Một giọt máu đào hơn ao nước lã !
Ông bà thường ví như thế để con người biết máu quý là dường nào. Chỉ cần 1 giọt thôi nhưng lại là hơn cả một ao nước nữa. Máu là như vậy và máu rất quý cũng như cần thiết để nuôi cơ thể con người.
Một người nào đó thiếu máu thì bằng cách này hay cách khác tìm cách bổ sung máu cho cơ thể. Hoặc nếu rơi vào tình trạng thiếu máu trầm trọng thì phải truyền máu. Truyền máu không phải đơn giản bởi lẽ phải truyền không chỉ là máu sạch nhưng còn đúng nhóm máu thì máu đó mới đáp ứng được nhu cầu của cơ thể bệnh nhân đó.
Máu quý như vậy nên nghĩ đến máu, người ta nghĩ đến điều gì đó là quý, là thiêng liêng.
Xem những phim trong đó có cái bang này cái bang kia, nhóm này nhóm kia ta thấy họ thường kết nghĩa anh em bằng việc “cắt máu ăn thề”. Anh em kết nghĩa hay huynh đệ kết nghĩa hay còn gọi là An Đáp là những người (thường là đàn ông) gồm hai hay nhiều hơn tuy không có quan hệ anh em máu mũ, họ hàng nhưng có quan hệ mật thiết, thân tình với nhau như những người anh em thật sự bằng những lời tuyên thệ kết nghĩa với nhau. Trong những buổi lễ, có thể có các nghi thức như cắt máu ăn thề, vái trời đất hoặc trao các tín vật làm tinh. Đặc biệt là nghi lễ cắt máu ăn thề để chứng tỏ một lời thề máu, máu của mỗi người được trộn lẫn vào nhau, có thể rỏ vào rượu để uống.
Trong Tam Quốc diễn nghĩa có ba anh em kết nghĩa là Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi kết nghĩa tại vườn đào với lời thề: Tuy không sinh cùng ngày cùng tháng nhưng nguyện chết cùng tháng cùng ngày. Tình cảm của ba vị anh em kết nghĩa này được miêu tả son sắt trong suốt tác phẩm.
Đó là ngoài đời, trong Thánh Kinh, ta thấy máu được nói đến rất nhiều trong nhiều trình thuật.
Ở sách Sáng Thế, sau lụt hồng thủy, Ông Nô-ê dựng một bàn thờ để kính Đức Chúa. Ông đã lấy một số trong các gia súc thanh sạch và các loài chim thanh sạch mà dâng làm lễ toàn thiêu trên bàn thờ. Đức Chúa ngửi mùi thơm ngon, và Đức Chúa tự nhủ: “Ta sẽ không bao giờ nguyền rủa đất đai vì con người nữa. Lòng con người toan tính điều xấu từ khi còn trẻ, nhưng Ta sẽ không bao giờ còn sát hại mọi sinh vật như Ta đã làm!
Ở đoạn khác trong sách Xuất Hành thì Đức Chúa hướng dẫn Môsê : “Ngươi sẽ dắt con bò đến trước Lều Hội Ngộ. A-ha-ron và các con ông sẽ đặt tay lên đầu con bò. Ngươi sẽ sát tế con bò đó trước nhan Đức Chúa, ở cửa Lều Hội Ngộ. Ngươi sẽ lấy máu con bò, dùng ngón tay mà bôi vào các góc bàn thờ, và đổ tất cả máu còn lại xuống trên bàn thờ. Ngươi sẽ lấy tất cả lớp mỡ bọc ngoài bộ lòng, cả khối mỡ trên gan, hai trái cật với lớp mỡ dính ngoài, mà đốt cho cháy nghi ngút trên bàn thờ. Nhưng thịt, da và phân bò, thì ngươi sẽ bỏ vào lửa mà thiêu ở ngoài trại: đó là lễ tạ tội.
Ngươi sẽ bắt một trong hai con cừu đực. A-ha-ron và các con ông sẽ đặt tay lên đầu nó. Ngươi sẽ sát tế con cừu đó, lấy máu rảy chung quanh bàn thờ. Ngươi sẽ chặt nó ra làm tư, rửa bộ lòng và cẳng, rồi đặt lên bốn phần thịt và đầu con vật. Sau đó, ngươi sẽ đốt trên bàn thờ tất cả con cừu cho cháy nghi ngút. Đó là lễ toàn thiêu dâng lên Đức Chúa, hương thơm làm đẹp lòng Người, đó là lễ hoả tế dâng Đức Chúa.
Và, có lẽ nói đỉnh điểm thời Cựu Ước đó chính là giao ước được ký kết bằng một nghi lễ : ông Môsê lấy máu các con vật hy sinh đổ một nửa lên bàn thờ (tượng trưng cho Thiên Chúa), còn một nửa ông rảy trên dân chúng. Hành động này có ý nói rằng từ nay Thiên Chúa và dân liên kết chặt chẽ với nhau như những người cùng chung một dòng máu, chung một gia đình, chung một vận mệnh.
Thiên Chúa không dừng ở đó mà Thiên Chúa lại còn đi xa hơn, đi sâu hơn một bước nữa đó là Thiên Chúa đã không dùng máu của con bò con dê để ký kết giao ước với con người. Thiên Chúa đã dùng chính Máu của Con Một của Ngài để ký kết Giao Ước với dân.
Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ như trang Tin Mừng theo Thánh Luca :
“Đoạn cầm lấy bánh và tạ ơn,
Ngài bẻ ra và ban cho họ mà rằng :
“Này là Mình Ta phải thí ban vì các ngươi ;
hãy làm sự này mà nhớ đến Ta”.
Và chén sau bữa ăn, cũng như vậy, mà rằng :
“Chén này là Giao Ước Mới trong Máu Ta,
phải đổ ra vì các ngươi” (Lc 22,19-20)
Máu đã đổ ! Thân đã tàn ! Đổ, tàn đó để cho con người được sống và sống dồi dào.
Mầu nhiệm Tình Yêu, Bí Tích Tình Yêu, Máu Tình Yêu đã đổ để cứu độ con người. Máu đó đã để lại nguồn sống cho con người để rồi những ai đến, kín múc nguồn sống đó lại lan tỏa Tình Yêu Giêsu cho anh chị em đồng loại.
Chắc có lẽ không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu mang tên Giêsu. Và cũng chẳng có gì có thể so sánh được tình yêu Giêsu : Chết vì yêu.
Các môn đệ là những chứng nhân xác tín về những điều này, đặc biệt là Thánh Phaolô :
“Vì chưng chính tôi đã chịu lấy nơi Chúa
điều tôi truyền lại cho anh em. Là :
Chúa Giêsu trong đêm Ngài bị nộp,
Ngài đã cầm lấy bánh và tạ ơn xong,
Ngài đã bẻ ra và nói :
“Này là Mình Ta vì các ngươi,
hãy làm sự này mà nhớ đến Ta”.
Cũng vậy về chén,
sau khi dùng bữa tối xong, Ngài nói :
“Chén này là Giao Ước Mới trong Máu Ta,
các ngươi hãy làm sự này mỗi khi uống, mà nhớ đến Ta”.
Vì mỗi lần anh em ăn bánh ấy và uống chén ấy,
anh em loan báo sự chết của Chúa,
cho tới lúc Ngài đến” (1 Cr 11,23-26)
Mỗi ngày ta được mời gọi đến để kín múc Bí Tích Tình Yêu, Bánh Hằng Sống nhưng thái độ đáp trả của ta thế nào ? Hay là ta có đến để rước Chúa đó nhưng ta có để Chúa biến đổi đời ta, Chúa thánh hóa đời ta hay không ? Hay chỉ là đi rước Chúa theo thủ tục, theo thói quen.
Bánh Hằng Sống vẫn chờ đời ta, vẫn mời gọi ta đến lãnh nhận.
Mỗi một lần chúng ta tham dự Thánh Lễ là mỗi một lần chúng ta được rước chính Mình và Máu Chúa Giêsu vào trong đời ta. Xin Chúa Giêsu Thánh Thể đến và ở lại trong lòng ta, điều khiển tâm hồn ta, điều khiển môi miệng ta để ta sống, chia sẻ Tình Yêu như Giêsu đã sống.
Lm. Anmai, C.Ss.R.