“để ghi cho hậu thế phút mơ màng”
(dẫn từ thơ Vũ Hoàng Chương)
Lc 9: 18-24
Phút mơ màng Lời Chúa dạy, nay thánh sử đà ghi chú. Ghi rất nhiều về cuộc sống của đấng thánh mà mọi người trân trọng, như trình thuật kể.
Trình thuật, nay thánh Luca kể về việc Chúa khen ngợi thánh Gioan Tiền Hô say mê lập cuộc sống ở sa mạc, đầy khắc kỷ. Sống khắc kỷ một đời người, thánh Gioan lại đã thiết lập Nước Trời như Chúa muốn. Trình thuật điều Chúa muốn, nay tỏ rõ về thánh-nhân thân thương, của cộngđoàn.
Cộng Đoàn Nước Trời, là đề tài được tác giả Josephus tóm gọn ý tưởng về đấng thánh Tiền Hô như người thời đó vẫn quan niệm. Quan niệm của chúng dân thời buổi đó, lạiđã cho rằng: thánh Gioan Tiền Hô là bậc vĩ-nhân luôn khích-lệ dân-con người Do thái hãy phụng thờ Thiên Chúa và sống đời bác ái với anh em. Thánh-nhân lại cũng mời mọi người hãy nhận-lãnh ơn thanh-tẩy nơi giòng chảy Giođan. Tuy là thế,tác-giả lại không nói gì về ngày sinh hoặc chi tiết về gia-đình giòng-họ của thánh Gioan.
Thánh Máccô thì khác, thánh-sử đã thêm đôi điều và bảo: Thánh Gioan là bậc lành-thánh khắc-kỷ đáng kính nể. Ngài là người của sa-mạc. Là, đấng thánh sống đời khổ-hạnh nên đã lôi kéo được nhiều người về lối sống nhiệm-nhặt như ngài chủ trương. Thánh Máccô gọi thánh Gioan là ngôn-sứ đạo hạnh từng vắng bóng nơi lịch sử hằng thế kỷ. Thánh-nhân vẫn là sứ-giả mang thông-điệp gửi đến dân con Do-thái chưa từng biết từ ngày lưu-lạc trở về. Trên hết mọi sự, đấng thánh Tiền Hô đã dấn thân đi trước Chúa, hầu loan báo: “Nước Trời đã cận kề”. Và cũng thế, thánh Máccô lại cũng không nói gì về nguồn-gốc, giòng-tộc cũng như thuở ấu-thời của thánh Gioan Tiền-Hô/Thanh-tẩy đầy gương sống.
Tác giả Tin Mừng thứ tư là thánh Gioan Tông đồ, cũng chỉ đặt chỗ đứng khá hạn-hẹp cho đấng thánh Tiền Hô, thôi. Ở Tin Mừng thứ tư, đấng thánh Tiền-hô xuất hiện như đấng bậc tiên-phong chăm lo thanh tẩy cho mọi người. Và thánh-nhân, là chứng-tá đầu đời dám tuyên-xưng Đức Kitô là Đấng Cứu Thế mọi người chờ trông. Và, thánh Gioan Tiền Hô nhận mình không là Đấng Mêsia, cũng chẳng là ngôn-sứ giống như tổ-phụ Môsê mà mọi người chờ mong. Tin Mừng thánh Gioan, cũng không đề cập đến gốc-gác và/hoặc thuở thiếu-thời của đấng thánh Tiên Hô và Thày mình, nữa.
Với thánh Mátthêu, đấng thánh Tiền Hô có chỗ đứng rất trang-trọng ở Tin Mừng. Tựa hồ như Đức Giêsu, thánh Gioan Tiền Hô mang đến cho mọi người một sứ điệp quan trọng: “Nước Trời đã gần kề”, nên: hãy thay đổi tầm nhìn về thế-giới và lối sống cá-nhân, và hãy sống cuộc đời đáng sống để nở mày nở mặt trong hoàn cảnh lịch sử mình đang sống.
Ở Tin Mừng thánh Mátthêu ghi, đấng thánh Tiền Hô chừng như chỉ tập trung mỗi sự việc Chúa sẽ trừng-phạt và trả-đũa về chính con người Ngài. Với thánh Mátthêu, thánh Gioan Tiền Hô tựa hồ đấng thánh giảng rao thuyết pháp về Tin Vui trong Đạo cũng đầy đặn chất giọng và tiếng hô. Thánh sử Mátthêu ghi rằng: chúng dân bình thường đã chấp nhận Chúa, duy mỗi đám Biệt Phái và bè Sađuxê lại vẫn nói không. Và, thánh Mátthêu đã đặt để nơi Chúa lời khen thánh Gioan Tiền Hô cao cả hơn bất cứ ai trong nhân lọai. Về gốc nguồn tiểu sử thánh Gioan Tiền Hô, thánh sử Mátthêu cũng không đặt nặng.
Riêng thánh-sử Luca lại coi đấng thánh Tiền Hô như đấng bậc thuộc chế độ xưa cũ, là cầu nối cho hệ-thống rất mới của Đạo Chúa. Và, ông là người đầu tiên nói về cội nguồn của Đức Giêsu xuất tự Thiên Chúa. Tin Mừng thánh Luca diễn tả sứ-điệp mới từ thánh Gioan: hãy san sẻ của ăn/thức uống cho người thiếu thốn. Chớ thu-thập thái quá những gì mình chỉ đáng hưởng. Chớ chèn ép/thống trị mọi người, nhưng hãy hài lòng với những gì mình đang có bằng thu nhập mình nhận lãnh. Và, hãy nhận ơn thanh tẩy tại giòng chảy Giođan, để trở thành dân con Đức Chúa.
Trong khi đó, sứ-điệp Chúa trao ban còn cao cả vượt quá đất nước Do thái. Sứ điệp này,được thánh Luca tóm tắt trong dụ-ngôn người Samaritanô nhân-hiền và truyện kể về người con hoang phá tán của cải của bậc cha ông. Tất cả cốt để nói trước về cuộc thanh lọc cả hoàn-vũ với mọi người, chứ không chỉ mỗi thanh tẩy bằng nước trên sông Giođan. Thanh Tẩy Chúa muốn nói, là thanh lọc bằng Thần Khí Chúa, Đấng ngự đến từ lễ Ngũ Tuần và còn tiếp tục mãi sau này.
Nhiều người vẫn cứ hiểu việc thánh Gioan Tiền Hô họat-động thanh tẩy giống như sinh hoạt phụng vụ ở nhà thờ. Nhưng không phải thế. Thật sự thì, thánh Gioan Tiền Hô tụ họp mọi người từ nơi xa xôi đến với ông, để đưa họ vào giòng chảy Giođan đầm mình ở đó trong chốc lát rồi lội nước băng sông cuối cùng sẽ đặt chân lên đất lành đã hứa và đòi quyền làm chủ như Chúa hứa ban. Đất hứa ban, nay bị Đế quốc chiếm hữu và lũng đoạn. Thế nên, công việc của thánh Gioan Tiền Hô là giúp mọi người đòi lại quyền của người Do-thái làm chủ miền đất Chúa hứa, tức: một động-thái chính-trị quyết chống-trả mọi bức-ép từ phía Đế-quốc. Thánh Gioan Tiền Hô là người của quần chúng. Ông cũng là đấng thánh thiết-lập các nghi-thức mang ý-nghĩa chính-trị khá nhức nhối đối với mọi người.
Thánh Luca lại cũng kể cho ta biết lập-trường/quan-niệm và sự ra đời của thánh Gioan Tiền Hô. Một phần truyện kể, lại cũng nói đến Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa đã ghé thăm người chị họ là bà Êlizabét than mẫu của thánh Gioan và cùng hát lên lời ‘Xin Vâng’, rất cảm tạ. Có điều lạ, là: chừng như hai bà mẹ đều đồng thanh hát lên lời ca ý-nhị ấy. Cũng có thể, cả thánh Gioan nữa lại đã hiệp-thông hát xướng cũng như thế, trong bụng mẹ.
Thánh Luca cũng hàm-ẩn cung-cách ‘chính trị của người Đạo Chúa và người theo Do-thái giáo’đúng qui-cách trong lời ca do thánh-nhân đặt nơi miệng Đức Mẹ, lúc Mẹ thai nghén cưu-mang Ngài. Mẹ đã cùng với Con của Mẹ đi vào chính-trị của Thiên-Chúa mà ta gọi là bài ca ‘Xin Vâng’ qua đó Mẹ hiên ngang hát: “Thiên Chúa sẽ làm rất nhiều việc qua Con Một Ngài, là Đức Giêsu. Đó chính là thánh ý của Ngài, nay diễn tả với con người.
Lời ca ‘Xin Vâng’ do Mẹ hát, rõ ràng mang nặng tính-chất xúc-tác, đại để như:
“Ngài làm tiêu tán lũ kiêu căng,
Hạ kẻ quyền-năng khỏi ngôi báu,
Suy tôn người khiêm nhượng.
Đói khó, Người cho no phỉ sự lành,
giàu sang Người xua đuổi về không.” (Lc 1: 49-53)
Xem như thế,việc đó không mang ý-nghĩa của sự sùng kính/sốt sắng, nhưng là ngòi nổ chính trị. Bởi lẽ, vấn đề của mọi thời vẫn là: tính kiêu căng/ngạo mạn; kẻ có quyền vẫn cứ xử không công bằng, luôn chèn ép người khiêm tốn, đói nghèo. Người giàu vẫn làm giàu trên xương máu kẻ khác… Chủ đề này vẫn xuyên suốt ở Tin Mừng thánh Luca nơi chương đoạn mà ta gọi là truyện kể về thời ấu thơ của Chúa. Đó không là văn chương cho trẻ nhỏ. Đó chính là đường lối chính trị của người lớn khôn.
Có lẽ, mọi người cũng nên tìm hiểu các vấn đề như thế, cả khi mình không tổ chức lễ Giáng sinh đình đám rất phàm tục. Ta không thể đưa Chúa vào với lễ này đến khi nào ta đem chính trị của tín-hữu trưởng thành vào với cảnh-trí của thế giới. Tiệc Thánh ta dự, phải là lời tuyên xưng gửi giới cầm quyền buộc họ thực-thi trao trả mọi của cải trên thế giới cho mọi người sống ở đó. Và, khi phân phối của cải của họ, giới cầm quyền phải đặt ưu-tiên phát không cho người bị bỏ quên bên rìa xã hội và kẻ đói khát. Chính-trị đúng-đắn phải là ‘chính trị’ dành để của cải trên thế giới cho hết mọi người, không thiên vị ai. Bởi, thế giới hôm nay và mọi thời, vẫn là thế giới của cộng-đồng dân chúng đang sống đúng ý-nghĩa giađình, cộng đoàn.
Trong tâm tình cương-quyết như thế, ta hãy cất lên lời lẽ rất thi-ca, mà rằng:
“Kìa một cõi trăm hình muôn vạn tiếng,
Đương dần phai dần hiện tắt rời vang.
Ta cố gọi những giác quan lười biếng,
Để ghi cho hậu thế phút mơ màng.”
(Vũ Hoàng Chương – Chết Nửa Vời)
Hậu thế nay, tuy đã chết nửa vời, nhưng vẫn còn nhớ và còn ghi lại phút mơ màng khi nhìn về cuộc sống của thánh-nhân từng lên tiếng mời gọi mọi người quan-tâm đến Nước Trời. Tiếng của ngài vẫn cứ vang vọng trong sa-mạc chờ người đến với Chúa, để thở than. Thở và than, không chỉ mỗi chuyện buồn chán, mà cả chuyện dân gian, thường nhật cõi thế trần, rất tươi vui.
Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh
Mai Tá lược dịch