nhận thức được, thì họ không đáp ứng với ơn gọi đó. Hôm nay, chúng ta hãy cầu nguyện cho mỗi người chúng ta ở đây được nhạy bén với sự hướng dẫn của Thánh Thần trong cuộc sống của chúng ta và chúng ta có thể quảng đại đáp lại những lời kêu gọi mà Ngài đang kêu gọi chúng ta.

Nếu tất cả chúng ta đều tích cực hưởng ứng lời kêu gọi đó thì chúng ta sẽ là một cộng đoàn tuyệt vời như Cẩm Nang Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tính Hiệp Hành đề cập: 

Toàn thể Dân Chúa qua Bí tích Rửa tội chia sẻ cùng một phẩm giá và ơn gọi. Nhờ Bí tích Rửa tội, tất cả chúng ta đều được mời gọi tham gia tích cực vào đời sống của Hội thánh. Trong các giáo xứ, các cộng đồng Kitô hữu nhỏ, các phong trào giáo dân, các cộng đoàn tu trì, và các hình thức hiệp thông khác, nam nữ, trẻ già, tất cả chúng ta được mời gọi lắng nghe nhau để nhận ra sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, Ngài đến để hướng dẫn những nỗ lực nhân loại của chúng ta, thổi sinh khí vào Hội thánh và dẫn chúng ta vào sự hiệp thông sâu xa hơn cho sứ mạng của chúng ta trong thế giới. Khi Hội thánh dấn bước trên con đường hiệp hành này, chúng ta phải cố gắng đi sâu vào kinh nghiệm thực sự lắng nghe và biện phân, trên bước đường trở thành Hội thánh mà Thiên Chúa kêu gọi chúng ta trở thành.” [1]

Phêrô Phạm Văn Trung.

[1] Cẩm Nang Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tính Hiệp Hành,  1. Giới thiệu,  1.2 Hiệp hành là gì? Bối cảnh cho Thượng Hội đồng này.

 https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/cam-nang-cho-thuong-hoi-dong-giam-muc-ve-tinh-hiep-hanh-42941

Chia sẻ Bài này:

Related posts